Wednesday, March 29, 2023

Người Việt và lối tư duy theo mặt bằng

Bạn vừa cất một căn nhà. Nếu bạn thổ lộ với người Mỹ, người Mỹ sẽ hỏi bạn đã xoay sở với chi phí, các khoản vay, thậm chí tiền bảo hiểm của ngôi nhà ra sao. Trong khi đó, một người Nhật sẽ quan tâm liệu ngôi nhà có ở trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai hay không, kết cấu rung lắc đến đâu. Người Ý sẽ tò mò về việc bạn chọn nội thất trang hoàng theo phong cách nào, trong nhà có bao nhiêu món đồ cổ. Người Ba Tư sẽ gợi ý nền nhà được trải bằng loại thảm gì, màn cửa sổ nên treo chọn màu và hoạ tiết gì. Người Pháp sẽ muốn biết kiến trúc sư thiết kế xuất thân từ đâu, anh ta thích loại rượu vang nào. Trong khi đó, người Trung Quốc thì sẽ dò hỏi xem hàng xóm của bạn có phải là người Hoa hay không và khoảng cách từ Chinatown đến nhà bạn bao xa…


image

Người Việt Nam tư duy ngôi nhà theo mét vuông, tức, mặt bằng sử dụng. Điều này không phải nguyên do từ sự yếu kém về bộ môn hình học không gian. Tư duy được hình thành từ quá trình văn hoá, văn minh, lịch sử. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của chiến tranh. Ngàn năm binh lửa ngoại xâm, nội chiến đã cho người Việt sự nhận thức cao về lãnh thổ, đất đai, là thứ không thể nhượng bộ cho giặc – “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “một tấc không đi một ly không rời”. Trong nền văn minh nông nghiệp, đất đai cũng là tư liệu sản xuất, đảm bảo đời sống, đem lại sự ấm no đủ đầy, cho nên, tấc đất tấc vàng.Rất dễ cho bạn nếu người đối diện là dân Việt Nam. Vì bạn chỉ cần nhớ chính xác diện tích sử dụng của căn nhà là đủ.

Có lẽ tư duy theo mét vuông tiếp tục là nếp nghĩ trong thời hiện đại. Đặc biệt trong quá trình đô thị hoá, bất động sản trở thành một thị trường đầy sôi động càng khiến người ta quá bận tâm xử lý mặt bằng nhưng lại thiếu những chăm chút cho giá trị tinh thần. Nói như TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, là đặt sai hệ quy chiếu lợi ích: “Lợi ích địa ốc cao nhất không phải lúc nào cũng chỉ đạt được nhờ vào tư duy mét vuông (thiên về số lượng mét vuông) như người ta thường lầm tưởng, mà còn có thể nhờ vào tư duy giá trị sống (thiên về “chất lượng” mét vuông).

Với tư duy mét vuông, nhà đầu tư thường hy sinh bớt các chỉ tiêu về chất lượng sống, như thu hẹp diện tích cây xanh, xây dựng quá dày đặc làm giảm sự riêng tư vì căn hộ thường bị các căn hộ khác nhìn thẳng vào và giảm sự yên tĩnh do tác nhân ồn và sự chung đụng với các hộ lân cận gia tăng. Người ta thường không thấy rằng công trình thấp tầng và mật độ xây dựng thấp mới là cao cấp nhất, chứ không phải công trình cao tầng”. Từ đây, có thể thấy được nguyên nhân sâu xa của việc đánh mất bản sắc đô thị đang diễn ra tại Hà Nội, TP.HCM.

image

Nhà ống phố cổ liệu có phải là kết quả của lối tư duy theo mặt bằng ?

Tư duy mét vuông cũng tạo ra những “biến chứng” khó chịu trong lối ứng xử với không gian sống của người dân, nó ít nhiều khống chế đời sống văn minh ở. Ý thức công năng sử dụng (chứ không phải sở hữu) đã làm suy giảm sự gắn bó cội rễ giữa con người với không gian sống nói riêng và hồn vía đất đai nói chung. Mặt khác, sự cắt rời không gian sử dụng ngôi nhà với không gian công cộng đã làm nảy sinh tâm lý thực dụng trong ứng xử văn hoá công cộng. Người Việt xem không gian công cộng là thứ “cha chung không ai khóc” nên khi cần thì lấn chiếm, lúc không cần thì tha hồ gây ô nhiễm bằng các hình thức khác nhau.

Một trong những điều nữa thể hiện tư duy mặt bằng đó chính là sự thiếu quan tâm đến những thiết kế đa dạng về không gian sống trong chính ngôi nhà mà chỉ quan tâm đến độ rộng, hẹp. Để là gì? Tôi tình cờ tìm thấy phần gợi ý cho câu trả lời trên ở phần Góp ý cho cuốn Văn minh vật chất của người Việt (Phan Cẩm Thượng, NXB Tri thức 2011), hoạ sĩ Phan Bảo, một trong những nhà nghiên cứu am hiểu về đời sống vật chất của người Việt ở đồng bằng sông Mã, vùng đất có nhiều di chỉ văn hoá cội nguồn người Việt cổ: “Ở xứ Việt ta, nhà cửa chỉ có một công năng: là nơi trú ngụ nói chung. Nhà ở có thể làm đình chùa, đền tạ và đình chùa đền tạ cũng có thể làm nhà ở về mặt kiến trúc (trừ hai món nhập khẩu là tháp và nhà thờ Thiên Chúa giáo). Hàng nghìn năm đi học đi thi mà cái nhà trường cũng chỉ là cái nhà ở ngã cửa ván ra hoặc trải chiếu nằm xuống mà viết. Có lẽ chỉ có kẻ sĩ Việt Nam là nằm bò toài ra mà viết, mà học, xong rồi có thể lăn quay ra ngủ luôn (xem Lều chõng của Ngô Tất Tố). Nhà Nho ta ư? Ăn cơm, viết sách, nghe hát và ngủ với cô đầu chỉ loanh quanh trên một chiếc chiếu. Vậy ở đâu trải chiếu thì ở đấy có đủ mọi chuyện. Vào chùa lấy chiếu chùa ra ta ngồi. Vậy cái nhà Việt Nam thật tối giản: trên có mái, dưới có nền (trong Nam bộ lại còn không có cả nền cao, nền nhà, nền sân, nền đường, nền vườn bằng nhau), chung quanh để trống, chỉ có mùa rét mới lấy liếp che lại, ở giữa trải chiếu, thế là xong. Nhà to hơn tức là nhà dài hơn vì chắp thêm gian (quy chế chính: 1 gian, 2 gian, 3 gian,… 11 gian, 13 gian là cung vua phủ chúa rồi). Tại sao ông tiến sĩ lại ngồi ghế chéo (Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh choẹ – thơ Nguyễn Khuyến)? Bởi vì ghế ấy cũng chỉ là tạ thôi, ông tiến sĩ về nhà với cha mẹ thì ngồi chiếu trải lên đất, lên công đường thì ngồi chiếu trải lên sạp, vua cũng thế thôi (vua Lê Cảnh Hưng bảo Nguyễn Huệ ngồi ghé lên sạp với mình – xem Hoàng Lê nhất thống chí). Vì thế, xem kiến trúc Việt Nam có gì mới lạ không thì xem chạm chắc ở mấy chỗ kẻ bẩy, tức bàn tay có nóc mái vậy. Có điều, ngói của đền miếu rất to nặng, đó là do ý muốn chống gió bão lật mái đấy. Nhà trống tha hồ cho gió lùa. Cơn bão năm 1905 ở Huế lật cả cầu Tràng Tiền mới làm xuống sông mà Ngọ Môn vẫn y nguyên chẳng sao cả.

Theo tôi, nghệ thuật kiến trúc không phải là nghệ thuật chạm khắc hay sơn vẽ. Và ta nên tách các món này ra.

Nhà sàn chẳng qua chỉ là một ngôi nhà có cái đặc biệt hơn mà thôi, Nó cũng là nhà tầng. Nhà cửa Việt Nam chuộng bóng tối là vì người ta chẳng cần ánh sáng nhiều làm gì. Phải chăng cần nhìn rõ các tượng Phật Thánh? Muốn đọc sách thì ra ngoài hiên rồi. Ngày nay có nhiều nhà hiện đại cao to (nhà dân dụng) nhưng cũng chẳng để làm gì ngoài chuyện đi ngủ, vậy nhà cửa đóng im ỉm suốt ngày có khách thì mời đi quán. Các ông hoạ sĩ mới đòi nhà sáng sủa thôi. Nhà dân nông thôn Việt Nam ta rất cần cái sân trước cửa, không phải chỉ để phơi phóng các thứ mà tiện dụng hàng ngày. Uống rượu buổi chiều ư? Trải chiếu ngoài sân. Nhà có đám ư? Dựng rạp ngoài sân. Do đó, sân này phải khô cứng và trống thoáng. Điều đó dẫn đến kết cấu nhà có hiên bè rất rộng, mỗi kẻ bẩy ra một khoảng kẻ nữa tức hè tính từ cột con ra rộng hơn 2m.

Công năng sử dụng nhà đơn giản, cho nên kiến trúc tối giản và đơn điệu. Trong kho tàng thành ngữ để chỉ người giàu kẻ nghèo trong xã hội đã có thấp thoáng cái tư duy về kiến trúc: gia cảnh nghèo thì gọi là “nhà ổ chuột”, “nhà rách vách nát”, “nhà xiêu vách đổ”, “nhà dột cột xiêu”, “nhà tranh đố sậy”, còn để chỉ những kẻ giàu có trong xã hội, thì: “kín cổng cao tường”, “nhà cao cửa rộng”, “nhà vàng gác tía”… Và vẫn với tư duy trọng về chất liệu và mặt bằng đó, người Việt mở rộng cách nói về những không gian sống rộng hơn ngôi nhà như sau: thường dùng thành ngữ “màn trời chiếu đất” để chỉ cảnh tiêu điều khốn khổ sau những trận thiên tai, địch hoạ, hay “nhà ngang dãy dọc” để chỉ sự giàu có của một cơ nghiệp hoặc sự khá giả sầm uất của một khu dân cư.

Còn đây, năm 1931, ông Phan Khôi phê phán về cái văn minh “kinh hoạch” phố phường trên báo Đông Tây (số 114): “Nhà cửa phố xá, cái thì lồi ra, cái thì lõm vào, chủ nó mỗi người cất theo mỗi ý riêng mình, không buộc phải đúng quy củ nào hết”.

Trong quá khứ của người Việt, mọi sự phấn đấu trong đời sống kinh tế dường như chỉ tập trung để đạt tới một mục tiêu – được sử dụng một ngôi nhà to, bề thế hơn là những giá trị sống thuộc về môi trường, văn hoá liên quan. Bàn tay của kiến trúc sư có lẽ chỉ có giá trị trong vài năm gần đây, khi đất chật người đông, làn sóng nhập cư vào đô thị ồ ạt, quá trình đô thị hoá nhanh chóng làm cho cơ hội ở rộng với nhiều người không còn, thay vào đó là những xoay sở giải pháp ở gọn. Mặt khác, truyền thông đã giúp người dân mở mang cái nhìn, tiếp thu văn hoá hưởng thụ, trình độ và nhận thức về chất lượng sống đã có những thay đổi lớn. Người ta nhận ra ngôi nhà không phải chỉ để đơn giản là trú mưa trú nắng hay… ngủ, mà còn để góp phần làm đẹp mỹ quan chung, bản thân nó phải là một không gian khoa học, đáp ứng những nhu cầu công năng và thụ hưởng những giá trị tinh thần, văn minh.

