Saturday, November 14, 2020

RÁC THẢI NHỰA THÀNH GẠCH

 




Nhóm sinh viên huy động hơn 10 tỷ đồng nhờ biến rác thải nhựa thành gạch, ngói: Bền gấp 16 lần bình thường, tuổi thọ tới 80 năm


Các sản phẩm gạch, ngói làm từ rác thải nhựa và cát của Pando đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật tại Việt Nam và có nhiều ưu điểm vượt trội so với gạch, ngói truyền thống.


Tại Chung kết Startup Wheel vừa diễn ra mới đây, dự án có tên Pando đã vinh dự nhận được giải thưởng “Sinh viên khởi nghiệp xuất sắc nhất”. Đây là một dự án sản xuất gạch, ngói từ rác thải nhựa, được thực hiện bởi một nhóm sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM.


Nhận thấy tình trạng số lượng rác thải nhựa bị thải ra môi trường ngày càng nhiều tại Việt Nam, nhóm sinh viên này đã sáng chế ra dây chuyền tự động hóa, sản xuất các sản phẩm gạch lát và ngói nhà làm từ rác thải nhựa và cát.


Rác thải nhựa sẽ được thu gom từ các bãi rác, nhà máy tái chế trên địa bàn thành phố. Nguồn nguyên liệu thô tiếp tục được phân loại và chuyển về xưởng sản xuất.


Tại xưởng, rác được rửa sạch, đưa vào máy để cắt nhỏ ra thành các hạt nhựa. Hạt nhựa sẽ trở thành nguyên liệu chính, trộn đều với cát theo tỷ lệ quy định rồi đưa vào máy trộn trong vòng 15 phút.


Hỗn hợp nhựa - cát thu sau đó gọi là vật liệu UNC, được đưa vào khuôn để đóng thành gạch, ngói. Phủ ngoài cùng là lớp sơn sinh thái, có khả năng bền màu lên tới 30 năm, giúp tạo màu sắc tự nhiên và thân thiện với môi trường.


Trong một phóng sự, bạn Nguyễn Đức - thành viên trong dự án cho biết: “Để làm ra một sản phẩm cũng không quá phức tạp. Nguyên liệu chính là thác rải nhựa, ngoài ra có thêm cát. Về đặc tính, do có thành phần nhựa nên bền hơn so với những sản phẩm khác hiện nay”.


“Thành phần nhựa cũng giúp tránh thấm nước và nhẹ hơn rất nhiều so với gạch, ngói truyền thống. Tuổi thọ của nó khá lâu, có thể lên tới 80 năm. Ngoài ra, sau khi sản phẩm đã bị lão hóa hay xuống cấp thì hoàn toàn có thể tái chế. Nếu như làm tốt bài toán sản xuất thì giá thành chắc chắn sẽ rẻ hơn so với gạch, ngói hiện nay trên thị trường”, PGS.TS Lê Anh Thắng, giảng viên Khoa Xây dựng, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM giải thích thêm.


Nhóm dự án Pando cho biết đã tiến hành các bài kiểm tra về khả năng chịu uốn, chịu nén, chịu kéo và độ mài mòn và đều đạt các giá trị cho phép theo các tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam.


Đồng thời, khác với các sản phẩm ngói xi măng thông thường, ngói Pando là hợp chất Composite kết hợp với vật liệu nhựa và cát tạo nên các đặc tính như: chống thấm nước và hơi nước tốt; chống thấm khí O2, CO2, N2 và dầu mỡ đều tốt; chịu được nhiệt độ cao (dưới 230°C) trong thời gian ngắn; khả năng hút khí chống cháy; hống va đập mạnh đặc biệt là mưa đá.


Gạch, ngói Pando có độ bền va đập cao hơn các sản phẩm thông thường đến 16 lần, không bị rạn nứt dưới tác động của nắng mưa miền nhiệt đới, vì thế tránh được rêu mốc trong suốt quá trình sử dụng. Trọng lượng cũng nhẹ hơn 50% so với gạch, ngói hiện có trên thị trường.


Ngoài thành tích tại Startup Wheel mới đây, Pando còn giành được giải Nhất cuộc thi “Trả xanh cho biển” do Quỹ ASEAN tổ chức.


Ấn tượng hơn nữa, theo thông tin từ website Startup Wheel, dự án này đã huy động được hơn 10,6 tỷ đồng từ cộng đồng, vượt xa so với mục tiêu 2 tỷ đồng ban đầu.


