Bù vào chỗ thiếu
Lớn lên từ văn hoá lúa nước cổ truyền với tâm lý sợ ma và cúng kính rất nhiều, mình đã quá quen với việc cúng. Làm cái gì cũng cúng cũng xin. Nhưng cũng có cái thành, nhiều cái không thành. Sau này mình chuyển qua làm từ thiện, giúp đời nhiều, và thấy mọi thứ đều tốt đẹp. Từ đó, mình đổi nhận thức, thấy việc cúng kính kiểu cũ không phù hợp với cá nhân mình. Ngoại trừ đám giỗ với ý nghĩa là một buổi gặp mặt quây quần của người thân, cúng không quan trọng bằng gặp, chủ yếu để hàn huyên ôn lại sinh thời của cha mẹ ông bà, thường sắp xếp vào ngày phù hợp gần ngày mất nhất của họ chứ không cần phải chính xác 100% vào ngày đó. Còn lại các hình thức cúng kính khác, mình đã bỏ.
Ngẫm thử xem. Bạn nghĩ là thần thánh sẽ đi ăn mấy con vịt quay heo quay còn nguyên đầu nguyên đuôi rồi mấy lon bia nước ngọt của mình không? Giả sử những người khuất mặt đó là có thật, thì họ cũng cao quý thanh thoát, đâu thể phàm phu tục tử mà xúm xít ngồi ăn những vật chất có thật của mình bày ra rồi "phải trả", đại loại "ăn rồi thì phải giúp tôi", tư duy trả giá đổi chác rất chợ trời. Nếu cúng kính mà văn minh phồn thịnh thì các bộ lạc ở châu Phi hay trong rừng rậm Amazon đã dẫn đầu thế giới. Các nước Bắc Âu không có cúng kính gì mà vẫn như thiên đường đấy thôi. Họ tin nhau, tin vào có sự sắp đặt của vũ trụ, tin vào nhân-quả. Mọi thứ đều bắt đầu từ những suy nghĩ thiện lành về người khác, những cầu mong thật sự cho người khác được tốt đẹp, những gì mình bỏ ra (tiền bạc, công sức...) để giúp người. Và tự dưng, may mắn!
Thay vì đốt nhang quá nhiều tạo khói độc hại ra môi trường, chen lấn để cầu xin nguy cơ lây lan bệnh tật, hãy tự mình làm những việc thiện, giúp người. Đó là cách cầu xin may mắn một cách chân thành nhất. Ngày vía thần tài cũng chỉ là do những người bán vàng từ thời kinh thành Thăng Long xưa nghĩ ra, và họ đã cho người nhà làm chim mồi xếp hàng tranh nhau mua, để dụ đám đông thấy ham lợi và lao vào. Ngàn năm nay vẫn 1 bài đó, nhiều người biết nhưng thấy người ta mua thì cũng mua theo, và chẳng ai thấy may mắn tài lộc gì ngoài việc lỗ ngay sau đó. Nhắc lại, thánh thần, nếu có, cũng không thể ăn những thứ mình cho là ngon, mình cúng thật ra là cho mình ăn mà lại được suy nghĩ là "cho hối lộ thánh thần". Đã là bậc siêu hình rồi mà còn phàm tục ăn ăn uống uống sao đặng, đó chỉ là nhận thức của mình mà thôi. Mà nhận thức, thì hôm nay mình bỏ ý nghĩ và cách làm, quan niệm của mình hôm qua, có sao. Đời là quá trình thay đổi nhận thức theo hướng tiến bộ và hạnh phúc hơn.
Thế hệ trẻ cần phải nghĩ khác, làm khác. Hiến máu, hiến tạng, quyên góp tiền gửi đồng bào vùng sâu, mua bồn nước tặng đồng bào vùng cao, mua hạt giống tặng nhà nông nghèo, mua nông sản gửi các bếp ăn các bệnh viện đa khoa tỉnh, không nói điểm xấu của người khác, không ganh tỵ sân si vì người khác hơn mình, người khác có mà mình không có.... thì bạn đã thực hiện được "là một người tốt" rồi.