Nhưng còn lâu mới xoá bỏ được sạch cái dấu ấn tư duy mặt bằng, khi mà hiện nay, do sự chắp vá, bất nhất và thiếu đồng bộ về quy hoạch. Cho đến nay, tiêu chí đánh giá của Nhà nước về việc nhận diện không gian ở của người dân vẫn theo tư duy mét vuông. Một báo cáo gần đây của cơ quan chức năng, tại Việt Nam, nơi đô thị vẫn còn tồn tại nhiều hộ gia đình nghèo xoay xở sống trong những “ngôi nhà” chỉ 3m2, tiêu chuẩn còn thấp hơn ngưỡng chuẩn tối thiểu của điều kiện để xét, xếp vào diện vô gia cư trong thời bao cấp là < 5m2. Báo cáo trên cũng cho hay, trên lý thuyết thì từ năm 2.000 Nhà nước đã nâng chuẩn lên 6 – 8m2 thì được cấp nhà ở xã hội.

Theo tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam được tổng cục Thống kê công bố vào tháng 12.2009 thì trung bình diện tích nhà ở của mỗi người Việt Nam là 18,6m2. Cũng theo đợt điều tra này, thì tại Việt Nam cứ 2.000 hộ sẽ có một hộ không có nhà ở. Hộ không có nhà ở được định nghĩa là không có chỗ ở, hoặc không đáp ứng được 1 trong 3 điều kiện: có diện tích sàn tối thiểu 4m2; tường cao ít nhất 2m; có cấu trúc riêng biệt và độc lập. Trong các hộ có nhà ở, thì số hộ có nhà kiên cố chiếm 47%; nhà bán kiên cố chiếm 37,8%; nhà thiếu kiên cố chiếm 7,8%; và nhà đơn sơ chiếm 7,4%.

Mức độ tin cậy vào những con số thì còn tuỳ vào sự lạc quan hay bi quan của từng người tiếp nhận. Song cuộc điều tra trên cho thấy ngay cả trong tiêu chuẩn đánh giá nhà ở của một cơ quan chức năng, thì khái niệm chất lượng sống của một không gian ở mang lại cho con người chỉ có thể dừng lại ở mức độ “an toàn” (kiên cố) hay thiếu an toàn (không kiên cố, đơn sơ). Có thể tiêu chí trên phù hợp với một đất nước phát triển chậm, dân số tăng nhanh nên việc đảm bảo đời sống tối thiểu của người dân (chỗ ở) còn nhiều “tồn tại” nói chi đến chất lượng sống, sự hưởng thụ giá trị sống trong công trình nhà ở.

Tư duy mét vuông còn là một thứ hệ luỵ lịch sử. Điều đáng nói, là nó tác động không nhỏ đến tư duy quy hoạch đô thị. Sự hiện đại hoá bừa bãi, sự nao núng trong những chiến lược vươn cao vì mục tiêu công năng, mở rộng mặt bằng sử dụng theo cao độ đang giết chết những môi trường hài hoà và bản sắc đô thị và mỹ quan. Đa số các công trình kiến trúc gần đây lại lấy nguồn cảm hứng không từ xu hướng kiến trúc nhạy cảm với công nghệ mới, bền vững và quan tâm đến môi trường, lợi ích xã hội mà lại chọn lựa xu hướng lợi ích thương mại.

“Một cái lẩu kiến trúc” – KTS Olivier Souquet đã nói như thế về kiến trúc TP.HCM trên tạp chí Kiến trúc số 203, 3.2012. Ông viết: “Xu hướng thương mại: hoàn toàn tuỳ thuộc vào thị trường bất động sản vốn dĩ không ổn định, chỉ có thể làm ra những bản sao, nếu không theo mô típ “tân thuộc địa” thì là “tân phong cách Victoria”, pha một chút phong cách Á châu (mà cũng chưa chắc là đến từ châu Á). Tiêu biểu là những kiến trúc phong cách Singapore với các thứ cột Corinthe Hy Lạp, chẳng khác gì một cái lẩu kiến trúc và cũng chẳng nói lên được ý đồ là cái gì”.

Bao lâu thì người Việt sẽ quan tâm đến ngôi nhà của bạn theo hướng “ý đồ là cái gì”? Bao giờ thì người Việt hết tư duy không gian sống theo mặt bằng? Có lẽ sẽ không bao giờ. Vì người ta không chỉ có thể chắp vá và sửa chữa, không thể dọn sạch để làm lại. Quy hoạch kiến trúc rất khác với cách người ta thiết kế mỹ thuật cho một cái bánh kem.

Ngày nay, một đất nước thu nhập đầu người còn thuộc hạng thấp lại có những thành phố trung tâm được xếp vào hàng những đô thị đặc biệt có giá bất động sản cao bậc nhất trên thế giới là điều chưa hẳn là vui. Một thị dân thu nhập trung bình khó có thể nghĩ đến chuyện sở hữu một không gian sống tử tế trong thành phố mà họ gắn bó và cống hiến. Và đây là biểu hiện của một thứ “tư duy mặt bằng” mới: trong những câu chuyện, người ta vẫn dùng cụm từ “chỗ chui ra chui vào” để chỉ ngôi nhà.

Nguyễn Vĩnh Nguyên – Theo SGTT

Viettel Cloud: Giành lại thị phần từ những 'gã khổng lồ' công nghệ toàn cầu tại sân nhà

 (dân ta phải biết...mạng nước ta :)

Được phát triển trên quy mô lớn, hệ sinh thái Viettel Cloud trở thành bước ngoặt quan trọng trong việc xây dựng hạ tầng số "Make in Vietnam" của Tập đoàn Viettel, đồng thời cũng là bước tiến trong cuộc cạnh tranh với những "khổng lồ" công nghệ ngay trên “sân nhà”.



Thành quả tất yếu của tiến trình phát triển

Chia sẻ về hệ sinh thái điện toán đám mây mà Viettel mới ra mắt, Giám đốc Công nghệ Viettel Cloud Lê Quang Hiếu cho biết, thị trường cloud Việt Nam hiện nay chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài. Tuy nhiên, việc dữ liệu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam nằm ngoài lãnh thổ tiềm ẩn những rủi ro lớn, nên việc đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng là điều bắt buộc.

10 năm trước, viễn thông và các dịch vụ liên quan tới viễn thông truyền thống là động lực tăng trưởng chính của Viettel. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ của số hóa và công nghệ, Viettel nhận thấy tầm quan trọng của việc tìm một tương lai mới, một không gian mới để phát triển hơn. Đó cũng là lúc Viettel đưa ra triết lý, sứ mệnh là tiên phong kiến tạo xã hội số.

Tuy nhiên, để kiến tạo xã hội số thì điều đầu tiên cần có là hạ tầng số. Giống với hạ tầng viễn thông, vốn là nền móng cho một giai đoạn phát triển rực rỡ, hạ tầng số cũng sẽ đóng vai trò thiết yếu cho một tương lai bùng nổ. Trong hạ tầng số, điện toán đám mây chính là yếu tố quyết định.

"Nghị quyết đại hội Đảng Tập đoàn Viettel đã đưa ra chủ trương, chiến lược là tiên phong kiến tạo xã hội số. Hệ sinh thái cloud là một trong 4 trụ để kiến tạo lên xã hội số ấy. Từ hạ tầng số, chúng tôi sẽ tiến tới nền tảng số, dịch vụ số và những thứ khác để tiến tới thay đổi toàn diện, từ mặt con người, dịch vụ và đến 2030 sẽ có xã hội số", Giám đốc Công nghệ Viettel Cloud chia sẻ.

Việc chuyển đổi số còn là nhiệm vụ quan trọng của Viettel. Việt Nam đã có Luật An ninh mạng, trong đó yêu cầu toàn bộ dữ liệu của Việt Nam phải được lưu trữ và xử lý tại chính Việt Nam.

Từ sứ mệnh của Tập đoàn, cùng với tầm nhìn chiến lược của bộ, ban ngành, Chính phủ nhằm đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng, Viettel đã chính thức cho ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud. Hệ sinh thái này đóng gói những ứng dụng đã phát huy tốt vai trò trong các yêu cầu nội bộ của Tập đoàn, cung cấp cho toàn bộ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Việt Nam có thể sử dụng.

Tập hợp các ‘ốc đảo’ thành hệ sinh thái

Trên thực tế, các dịch vụ cloud không phải sản phẩm mới của Viettel. Xét về bản chất, các đơn vị, tổng công ty của Viettel đã triển khai các giải pháp, ứng dụng công nghệ dựa trên điện toán đám mây từ những năm 2017-2018. Tuy nhiên, đó chỉ là các sản phẩm sử dụng nội bộ, phục vụ nhu cầu riêng của từng đơn vị.

Cụ thể, dịch vụ điện toán đám mây của Viettel Telecom dành cho khối khách hàng cá nhân, hộ gia đình, khách hàng nhỏ. Viettel Solutions dành cho khách hàng là doanh nghiệp lớn, các cơ quan quản lý. Dịch vụ của Viettel Post là giao vận, còn Viettel Cyber Sercurity thì chuyên hỗ trợ trong lĩnh vực an ninh mạng.

"Thay vì chia thành các ‘ốc đảo’ mà mỗi đơn vị, tổng công ty phải loay hoay phát triển, hiện nay, tất cả được quy tụ dưới hệ sinh thái Viettel Cloud. Với hạ tầng dùng chung, tối ưu nguồn lực về mặt chi phí, Viettel sẽ cung cấp dịch vụ tốt hơn, nhanh hơn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các khách hàng ngoài Viettel", ông Lê Quang Hiếu cho biết.

Trong số các doanh nghiệp Việt, hạ tầng điện toán đám mây do Viettel IDC cung cấp đã chiếm vị trí số 1 về thị phần. Tuy nhiên, với một hệ sinh thái cloud do chính Tập đoàn Viettel dẫn đầu, cuộc chơi sẽ lớn hơn, quy mô hơn và công nghệ Việt cũng sẽ có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các "gã khổng lồ" công nghệ toàn cầu trên chính sân nhà.

Giành lại thị phần trên thị trường điện toán đám mây Việt

Bản thân ông Hiếu cũng cho rằng, hệ sinh thái cloud của Viettel vẫn còn khoảng cách so với công nghệ mà các gã khổng lồ toàn cầu cung cấp. Tuy nhiên, Viettel Cloud cũng có những lợi thế đặc biệt.

Đó là, việc các ứng dụng được đóng gói, chạy trên cùng một hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dùng là khối bộ, ban, ngành, khối doanh nghiệp và cả hộ gia đình.

Bên cạnh đó, việc sở hữu hạ tầng viễn thông hàng đầu khu vực của Viettel giúp bảo đảm kết nối của khách hàng diễn ra liên tục, nhanh chóng và không chịu tác động từ các sự kiện như đứt cáp quang biển quốc tế. Ngoài ra, các ứng dụng này đều đã được "may đo" theo nhu cầu của chính các khách hàng Việt.

Lấy ví dụ một khách hàng doanh nghiệp muốn có những ứng dụng liên quan tới xuất hóa đơn, với hệ sinh thái Viettel Cloud, khách hàng chỉ cần lên trang, chọn và click thì ngay lập tức sẽ có ứng dụng về hóa đơn điện tử tuân theo những quy định của Thông tư 78 của Bộ Tài chính. Nếu Google hay Amazon muốn làm điều tương tự, họ sẽ phải mất nhiều thời gian để xin cấp phép.

Về mặt an ninh, các tiêu chuẩn của Việt Nam khác so với trên thế giới. Tiêu chuẩn quốc tế đã khá cao, nhưng khi về Việt Nam, chúng ta đặt ra thêm các yêu cầu về tiêu chuẩn bảo mật. Ở Việt Nam, Viettel đã đạt chứng nhận bảo mật an toàn thông tin cấp độ 4 dành cho Chính phủ và Viettel có thể phục vụ khối khách hàng bộ, ban, ngành, các cơ quan Nhà nước.