Pando cho biết định hướng trở thành một công ty tái chế, ứng dụng rác thải nhựa hàng đầu khu vực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao nguồn nhân lực để tạo ra hệ sinh thái các sản phẩm đa dạng làm từ rác thải nhựa, góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống ở Việt Nam và trên toàn thế giới.


(Theo Cafebiz)

#ncctv.

Wednesday, November 4, 2020

EM YÊU ANH - PHẨY



"Cần phải tin vào quyền lực của những chữ cái a, b, c, d, e... Vâng, chỉ cần một chữ cái cũng có thể thay đổi cả một số phận. Bằng chứng ư? Chính là câu chuyện sau đây"


Khi ông bà Point (trong tiếng Pháp có nghĩa là dấu chấm) có một cậu con trai và họ quyết định đặt cho cậu một cái tên vĩ đại. Sau khi lưỡng lự giữa Rambo, Charlemagne, Ramses và Catona, cuối cùng họ lại chọn Virgile bởi đó là tên một trong những nhà thơ cổ đại lớn nhất.


Chỉ có điều là ông Point đã quá xúc động khi ghi tên con vào sổ đăng kí, ông đánh vần nhầm ra "V-I-R-G-U-L-E" và thế là Virgile trở thành Virgule (nghĩa là dấu phẩy).


Khi biết điều này, dù rằng rất giận nhưng vợ ông vẫn nhìn cậu con trai rồi cười:


- Nhìn con thật xinh xắn lại nhỏ bé. Virgule! Thế cũng tốt.


Và cái tên được giữ lại.


Cũng như cái tên của mình, Virgule trông khẳng khiu và buồn cười. Ở trường, mỗi khi điểm danh, thầy giáo gọi:


- Point Virgule!


Và Virgule đứng bật dậy, như một dấu chấm than và đáp:


- Dạ, có mặt!


Sau đó, Virgule lớn lên và đem lòng yêu cô bạn hàng xóm của anh, Séraphine. Khi người ta yêu, sẽ có hai loại người: những người dám thổ lộ và những người không dám. Virgule là loại thứ hai. Và bất hạnh hơn nữa khi mỗi lần Séraphine xuất hiện là Virgule trở nên xanh lét, mồ hôi đầm đìa, bước trượt cầu thang. Anh co rúm người lại đến nỗi trông anh như một dấu chấm, một dầu chấm nhỏ xíu... khi đó có thể gọi anh là Point Point. Và Séraphine chẳng bao giờ nhìn thấy anh.


Ấy vậy mà... chính chữ ''U'' đã làm mọi thứ trở nên thay đổi. Các bạn có biết như thế nào không?


Séraphine đem lòng yêu một chàng trai không yêu cô. Cô luôn cười nói, cố gắng bắt chuyện với anh ta, gọi điện cho anh ta, viết thư cho anh ta.... nhưng chẳng được gì cả. Thật đáng thương cho Séraphine.


Một này nọ, cô quyết định gửi bức điện thứ mười cho tình yêu của cô. Và chính hôm đó, Séraphine gặp Virgule ở bưu điện vì Virgule chính là nhân viên ở đó.


Khi Virgule thấy Séraphine đến gần, anh cảm thấy mình sắp ngất đi. Cô thì không nhìn anh


- Tôi muốn gửi một bức điện- cô nói với một giọng buồn bã.

- Xin cô vui lòng đọc nội dung... Virgule cầm bút và lắp bắp nói.


Cô đọc với giọng run:


- Je t'aime - virgule - Je t'adore - virgule- Je voudrais tant que tu me dises que tu m'aimes aussi - point.

(Em yêu anh - ''phẩy'' - em thương anh - ''phẩy'' - em rất muốn anh cũng nói với em rằng anh cũng yêu em- "chấm").


Tuyệt vời làm sao khi nghe một câu như vậy và Virgule yêu cầu Séraphine nhắc lại. Cô đọc:


- Je t'aime - Je t'adore....

- Không, không! - Virgule nói - Hãy đọc lại đầy đủ cơ!


Séraphine làm theo:


- Je t'aime - virgule - Je t'adore - virgule...

- Lần nữa nhé cô... - Virgule rụt rè.


Mỗi lần nghe câu đó, đôi mắt anh lại sáng lên. Và đột nhiên, Séraphine nhận ra Virgule là một chàng trai thật đáng yêu với đôi mắt ấy và hàng mi dài... nụ cười của anh thì dịu dàng như mật ngọt. Như có một phép lạ, anh thì thầm với cô:


- Anh cũng yêu em, Séraphine.