Cho đi, đúng người hay không đúng người không quan trọng, quan trọng là mình đã cho đi. Chẳng cần phải cúng sao giải hạn gì đâu, những vị tinh tú trên trời chẳng thể xuống ăn mấy cái thực phẩm của mình và cho mình thoát hạn. Vận mệnh mỗi người là do người đó tự tạo ra. Nghĩ thiện, làm thiện thì may mắn, hạnh phúc, phồn thịnh, văn minh, sang trọng.
Mọi tôn giáo, cuối cùng cũng giống nhau. Đó là chỗ dựa cho đức tin vào chính thiện lương của lòng mình. Mình lương thiện, và người khác cũng thế. Có thể có lúc họ vì cám dỗ vì tiền hay quyền lực hay tình cảm mà cư xử chưa phải, nhưng rồi họ vẫn sẽ nhận ra và thiện lương về sau.
Khoan nói người đời, bàn về người khác. Giả sử họ xấu thì họ cũng đã chấp nhận đánh đổi trả giá vận mệnh của họ rồi. Còn họ tốt, thiện thì họ hưởng. Cho đi, đúng người hay không đúng người không quan trọng, quan trọng là mình đã cho đi. Họ nhận xong rồi vứt, hoặc xài hoang phí hay chửi mình thậm tệ cũng được, đã cho là chuyển quyền sở hữu rồi, không quan tâm nữa.
Mình tự sửa mình trước. Đừng sợ ma nữa, đó là những tâm lý rất cũ kỹ khiến mình không dám đi đâu xa, không hội nhập được, không làm ăn được, cứ sợ sợ riết cái gan mình nó teo lại, uổng phí 1 đời. Giả sử có ma thật, thì họ cũng chẳng giết mình (ma giết người là chưa có tiền lệ, chỉ có người hại người), mình có đóng kín cửa thì con ma vẫn bay vào được, mình trùm chăn trùm mền thì nó vẫn mò tới nằm cạnh. Mình tắt nước thì nó bật, mình bật đèn thì nó tắt, nó vô hình mà, chặn thế nào được? Nên cứ giúp người, có khi ma nó còn quay lại giúp mình, vô nhà tắm chưa kịp bật nước nó đã bật giúp cho! Kệ nó, enjoy thôi! Oai phong lẫm liệt dũng cảm can trường cho ma nó sợ mình đi.
Năm nay, thay vì bỏ tiền ra cúng sao giải hạn, hãy ghé bệnh viện gửi số tiền đó cho bếp ăn từ thiện.Đừng có sợ người ta ăn chặn, cứ nghĩ tiêu cực vậy rồi nó chặn đứng mọi ý nghĩ thiện trong lòng mình. Chưa gì đã nghĩ ác về người khác sao được. Cứ cho đi. Còn họ nếu sai thì họ tự nhận hậu quả. Mình cho, là quên.
Cứ 6 tháng 1 năm, "cúng" 1 ít máu của mình cho y học. Máu nhiễm siêu vi B thì ghé hiến tạng, chẳng may qua đời thì y học có cái để giúp người. Hoặc gửi tiền cho trại trẻ mồ côi, rút tiền cho người tàn tật trong xã hội, họ không lành lặn để làm tiền như mình.
Không cần cúng kính cầu xin ông thần ông Bụt nào giúp mình, mình hoàn toàn có thể trở thành những ông Bụt giữa đời thường nếu mạnh dạn DÁM MẤT, tức bớt cái mình sở hữu. Không dám cho đi là do mình còn quá THAM đấy thôi. Mình không may mắn, có cuộc sống như ý là do mình ích kỷ đấy thôi!
CÁC BẠN NÊN NHỚ, ĐẠO TRỜI LÀ BÙ VÔ CHỖ THIẾU (GIÚP NGƯỜI CÓ ÍT CƠ HỘI, ÍT TIỀN, ÍT SỨC HAY ÍT TRÍ). NÊN MÌNH CHỌN CÁCH SỐNG SAO ĐÓ MÀ BÙ VÔ CHỖ THIẾU TỨC ĐÃ THUẬN THIÊN, TỰ KHẮC MÌNH SẼ ĐƯỢC MỌI THỨ.
Tony Buổi Sáng