Hiện tại, 80% thị phần điện toán đám mây ở Việt Nam đang nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó cũng đồng nghĩa dữ liệu người dân, của doanh nghiệp Việt được lưu trên các hạ tầng bên ngoài lãnh thổ. Từ thực tế đó, Viettel đặt thách thức cho chính mình trong việc triển khai hạ tầng quy mô đủ lớn, cùng với các chiến lược để bình dân hóa dịch vụ điện toán đám mây để người dân, doanh nghiệp sẵn sàng chuyển dữ liệu từ nước ngoài về. Còn khối nhà nước tăng cường chuyển đổi số với sản phẩm công nghệ "Make in Vietnam".

"Tôi mong các cơ quan quản lý có nhiều hỗ trợ hơn nữa về mặt chủ trương để Viettel có thể đẩy mạnh hơn nữa mảng dịch vụ điện toán đám mây phục vụ chính nhu cầu của khách hàng Việt", Giám đốc Công nghệ Viettel Cloud Lê Quang Hiếu chia sẻ.

CafeF

Phân tích – Kỹ năng quan trọng chỉ được dạy ở trường “đời”


Kỹ năng phân tích được nhắc tới trong quá trình học, thế nhưng để thành thục, chúng ta lại cần trau dồi rất nhiều trong cuộc sống thật, thực hành… Có một điều chắc rằng, kỹ năng này sẽ đem lại cho bạn nhiều hơn những gì bạn đã đầu tư cho nó.

Ai trong chúng ta cũng có những lúc đưa ra những quyết địnhtồi tệ. Tuy nhiên, số khác lại có thể đưa ra những quyết định đúng đắn giúp họ tiến gần hơn với thành công. Những cá nhân này không bị chi phối bởi cảm xúc, những ham muốn nhất thời, hoặc cảm tính. Thay vào đó, họ biết cách vận dụng những kỹ năng phân tích để vượt qua được những thách thức dù có phức tạp hay cấp thiết đến đâu.NDN_Phan tich ky nang quan trong chi duoc day o truong doi_3

Kỹ năng phân tích là gì?

Theo Richards J. Heuer Jr., cựu thành viên của CIA, “Kỹ năng phân tích là một kỹ năng đòi hỏi trong nghề mộc hoặc lái xe. Kỹ năng này có được qua quá trình dạy và học nhưng muốn cải thiện được nó thì phải thông qua quá trình thực hành. Tuy nhiên, không giống như nhưng kỹ năng khác được đào tạo ở trường lớp thông qua những bài giảng lý thuyết. kỹ năng phân tích cần phải được lĩnh hội thông qua quá trình thực hành.”

Kỹ năng phân tích có thể được coi là một trong những kỹ năng quan trọng mà bạn không được dạy qua bất kỳ một trường lớp nào cả. Kỹ năng này bao gồm: tư duy về trực quan, tư duy phản biện và khả năng thu thập và xử lý thông tin.

Tư duy trực quan – Gắn với khả năng sáng tạo của con người, tư duy trực quan là khả năng dự đoán các kết quả có thể xảy ra đối với các chiến lược và hành động. Đối với một lĩnh vực chuyên nghiệp,tư duy trực quan liên quan đến phân tích dữ liệu thông qua các minh họa như biểu đồ, đồ thị và danh sách chi tiết.

Tư duy phản biện – Tư duy phản biện của một người có thể được đánh giá thông qua tính nhất quán của họ trong việc đưa ra các quyết định hợp lý. Nó liên quan đến khả năng đánh giá thông tin và đưa ra kết luận mà không bị cảm xúc chi phối. Là một chuyên gia phản biện bạn sẽ tìm thấy ở chính mình những khẳng định đầy thách thức và tìm thấy những kẽ hở trong những giải pháp được đề xuất.NDN_Phan tich ky nang quan trong chi duoc day o truong doi_1

Khả năng tính toán – Cho dù bạn có thích hay không, bạn cần cảm thấy thoải mái khi làm việc với những con số nếu bạn muốn nâng cao kỹ năng phân tích. Hãy nhớ rằng khả năng tính toán bao gồm các kỹ năng khác như phân tích chi phí, lập ngân sách và thực hiện các tính toán chung. Trong lĩnh vực kinh doanh, bạn cần sử dụng kỹ năng tính toán khi cân nhắc những rủi ro và lợi ích của bất kỳ chiến lược kinh doanh nào.

Kỹ năng giải quyết vấn đề – Kỹ năng phân tích được sử dụng không chỉ để hiểu các vấn đề, mà còn để phát triển những hướng đi và hành động phù hợp. Điều này liên quan đến kỹ năng thiết lập mục tiêu bao gồm việc phá vỡ và phân loại ưu tiên giữa các mục tiêu.

Quản lý tài nguyên – Cuối cùng, kỹ năng phân tích liên quan đến mức độ quản lý tài nguyên tùy thuộc vào nhiệm vụ đang cần thực hiện. Ví dụ, các chuyên gia với lịch trình dày đặc phải biết làm thế nào để quản lý hiệu quả thời gian của mình – một trong những nguồn lực quan trọng nhất thế giới. Mặt khác, những người đứng đầu doanh nghiệp cũng cần phải biết cách quản lý tài nguyên của công ty bao gồm tài chính và nguồn nhân lực.

Phát triển các kỹ năng phân tích gia tăng cơ hội tăng trưởng

Một điều hiển nhiên rằng những quyết định đúng đắn sẽ dẫn đến kết quả tích cực. Dù bạn đang điều hành một doanh nghiệp hoặc chỉ đơn giản là đang cố gắng đạt được những thăng tiến trong công việc thì bằng cách luôn trau dồi kỹ năng phân tích bạn sẽ tạo cho mình nhiều cơ hội phát triển thậm chí có thể tránh được những hành động khiến bạn phải hối tiếc.

Khi có được kỹ năng phân tích sắc nét, bạn sẽ thấy kế hoạch của mình thay đổi theo hướng hoàn toàn mới. Kết quả cuối cùng có thể đạt được của dự án này là gì? Thị trường địa phương có nhu cầu về một cửa hàng tiện ích mới hay không? Số vốn tôi cần đầu tư vào dự án này là bao nhiêu và nên bán bao nhiêu sản phẩm để thu lại lợi nhuận? Tùy thuộc vào những cơ sở phân tích của mình , bạn có thể xác định tính khả thi của ý tưởng kinh doanh mà không để cho cảm xúc chi phối.NDN_Phan tich ky nang quan trong chi duoc day o truong doi_2

6 PHƯƠNG PHÁP TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG PHÂN TÍCH

Có không ít phương pháp để tăng khả năng phân tích. Các nhà tâm lý học cũng thừa nhận rằng đọc những câu truyện tưởng tượng khi còn nhỏ có thể giúp tư duy phản biện thêm sắc nét. Các nghiên cứu cũng cho thấy nền giáo dục truyền thống có ảnh hưởng tích cực đến chỉ số IQ và kỹ năng phân tích.

Tuy nhiên, khi chúng ta trưởng thành, những cơ hội để trau dồi kỹ năng phân tích như trước kia không còn nữa. Đó là lý do tại sao bạn cần phải chủ động tìm kiếm cho mình một cách tiếp cận kỹ năng phân tích linh hoạt, tích cực hơn. Dưới đây là một vài gợi ý:

1.Tự nghĩ ra một ý tưởng kinh doanh – Phát triển một ý tưởng kinh doanh có thể mang lại lợi nhuận, cho dù bạn có theo đuổi nó đến cùng hay không và có nhiều thách thức như nào đi chăng nữa. Khi ấy bạn sẽ cần đến vô vàn các nghiên cứu tính toán, và giải quyết vấn đề để tạo ra một kế hoạch kinh doanh hữu hình.

2.Công cụ phân tích đòn bẩy – Bên cạnh các công cụ ghi chú, bạn cũng có thể tận dụng các phần mềm khác để hỗ trợ cho việc phân tích. Ví dụ như ứng dụng quản lý tiền: Mint giúp bạn dễ dàng theo dõi thói quen tiêu dùng cũng như quản lý ngân sách bằng các công cụ trực quan. Khi đề cập đến mục tiêu ưu tiên, bạn có thể sử dụng các ứng dụng quản lý tác vụ đơn giản như Trello hoặc Wunderlist.

3.Thư viện học tập cá nhân – Thông qua Internet, có rất nhiều nguồn lực bạn có thể sử dụng để học các kỹ năng mới, mở rộng vốn từ vựng và phát triển khả năng trực quan. Đối với thư viện học tập được cá nhân hóa, bạn có thể tải xuống các video hoặc GIF trên Instagram của các kênh giáo dục khác như NASA Goddard và American Mathematical Society. Tuy nhiên, nếu bạn thích các kỹ năng chuyên môn cụ thể, thì một số kênh giáo dục trực tuyến như Coursera, edX và Alison là lựa chọn hàng đầu.

4.Tham gia vào các cộng đồng trực tuyến – Internet là nơi tuyệt vời để chia sẻ kinh nghiệm, ý kiến, và thảo luận với những cá nhân có cùng quan điểm. Reddit, là một ví dụ hay “subreddit” dành riêng cho mọi chủ đề – từ công nghệ đến kinh doanh.

5.Các hoạt động kích thích tinh thần – Để giữ cho tinh thần minh mẫn, hãy tạo cho mình thói quen tham gia vào các hoạt động kích thích tinh thần như cờ vua, puzzles, và các ứng dụng kích thích não bộ khác. Một ứng dụng tuyệt vời khác là Lumosity, gồm hàng chục trò chơi nhận thức được thiết kế bởi các nhóm các nhà khoa học và nhà thiết kế trò chơi.

6.Lưu giữ những ghi chép của riêng mình – Cuối cùng, tạo dựng thói quen ghi chép để giúp bạn có cái nhìn tổng quát tất cả những gì xảy ra trong ngày. Hãy nhớ rằng viết lại những những kinh nghiệm đã học được giúp bạn tập trung hơn . Điều này sẽ giúp bạn phân tích để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

Khi trưởng thành bạn phải đối mặt với vô số thách thức hàng ngày: Công việc, trường học, các mối quan hệ. Có được kỹ năng phân tích, bạn có thể đối phó và vượt qua mọi trở ngại để đạt được mục tiêu.

Theo Trí Thức Trẻ

HẠNH PHÚC. CHIẾC ÁO LEN MÀU HUYẾT DỤ

 


Truyện ngắn Trung Tran Ky 

Ngày 20/10 - Ngày phụ nữ Việt Nam

 Thấy chị đi ra, người lái xe trẻ ngỡ ngàng: - Hôm nay chị ăn mặc như vậy, em ngạc nhiên thật đấy. Mà hôm nay chị sẽ ký hợp đồng với một đối tác nước ngoài!!! 

Chị xem đồng hồ, cười nhẹ, nói với người lái xe: - Còn những gần hai tiếng nữa mới chính thức vào lễ ký, thời gian rỗi còn nhiều. Giờ nhờ em đưa chị đến số nhà…đường… 

Người lái xe trẻ ngạc nhiêm thêm một lần nữa: - Chỗ đó, em biết, toàn nhà giàu ở…Nhưng không lẽ đến đó chị ăn mặc như …như…người phụ nữ cách đây gần ba mươi năm…đến chỗ đó… 

Chi gật đầu: - Em nhận xét chính xác… nhưng thôi, đừng tò mò, cứ đưa chị đến đó đi ! Người lái xe trẻ không hỏi nữa, mở cửa xe mời chị lên, rồi đánh xe đi… Người lái xe trẻ làm sao biết được suy nghĩ của chị lúc này. 