 Chỉ một chữ đôi khi thay đổi cả câu, và một câu có thể thay đổi cả một số phận. Nếu Virgule tên là Virgile, một nhà thơ cổ đại lớn nhất, thì có lẽ bây giờ anh vẫn cô đơn.


Bây giờ Virgule và Séraphine đang rất hạnh phúc bên nhau và họ đã có ba dấu chấm nhỏ...

HEINEKEN - SABECO: CUỘC CHIẾN NGÔI VƯƠNG

 




Sau khi ThaiBev hoàn tất nắm quyền chi phối Sabeco vào cuối năm 2017, một trong những công việc đầu tiên được tập đoàn của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi ráo riết thực hiện là thay đổi thượng tầng tại doanh nghiệp bia có thị phần lớn nhất Việt Nam.
Lãnh đạo ThaiBev chọn ông Bennett Neo - CEO mảng thực phẩm của Fraser and Neave, một công ty trong hệ sinh thái của tập đoàn Thái Lan - cho vị trí tổng giám đốc Sabeco. Sau đó, Sabeco có thêm 2 phó tổng giám đốc người Singapore phụ trách bán hàng và tài chính.
Điểm chung của 3 thành viên ban điều hành người Singapore này là họ đều có nhiều năm kinh nghiệm ở vị trí quản lý cấp cao tại các thị trường khác nhau của Heineken, đối thủ lớn nhất của Sabeco tại Việt Nam.
Áp đảo các đối thủ còn lại
Trong lần đầu tiên chính thức tiếp xúc truyền thông vào đầu năm 2019 sau thời gian tập trung tái cấu trúc công ty, ông Bennett Neo khẳng định quy mô của Sabeco và Heineken tại Việt Nam quá lớn để các đối thủ còn lại có thể cạnh tranh hiệu quả.
Trong 10 năm qua, tổng thị phần của Sabeco và Heineken trên thị trường bia Việt Nam tính theo sản lượng bia chưa bao giờ ở dưới mức 63%. Năm 2019, con số này là 73,1% theo báo cáo của Euromonitor.
Điều này đồng nghĩa với Habeco, Carlsberg, Sapporo, AB Inbev, San Miguel phải chấp nhận chia nhau miếng bánh chưa đến 27% thị phần còn lại.
Năm 2010, Heineken mới sở hữu 19,7% thị phần bia Việt Nam. Cách biệt lúc này giữa Heineken và doanh nghiệp ở vị trí thứ 3 là Habeco chưa đến 5%. Tuy nhiên, Heineken liên tục tăng tốc và đạt con số thị phần kỷ lục 33,5% vào năm 2019. Lúc này, miếng bánh của doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Bia Hà Nội chỉ còn lại 10,9%.
Khác với Heineken, thị phần của Sabeco không tăng trưởng đều đặn trong thập kỷ qua dù vẫn luôn giữ vị trí dẫn đầu. Cách đây 10 năm, ông chủ Bia Sài Gòn gần như không có đối thủ khi nắm trong tay 45,5% tổng sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam. Nhưng sau đó thị phần của Sabeco liên tục đi xuống, giảm còn 37,1% vào năm 2015 trước khi tăng trưởng trở lại. Cuối năm ngoái, Sabeco sở hữu 39,6% thị phần bia Việt Nam.
Năm ngoái, thị trường bia Việt Nam tăng trưởng 8,3%, cán mốc tiêu thụ 4,9 tỷ lít bia. Bình quân 5 năm gần nhất, thị trường tăng trưởng trung bình 7,3%/năm về sản lượng. Chỉ Sabeco và Heineken luôn giữ được đà tăng thị phần trong giai đoạn này, đồng nghĩ với tăng trưởng của doanh nghiệp phải cao hơn mức chung của thị trường.
Thống trị từng phân khúc
Bằng sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 10 năm qua trong khi đối thủ dường như ngủ quên trên chiến thắng, Heineken rút ngắn khoảng cách về thị phần với Sabeco xuống còn 6,1% vào cuối năm ngoái.
Nhưng nếu muốn soán ngôi đầu của Sabeco, chặng đường Heineken phải đi còn rất xa. Hơn 6% thị phần tại một thị trường tiêu thụ gần 5 tỷ lít bia không phải là con số nhỏ. Thêm vào đó, Sabeco chuyển mình rõ rệt sau khi về với ThaiBev.
Sau hơn một năm tập trung vào các hoạt động tái cấu trúc bên trong, vào tháng 8/2019, các dòng Bia Sài Gòn gồm Saigon Special, Saigon Lager và Saigon Export đồng loạt thay đổi nhận diện, bao bì. 3 tháng sau, bia 333 cũng được thay áo.
Theo nhóm phân tích của Euromonitor International, việc Sabeco thay đổi hình ảnh của Bia Sài Gòn theo hướng hiện đại, cao cấp hơn phù hợp với xu thế chuyển dịch tiêu dùng sang các phân khúc bia cao hơn của người Việt khi tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng.
