Tuesday, September 10, 2024

“TÂM TĨNH NHƯ NƯỚC” MỚI CÓ THỂ PHÁT SINH TRÍ TUỆ!



Trong cuộc sống chúng ta thường xuyên chứng kiến một số người nóng vội, bởi vì một chút việc nhỏ mà nổi trận lôi đình. Hoặc bởi vì một câu nói của người khác không hợp ý mình mà buông lời nhục mạ. Nhưng cũng có khi lại thấy một số người, mỗi ngày đều là dùng tâm thái bình tĩnh để xử lý vấn đề, không sợ hãi trước vinh nhục, đó là bởi họ giữ được “tâm tĩnh như nước”.

Vậy người như thế nào mới có thể tĩnh tâm được? Người như thế nào mới có thể nhẫn nhịn không tranh biện? Có một vị thiền sư từng nói: “Một người muốn tâm tĩnh như nước thì điểm mấu chốt là có thể bỏ qua được những phiền não về danh lợi, vứt bỏ được những quấy nhiễu của tình sắc. Cho nên, muốn làm được điều ấy thì phải biết buông bỏ.”

Quả thực, trong cuộc sống không ngừng phân tranh, rất nhiều người tinh thần không yên tĩnh, tâm thần không an định đều là bởi vì họ đặt nặng bản thân mình.

Tâm tĩnh mới có thể sản sinh trí tuệ, tâm tĩnh như nước là biểu hiện của một loại trí tuệ cao. Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, Gia Cát Lượng sau khi bị thất thủ ở Nhai Đình, lại nghe được tin Tư Mã Ý dẫn theo mười lăm vạn đại quân tấn công Tây Thành. Trong tay Gia Cát Lượng lúc ấy chỉ có vẻn vẹn 2500 quân lính giữ thành. Nhưng Gia Cát Lượng không có tâm hoảng loạn, mà bình tâm tĩnh khí dẫn hai tiểu đồng cầm đàn, dựa vào lan can trong thành ngồi gảy đàn.

Tư Mã Ý dẫn quân kéo đến Tây Thành, thấy tình cảnh như vậy lấy làm lạ, đăm chiêu nghe Gia Cát Lượng gẩy đàn một lúc, rồi hạ lệnh cho quân nhanh chóng tháo lui. Tiếng đàn “bình tĩnh bất loạn” của Gia Cát Lượng đã hù dọa được Tư Mã Ý thoái lui. Đây được gọi là “núi Thái Sơn sụp đổ ngay trước mắt mà sắc mặt không thay đổi, con nai có nhảy múa bên cạnh thì mắt vẫn không liếc.” Khí độ siêu phàm như vậy, một người bình thường tất nhiên không thể làm được.

Có một đoạn thời gian, Khổng Tử cùng các học trò của ông trên đường đi từ nước Trần đến nước Thái thì bị vây khốn, gặp phải nguy nan. Họ còn bị cạn hết cả lương thực. Lúc ấy, các học trò của Khổng Tử đều mang vẻ mặt rất rầu rĩ, thất vọng, nhưng Khổng Tử vẫn giữ được tâm thái bình tĩnh, không một chút hoang mang lo sợ mà ca hát, soạn nhạc.

Ông nói: “Người quân tử yêu thích âm nhạc chính là vì ở trong âm nhạc mà bình tĩnh tâm tính, hồi tưởng lại chuyện lúc xưa, tự hướng lại bản thân mà kiểm điểm chính mình, xóa bỏ đi tính khí kiêu ngạo.”

Một người hiểu rõ bản chất của sinh mệnh mới có thể tĩnh tâm như nước. Thành công khiến con người vui sướng tựa như sự mãnh liệt của hải triều. Nhưng hải triều lên rồi cũng tự nhiên xuống, tâm người nếu vui buồn theo hải triều thì sẽ mệt mỏi vô cùng. Cho nên, tâm tĩnh như nước mới là cảnh giới tinh thần cao nhất trong cuộc đời.

Vì sao người ta càng đến tuổi trung niên lại càng thấy thanh tĩnh, thản nhiên xem nhẹ mọi thứ trong cuộc sống? Đó là bởi vì trải qua những năm tháng cuộc đời, người ta bắt đầu hiểu ra rằng đặt nặng được mất, xem nặng danh lợi chỉ khiến tâm linh mệt mỏi. Thản nhiên, xem nhẹ là một loại phẩm cách, một loại hạnh phúc, một loại khoan dung độ lượng và là cảnh giới tinh thần cao thượng.

Tâm bình khí hòa, tâm tính ổn định mới có thể không vì được tài vật mà vui, không vì cái mất của bản thân mà buồn, vô cớ bị nhục mạ mà không phẫn nộ, đứng trước gian nguy mà không kinh sợ. Khi đối mặt với những lên xuống, những mừng vui và bi thương của cuộc đời mới có thể thản nhiên ứng đối.

Một người bình thường:

Khi bị suy sụp sẽ cảm thấy thất vọng.

Khi bị thương tổn sẽ cảm thấy thống khổ.

Khi bị phỉ báng sẽ cảm thấy ủy khuất.

Khi bị hấp dẫn bởi cám dỗ sẽ cảm thấy lưỡng lự.

Khi bị phản bội sẽ cảm thấy căm phẫn.

Khi đứng trước khảo nghiệm sinh tử sẽ cảm thấy sợ hãi vô cùng.

Kỳ thực, đây đều là biểu hiện của định lực không cao và cũng là kết quả của việc tu dưỡng chưa đủ. Người thực sự hiểu được ý nghĩa sinh mệnh, ý nghĩa nhân sinh sẽ không vì những “vật ngoại thân”, những việc nơi cuộc sống đời thường làm khó khăn, phiền não.

Họ gặp chuyện không hoảng hốt, lâm nguy không sợ hãi, lấy mỉm cười để đối đãi với lời phỉ báng, lấy từ bi đối đãi với phản bội, gặp biến cố có thể thong dong bình tĩnh, tâm tĩnh như nước.

Lão Tử giảng “Thượng thiện nhược thủy” (thiện cao nhất là giống như nước). Khổng Tử cũng giảng: “Tri giả nhạc thủy, nhân giả nhạc sơn” (người trí tuệ thích nước, người nhân từ thích núi), ý là người trí tuệ có tính cách linh hoạt giống như nước. Người nhân đức thì tĩnh lặng, nguy nga, không dục vọng giống như núi. Cho nên, người trí tuệ sống vui vẻ, người nhân đức sống được lâu dài.

Một người có thể tu dưỡng đến mức “tâm tĩnh như nước” thì tâm linh đã đạt tới cảnh giới thuần tịnh, nhân phẩm cũng trở nên thần thánh và cao thượng, tâm trí đạt đến trong sạch. Khi một người có tâm tĩnh như mặt hồ phẳng lặng, từ trong tâm người ấy sẽ tỏa ra một luồng từ bi phủ trùm lên tất cả các chúng sinh trong vũ trụ, trong tâm người ấy sẽ nở ra những đóa hoa sen tinh khiết và rực rỡ.


st.