 … Anh và chị có một tình yêu đẹp, nhiều kỷ niệm. Lẽ ra hai người sẽ đi điểm cuối của tình yêu, một đám cưới trọn vẹn. nhưng chỉ vì một câu nói của anh, mà đến bây giờ chị nghĩ, không biết mình xử lý như vậy đã đúng chưa? Hay mình quá khắc kỷ, quá cầu toàn để rồi… Chị dẫn anh về thăm gia đình. Nhìn đàn em lút chút đang chơi đùa ở sân, bố cũng vừa đi bừa về, quần nâu, xắn ống thấp, ống cao, cả ngôi nhà lợp ngói ba gian chật hẹp, sân đất loang lổ nước mưa…

Anh nói giọng có vẻ chán nản: - Em với anh lấy nhau chắc sẽ khổ, gia đình em thế này, không biết anh có lo được không? 

Chỉ một câu nói đó thôi, chị quyết định … 

Anh cố giải thích, chị không chấp nhận. Tính chị như vậy, một là một, hai là hai, dù lúc ấy, thâm tâm, chị vẫn yêu anh rất nhiều. 

Nhưng cũng phải nói lại, cũng chính câu nói của anh làm động lực cho chị hành động. Chị quyết không an phận nghèo khổ, an phận cho các em thất học, bố mẹ không có chỗ ở đàng hoàng. 

Chị đi lên từ hai bàn tay trắng, từ nghị lực cả sự…tự ái. Bây giờ chị là chủ một trang trại lớn trồng hoa phong lan để xuất khẩu, là đối tác làm ăn với một số công ty nước ngoài. Mọi ước nguyện chị thực hiện gần như vẹn toàn… 

Nhưng chuyện riêng, đến giờ chị vẫn chưa chồng… Mối tình đầu, đẹp mà không thể đến được với nhau, chị cứ dằn vặt suốt mấy chục năm…Có lẽ do chị! Vị tha, độ lượng…rất cần cho tình yêu. Hình như…lúc đó, chị không có!!! 

Biết anh giờ đã thành một người giàu có, thành đạt, một gia đình hạnh phúc, như một lần chị thấy anh trả lời phỏng vấn trên ti vi, chị mừng và hơi luyến tiếc. 

Giá như… Cũng phải một lần đến thăm anh ấy, chị sẽ ăn mặc y như hồi hai người yêu nhau, một chiếc quần láng đen, sơ mi trắng dài tay, khoác bên ngoài là chiếc áo len màu huyết dụ mà anh tặng chị. 

Chị nâng niu, giữ hết sức cẩn thận chiếc áo này gần ba mươi năm. Cái màu huyết dụ của áo len vẫn tươi nguyên, như tình cảm của chị dành cho anh. 

Dẫu bây giờ không phải là vợ, chồng, nhưng nhìn cách ăn mặc của chị, anh chắc sẽ hiểu chị trân trọng tình yêu một thời của hai người như thế nào? 

Anh đón chị, dáng và nét mặt, chị thấy đúng như trên ti vi, chỉ có thái độ sởi lởi là khác: - Nhận được điện của em anh rất mừng. Anh ở nhà đón em. Thế em vào thành phố này bằng phương tiện gì ? 

Nghe anh hỏi như vậy, hơi giật mình rồi chị nói dối một cách tự nhiên : - Em đi bằng tàu hỏa! 

- Ờ ! ờ… đi tàu hỏa cực lắm, tý nữa về anh sẽ giúp em đi bằng máy bay. Giờ em làm gì ?

 Chị cười, cố gợi cho anh chú ý: - Nhìn cách ăn mặc của em như thế này, chắc anh biết rồi, em làm việc ở nhà, cán bộ xã… 

- Ờ! ờ…tiền lương cán bộ xã làm sao nuôi đủ gia đình. Em khổ nhỉ? – Anh chặc lưỡi 

- Cán bộ xã đâu cũng thế thôi, đồng lương không đủ sống, chắc em phải làm thêm… 

Chị không trả lời câu hỏi của anh mà hỏi lại: - Thế còn gia đình anh, vợ con sống thế nào ? Anh hớn hở giới thiệu về vợ và con…. 

Tất cả lúc này chị như không nghe anh nói gì, mọi suy nghĩ như trôi đi trong vô định. Lẽ ra không nên đến thăm anh ấy, thăm để làm gì! Quá khứ ngủ yên gần ba mươi năm trong anh ấy, mình lại muốn khơi ra, giá như không nên đến thăm, lại hóa hay…anh có để ý đâu mà mình hy vọng. 

Mình quá tin vào một sự “thánh thiện của tình yêu” hóa ra niềm tin ấy…gửi không đúng chỗ… Hồi đó mình quyết định như vậy là đúng vô cùng, không việc gì phải ân hận…May mà… 

Anh dẫn chị đi, khoe căn biệt thự gia đình đang ở. Này đây phòng khách, đây phòng ăn, đây phòng riêng hai vợ chồng, phòng của các con cùng các tiện nghi sang trọng, kia là ga ra để hai chiếc xe ô tô đắt tiền… 

Tự nhiên chị thấy màu huyết dụ của chiếc áo len nó lạc lõng một cách lạ kỳ giữa căn phòng này, thế mà mình nâng niu, giữ nó suốt gần ba chục năm… 

 …Tiễn chị ra cổng, anh nói: - Để anh gọi tắc xi cho em! giá rẻ lắm! 

- Cảm ơn! Em quen đi bộ rồi…anh đừng gọi… …Chị bương bả đi, đi mà như chạy, tiếng thì thầm trong đầu: “ Lay giời, ông ấy đừng đi theo!”. 

Đi đến một quãng xa, chị mới dám quay đầu nhìn lại. Cánh của biệt thự đóng lúc nào! Chị thở phào, nhẹ nhõm. Chị gọi điện cho người lái xe trẻ đến đón. Về lại khách sạn thay quần áo. 

Ở khách sạn bước ra, trước khi lên xe đi đến chỗ ký hợp đồng, chị đưa cho anh lái xe trẻ một gói đồ: - Em xem, có chỗ nào cần, em giúp chị cho họ gói đồ này… Đưa chị đến chỗ ký hợp đồng xong, quay ra xe, anh lái xe trẻ giở gói đồ ra xem. Trong đó có chiếc áo len màu huyết dụ.

St

Cạnh tranh còn cần phải đấu tranh?


Thế giới phẳng, một định nghĩa được đưa ra bởi nhà báo Thomas L. Friedman đã từng tạo ấn tượng mạnh với thế giới về một thế giới không còn những lằn ranh, hàm ẩn những cơ hội và thách thức mới của cạnh tranh trong kinh doanh.

Tóm lược lịch sử thế kỉ XXI, Friedman cho rằng thế giới hiện đang ở giai đoạn toàn cầu hóa 3.0, với một mô hình xã hội, chính trị, kinh doanh hoàn toàn mới. “Thế giới phẳng” là một ẩn dụ hàm chứa cả cơ hội lẫn lo âu do toàn cầu hóa đưa lại. Lúc này, quá trình toàn cầu hóa kinh tế kéo theo quá trình toàn cầu hóa mọi mặt đời sống xã hội loài người trên hành tinh này đi vào luật chơi chung, tháo dỡ nhiều rào cản trong phạm vi quốc gia hay khu vực. Phẳng đến mức những khái niệm “địa kinh tế” hay “địa chính trị” vốn chi phối mọi mối quan hệ đã không còn thích hợp. Kỷ nguyên mới cho phép các doanh nghiệp trên khắp thế giới cộng tác và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, hướng tới việc kết nối trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tạo ra giá trị gia tăng ngày càng lớn hơn. Theo đó, thương trường hiện nay đã được định nghĩa khác đi, và cạnh tranh nay đã không còn là đối đầu như chúng ta thường nghĩ.

Để chiến thắng trong thế giới phẳng, chân dung của một CEO mới nên được xây dựng như thế nào? Nếu có một hình mẫu lý tưởng, đó sẽ là một nhà lãnh đạo mang những đặc trưng sau:

Yêu thích đổi mới: Trong thời đại mới, bạn dĩ nhiên cần có bản năng thích tìm tòi cái mới, tư duy, cách làm việc mới, sản phẩm mới, biết cách bỏ qua những suy nghĩ bảo thủ.

Có tầm nhìn: Tư duy định hướng tốt, phù hợp xu hướng biến đổi của môi trường kinh doanh, đặc biệt môi trường kinh doanh toàn cầu. Hãy nhớ, suy nghĩ toàn cầu và hành động bản địa. Biết định hướng hành vi để đạt những điều mong muốn trong tương lai xa; biết lý luận để quyết định rồi hành động, với tỉ lệ bao gồm 80% suy nghĩ và 20% hành động.

Có hình ảnh: Đòi hỏi nhà quản lý phải có năng lực, kiến thức để đảm bảo sự chu đáo, chặt chẽ đến từng tiểu tiết. Có 3 điều quan trọng nhất trong hình ảnh nhà lãnh đạo là văn hóa, cam kết về trách nhiệm và nhận được sự đồng thuận của nhân viên.

Có phong cách: Mỗi CEO nên là một hội tụ của phong cách doanh nhân và phong cách lãnh đạo. Phong cách doanh nhân thể hiện ở độ nhạy bén trước cơ hội kinh doanh, chấp nhận rủi ro, thái độ tích cực, tinh thần lạc quan, say mê làm giàu. Phong cách lãnh đạo thể hiện ở tinh thần chịu trách nhiệm, sẵn sàng trao đổi và đối thoại.

Cạnh tranh trong thế giới mới

  • Quy tắc 1: Trau dồi kỹ năng doanh nghiệp thay vì cảm thấy đang chịu áp lực hay tìm cách quay lưng với sự thay đổi, phát triển sức mạnh cạnh tranh toàn diện ở chuẩn mực, chất lượng và đẳng cấp quốc tế chứ không chỉ đơn giản ở cuộc chiến “tiếp thị”.
  • Quy tắc 2: “Người tí hon hành động như người khổng lồ”. Cách để doanh nghiêp quy mô nhỏ cạnh tranh trong thế giới phẳng chính là học cách làm chuyện lớn. Để làm được điều này, “người tí hon” cần học cách hợp tác và vươn xa hơn, nhanh hơn, rộng hơn và sâu hơn.
  • Quy tắc 3: “Người khổng lồ cần làm việc của người tí hon”. Không chỉ là câu chuyện thay đổi của các doanh nghiệp nhỏ lẻ. Các công ty lớn phải học cách làm cả những chuyện nhỏ nhất, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm hoàn hảo hơn.
  • Quy tắc 4: “Những công ty tốt nhất là những người cộng tác tốt nhất”. Trong thế giới phẳng, đối đầu là khái niệm đang dần bị thay thế bởi hợp tác. Sự hợp tác này mang đến những giá trị mới như dịch vụ, công nghệ, marketing, dịch vụ chăm sóc khách hàng mà không doanh nghiệp đơn lẻ nào có khả năng tự triển khai.
  • Quy tắc 5: “Những công ty tốt nhất thuê làm bên ngoài để chiến thắng”. Xu hướng Out Sourcing (thuê đội ngũ nhân lực bên ngoài) đang dần được áp dụng tại nhiều doanh nghiệp. Nguồn nhân lực này mang đến phương pháp làm việc mới mẻ, chi phí rẻ hơn, dẫn đến hiệu quả tăng trưởng lớn, giành nhiều thị phần và thuê được nhiều chuyên gia giỏi, hạn chế tình trạng tiết kiệm tiền bằng cách sa thải nhân công.
  • Quy tắc 6: Bài toán về xây dựng thương hiệu. Để có chiến lược định vị thương hiệu thành công, doanh nghiệp nên xây dựng những bước nghiên cứu bài bản về môi trường cạnh tranh, thị hiếu tiêu dùng. Từ đó phát triển thương hiệu dựa trên các thế mạnh, lợi ích đích thực và đặc trưng nổi bật của sản phẩm – dịch vụ để phù hợp với thị hiếu của từng phân khúc khách hàng.

“Mỗi doanh nghiệp cần tạo ra cho mình một giá trị gia tăng độc đáo, chỉ có như thế thì mới có thể tồn tại trong thế giới có nhiều cạnh tranh như hiện nay.”


st

NUÔI LỚN BỐN VỊ BỒ TÁT TRONG TA



(Trích trong pháp thoại này 15-00-1998 của Sư Ông Làng Mai)


Bốn lời quán nguyện hướng về bốn vị bồ tát lớn: bồ tát Quan Thế Âm, bồ tát Văn Thù, bồ tát Phổ Hiền và bồ tát Địa Tạng là để đánh động những hạt giống vững chãi, thảnh thơi và hiểu biết trong mỗi chúng ta. Ban đầu những vị bồ tát lớn như Quan Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền và Địa Tạng có thể được nhìn nhận như những vị bồ tát ở ngoài ta. Nhưng nếu thực tập tinh chuyên và vững chãi ta sẽ thấy được những vị bồ tát đó đang ở trong ta và ta cũng có những hạt giống của các vị bồ tát ấy.


Đức Bồ tát Quán Thế Âm


“Lạy đức Bồ Tát Quan Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh bồ tát, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ“. Khả năng lắng nghe của con đang còn yếu kém. Mỗi khi buồn giận, con không có khả năng lắng nghe người kia một cách sâu sắc được. Vậy nên những lúc như vậy con rất cần tới ngài, con cần thực tập như ngài. Chúng ta biết chỉ cần lắng nghe người khác trong vòng một giờ đồng hồ với tất cả trái tim thì người kia đã bớt khổ nhiều rồi. Vậy mà ta không biết cách nuôi dưỡng khả năng lắng nghe của mình. Thực tập lời quán nguyện này là thực tập khả năng lắng nghe. “Con xin học theo hạnh bồ tát“, nghĩa là con xin bắt chước bồ tát, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. “Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu“. Nghe ở đây không phải là nghe bằng hai tai mà nghe bằng trái tim. Nghe như vậy thì mới có thể hiểu được, và khi hiểu được rồi thì khổ đau của người kia sẽ tự nhiên nhẹ bớt. Người đau khổ nhất trên đời là người có cảm tưởng rằng không ai hiểu được mình. Giờ phút có một người chứng tỏ là đã hiểu được mình, và nghe được mình, thì cái khổ đau đó không còn lớn lao như trước nữa. Cho nên trong số chúng ta nếu ai tìm ra được một người có thể nghe mình và hiểu được mình thì người đó được xem như là đã có hạnh phúc. Ta phải tự đào luyện mình thành một hành giả biết nghe và biết hiểu.


Khả năng biết nghe và biết hiểu là khả năng của đức bồ tát Quan Thế Âm và của bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Câu này cho chúng ta thấy đức Văn Thù Sư Lợi nằm ở trong đức Quan Thế Âm. Biết nghe tức là biết hiểu, biết hiểu tức là biết nghe, Quan Âm và Văn Thù không phải là hai thực thể riêng biệt. Văn Thù là hiểu mà Quan Âm là nghe. Trong Quan Âm có Văn Thù, trong Văn Thù có Quan Âm. Đó là sự tương tức của hai vị bồ tát lớn. “Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con“. Chú tâm ở đây là định. Nghe thì thân và tâm phải nhất như, mình phải có mặt thật sự. Hoàn toàn có mặt trong giây phút hiện tại để lắng nghe một cách đích xác. Thành khẩn ở đây cũng chỉ có nghĩa là có mặt hoàn toàn. Mỗi người trong chúng ta ai cũng đều có thể làm được như vậy, nhưng chúng ta chưa chịu làm đấy thôi. Chúng ta ai cũng biết thở. Khi thực tập thở có ý thức ta đưa thân và tâm về một mối, để ta có mặt thật sự trong giây phút hiện tại. Ta không đánh mất ta trong tương lai, trong quá khứ, ta có mặt hoàn toàn trong giây phút hiện tại để lắng nghe người kia.


“Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến“. Thành kiến là những ý kiến đã có sẵn trước. Vì có những ý kiến có sẵn trước rồi nên những điều đang nói không lọt được vào tâm hồn mình. Mình bóp méo tất cả những điều người kia nói. Đức Quan Thế Âm là người biết nghe với tâm không thành kiến. Chúng ta còn có những thành kiến. Khi nghe chúng ta thường bị những thành kiến đó bít lấp và vì vậy ta không chấp nhận và không hiểu được người kia. Thành kiến ở đây là những vọng tưởng mà ta đã chứa chấp sẵn. Tu tập thiền quán là để đả phá những thành trì của thành kiến và cố chấp. Nếu không phá được thành trì của thành kiến và cố chấp thì ta sẽ khổ, và ta sẽ làm cho người khác khổ. Do đó thực tập nghe với tâm không thành kiến là một phương pháp tu hành rất sâu sắc. “Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng“. Chúng ta có tập khí muốn làm quan tòa. Nghe cái gì là muốn phán xét liền, giống như một bức tường hất trái bóng trở lại. Đó là một tập khí xấu. Chúng ta đừng làm một bức tường. Chúng ta phải làm không gian để khi trái bóng được liệng tới thì ta có thể tiếp đón được. Phạm Duy có một bài hát “Em là khoảng trống cho tình đong vào”. Nếu mình là bức tường thì làm sao trái bóng có thể đi vào được. Phải làm khoảng trống thì mới có thể lắng nghe.


Có một câu chuyện thiền: Một ông giáo sư triết học tới tham vấn với một vị thiền sư. Trong khi vị thiền sư pha trà, thì ông giáo sư cứ nói liên tục không ngừng. Vị thiền sư muốn dạy cho ông giáo sư một bài học. Ngài rót trà vào ly, và không ngừng rót làm nước trà tràn ra ngoài chén, để trà tràn ra khay, rồi tràn ra bàn. Lúc đó ông giáo sư mới ngừng nói lại và la lớn: “Thôi đừng rót nữa! Thầy không thấy sao, nước tràn ra ngoài như vậy mà cứ rót hoài”. Thiền sư ngưng lại, nhìn lên vị khách quý mỉm cười và nói: “Ông giáo sư cũng đầy như chén trà vậy, làm sao tôi có thể rót thêm trà vào được nữa. Làm sao tôi có thể nói cho ông nghe chút gì về thiền được?”


“Chúng con xin tập ngồi nghe để hiểu“. Mục đích ngồi nghe là để hiểu. Ta có những cái mê muội trong ta. Khi biết nghe thì nghe những lời nói đúng ta hiểu, mà nghe những lời nói sai ta cũng hiểu. Nghe điều gì ta cũng quán chiếu điều đó. Người ta nói đúng mình cũng học được, nói sai mình cũng học được. Mình học được trong chiều sâu, mình biết tại sao người ta nói như vậy. “Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói“. Có những điều người kia nói ra không được, tại vì họ không có khả năng nói. Khi một thiền sinh có những nỗi khổ niềm đau tới với chúng ta, lúc đầu họ làm như không có nỗi khổ niềm đau nào hết. Nhưng khi đã thực tập vài ngày, cảm được tình thân của ta thì họ bắt đầu nói ra được những khổ đau của họ. Tuy nhiên, họ vẫn giấu không dám nói tới điểm chính, mà chỉ nói những điểm xung quanh thôi. Họ ít dám nói thẳng niềm đau của họ. Ta phải lắng nghe rất kỹ để không những nghe được điều họ đang nói mà còn nghe được những điều họ chưa dám nói. Nếu ta khéo léo hỏi đúng một câu thì họ òa lên khóc và nói cho ta tất cả sự thật. Một cặp vợ chồng nọ có khó khăn với nhau, người vợ tới không nói thẳng là mình có khó khăn với chồng, chỉ nói tới những khó khăn của riêng mình và của các con thôi. Bởi vì cảm thấy ngại ngùng khi phải thổ lộ với một người ngoài rằng tôi có khó khăn với chồng tôi. Chỉ khi tin tưởng lắm thì họ mới dám nói. Do đó khi  ngồi nghe, nếu ta không nghe bằng tất cả trái tim thì  không thể hiểu được, không thể hỏi được những câu hỏi khiến cho người kia bật ra sự thật.” Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi“.


Bồ tát lắng nghe làm cho người bớt khổ. Lắng nghe là một phương pháp mầu nhiệm để thiết lập lại sự cảm thông. Trong thời đại chúng ta có những phương tiện truyền thông rất hiện đại như email, fax, điện thoại,… Chỉ cần nửa phút thôi là có thể gởi tin tức tới những nơi rất xa, trong khi đó sự truyền thông giữa những người thân trong gia đình đã trở nên khó khăn. Truyền thông giữa cha con, anh em, vợ chồng hầu như bị cắt đứt. Nền văn minh của chúng ta đang bị phá sản về phương diện đó. Đời sống gia đình không hạnh phúc, giao hảo quốc tế giữa nước này và nước khác trở nên khó khăn, những sắc tộc khác nhau trong một thành phố chống báng và kỳ thị nhau. Cá nhân cũng như đoàn thể không có khả năng truyền thông với nhau nên nảy sinh ra những chống đối, những hiểu lầm. Do đó hạnh tu của bồ tát Quan Thế Âm rất thiết yếu. Ai cũng phải học hạnh lắng nghe để có thể thiết lập lại sự truyền thông.

 

Đức Bồ tát Văn Thù Sư Lợi


“Lạy đức bồ tát Văn Thù Sư Lợi, chúng con xin học theo hạnh bồ tát biết dừng lại và nhìn sâu vào lòng sự vật và vào lòng người”. Trong đời sống hiện nay, chúng ta chỉ quen “chạy”. Chúng ta chạy trong lòng, chạy như bị ma đuổi. Tuy đang ngồi uống trà hoặc đang ăn cơm ta vẫn tiếp tục chạy, vì thế ta không thấy được sự thật đang xảy ra. Muốn nhìn sâu và hiểu rõ thì chúng ta thì phải dừng lại. “Dừng” là chỉ, “thấy” là quán. Đức bồ tát Văn thù là người thực tập thiền quán, ngài biết dừng lại và biết nhìn sâu. Biết dừng lại và nhìn sâu vào lòng sự vật và vào lòng người. Lòng người là lòng mình và lòng những người xung quanh mình. Lòng đây là những tâm hành như ghét, thương, vui, buồn, giận, sợ hãi, chán nản, hy vọng… tất cả những tâm tư ấy là đối tượng của cái nhìn. Thực tập nhìn như thế nào để thấy được chiều sâu của các tâm hành. Muốn nhìn sâu thì phải dừng lại.


Trong khi ngồi, khi đi, khi đứng, khi ăn cơm ta phải thực tập dừng lại. Có thể là mình đang ngồi ăn cơm cùng với đại chúng cả trăm người. Trong số đó có những người đã thực sự dừng lại được để ăn cơm, nhưng một số khác vẫn tiếp tục rong ruổi. Chúng ta chạy đi đâu mà chạy dữ như vậy? Vào giờ ăn mà vẫn còn chạy nữa? Nếu không có khả năng dừng lại thì làm sao có khả năng có hạnh phúc? Hãy dừng lại trong khi ăn cơm. Trong khi ăn cơm ta chỉ ăn cơm mà thôi. Anh có thể làm được chuyện đó không, chị có làm được chuyện đó không? Chúng ta đã chạy trong bao nhiêu đời, trong bao nhiêu kiếp rồi? Bây giờ có cơ hội này, vậy mà ta cũng còn chạy nữa. Tại sao ta không ngồi ăn cơm cho đàng hoàng, tại sao ta không ngồi uống trà cho đàng hoàng, tại sao ta không ngồi thiền cho đàng hoàng, không đi thiền cho đàng hoàng? Thiền hành tuy là đi nhưng mà cũng một pháp môn thực tập để dừng lại.


Thiền chỉ và thiền quán là bản chất của sự thực tập. “Chúng con xin tập nhìn bằng tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con“. Chú tâm và thành khẩn tức là có mặt thật sự. Thân, khẩu và ý hợp nhất. “Chúng con xin tập nhìn với con mắt không thành kiến“. Phải phá đổ hàng rào của thành kiến và cố chấp thì ta mới có thể thấy được. Một người Do Thái khi nhìn một người Palestinien thì phải nhìn bằng cách ấy mới thấy được những sợ hãi, khổ đau và ước mơ của người Palestinien. Một người Palestinien khi nhìn một người Do Thái cũng phải nhìn bằng cách ấy mới thấy được những sợ hãi, đau khổ và những ước mơ của người Do Thái. Nếu cả hai bên đều có thể nhìn nhau một cách sâu sắc như vậy thì sẽ thấy rằng bên nào cũng tội nghiệp, bên nào cũng có sợ hãi, hận thù, cũng bị trấn ngự bởi cảm giác không có an ninh. Và khi cả hai bên đều thấy được như vậy thì mới phát kiến ra được sự thật là nếu cứ tiếp tục trừng phạt nhau thì tình trạng sẽ không đi đến đâu. Chi bằng cùng nắm tay nhau ngồi xuống để tìm ra một giải pháp thiết lập lại truyền thông. Nếu người Do Thái và người Palestinien chưa làm được thì chúng ta-những người không phải là Do Thái hay Palestinien, chúng ta phải làm được với nhau. Để rồi chúng ta có thể tới với họ và giúp họ. Nếu có hai người không tới được với nhau, không hiểu nhau thì ta phải đến với cả hai người để giúp cho hai người đó dừng lại việc làm khổ nhau, và tập lắng nghe nhau, nhìn nhau bằng con mắt không thành kiến. Lắng nghe bằng lỗ tai không thành kiến và nhìn bằng con mắt không thành kiến là một phương pháp thực tập rất quan trọng.


“Chúng con xin tập nhìn mà không phán xét, không phản ứng“. Chúng ta không nhìn bằng con mắt của quan tòa, chúng ta phải nhìn bằng con mắt của người thương. Chúng con nguyện tập nhìn sâu để thấy và để hiểu những gốc rễ của mọi khổ đau. Đây là thực tập Tứ diệu đế. Khổ đau có mặt. Nhìn sâu vào khổ đau để thấy và để hiểu được gốc rễ của nó. Để thấy được tự tính vô thường và vô ngã của vạn vật. Khi thấy được tự tánh vô thường và vô ngã là tự nhiên ta có thể thay đổi cái nhìn và ta chấp nhận được người khác một cách dễ dàng. Tôi với anh không phải là hai thực thể riêng biệt. Nếu anh còn khổ thì tôi còn khổ, nếu tôi còn khổ thì anh còn khổ. Vì vậy chúng ta phải nương vào nhau và giúp đỡ nhau thay vì trách móc hay trừng phạt nhau. “Chúng con xin học theo hạnh bồ tát dùng gươm trí tuệ để đoạn trừ phiền não“. Phiền não tức là tham, sân, si, mạn, nghi và tà kiến. Phiền não ở đây chỉ có thể bị chặt đứt bằng thanh gươm của trí tuệ. Đức Văn Thù có thanh gươm ấy. Ngày xưa dưới cây bồ đề đức Thế Tôn đã dùng thanh gươm ấy. Và giờ đây chúng ta đã được trao truyền thanh gươm ấy. Đó là phương pháp chỉ và quán. Tức là dừng lại và nhìn sâu. Nhìn sâu để thấy bản chất của khổ đau. Nếu không dùng thanh gươm chỉ và quán chúng ta sẽ không đoạn trừ được những sợi dây phiền não đang trói buộc ta. Nếu ta đang khổ, đó là tại vì ta đang bị trói buộc bởi những sợi dây của thèm khát, của giận hờn, của thù oán, của ngã mạn. Và ta phải thực tập ngày đêm để chuyển hóa những tập khí đó.”Dùng gươm trí tuệ để đoạn trừ phiền não, giải thoát khổ đau cho chúng con và cho mọi giới“. Nếu mình không có khả năng tự cởi trói cho mình được thì làm sao mong cởi trói cho người khác?

 

Đức bồ tát Phổ Hiền


“Lạy đức bồ tát Phổ Hiền, chúng con xin học theo hạnh nguyện của bồ tát, biết đem con mắt và trái tim đi vào cuộc sống“. Ta đi vào cuộc sống với hành trang nào, nếu không phải với con mắt và trái tim của ta? Con mắt nào có thể đem vào cuộc đời nếu không phải là con mắt của Văn Thù Sư Lợi? Nếu không có con mắt ấy, đi vào cuộc đời ta sẽ bị cuộc đời kéo theo như một dòng nước lũ. Anh đã có con mắt ấy chưa, em đã có con mắt ấy chưa? Nếu chưa có con mắt ấy thì đừng nên vội vã đi vào trong cuộc đời để trở thành chàng dũng sĩ trong truyện Cửa Tùng Đôi Cánh Gài. Ta phải có con mắt của bồ tát Văn Thù và trái tim của bồ tát Quan Thế Âm để đi vào đời. Mà có con mắt của Văn Thù và trái tim của Quan Thế Âm thì ta cũng trở thành bồ tát Phổ Hiền, nghĩa là mình có bàn tay hành động của bồ tát Phổ Hiền. Trong bồ tát Phổ Hiền có bồ tát Quan Âm và bồ tát Văn Thù. Các vị bồ tát có mặt trong nhau. Chúng con nguyện buổi sáng dâng niềm vui cho người, buổi chiều giúp người bớt khổ. Đạo pháp không phải là vấn đề miệng lưỡi, đạo pháp là vấn đề thực tập. Anh làm sao để buổi sáng có thể đem đến niềm vui ít nhất cho một người, và buổi chiều ít nhất làm cho một người bớt khổ. Những điều anh nói không đủ để tạo ra sự chuyển đổi. Ta đâu cần làm gì nhiều. Chỉ cần đi, đứng, nằm, ngồi, ăn sáng cho có chánh niệm là đã có thể mang đến niềm vui cho rất nhiều người. Khi trả lời cho anh, cho em, ta trả lời với một nụ cười, đó đã là trái tim của sự thực tập.


“Chúng con biết hạnh phúc của người chính là hạnh phúc của mình, và nguyện thực hiện niềm vui trên con đường phụng sự“. Đây là một câu nói diễn tả được giáo lý của Làng Mai: “hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân”. Trong liên hệ giữa mình và người kia, nếu kẻ kia khổ đau thì sao mà mình có hạnh phúc cho được. Làm cho người kia nở được nụ cười là mình đã thấy nhẹ trong lòng. Trên con đường lý tưởng, phải làm sao cho con đường ta đi trở thành  con đường vui, bởi nếu không vui thì tu để làm gì? Điều này phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Ngoài đời người ta đã rầu rĩ khổ đau rồi, mình đi tu mà cũng rầu rĩ khổ đau nữa thì đâu có thể giúp đỡ được ai? Trong bài Quy Nguyện có câu: “Tăng là đoàn thể đẹp, cùng đi trên đường vui”. Ngày nào cũng cần chế tác niềm vui. Nếu chưa biết làm cho mỗi giây phút trong đời sống hằng ngày trở thành một giây phút an lạc thì mình chưa nắm được phép tu. Tu cùng nhau là hợp tác với nhau để tạo ra niềm vui trong đời sống hằng ngày. Ta sẽ được nuôi nấng bởi những niềm vui ấy. Tu là nghệ thuật chế tác niềm vui và chuyển hóa khổ đau. Phải đem tài năng và sáng kiến của mình ra để áp dụng trong sự tu tập. Làm sao để mỗi ngày là mội hội vui, mỗi ngày là một ngày tết.


“Chúng con biết mỗi lời nói, mỗi cái nhìn, mỗi cử chỉ và mỗi nụ cười đều có thể đem lại hạnh phúc cho mình và cho người.” Chúng ta giàu có hơn chúng ta nghĩ. Mỗi cử chỉ đều có thể đem lại hạnh phúc cho người, vậy mà mình cứ quen thói hà tiện. “Chúng con biết rằng nếu chúng con siêng năng tu tập thì tự thân chúng con là một nguồn an lạc bất tuyệt cho mọi người và cho cả muôn loài“. Ta rất giàu có, ta có thể bố thí, có thể đem lại niềm vui cho rất nhiều người, có thể ban tặng hạnh phúc cho mọi loài. Chỉ cần sống tỉnh thức để bồ tát Quan Âm có mặt trong trái tim, để bồ tát Văn Thù có mặt trong đôi mắt, thì tự nhiên những cử chỉ, những hành động, những lời nói của ta sẽ tạo ra niềm vui cho mình và cho mọi người.

 

Đức bồ tát Địa Tạng


“Lạy đức bồ tát Địa Tạng, chúng con xin học theo hạnh bồ tát, tìm cách có mặt ở bất cứ nơi nào mà bóng tối, khổ đau, tuyệt vọng và áp bức còn đang trấn ngự để có thể đem đến nơi ấy niềm tin, hy vọng và giải thoát. Chúng con nguyện không bao giờ quên lãng và bỏ rơi những người còn đang bị kẹt trong những tình huống tuyệt vọng, nguyện cố gắng thiết lập liên lạc với những ai không còn lối thoát, những ai còn bị bưng bít không có phương tiện lên tiếng kêu gọi công bình nhân phẩm và quyền được làm người“. Có những người đang ngồi dưới đáy vực thẳm nhưng không có cách nào để có thể truyền thông được với bên ngoài, có những người đang bị kẹt vào những tình huống khó khăn và tuyệt vọng. Hiện giờ trên thế giới có rất đông những người như vậy. Nếu không có bồ tát Địa Tạng thì ai có thể đem ánh sáng tới những vùng đó? Trong thế giới chúng ta có rất nhiều người trẻ muốn làm những vị bồ tát Địa Tạng, muốn đem ánh sáng tới những vùng xa xôi và sâu thẳm như vậy. Ở trong một hoàn cảnh đầy đủ về vật chất, có nhân quyền, có tự do, vậy mà chúng ta lại giận hờn nhau, ganh tị với nhau, rồi xâu xé nhau. Chúng ta đau khổ mà không biết rằng cái đau khổ của chúng ta không thấm gì so với đau khổ của những người hiện đang ở trong những  tình huống của địa ngục. Chúng ta phải tu tập như thế nào để trở thành một Địa Tạng trong vô số các vị Địa Tạng? Cánh tay của ta phải với tới được những tình trạng khổ đau và tuyệt vọng đó.


“Chúng con biết địa ngục có mặt khắp nơi trên thế giới và chúng con nguyện sẽ không bao giờ tiếp sức xây dựng thêm những địa ngục trần gian như thế.” Địa ngục có thật. Có những vị Địa Tạng đang tìm tới những nơi ấy. Có những địa ngục vắng Địa Tạng, nhưng cũng có những địa ngục bắt đầu có mặt Địa Tạng. Chúng ta phải nhận diện sự có mặt của những địa ngục như vậy ở khắp nơi trên thế giới. Không cần phải đi tới một cõi nào xa xôi mới thấy được địa ngục. Địa ngục nằm ngay bên cạnh chúng ta. Trong những thành phố lớn như Chicago, như New York, như Manila, như thành phố Hồ Chí Minh. Hoặc ngay ở Paris cũng có những vùng địa ngục. Chúng ta phải khám phá ra những địa ngục đó, để đưa bàn tay Quan Thế Âm tới. Ta phải nhờ bồ tát Địa Tạng dẫn ta tới. Đôi khi tưởng rằng ta không góp phần tạo ra các địa ngục ấy, nhưng kỳ thật có thể là ta đã tiếp tay xây dựng chúng. Ta là đồng lõa. Ta bận rộn tiêu thụ. Và trong cuộc sống hằng ngày, ta kẹt vào những nhỏ mọn, ganh tị, buồn chán mà không biết rằng có những địa ngục đang được dựng lên chỗ này hay chỗ khác. Thái độ thờ ơ bất cần của chúng ta là một yếu tố góp phần xây dựng lên những địa ngục như vậy trên trần gian. Chúng ta phải nói rất rõ là :”Con không muốn tiếp sức vào sự xây dựng những địa ngục ấy. Trái lại chúng con xin nguyện nỗ lực giải trừ những địa ngục còn đang có mặt. Chúng con nguyện tu học để đạt tới đức vững chãi và kiên trì của đất. Bồ tát“. Địa Tạng có hai đức lớn là đức vững chãi và đức kiên trì. Có vững chãi thì mới kiên trì được. Kiên trì là không dễ dàng bỏ cuộc, dù khó khăn cách mấy cũng bám lấy. “Địa ngôn kiên hậu quảng hàm tàng”. Đất “kiên” và “hậu” nghĩa là vững và dày. “Quảng hàm tàng” là có khả năng chứa đựng lớn. Trong ấy có tình thương, có sự hiểu biết, có thể nâng đỡ, có thể làm chỗ nương tựa. Đó là lời ngợi khen bồ tát Địa Tạng. “Chúng con nguyện tu học để đạt tới đức vững chãi và kiên trì của đất, để trở thành trung kiên và không kỳ thị như đất, và cũng được như đất có thể làm nơi nương tựa cho tất cả những ai cần đến chúng con.” Đất không kỳ thị, dù đổ phân rác vào đất thì đất cũng chấp nhận, đổ sữa lên đất thì đất cũng chấp nhận. Vì đất chuyển hóa được sữa, đất cũng chuyển hóa được phân rác. Đất có khả năng xả, nghĩa là không kỳ thị, không phân biệt, chấp nhận được tất cả để có thể chuyển hóa. Ta hãy tự hỏi mình là ta có khả năng làm chỗ nương tựa cho người khác hay không. Nếu thấy ta còn mong manh, đức còn mỏng, chưa có đủ vững chãi thì ta phải thực tập như thế nào để nuôi lớn thêm đức vững chãi mà làm chỗ nương tựa cho những người xung quanh.


https://langmai.org/tang-kinh-cac/bai-viet/nuoi-lon-bon-vi-bo-tat/

Nếu không có bản lĩnh thiết kế thói quen tốt, đừng mơ thành công!



1. Cuộc tháo chạy của một "xác sống"

"Tôi thực sự từng nghĩ mình sắp chết". Đó là dòng suy nghĩ chạy qua đầu tôi trước giờ đi ngủ. Đó cũng là khoảng thời gian duy nhất trong ngày tôi được phép nghĩ đến thứ gì đó ngoài công việc.


Công việc của tôi tại Nhật là một nhân viên ngân hàng. Ngày làm việc kéo dài từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều, đó là xét về mặt lý thuyết, còn thực tế, tôi luôn tất bật có mặt tại công ty trước 7 giờ và thường xuyên trở về nhà khi đồng hồ đã nhích sang con số 11 giờ đêm. Hàng tá công việc xếp chồng lên nhau, đống hồ sơ này chưa xong, hồ sơ khác lại ngật ngưỡng xuất hiện. Có hôm công việc chưa xử lý xong, tôi lại phải ôm chồng giấy tờ về nhà làm tiếp. Nghe thật khắc nghiệt, nhưng có lúc tôi nghĩ rằng tôi và những đồng nghiệp của mình đã bán mạng làm việc. Làm như điên. Làm như là nô lệ vậy.


Một lần rảnh rang lắm, tôi đi uống vài chén với anh bạn làm nhà báo. Bên chén rượu đêm, gương mặt cậu ta phờ phạc như người mất hồn. "Tớ không chắc sẽ trụ lại được bao lâu. Công việc quá áp lực. Đợt này tớ đang bám đuổi theo lịch làm việc các nghị sĩ ở Tokyo. Nhiệm vụ thường xuyên là cắm chốt thường trực bên ngoài nhà họ. Dù có tin tức hay không, việc "yomawari" (nghĩa là tuần đêm) này vẫn phải thực hiện nghiêm túc. Về nhà đã hơn 1 giờ sáng và giấc ngủ chỉ được phép kéo dài chưa đầy 4 tiếng đồng hồ. Nghe thật nực cười, nhưng tớ đã bỏ bê bản thân mình để theo đuôi, bám sát cuộc đời người khác. Tòa soạn yêu cầu tớ phải bám sát nhân vật của mình 24/7. Một công việc không có ngày nghỉ".


Chưa dừng lại, gương mặt của cậu hiện lên rõ vẻ đau khổ: "Cậu tin không, những đêm trời tuyết, tớ để các miếng giữ nhiệt khắp người nhưng vẫn lạnh run. Tớ thậm chí không thể đi vệ sinh. Như thế rất không tốt cho sức khỏe". Đồng thời cho biết đã chứng kiến một số đồng nghiệp gục ngã vì vấn đề sức khỏe, cả về thể chất và tinh thần. "Mà cậu biết đấy, các ông chủ luôn nói với chúng ta rằng "đừng nên lười biếng" nhưng sẽ không bao giờ nói "cậu nên nghỉ ngơi đi, cậu đang làm việc quá sức". Chúng ta làm việc để sống hay làm việc để chết vậy?


Thật sự, tôi rất đồng cảm với cậu ấy, bởi tôi cũng đâu khá hơn được là bao. Những lần ốm đau cũng không dám nghỉ, cả ngày cắm mặt vào máy tính, giấy tờ, cuộc gặp gỡ khách hàng... Đến mức một lần tôi ốm nặng nhưng không có thời gian đo thân nhiệt, chỉ biết rõ toàn thân bỏng giãy như hòn than đỏ. Đến mức gục xuống bàn, được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu, khi tỉnh lại được thông báo cơ thể bị suy kiệt trầm trọng và nếu kéo dài tình trạng này, dễ có nguy cơ dẫn đến đột tử.


Điều khiến tôi buồn bã hơn, là ngay hôm sau, tôi lại mò mặt tới công sở và tiếp tục phần việc của mình như chưa hề phải nhập viện trước đó. Tôi nghĩ rằng, thà đi làm còn hơn nghỉ một ngày để rồi những ngày sau việc dồn việc, đó mới là cơn ác mộng thật sự.


Cho tới lần ngất xỉu thứ hai và máu cam liên tục đổ xuống vì làm việc quá sức, tôi cảm thấy quá cô độc trong cuộc chiến lao động nơi xứ người. Tôi nhận ra rằng, rất lâu rồi tôi không có một bữa tối, giấc ngủ, kỳ nghỉ... đúng nghĩa. Thậm chí một cuộc điện thoại ân cần về cho cha mẹ ở Việt Nam cũng là điều khó, bởi khi tôi đi làm về thì cha mẹ đã chìm sâu vào giấc ngủ và ngược lại. Nhiều khi tự hỏi, tại sao tôi lại bạc đãi bản thân mình đến thế?


Tại "đất nước Mặt Trời mọc", làm việc quá sức được cho là nguyên nhân đằng sau hàng chục ca tử vong do đột quỵ, đau tim hay tự tử mỗi năm. Thậm chí văn hóa Nhật Bản còn có một từ để chỉ những cái chết vì làm việc quá nhiều. Đó là "karoshi". Có hàng trăm người đã đột tử vì lao lực và có tới 7,7% người làm công Nhật Bản thường xuyên làm thêm hơn 20 giờ/tuần.


Sự việc nữ phóng viên NHK Miwa Sado, người đang đưa tin về cuộc bầu cử hội đồng thành phố Tokyo và Thượng viện Nhật Bản, bị phát hiện đã chết trong nhà riêng hồi tháng 7/2013, chỉ 3 ngày sau cuộc bầu cử Thượng viện... gây rúng động toàn đất nước.


Điều tra của Chính phủ một năm sau đó công bố cái chết của cô gái trẻ là do làm việc quá nhiều. Sado đã làm việc liên tiếp trong 159 giờ.


Tôi sợ bản thân mình sẽ giống như Sado, tôi nhận ra ra bản thân đang trở thành một cái xác biết đi. Tôi quyết định đã đến lúc mình phải dừng lại. Trở về Việt Na, bên gia đình và bè bạn với một cuộc sống dễ thở, nhịp nhàng hơn.


Thế nhưng, tôi đã nhầm.


2. Dô! Dô! Uống - ba say chưa chai

Trở về Việt Nam, thay vì chọn một công việc chặt chẽ về giờ giấc, thời gian giống như ngành ngân hàng từng gắn bó, tôi chọn làm một freelancer. Tôi muốn thử cảm giác tự do, thoải mái - môi trường hoàn toàn khác biệt so với trước đây. Và chính sự không ràng buộc về thời gian này, tôi nhận ra kha khá điều thú vị về phong cách làm việc của người Việt.


Một người bạn từng nói với tôi: "Có những hợp đồng được kí ngay trên bàn nhậu. Không biết uống rượu bia, khó được việc lắm". Tôi bán tín bán nghi, cho tới khi mục sở thị mới tin những gì bạn nói chẳng lệch chút nào.


Dù là buổi trưa, hay xế chiều, bất kể giừ tan sở hay trước khi tan sở, tôi cũng thấy trong những quán cafe, quán nhậu, quán cóc, nhà hàng đầy ắp đàn ông ngồi túm 5 tụm 3 uống bia, uống rượu. Dẫu biết TP.HCM là thành phố năng động với guồng quay bất tận, nhưng việc thay đổi môi trường đột ngột và văn hóa nhậu khiến tôi ít nhiều choáng ngợp, không thể ngày một, ngày hai thích nghi.


Tôi từng bị kéo vào bàn nhậu từ lúc 3 giờ chiều, gọi là "bàn bạc công việc". Biết tửu lượng của bản thân chẳng ra gì, tôi xin phép uống đạt ngưỡng, nhưng đối tác nhất quyết không chịu, trách tôi không nhiệt tình, không nể mặt anh.


Tôi cực kỳ ghét chuyện ép nhau chén rượu, và từng cật lực phản đối văn hóa bàn nhậu kiểu này, thế nhưng khi trở thành nạn nhân, nhận ra từ chối chén rượu thật không dễ dàng. Chính nhóm của tôi đã bị phá hủy một hợp đồng làm ăn, chỉ vì trong bữa nhậu đó, tôi khước từ ly rượu mời của đối tác. Sau vụ đó, tôi áy náy vì bản thân không deal hợp đồng tốt 1, thì cảm thấy có lỗi với những cộng sự của mình 10.


Bạn có tin không, tôi từng phải uống những trận rượu say ngất người. Đúng nghĩa, uống tới khi hoa mắt chóng mặt, chạy vào nhà vệ sinh móc họng rồi lại quay ra bàn uống tiếp. Thi thoảng, tôi phải bí mật nhắn tin cho bạn bè, giả vờ gọi ra ngoài "nghỉ giải lao" giữa hiệp để lấy sức vào uống tiếp.


Công việc làm ăn ngày một thuận lợi, hợp đồng kí kết bay tới tíu tít, đồng nghĩa tửu lượng của tôi thăng hạng đáng kể. "Nhập gia tùy tục", về Việt Nam làm việc, từ vỡ vạc cho tới thấm thía, tôi đã hiểu văn hóa "chén rượu đi trước là chén rượu khôn" ra sao.


Cho tới một ngày, tôi tỉnh lại trong bệnh viện, hoàn toàn không nhớ chuyện gì xảy ra trước đó, tại sao tôi lại vào đây. Người nhà nói, tôi được một đồng nghiệp đưa về nhà trong tình trạng say mềm không biết gì, vừa chạm chân vào cổng thì tôi bị ói ra máu. Vào viện cấp cứu, họ báo tôi bị chảy máu dạ dày và nếu chậm chút nữa, tôi đã không còn giữ được mạng sống.


Càm tờ phiếu chẩn đoán bệnh, tôi không khỏi hoang mang, gan suy yếu, thận suy yếu, tim mạch không ổn định, dạ dày chảy máu... hàng loạt bệnh kéo tới. Bác sĩ nói do giờ giấc sinh hoạt của tôi quá bừa bãi, cộng thêm việc nạp vào cơ thể quá nhiều cồn, dẫn tới tình trạng mất cân bằng như hiện tại.


Hồi làm việc ở Nhật, tôi từng cười cợt khi đọc được dòng tin trên báo, về một nghiên cứu đánh giá tình hình sử dụng và lạm dụng bia rượu tại Việt Nam do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành, 63% người sử dụng rượu bia là nam giới, trong đó trí thức lại là nhóm có tỷ lệ sử dụng cao nhất. Người Việt tiêu thụ 1,3 tỷ lít bia và hơn 300 triệu lít rượu hằng năm, tức là bỏ ra hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đó là chưa kể phí tổn điều trị các bệnh và tai nạn giao thông do lạm dụng rượu bia gây ra. Đến khi về Việt Nam, chính tôi cũng bị dòng chảy bia rượu ấy nhấn chìm.


Nghe thật chua chát, ở Nhật kiệt sức vì làm việc. Về Việt Nam, tôi kiệt sức vì phải uống rượu bia.


Trên một số báo "Tuổi trẻ Chủ nhật", tác giả Danh Gia đã đưa ra một vài nhận định nhỏ về đàn ông phương Tây, cũng là bức tranh đối lập với đàn ông Việt, như sau:


"Đàn ông các nước công nghiệp, tức các nước kinh tế thị trường nhất, đến giờ tan sở mệt nhoài vì công việc chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng, ba chân bốn cẳng leo lên tàu điện, đổi dăm ba tuyến đường mới về được đến nhà phụ vợ con dọn cơm, rửa chén rồi đi ngủ sớm, đến cuối tuần cần tranh thủ sửa sang nhà cửa, chở vợ đi chợ. Xu hào đủng đỉnh lắm thì tối thứ sáu đưa vợ, đưa con đi ăn tiệm hoặc đưa vợ con đi nghỉ mát cuối tuần, chứ không ai rỗi hơi nát rượu tối này sang tối khác với bạn bè.


Không tin, nếu có dịp đi Tây, chiều tối cứ xuống các trạm xe điện ngầm ở Paris chen chúc với bốn triệu người, ta sẽ thấy rõ thế nào là nếp sống kinh tế thị trường đích thực. Chớ tưởng dân đi chơi tối giữa Paris, Luân Đôn…là người bản xứ. Trừ một thiểu số nhung lụa hoặc của ‘thế giới về đêm’, người lao động lĩnh lương trong tháng, cho dù có là giám đốc, chẳng mấy khi đến quán xá vào những tối trong tuần.


Khi người ta phải đóng thuế thu nhập giá chót cũng 30%, khi người ta ở nhà thuê hay mua trả góp mỗi tháng cũng phải đóng từ 1/3 đến 1/5 lương cho tiền nhà, khi người ta sắm cái xe hơi, cái máy giặt, cái máy sấy khô quần áo…sao cho cuộc sống gia đình tiện nghi hơn, để rồi cuối tháng bị ngân hàng tự động trừ nợ, người ta mới không dám vứt thì giờ và tiền bạc cho các độ nhậu triền miên vì sợ ngày mai dậy không nổi, mất năng suất, mất óc sáng tạo dễ có ngày thất nghiệp".


Quả thực thấm từng câu, từng chữ.


Cho tới bây giờ, tôi vẫn đang điều trị dài ngày trong bệnh viện sau những ngày bán sức vào những cuộc nhậu miên man. Mẹ tôi nói thế này: "Chẳng ai vạch miệng con để đổ rượu vào. Tất cả là do con chủ động nhận lấy chén rượu và uống nó. Không có bản lĩnh từ chối chén rượu, không có bản lĩnh thiết kế thói quen tốt, thì đừng nói tới hai chữ Thành công". Ngẫm lời mẹ nói, thật chẳng sai chút nào. Hi vọng đừng ai như tôi, những năm tháng tuổi trẻ hầu như chưa tận hưởng, ngắm nhìn cảnh sắc thế giới được bao nhiêu, mà chỉ biết vùi đầu vào công việc và bia rượu. Thật uổng phí.


Tôi phải chấn chỉnh bản thân mình ngay thôi.


3 từ tiếng Nhật giúp cuộc sống hạnh phúc hơn


Chỉ cần ghi nhớ 3 từ tiếng Nhật đơn giản cũng như là triết lý sống của người Nhật Bản, chúng ta đã có thể tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống bình dị hằng ngày.

1. “Ikigai”

Ikigai được xem là một triết lý sống quan trọng của người Nhật. Họ cho rằng mọi người đều có Ikigai của riêng mình — cái mà những người Pháp có thể gọi là raison d’être. Một số người đã tìm thấy Ikigai của đời mình, trong khi những người khác vẫn đang loay hoay tìm kiếm, mặc dù chúng là thứ đang hiện hữu và tồn tại bên trong họ.

Ikigai của chúng ta ẩn sâu bên trong mỗi người và việc tìm thấy chúng đòi hỏi một sự kiên nhẫn và nhẫn nại. Những cư dân sinh sống trên hòn đảo Okinawa, Nhật Bản – những người sống đến trăm tuổi trên thế giới, khi được hỏi về Ikigai của mình, đều trả lời rằng: đó là lý do để chúng tôi thức dậy vào mỗi buổi sáng.

3 từ tiếng Nhật giúp cuộc sống hạnh phúc hơn

Ikigai sẽ định nghĩa cho bạn biết như thế nào là một cuộc sống hạnh phúc, hài lòng đúng nghĩa. Một điều đáng ngạc nhiên ở những người lớn tuổi ở Nhật Bản, họ vẫn năng động và tràn đầy năng sau khi về hưu. Nhưng trên thực tế, nhiều người Nhật Bản không bao giờ thực sự nghỉ hưu – họ luôn mong muốn tiếp tục làm những điều mình yêu thích, miễn là sức khỏe cho phép. Đó chính là Ikigai!

Trên thực tế, không có một từ nào trong tiếng Nhật diễn tả sự nghỉ hưu theo nghĩa “rời bỏ lực lượng lao động một cách chính thức” như các đất nước khác. Mục đích sống là điều vô cùng quan trọng trong văn hóa Nhật Bản đến nỗi ý tưởng nghỉ hưu không tồn tại tại đất nước này.

2. “Hara hachi bu”

Một trong những câu nói phổ biến nhất ở Nhật Bản là “Hara hachi bu”, câu nói này được lặp lại trước hoặc sau khi ăn và có nghĩa là “Hãy lấp đầy bụng của bạn đến 80 phần trăm”. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng không nên ăn quá no vì điều đó không hề tốt cho sức khỏe. Đó cũng là lý do vì sao người Okinawa ngừng ăn khi họ cảm thấy dạ dày đạt 80% công suất, thay vì ăn quá nhiều và khiến cơ thể suy nhược với các quá trình tiêu hóa kéo dài làm tăng tốc độ oxy hóa của tế bào cơ thể.

Tất nhiên, không có một công thức chuẩn nào cho tất cả mọi người trong việc “dừng ăn tới 80%” của người Nhật. Bài học rút ra từ câu nói Hara hachi bu là chúng ta nên ngừng ăn khi bắt đầu cảm thấy no. Hãy tự nhủ trong lòng món ăn nào không thật sự cần thiết phải ăn như các món ăn phụ hay đồ ăn vặt nhiều đường. Tất cả những thứ này sẽ mang lại cho chúng ta niềm vui trong thời gian ngắn, một sự khoan khoái khi thưởng thức tại thời điểm đó. Nhưng nếu không có chúng, không có nghĩa bạn sẽ thiếu đi niềm hạnh phúc trong dài hạn?

3 từ tiếng Nhật giúp cuộc sống hạnh phúc hơn

Ảnh: Pinterest

Cách bày trí thức ăn cũng rất quan trọng để gia tăng cảm giác ngon miệng và thực hành tinh tế lối sống hằng ngày. Bằng cách trình bày bữa ăn của họ trên nhiều đĩa nhỏ, người Nhật sẽ có xu hướng ăn ít hơn vì cảm giác “no mắt”. Một bữa ăn điển hình trong một nhà hàng ở Nhật Bản được phục vụ trong năm đĩa trên khay, bốn trong số đó rất nhỏ và đĩa chính chỉ lớn hơn một chút. Năm chiếc đĩa trên bàn sẽ khiến bạn cảm thấy đang có nhiều thức ăn ở trước mặt. Và đây cũng là một trong những cách giúp người Nhật giữ được thân hình thon thả và kiểm soát được lượng thức ăn tiêu thụ vào cơ thể.

Những nghiên của các chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn uống của người Okinawa chỉ ra rằng trung bình một ngày, họ sẽ tiêu thụ từ 1.800 đến 1.900 calo, so với 2.200 đến 3.300 ở Hoa Kỳ và có chỉ số khối cơ thể từ 18 đến 22, so với con số 26 đến 27 ở Hoa Kỳ. Hara hachi bu là một tập tục xưa của người Nhật. Trong một số triết lý về thiền định cũng khuyên răng chúng ta nên ăn 2/3 lượng thức ăn vừa đủ. Việc ăn vừa đủ là điều phổ biến ở tất cả các ngôi chùa Phật giáo phương Đông. Có lẽ Phật giáo đã công nhận lợi ích của việc hạn chế lượng calo nạp vào hơn cư thể từ nhiều thế kỷ trước. Điều này chứng mình rằng Hara hachi bu rất tốt cho sức khỏe thể chất và không khiến chúng ta cảm thấy ngột ngạt vì đã ăn quá nhiều.

3. Moai

Moai được hiểu là một nhóm không chính thức gồm những người có chung sở thích và luôn quan tâm đến nhau. Đối với nhiều người, được quan tâm và phục vụ cộng đồng trở thành một phần trong Ikigai của họ.

Moai có nguồn gốc từ thời kỳ khó khăn của Nhật Bản, khi những người nông dân tìm đến nhau để chia sẻ những phương pháp hay nhất và giúp đỡ nhau đối phó với những vụ mùa thu hoạch ít ỏi. Các thành viên của Moai đóng góp và hỗ trợ hàng tháng cho nhóm. Các khoản tiền này cho phép những người trong nhóm có thể tham gia vào các cuộc họp, bữa tối, các môn cờ Nhật Bản hoặc bất kỳ sở thích nào mà họ có chung.

3 từ tiếng Nhật giúp cuộc sống hạnh phúc hơn

Ảnh: Pinterest

Số tiền thu được của nhóm được sử dụng cho các hoạt động chung của nhóm. Nhưng nếu số tiền vẫn còn dư, những thành viên trong nhóm có thể được nhận số tiền đó một cách luân phiên. Việc trở thành một phần của Moai giúp duy trì sự ổn định về cảm xúc và tài chính của những người có chung mối quan tâm với nhau. Nếu một thành viên của Moai gặp khó khăn về tài chính, họ có thể nhận được sự giúp đỡ từ khoản tiết kiệm của nhóm. Mặc dù, ngân sách và khả năng tài chính của mỗi Moai không hoàn toàn giống nhau, nhưng cảm giác thân thuộc, ấm áp từ sự hỗ trợ ấy, đã mang đến cho mỗi cá nhân trong nhóm sự an toàn như những người thân trong gia đình.

Cuộc đời rất đẹp nếu chúng ta suy nghĩ khác đi và biết hướng đến những điều tích cực. Tạp chí Nữ Doanh Nhân hy vọng rằng với 3 triết lý sống của người Nhật, sẽ giúp các độc giả có thêm niềm tin và hạnh phúc hơn trong đời sống hằng ngày.

.

Tạp chí Nữ Doanh Nhân