Phân khúc cao cấp chính là điểm yếu của Sabeco trong khi lại là nơi Heineken đang một mình một ngựa. Đối thủ của Sabeco đang kinh doanh 4 thương hiệu bia cao cấp và cận cao cấp tại Việt Nam gồm Heineken, Tiger, Strongbow, Amstel.
Theo Euromontior, Heineken là công ty duy nhất có mạng lưới phân phối sản phẩm bia cao cấp phủ khắp cả nước, kể cả những khu vực ngoại ô, với độ nhận diện thương hiệu cao. Những thương hiệu ngoại cao cấp khác như Carlsberg, Corona chỉ có hệ thống phân phối hạn chế.
Trong danh mục sản phẩm của Heineken, Tiger là thương hiệu quan trọng nhất. Hai thương hiệu Tiger và Tiger Crystal chiếm tổng cộng hơn 1/4 lượng bia bán ra tại thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, phân khúc phổ thông là sân chơi Sabeco thống trị hoàn toàn. Đây vẫn là phân khúc chủ đạo trên thị trường với quy mô gấp nhiều lần phân khúc cao cấp. 3 dòng bia Saigon Export, 333, Saigon Lager sở hữu gần 39% tổng thị phần bia Việt.
Ngược lại, Larue và Bivina, hai dòng bia phổ thông và bình dân của Heineken ở Việt Nam, có thị phần khiêm tốn. Thị phần năm 2019 của Larue chỉ đạt 4,1%, xếp sau cả Huda (4,2%) - một thương hiệu phổ biến ở miền Trung của Carlsberg. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ của Bivina quá ít ỏi khiến thương hiệu này không có tên trong thống kê của Euromonitor.
Cùng tiến công khi thị trường ngủ đông
2020 là năm ảm đạm của thị trường bia Việt Nam. Sản lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng rượu bia sau Nghị định 100. Tổng mức tiêu thụ bia được dự báo giảm 20% còn 3,9 tỷ lít.
Trong bối cảnh thị trường đi xuống, Sabeco và Heineken với tiềm lực vượt trội so với mặt bằng chung vẫn đầu tư, ra mắt sản phẩm mới để lấy thêm thị phần khi nhiều doanh nghiệp im hơi lặng tiếng, phải cắt giảm chi phí để vượt qua đại dịch.
Vào tháng 4, Heineken ra mắt thương hiệu Bia Việt, loại bia đầu tiên có tên thuần Việt của công ty tại Việt Nam, giữa lúc dịch Covid-19 đang bùng phát. Hai tháng sau, Sabeco tung ra dòng bia Lạc Việt cũng trong cùng phân khúc này.
Trong năm nay, Heineken còn giới thiệu sản phẩm bia không cồn sau khi quy định xử phạt nặng hành vi lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn có hiệu lực. Ban lãnh đạo Sabeco lại tỏ ra không hào hứng với dòng sản phẩm này, cho rằng tiềm năng của nó không đủ lớn.
Đầu tháng 10, Sabeco ra mắt Saigon Chill, sản phẩm với phân khúc giá cao hơn các sản phẩm Bia Sài Gòn, hướng vào nhóm khách hàng trẻ trung, năng động. Đây cũng là loại bia đầu tiên của Sabeco sử dụng thiết kế chai thủy tinh cổ cao trong suốt và lon cao, điều đã được Heineken áp dụng trên nhiều sản phẩm.
Ngoài ra mắt các sản phẩm mới, Sabeco đang tích cực đẩy mạnh hoạt động bán hàng trên kênh off-trade (mua mang về sử dụng như cửa hàng bán lẻ, siêu thị, online). Dịch Covid-19 khiến kênh on-trade (tiêu dùng tại chỗ như nhà hàng, quán ăn) bị ảnh hưởng nặng nề. Việc chuyển hướng tập trung vào kênh off-trade là bắt buộc, theo CEO Sabeco Bennett Neo.
Nhóm phân tích của SSI Research cho biết Heineken đang sở hữu lợi thế độ phủ sản phẩm cao nhất trên kênh thương mại hiện đại tại Hà Nội và TP.HCM. Còn Sabeco đang nỗ lực để làm tốt hơn trên kênh này để bắt kịp đổi thủ.
Trên một thị trường bia hấp dẫn như Việt Nam, rõ ràng cả Sabeco và Heineken đều không muốn mất phần. Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia lớn thứ 9 trên thế giới với mức tăng trưởng cao trong khi thị trường thế giới gần như chỉ đi ngang trong 5 năm qua.
Sau khi hợp nhất Sabeco, Việt Nam chiếm khoảng 70% tổng sản lượng bia của ThaiBev, theo ước tính của UBS. Với Heineken, Việt Nam cùng Mexico là hai quốc gia đóng góp trên 10% lợi nhuận của tập đoàn này.
Theo Zing
----------
Page cần sự đồng hành của bạn ❤
(+) Khi post bổ ích
(-) Khi bạn chưa hài lòng
(x) Nội dung bạn muốn page update thường xuyên

Tuesday, November 3, 2020

 HEINEKEN KIỆN QUÁN CÂY DỪA - KHỞI ĐẦU CUỘC CHIẾN GIỮA CÁC HÃNG BIA




Lần đầu tiên một quán nhậu tại Việt Nam bị hãng bia kiện vì quảng bá cho thương hiệu khác. Sự kiện này cũng đã gián tiếp kết liễu nhãn hàng bia Laser của Tân Hiệp Phát.


Ngày 6/10/2004, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM bác kháng cáo của ông Nguyễn Văn Hoàng - chủ quán Cây Dừa (quận 5) và Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát.


Theo đó, ông Hoàng phải tháo gỡ bảng đèn bia Laser, khôi phục tình trạng ban đầu của bảng đèn bia Tiger tại quán Cây Dừa.


Đồng thời, cơ sở kinh doanh chỉ được bán các loại bia như đã cam kết trong hợp đồng với Công ty Liên doanh Nhà máy bia Việt Nam (sở hữu các thương hiệu Heineken, Tiger và Bivina, sau này là Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam).


Bóp nghẹt "yết hầu" đối thủ


Cụ thể, hợp đồng nêu rõ: “Bên A (Công ty Nhà máy bia Việt Nam - PV) được độc quyền bán và quảng cáo tiếp thị các nhãn hiệu bia của bên A tại cơ sở kinh doanh của bên B. Bên B không được bán và làm quảng cáo, khuyến mãi hoặc hoạt động tiếp thị cho bất cứ nhãn hiệu bia nào khác”.


Đổi lại, quán được đầu tư hơn 100 triệu đồng cùng bảng hiệu quảng cáo.


Thời điểm đó, thị trường bia Việt Nam đã khá sôi động và bắt đầu chật chội với nhiều nhãn hàng như: Bia Sài Gòn, Heineken, Tiger, San Miguel, Carlsberg, Foster, BGI, Saigon Special, Budweiser...


Sự thua kiện của quán Cây Dừa trở thành "lời cảnh tỉnh" cho nhiều nhà hàng và đại lý bia khác - vốn đã ký những bản hợp đồng độc quyền tương tự với Công ty Nhà máy bia Việt Nam để đổi lấy vài triệu đến hàng trăm triệu đồng tài trợ.


Thời điểm đó, nếu tìm thấy một chai Laser ở đại lý, Heineken sẽ lập tức dừng cung sản phẩm cho đại lý này. Giữa những chai bia Tiger, Heineken được ưa chuộng và một dòng bia tươi đóng chai cao cấp vừa ra mắt, hầu hết hệ thống phân phối lựa chọn Heineken.


Quán Cây Dừa và Công ty Tân Hiệp Phát thua kiện tuy không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của một nhãn hàng bia Việt chỉ sau 8 tháng ra mắt, nhưng cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường bia tại Việt Nam từ thời điểm này.


Về phía Tân Hiệp Phát, sau này, ông Trần Quý Thanh, chủ tịch công ty thừa nhận bia Laser là một thất bại.


Doanh nghiệp này đã rót đến 100 triệu USD để xây dựng nhà máy bia lớn và hiện đại nhất Việt Nam thời bấy giờ, với công suất 300 triệu lít/năm. Chưa kể, thương hiệu nhanh chóng phủ sóng hình ảnh khi tài trợ cho giải bóng đá Cúp truyền hình Bình Dương, Laser Cup và chiến lược quảng cáo, khuyến mại rầm rộ.


Tân Hiệp Phát đưa Laser ra thị trường với kỳ vọng người Việt Nam có thể thưởng thức bia tươi mọi lúc, mọi nơi. Mặc dù vậy, theo phân tích của một chuyên gia thương hiệu, khi người dân còn quá quen với thứ bia tươi giá thấp ở vỉa hè, thì Laser lại được định vị ở phân khúc cao cấp. Giá bia Laser cao hơn Tiger và không thấp hơn Heineken nhiều.


Nhưng thất bại lớn nhất của Laser, theo ông Trần Quý Thanh, chính là "yết hầu" phân phối. "Khi bạn không nắm được hệ thống phân phối, xác suất thất bại là 100%", ông chia sẻ.


Độc quyền hay quyền lực mềm?


Không chỉ Laser, một số sản phẩm bia khác ra đời sau này cũng phản ánh là bị hạn chế phân phối bởi đối thủ.


Mới đây, khi dòng bia Saigon Lager (một nhãn hàng của Sabeco) ra mắt, các đại lý cũng được yêu cầu không bán sản phẩm này. Bà T., kinh doanh bia gần 30 năm qua tại TP.HCM, cho biết một số đại lý nhỏ khi đó vì muốn giữ tiền hỗ trợ hàng tháng của Heineken mà bán giấu giếm, không dám trưng bày công khai.


Mới đây, bia Saigon Chill (thuộc Sabeco) cũng được một số đại lý phản ánh đang bị Heineken Việt Nam gây sức ép.


Từ phía kênh phân phối, các chủ nhà hàng, đại lý đều cho rằng cần kinh doanh đa dạng sản phẩm, thương hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Họ gọi cách làm của Heineken là cạnh tranh không lành mạnh.


Tuy vậy, nhìn lại câu chuyện của quán Cây Dừa thời điểm năm 2004, chính HĐXX đã khẳng định, hợp đồng độc quyền giữa chủ quán và Công ty Nhà máy bia Việt Nam có giá trị pháp lý, hai bên tự nguyện ký kết trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và không vi phạm điều cấm của pháp luật, không vi phạm các nguyên tắc của việc ký kết hợp đồng.


Sau này, Luật Cạnh tranh ra đời với các điều khoản quy định chặt chẽ hơn. Nhưng trao đổi với Zing, một chuyên gia kinh tế vẫn nhìn nhận đây là mối quan hệ kinh tế thông thường, phía hãng bia không có gì sai phạm, và nhà hàng, đại lý có quyền ký kết hợp đồng hoặc không. Số tiền hãng bia tài trợ được coi là ngân sách bù đắp chi phí cơ hội khi nhà hàng, đại lý không bán bia của các hãng khác.


Thậm chí, ngay cả khi hai bên không giao kết một hợp đồng độc quyền, thì hãng bia vẫn có thể dùng quyền lực kinh tế để ràng buộc đối tác, như khi các đại lý, nhà hàng lựa chọn giữa bia Heineken, Tiger bán chạy và bia Laser vừa "trình làng".


Trong khi đó, lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết đã nhận được thông tin từ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bia phản ánh về chính sách của Công ty TNHH Nhà Máy Bia Heineken Việt Nam đối với các đại lý có bán bia của hãng khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh.


Trên cơ sở đó, lãnh đạo Cục cho biết đã tổ chức buổi làm việc với doanh nghiệp để hướng dẫn quy trình, thủ tục khiếu nại vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. Đồng thời, Cục đã đề nghị các doanh nghiệp liên quan thu thập tài liệu, chứng cứ và cung cấp thông tin chính thức để có cơ sở xem xét theo đúng quy định.


"Cục đang tiếp tục phối hợp tích cực với các bên liên quan để thu thập thông tin về vụ việc. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh, Cục sẽ xử lý và công khai kết quả xử lý theo quy định hiện hành", lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng cho biết.


Theo Zing

----------

Page cần sự đồng hành của bạn ❤

(+) Khi post bổ ích

(-) Khi bạn chưa hài lòng

(x) Nội dung bạn muốn page update thường xuyên


Shared by: #VIETNAMBUSINESSINSIDER

Group: GIẢI MÃ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP