Wednesday, December 23, 2020

MỖI BÌNH LUẬN LÀ MỘT CÂU CHUYỆN




1. Tối qua đi tắm thì phát hiện quên mang khăn tắm liền gọi mẹ lấy hộ khăn, giơ tay trái lên đang định nhận lấy khăn đột nhiên ngớ người một lúc, lập tức đổi thành tay phải. Hi vọng bạn mãi mãi đừng hiểu câu chuyện này, mãi mãi đừng hiểu.


2. Có một hôm, thầy giáo hỏi ước mơ của chúng tôi là gì, một cậu bạn nam liền đứng dậy nói:”Em muốn làm con gái”. Cả lớp cười sặc sụa, duy chỉ có bạn nam ngồi cạnh cậu ấy hai mắt đỏ lên.


3. Bố 75 tuổi. Có lần một con quạ bay tới, bố hỏi: “Đây là cái gì”, cậu con trai: “Là con quạ”. Một lúc sau, bố lại hỏi: “Đây là cái gì”, cậu con trai gắt lên: “Đã nói rồi mà là con quạ, bố làm sao thế!” Sau này có một hôm, cậu con trai mở cuốn nhật kí 40 năm trước ông bố từng viết: “Hôm nay con trai tròn 3 tuổi, chỉ vào một con quạ trong công viên hỏi: Đây là cái gì? Mình nói với con, là con quạ. Con trai lại hỏi, mình lại trả lời. Con đã hỏi 11 lần, mình cũng trả lời 11 lần.”


4. Tôi muốn kết hôn với một cô gái giản dị và bình thường, cô ấy không cần quá xinh đẹp, chẳng cần tô son trang điểm quá đậm, cũng không cần theo đuổi những thứ xa vời. Chỉ cần cô ấy có một trái tim nhân hậu, dịu dàng và lương thiện thôi, hi vọng cô ấy có thể nhìn thấy tình yêu chất chứa trong ánh mắt tôi, hi vọng cô ấy sẽ thích những trò đùa độc nhất vô nhị của tôi. Nếu như có thể gặp được một người như vậy, tôi nhất định sẽ ôm chặt cô ấy và nói với cô ấy rằng: “Gặp được em là điều may mắn nhất trong cuộc đời anh.”


5. “Bác sĩ, tôi mắc bệnh trầm cảm rất nặng, có thể giúp tôi chữa trị không?"


“Yên tâm, thành phố của chúng tôi có một chú hề vô cùng hài hước, cậu ấy chắc chắn sẽ giúp cậu chữa khỏi bệnh”


“Bác sĩ, tôi chính là chú hề đó”


6. Nghe nói những người mắc hội chứng sợ xã hội là những người: “Chỉ cần bạn tiến về phía tôi một bước, tôi sẽ chủ động rời xa bạn 99 bước.”


7. Em cứ nghĩ chỉ cần em không thèm quan tâm anh, anh sẽ thấy buồn. Kết quả là em buồn mất rồi.


8. Nếu như có một ngày anh nói “Anh nhớ em”

Không phải có nghĩa là hôm đó anh nhớ em

Nó có nghĩa là ngày hôm đó anh đã không thể kiềm nén được nữa rồi.


9. “Đưa tay đây để em đeo cho anh một cái chun buộc tóc, như vậy mọi người sẽ biết rằng anh là hoa đã có chủ rồi.”


“Không đeo, ông đây đàn ông đầu đội trời chân đạp đất, ai lại đeo mấy thứ này cơ chứ.”


“Thích cái bươm bướm màu hồng hay là thỏ con màu trắng?”


“Thích cái thỏ con"  >////<


10. “Nếu như một chiếc đồng hồ chạy không chính xác, thì mỗi một giây nó chạy đều sai. Nhưng nếu như chiếc đồng hồ này chết rồi, vậy thì thời gian nó chỉ mỗi ngày sẽ có hai lần chính xác.


11. Giữa một người ở bên bạn 3 năm và một người bạn đã chờ đợi 3 năm, bạn sẽ chọn ai?


Nguồn: Blog Quần Đùi Hoa

Saturday, November 14, 2020

RÁC THẢI NHỰA THÀNH GẠCH

 




Nhóm sinh viên huy động hơn 10 tỷ đồng nhờ biến rác thải nhựa thành gạch, ngói: Bền gấp 16 lần bình thường, tuổi thọ tới 80 năm


Các sản phẩm gạch, ngói làm từ rác thải nhựa và cát của Pando đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật tại Việt Nam và có nhiều ưu điểm vượt trội so với gạch, ngói truyền thống.


Tại Chung kết Startup Wheel vừa diễn ra mới đây, dự án có tên Pando đã vinh dự nhận được giải thưởng “Sinh viên khởi nghiệp xuất sắc nhất”. Đây là một dự án sản xuất gạch, ngói từ rác thải nhựa, được thực hiện bởi một nhóm sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM.


Nhận thấy tình trạng số lượng rác thải nhựa bị thải ra môi trường ngày càng nhiều tại Việt Nam, nhóm sinh viên này đã sáng chế ra dây chuyền tự động hóa, sản xuất các sản phẩm gạch lát và ngói nhà làm từ rác thải nhựa và cát.


Rác thải nhựa sẽ được thu gom từ các bãi rác, nhà máy tái chế trên địa bàn thành phố. Nguồn nguyên liệu thô tiếp tục được phân loại và chuyển về xưởng sản xuất.


Tại xưởng, rác được rửa sạch, đưa vào máy để cắt nhỏ ra thành các hạt nhựa. Hạt nhựa sẽ trở thành nguyên liệu chính, trộn đều với cát theo tỷ lệ quy định rồi đưa vào máy trộn trong vòng 15 phút.


Hỗn hợp nhựa - cát thu sau đó gọi là vật liệu UNC, được đưa vào khuôn để đóng thành gạch, ngói. Phủ ngoài cùng là lớp sơn sinh thái, có khả năng bền màu lên tới 30 năm, giúp tạo màu sắc tự nhiên và thân thiện với môi trường.


Trong một phóng sự, bạn Nguyễn Đức - thành viên trong dự án cho biết: “Để làm ra một sản phẩm cũng không quá phức tạp. Nguyên liệu chính là thác rải nhựa, ngoài ra có thêm cát. Về đặc tính, do có thành phần nhựa nên bền hơn so với những sản phẩm khác hiện nay”.


“Thành phần nhựa cũng giúp tránh thấm nước và nhẹ hơn rất nhiều so với gạch, ngói truyền thống. Tuổi thọ của nó khá lâu, có thể lên tới 80 năm. Ngoài ra, sau khi sản phẩm đã bị lão hóa hay xuống cấp thì hoàn toàn có thể tái chế. Nếu như làm tốt bài toán sản xuất thì giá thành chắc chắn sẽ rẻ hơn so với gạch, ngói hiện nay trên thị trường”, PGS.TS Lê Anh Thắng, giảng viên Khoa Xây dựng, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM giải thích thêm.


Nhóm dự án Pando cho biết đã tiến hành các bài kiểm tra về khả năng chịu uốn, chịu nén, chịu kéo và độ mài mòn và đều đạt các giá trị cho phép theo các tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam.


Đồng thời, khác với các sản phẩm ngói xi măng thông thường, ngói Pando là hợp chất Composite kết hợp với vật liệu nhựa và cát tạo nên các đặc tính như: chống thấm nước và hơi nước tốt; chống thấm khí O2, CO2, N2 và dầu mỡ đều tốt; chịu được nhiệt độ cao (dưới 230°C) trong thời gian ngắn; khả năng hút khí chống cháy; hống va đập mạnh đặc biệt là mưa đá.


Gạch, ngói Pando có độ bền va đập cao hơn các sản phẩm thông thường đến 16 lần, không bị rạn nứt dưới tác động của nắng mưa miền nhiệt đới, vì thế tránh được rêu mốc trong suốt quá trình sử dụng. Trọng lượng cũng nhẹ hơn 50% so với gạch, ngói hiện có trên thị trường.


Ngoài thành tích tại Startup Wheel mới đây, Pando còn giành được giải Nhất cuộc thi “Trả xanh cho biển” do Quỹ ASEAN tổ chức.


Ấn tượng hơn nữa, theo thông tin từ website Startup Wheel, dự án này đã huy động được hơn 10,6 tỷ đồng từ cộng đồng, vượt xa so với mục tiêu 2 tỷ đồng ban đầu.


Pando cho biết định hướng trở thành một công ty tái chế, ứng dụng rác thải nhựa hàng đầu khu vực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao nguồn nhân lực để tạo ra hệ sinh thái các sản phẩm đa dạng làm từ rác thải nhựa, góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống ở Việt Nam và trên toàn thế giới.


(Theo Cafebiz)

#ncctv.

Wednesday, November 4, 2020

EM YÊU ANH - PHẨY



"Cần phải tin vào quyền lực của những chữ cái a, b, c, d, e... Vâng, chỉ cần một chữ cái cũng có thể thay đổi cả một số phận. Bằng chứng ư? Chính là câu chuyện sau đây"


Khi ông bà Point (trong tiếng Pháp có nghĩa là dấu chấm) có một cậu con trai và họ quyết định đặt cho cậu một cái tên vĩ đại. Sau khi lưỡng lự giữa Rambo, Charlemagne, Ramses và Catona, cuối cùng họ lại chọn Virgile bởi đó là tên một trong những nhà thơ cổ đại lớn nhất.


Chỉ có điều là ông Point đã quá xúc động khi ghi tên con vào sổ đăng kí, ông đánh vần nhầm ra "V-I-R-G-U-L-E" và thế là Virgile trở thành Virgule (nghĩa là dấu phẩy).


Khi biết điều này, dù rằng rất giận nhưng vợ ông vẫn nhìn cậu con trai rồi cười:


- Nhìn con thật xinh xắn lại nhỏ bé. Virgule! Thế cũng tốt.


Và cái tên được giữ lại.


Cũng như cái tên của mình, Virgule trông khẳng khiu và buồn cười. Ở trường, mỗi khi điểm danh, thầy giáo gọi:


- Point Virgule!


Và Virgule đứng bật dậy, như một dấu chấm than và đáp:


- Dạ, có mặt!


Sau đó, Virgule lớn lên và đem lòng yêu cô bạn hàng xóm của anh, Séraphine. Khi người ta yêu, sẽ có hai loại người: những người dám thổ lộ và những người không dám. Virgule là loại thứ hai. Và bất hạnh hơn nữa khi mỗi lần Séraphine xuất hiện là Virgule trở nên xanh lét, mồ hôi đầm đìa, bước trượt cầu thang. Anh co rúm người lại đến nỗi trông anh như một dấu chấm, một dầu chấm nhỏ xíu... khi đó có thể gọi anh là Point Point. Và Séraphine chẳng bao giờ nhìn thấy anh.


Ấy vậy mà... chính chữ ''U'' đã làm mọi thứ trở nên thay đổi. Các bạn có biết như thế nào không?


Séraphine đem lòng yêu một chàng trai không yêu cô. Cô luôn cười nói, cố gắng bắt chuyện với anh ta, gọi điện cho anh ta, viết thư cho anh ta.... nhưng chẳng được gì cả. Thật đáng thương cho Séraphine.


Một này nọ, cô quyết định gửi bức điện thứ mười cho tình yêu của cô. Và chính hôm đó, Séraphine gặp Virgule ở bưu điện vì Virgule chính là nhân viên ở đó.


Khi Virgule thấy Séraphine đến gần, anh cảm thấy mình sắp ngất đi. Cô thì không nhìn anh


- Tôi muốn gửi một bức điện- cô nói với một giọng buồn bã.

- Xin cô vui lòng đọc nội dung... Virgule cầm bút và lắp bắp nói.


Cô đọc với giọng run:


- Je t'aime - virgule - Je t'adore - virgule- Je voudrais tant que tu me dises que tu m'aimes aussi - point.

(Em yêu anh - ''phẩy'' - em thương anh - ''phẩy'' - em rất muốn anh cũng nói với em rằng anh cũng yêu em- "chấm").


Tuyệt vời làm sao khi nghe một câu như vậy và Virgule yêu cầu Séraphine nhắc lại. Cô đọc:


- Je t'aime - Je t'adore....

- Không, không! - Virgule nói - Hãy đọc lại đầy đủ cơ!


Séraphine làm theo:


- Je t'aime - virgule - Je t'adore - virgule...

- Lần nữa nhé cô... - Virgule rụt rè.


Mỗi lần nghe câu đó, đôi mắt anh lại sáng lên. Và đột nhiên, Séraphine nhận ra Virgule là một chàng trai thật đáng yêu với đôi mắt ấy và hàng mi dài... nụ cười của anh thì dịu dàng như mật ngọt. Như có một phép lạ, anh thì thầm với cô:


- Anh cũng yêu em, Séraphine.


 Chỉ một chữ đôi khi thay đổi cả câu, và một câu có thể thay đổi cả một số phận. Nếu Virgule tên là Virgile, một nhà thơ cổ đại lớn nhất, thì có lẽ bây giờ anh vẫn cô đơn.


Bây giờ Virgule và Séraphine đang rất hạnh phúc bên nhau và họ đã có ba dấu chấm nhỏ...

HEINEKEN - SABECO: CUỘC CHIẾN NGÔI VƯƠNG

 




Sau khi ThaiBev hoàn tất nắm quyền chi phối Sabeco vào cuối năm 2017, một trong những công việc đầu tiên được tập đoàn của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi ráo riết thực hiện là thay đổi thượng tầng tại doanh nghiệp bia có thị phần lớn nhất Việt Nam.
Lãnh đạo ThaiBev chọn ông Bennett Neo - CEO mảng thực phẩm của Fraser and Neave, một công ty trong hệ sinh thái của tập đoàn Thái Lan - cho vị trí tổng giám đốc Sabeco. Sau đó, Sabeco có thêm 2 phó tổng giám đốc người Singapore phụ trách bán hàng và tài chính.
Điểm chung của 3 thành viên ban điều hành người Singapore này là họ đều có nhiều năm kinh nghiệm ở vị trí quản lý cấp cao tại các thị trường khác nhau của Heineken, đối thủ lớn nhất của Sabeco tại Việt Nam.
Áp đảo các đối thủ còn lại
Trong lần đầu tiên chính thức tiếp xúc truyền thông vào đầu năm 2019 sau thời gian tập trung tái cấu trúc công ty, ông Bennett Neo khẳng định quy mô của Sabeco và Heineken tại Việt Nam quá lớn để các đối thủ còn lại có thể cạnh tranh hiệu quả.
Trong 10 năm qua, tổng thị phần của Sabeco và Heineken trên thị trường bia Việt Nam tính theo sản lượng bia chưa bao giờ ở dưới mức 63%. Năm 2019, con số này là 73,1% theo báo cáo của Euromonitor.
Điều này đồng nghĩa với Habeco, Carlsberg, Sapporo, AB Inbev, San Miguel phải chấp nhận chia nhau miếng bánh chưa đến 27% thị phần còn lại.
Năm 2010, Heineken mới sở hữu 19,7% thị phần bia Việt Nam. Cách biệt lúc này giữa Heineken và doanh nghiệp ở vị trí thứ 3 là Habeco chưa đến 5%. Tuy nhiên, Heineken liên tục tăng tốc và đạt con số thị phần kỷ lục 33,5% vào năm 2019. Lúc này, miếng bánh của doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Bia Hà Nội chỉ còn lại 10,9%.
Khác với Heineken, thị phần của Sabeco không tăng trưởng đều đặn trong thập kỷ qua dù vẫn luôn giữ vị trí dẫn đầu. Cách đây 10 năm, ông chủ Bia Sài Gòn gần như không có đối thủ khi nắm trong tay 45,5% tổng sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam. Nhưng sau đó thị phần của Sabeco liên tục đi xuống, giảm còn 37,1% vào năm 2015 trước khi tăng trưởng trở lại. Cuối năm ngoái, Sabeco sở hữu 39,6% thị phần bia Việt Nam.
Năm ngoái, thị trường bia Việt Nam tăng trưởng 8,3%, cán mốc tiêu thụ 4,9 tỷ lít bia. Bình quân 5 năm gần nhất, thị trường tăng trưởng trung bình 7,3%/năm về sản lượng. Chỉ Sabeco và Heineken luôn giữ được đà tăng thị phần trong giai đoạn này, đồng nghĩ với tăng trưởng của doanh nghiệp phải cao hơn mức chung của thị trường.
Thống trị từng phân khúc
Bằng sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 10 năm qua trong khi đối thủ dường như ngủ quên trên chiến thắng, Heineken rút ngắn khoảng cách về thị phần với Sabeco xuống còn 6,1% vào cuối năm ngoái.
Nhưng nếu muốn soán ngôi đầu của Sabeco, chặng đường Heineken phải đi còn rất xa. Hơn 6% thị phần tại một thị trường tiêu thụ gần 5 tỷ lít bia không phải là con số nhỏ. Thêm vào đó, Sabeco chuyển mình rõ rệt sau khi về với ThaiBev.
Sau hơn một năm tập trung vào các hoạt động tái cấu trúc bên trong, vào tháng 8/2019, các dòng Bia Sài Gòn gồm Saigon Special, Saigon Lager và Saigon Export đồng loạt thay đổi nhận diện, bao bì. 3 tháng sau, bia 333 cũng được thay áo.
Theo nhóm phân tích của Euromonitor International, việc Sabeco thay đổi hình ảnh của Bia Sài Gòn theo hướng hiện đại, cao cấp hơn phù hợp với xu thế chuyển dịch tiêu dùng sang các phân khúc bia cao hơn của người Việt khi tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng.
Phân khúc cao cấp chính là điểm yếu của Sabeco trong khi lại là nơi Heineken đang một mình một ngựa. Đối thủ của Sabeco đang kinh doanh 4 thương hiệu bia cao cấp và cận cao cấp tại Việt Nam gồm Heineken, Tiger, Strongbow, Amstel.
Theo Euromontior, Heineken là công ty duy nhất có mạng lưới phân phối sản phẩm bia cao cấp phủ khắp cả nước, kể cả những khu vực ngoại ô, với độ nhận diện thương hiệu cao. Những thương hiệu ngoại cao cấp khác như Carlsberg, Corona chỉ có hệ thống phân phối hạn chế.
Trong danh mục sản phẩm của Heineken, Tiger là thương hiệu quan trọng nhất. Hai thương hiệu Tiger và Tiger Crystal chiếm tổng cộng hơn 1/4 lượng bia bán ra tại thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, phân khúc phổ thông là sân chơi Sabeco thống trị hoàn toàn. Đây vẫn là phân khúc chủ đạo trên thị trường với quy mô gấp nhiều lần phân khúc cao cấp. 3 dòng bia Saigon Export, 333, Saigon Lager sở hữu gần 39% tổng thị phần bia Việt.
Ngược lại, Larue và Bivina, hai dòng bia phổ thông và bình dân của Heineken ở Việt Nam, có thị phần khiêm tốn. Thị phần năm 2019 của Larue chỉ đạt 4,1%, xếp sau cả Huda (4,2%) - một thương hiệu phổ biến ở miền Trung của Carlsberg. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ của Bivina quá ít ỏi khiến thương hiệu này không có tên trong thống kê của Euromonitor.
Cùng tiến công khi thị trường ngủ đông
2020 là năm ảm đạm của thị trường bia Việt Nam. Sản lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng rượu bia sau Nghị định 100. Tổng mức tiêu thụ bia được dự báo giảm 20% còn 3,9 tỷ lít.
Trong bối cảnh thị trường đi xuống, Sabeco và Heineken với tiềm lực vượt trội so với mặt bằng chung vẫn đầu tư, ra mắt sản phẩm mới để lấy thêm thị phần khi nhiều doanh nghiệp im hơi lặng tiếng, phải cắt giảm chi phí để vượt qua đại dịch.
Vào tháng 4, Heineken ra mắt thương hiệu Bia Việt, loại bia đầu tiên có tên thuần Việt của công ty tại Việt Nam, giữa lúc dịch Covid-19 đang bùng phát. Hai tháng sau, Sabeco tung ra dòng bia Lạc Việt cũng trong cùng phân khúc này.
Trong năm nay, Heineken còn giới thiệu sản phẩm bia không cồn sau khi quy định xử phạt nặng hành vi lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn có hiệu lực. Ban lãnh đạo Sabeco lại tỏ ra không hào hứng với dòng sản phẩm này, cho rằng tiềm năng của nó không đủ lớn.
Đầu tháng 10, Sabeco ra mắt Saigon Chill, sản phẩm với phân khúc giá cao hơn các sản phẩm Bia Sài Gòn, hướng vào nhóm khách hàng trẻ trung, năng động. Đây cũng là loại bia đầu tiên của Sabeco sử dụng thiết kế chai thủy tinh cổ cao trong suốt và lon cao, điều đã được Heineken áp dụng trên nhiều sản phẩm.
Ngoài ra mắt các sản phẩm mới, Sabeco đang tích cực đẩy mạnh hoạt động bán hàng trên kênh off-trade (mua mang về sử dụng như cửa hàng bán lẻ, siêu thị, online). Dịch Covid-19 khiến kênh on-trade (tiêu dùng tại chỗ như nhà hàng, quán ăn) bị ảnh hưởng nặng nề. Việc chuyển hướng tập trung vào kênh off-trade là bắt buộc, theo CEO Sabeco Bennett Neo.
Nhóm phân tích của SSI Research cho biết Heineken đang sở hữu lợi thế độ phủ sản phẩm cao nhất trên kênh thương mại hiện đại tại Hà Nội và TP.HCM. Còn Sabeco đang nỗ lực để làm tốt hơn trên kênh này để bắt kịp đổi thủ.
Trên một thị trường bia hấp dẫn như Việt Nam, rõ ràng cả Sabeco và Heineken đều không muốn mất phần. Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia lớn thứ 9 trên thế giới với mức tăng trưởng cao trong khi thị trường thế giới gần như chỉ đi ngang trong 5 năm qua.
Sau khi hợp nhất Sabeco, Việt Nam chiếm khoảng 70% tổng sản lượng bia của ThaiBev, theo ước tính của UBS. Với Heineken, Việt Nam cùng Mexico là hai quốc gia đóng góp trên 10% lợi nhuận của tập đoàn này.
Theo Zing
----------
Page cần sự đồng hành của bạn ❤
(+) Khi post bổ ích
(-) Khi bạn chưa hài lòng
(x) Nội dung bạn muốn page update thường xuyên

Tuesday, November 3, 2020

 HEINEKEN KIỆN QUÁN CÂY DỪA - KHỞI ĐẦU CUỘC CHIẾN GIỮA CÁC HÃNG BIA




Lần đầu tiên một quán nhậu tại Việt Nam bị hãng bia kiện vì quảng bá cho thương hiệu khác. Sự kiện này cũng đã gián tiếp kết liễu nhãn hàng bia Laser của Tân Hiệp Phát.


Ngày 6/10/2004, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM bác kháng cáo của ông Nguyễn Văn Hoàng - chủ quán Cây Dừa (quận 5) và Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát.


Theo đó, ông Hoàng phải tháo gỡ bảng đèn bia Laser, khôi phục tình trạng ban đầu của bảng đèn bia Tiger tại quán Cây Dừa.


Đồng thời, cơ sở kinh doanh chỉ được bán các loại bia như đã cam kết trong hợp đồng với Công ty Liên doanh Nhà máy bia Việt Nam (sở hữu các thương hiệu Heineken, Tiger và Bivina, sau này là Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam).


Bóp nghẹt "yết hầu" đối thủ


Cụ thể, hợp đồng nêu rõ: “Bên A (Công ty Nhà máy bia Việt Nam - PV) được độc quyền bán và quảng cáo tiếp thị các nhãn hiệu bia của bên A tại cơ sở kinh doanh của bên B. Bên B không được bán và làm quảng cáo, khuyến mãi hoặc hoạt động tiếp thị cho bất cứ nhãn hiệu bia nào khác”.


Đổi lại, quán được đầu tư hơn 100 triệu đồng cùng bảng hiệu quảng cáo.


Thời điểm đó, thị trường bia Việt Nam đã khá sôi động và bắt đầu chật chội với nhiều nhãn hàng như: Bia Sài Gòn, Heineken, Tiger, San Miguel, Carlsberg, Foster, BGI, Saigon Special, Budweiser...


Sự thua kiện của quán Cây Dừa trở thành "lời cảnh tỉnh" cho nhiều nhà hàng và đại lý bia khác - vốn đã ký những bản hợp đồng độc quyền tương tự với Công ty Nhà máy bia Việt Nam để đổi lấy vài triệu đến hàng trăm triệu đồng tài trợ.


Thời điểm đó, nếu tìm thấy một chai Laser ở đại lý, Heineken sẽ lập tức dừng cung sản phẩm cho đại lý này. Giữa những chai bia Tiger, Heineken được ưa chuộng và một dòng bia tươi đóng chai cao cấp vừa ra mắt, hầu hết hệ thống phân phối lựa chọn Heineken.


Quán Cây Dừa và Công ty Tân Hiệp Phát thua kiện tuy không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của một nhãn hàng bia Việt chỉ sau 8 tháng ra mắt, nhưng cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường bia tại Việt Nam từ thời điểm này.


Về phía Tân Hiệp Phát, sau này, ông Trần Quý Thanh, chủ tịch công ty thừa nhận bia Laser là một thất bại.


Doanh nghiệp này đã rót đến 100 triệu USD để xây dựng nhà máy bia lớn và hiện đại nhất Việt Nam thời bấy giờ, với công suất 300 triệu lít/năm. Chưa kể, thương hiệu nhanh chóng phủ sóng hình ảnh khi tài trợ cho giải bóng đá Cúp truyền hình Bình Dương, Laser Cup và chiến lược quảng cáo, khuyến mại rầm rộ.


Tân Hiệp Phát đưa Laser ra thị trường với kỳ vọng người Việt Nam có thể thưởng thức bia tươi mọi lúc, mọi nơi. Mặc dù vậy, theo phân tích của một chuyên gia thương hiệu, khi người dân còn quá quen với thứ bia tươi giá thấp ở vỉa hè, thì Laser lại được định vị ở phân khúc cao cấp. Giá bia Laser cao hơn Tiger và không thấp hơn Heineken nhiều.


Nhưng thất bại lớn nhất của Laser, theo ông Trần Quý Thanh, chính là "yết hầu" phân phối. "Khi bạn không nắm được hệ thống phân phối, xác suất thất bại là 100%", ông chia sẻ.


Độc quyền hay quyền lực mềm?


Không chỉ Laser, một số sản phẩm bia khác ra đời sau này cũng phản ánh là bị hạn chế phân phối bởi đối thủ.


Mới đây, khi dòng bia Saigon Lager (một nhãn hàng của Sabeco) ra mắt, các đại lý cũng được yêu cầu không bán sản phẩm này. Bà T., kinh doanh bia gần 30 năm qua tại TP.HCM, cho biết một số đại lý nhỏ khi đó vì muốn giữ tiền hỗ trợ hàng tháng của Heineken mà bán giấu giếm, không dám trưng bày công khai.


Mới đây, bia Saigon Chill (thuộc Sabeco) cũng được một số đại lý phản ánh đang bị Heineken Việt Nam gây sức ép.


Từ phía kênh phân phối, các chủ nhà hàng, đại lý đều cho rằng cần kinh doanh đa dạng sản phẩm, thương hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Họ gọi cách làm của Heineken là cạnh tranh không lành mạnh.


Tuy vậy, nhìn lại câu chuyện của quán Cây Dừa thời điểm năm 2004, chính HĐXX đã khẳng định, hợp đồng độc quyền giữa chủ quán và Công ty Nhà máy bia Việt Nam có giá trị pháp lý, hai bên tự nguyện ký kết trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và không vi phạm điều cấm của pháp luật, không vi phạm các nguyên tắc của việc ký kết hợp đồng.


Sau này, Luật Cạnh tranh ra đời với các điều khoản quy định chặt chẽ hơn. Nhưng trao đổi với Zing, một chuyên gia kinh tế vẫn nhìn nhận đây là mối quan hệ kinh tế thông thường, phía hãng bia không có gì sai phạm, và nhà hàng, đại lý có quyền ký kết hợp đồng hoặc không. Số tiền hãng bia tài trợ được coi là ngân sách bù đắp chi phí cơ hội khi nhà hàng, đại lý không bán bia của các hãng khác.


Thậm chí, ngay cả khi hai bên không giao kết một hợp đồng độc quyền, thì hãng bia vẫn có thể dùng quyền lực kinh tế để ràng buộc đối tác, như khi các đại lý, nhà hàng lựa chọn giữa bia Heineken, Tiger bán chạy và bia Laser vừa "trình làng".


Trong khi đó, lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết đã nhận được thông tin từ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bia phản ánh về chính sách của Công ty TNHH Nhà Máy Bia Heineken Việt Nam đối với các đại lý có bán bia của hãng khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh.


Trên cơ sở đó, lãnh đạo Cục cho biết đã tổ chức buổi làm việc với doanh nghiệp để hướng dẫn quy trình, thủ tục khiếu nại vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. Đồng thời, Cục đã đề nghị các doanh nghiệp liên quan thu thập tài liệu, chứng cứ và cung cấp thông tin chính thức để có cơ sở xem xét theo đúng quy định.


"Cục đang tiếp tục phối hợp tích cực với các bên liên quan để thu thập thông tin về vụ việc. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh, Cục sẽ xử lý và công khai kết quả xử lý theo quy định hiện hành", lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng cho biết.


Theo Zing

----------

Page cần sự đồng hành của bạn ❤

(+) Khi post bổ ích

(-) Khi bạn chưa hài lòng

(x) Nội dung bạn muốn page update thường xuyên


Shared by: #VIETNAMBUSINESSINSIDER

Group: GIẢI MÃ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP

Saturday, October 31, 2020

Lịch sử bí ngô vào ngày lễ Halloween

 Lịch sử bí ngô vào ngày lễ Halloween🎃🎃🎃



Truyền thống đục các loại củ quả theo hình mặt người xuất phát từ người Xen-tơ (Celts). Đây là một bộ tộc cổ, sinh sống chủ yếu ở vùng Tây Âu, bao gồm Brittany, Cornwall, Wales, Scotland, Ireland, và Đảo Man.


Bản thân từ “Halloween” có xuất xứ từ Thiên Chúa Giáo, đó là từ kết hợp của hai từ Hallows Eve (ngày lễ thánh hóa hay còn gọi là ngày lễ các thánh) diễn ra vào ngày đầu tiên của tháng 11, tháng cầu cho các linh hồn đã qua đời. Nhưng cũng có tài liệu cho rằng ngay từ thế kỷ 5 trước công nguyên người Celtic ở Ai-len đã kỷ niệm ngày này vào ngày 31/10, tức là ngày cuối cùng của mùa hè như là một nghi lễ mừng năm mới.

Trong văn hóa tâm linh người Xen-tơ, từ ngày 31 tháng 10 cho đến ngày 1 tháng 11 chính là lúc linh hồn của những người đã chết năm đó sẽ biến mất. Vì thế, thời điểm này ma quỷ sẽ xuất hiện rất nhiều. Chúng quẩn quanh các đống lửa mà người Xen-tơ dựng lên giữa cánh đồng để ăn mừng vụ mùa và chào đón mùa đông sắp đến. Họ tin rằng chỉ có ánh sáng mới bảo vệ được họ trên đường ra cánh đồng, nên họ bắt đầu đục lỗ củ cải theo hình mặt người, khoét bỏ ruột và đặt một cây nến bên trong để làm đèn dẫn đường. Ánh sáng chiếu qua “mắt”, “mũi”, “miệng” của củ cải sẽ khiến ma quỷ sợ hãi và bỏ đi. Chiếc đèn này cũng là thứ giúp cho những người đi đường và linh hồn của những người tốt biết phương hướng trở về nhà.


Chiếc đèn lồng bằng củ cải đó về sau được đặt tên theo Stingy Jack — một người nông dân hà tiện sống ở vùng đất Ireland. Một hôm, Jack mời quỷ cùng đi uống rượu và đến khi phải trả tiền, Jack gạ quỷ tự biến thành tiền để trả cho người bán hàng. Vì bản tính láu cá, Jack liền bỏ ngay đồng tiền vào túi có chiếc thánh giá nên quỷ không thể trở lại nguyên hình được nữa.


Khi quyết định bỏ cây thánh giá ra khỏi túi để quỷ trở về hình dạng ban đầu, Jack đã đưa ra điều kiện rằng quỷ không được quấy nhiễu mình trong suốt 1 năm. Và nếu Jack chết, quỷ cũng không được thu hồi linh hồn của mình. Hết một năm giao kèo, vì sợ quỷ trở mặt, Jack lừa quỷ leo lên cây táo hải quả. Trong lúc quỷ loay hoay trên cây thì Jack khắc ngay hình thánh giá vào gốc khiến quỷ hoảng hốt không dám leo xuống. Lần này, Jack lại đưa ra thỏa thuận là quỷ không được trêu chọc anh trong thêm 10 năm nữa thì anh mới giải thoát cho quỷ.


Một thời gian sau đó, Jack chết. Hồn ma của Jack đến gõ cửa thiên đường nhưng Thượng đế không cho vào vì Jack đã nhiều lần lừa đảo với cả quỷ dữ. Jack bèn tìm xuống địa ngục nhưng vì giữ lời hứa, quỷ không bắt hồn Jack và đuổi anh đi. Thấy Jack đáng thương, quỷ đã cho Jack một cục than hồng để dò đường trong đêm tối. Jack bỏ cục than vào trong một củ cải rỗng ruột và từ đấy mãi lởn vởn khắp dương gian.


Người Ireland lan truyền câu chuyện thần thoại đó và bắt đầu đặt các củ cải được đục lỗ ở cửa sổ của họ để ngăn Jack hà tiện và những con quỷ khác vào nhà. Sau này, khi người Ireland nhập cư vào Mỹ, họ nhận thấy ở Mỹ có rất nhiều quả bí ngô to, tiện lợi để đục hình mặt người nên họ đã coi bí ngô là loại quả lý tưởng để làm đèn Jack O’Lantern.


Đến nay, có rất nhiều biến thể khác nhau về câu chuyện quả bí ngô trong ngày lễ Halloween. Tuy nhiên, tất cả đều xoay quanh một ý nghĩa rằng chiếc đèn này sẽ giúp con người tránh khỏi tà ma và sự xâm nhập của quỷ dữ.


(Sưu tầm trên mạng.)

Wednesday, October 28, 2020

THƯ GỬI HỌC SINH CỦA THẦY HIỆU TRƯỞNG MỘT TRƯỜNG HỌC VÙNG LŨ HUYỆN QUẢNG NINH - QUẢNG BÌNH (nên đọc)

 





Thân gửi các em học sinh!
Vậy là nước lũ đã rút, nhiều gia đình đang cố gắng dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc, và thầy biết nhiều em cũng đang sắp xếp áo quần, sách vở - dù không còn nhiều để xếp - chuẩn bị ngày mai đi học trở lại.
Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mặc đồng phục, không nhất thiết phải áo trắng, áo dài và nếu có ố vàng một chút cũng không sao, đừng quá tự ti, đừng quá lo lắng, miễn là áo quần đủ khô, đủ ấm em nhé!
Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mặc dép có quai hậu (như quy định của Đoàn trường), chỉ cần có cái để xỏ vào chân, bùn lấm một tí cũng được, sứt mẻ một tí cũng được, miễn là đủ để ngăn rác bẩn hay cây gai đâm vào chân, em nhé!
Ngày mai đi học, các em nhớ dậy sớm một tí, đề phòng chiếc xe yêu thích ngày nào bỗng dưng "dở chứng", mình có thể làm một cuốc "bộ hành" giữa trời thu xanh mát, hoặc có thể ra đường ngóng chúng bạn "hốt-dùm-tui-đi", và nếu trễ một chút cũng không sao, miễn là đi đủ chậm và an toàn, thấy ai trách thì nhớ mỉm cười và cúi đầu xin được thông cảm, em nhé!
Ngày mai đi học, nếu chưa có đủ sách vở hoặc bút viết, xin các em đừng quá lo lắng, thầy cô còn có nhiều bài học làm người, bài học cho tinh thần tương thân tương ái, bài học về giá trị cốt lõi của học trò trường QuảngNinh mà đôi khi các em chỉ cần dùng trái tim để "learn by heart" mà không phải ghi chép gì nhiều, em nhé!
Ngày mai đi học, nếu cũng không còn cặp sách để đựng đồ cũng không sao, các em có thể bỏ tất cả vào một bao ni lông, cột thật chặt, và nhớ ghi rõ tên và trường để bà con gửi trả về nếu lỡ nước có cuốn trôi, em nhé!
Ngày mai đi học, khoan hãy học bài cũ, các em có thể dành thời gian hỏi han bạn bè, thầy cô sau đợt lụt vừa rồi, và nhớ đừng chê cười nếu như học trò của mình mặc đồ không được đẹp, đi dép không được "mốt" hay thấy một bao ni lông lăn lốc trong góc bàn cuối lớp, em nhé!
Ngày mai và nhiều ngày tới nữa, các nhà hảo tâm cũng sẽ đến với các em (như họ đã "hứa" với thầy cô), thầy mong các em biết trân quý những đồ dùng mà mình nhận được, nếu có hơi cũ, hơi rách tí thì cũng mong các em hiểu, đó không chỉ là cuốn vở, tấm áo mà còn cả tấm lòng tương thân tương ái của các Bác, các O, các Chú, các Anh Chị Em, và đặc biệt từ các bạn Học sinh cùng trang lứa từ mọi miền khắp cả nước, các bạn học sinh ấy, dù còn nhiều nghèo khó nhưng vẫn đóng góp ủng hộ một vài cuốn vở hay 10k, 20k... Họ đã dành cho đồng bào miền Trung nói chung và Trường chúng ta không chỉ tiền của, sức lực, thời gian, không chỉ sự cho-nhận thông thường, mà còn cả tấm lòng yêu thương đến nghẹn lòng, em ạ!
Và cuối cùng, ngày mai đi học, thầy mong các em vẫn bình tĩnh, tự tin và mỉm cười, còn người là còn của, đừng quá lo lắng, đừng quá bi quan, thua keo này ta bày keo khác, chỉ cần cố gắng từng tí một, vượt qua những trở ngại trước mắt, không ngừng học tập, và thầy tin, tươi sáng sẽ sớm đến với chúng ta!
Chào mừng các em Học sinh trở lại
Yêu và thương các em thật nhiều!
💗💗💗
Thầy giáo làng của các em.
27.10.2020
Facebook: Hà Quý
Ảnh sưu tầm: thầy cô và phụ huynh đang dọn dẹp bùn, chuẩn bị học lại.

Monday, October 19, 2020

Máu sam biển – nguồn lợi sẵn có tại Việt Nam có giá ngàn đô

 



Máu sam biển – nguồn lợi sẵn có tại Việt Nam có giá ngàn đô


Nhắc đến Sam biển, nhiều người chỉ biết đó là một trong những món hải sản độc đáo và khá kỳ công trong việc chế biến. Nếu để thưởng thức thì giá của loại hải sản này không đắt đỏ, thế nhưng máu Sam lại có giá trị rất lớn, nhất là trong lĩnh vực y tế với những công dụng tuyệt vời.


Sam biển (Cua móng ngựa) là một loài động vật chân đốt thuộc họ Limilidae. Tồn tại trên Trái Đất từ cách đây 450 triệu năm, loài cua này còn được mệnh danh là những hóa thạch sống. Máu của chúng có màu xanh da trời. 


Và có thể bạn chưa biết, thứ chất lỏng đó là một trong những nguồn tài nguyên đắt nhất thế giới. Mỗi lít máu cua móng ngựa có giá khoảng 16.000 USD, tương đương 370 triệu VNĐ. Nhưng tại sao nó lại đắt đến vậy?


Thứ làm nên màu xanh trong máu cua móng ngựa chính là đồng. Nhưng bạn không thể khai thác đồng trong một lít máu mà lãi tới hơn 370 triệu được.


Hợp chất đắt giá nhất mà những con cua móng ngựa nắm giữ trong máu mình là Limulus amebocyte lysate (LAL), chất đông máu duy nhất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ bắt buộc sử dụng cho các thử nghiệm độ an toàn của vắc-xin.


Trước khi biết đến LAL, các nhà khoa học không hề có cách nào để biết vắc-xin họ sản xuất ra, hoặc các dụng cụ y tế mà họ đang sử dụng, có bị nhiễm khuẩn hay không. Để kiểm tra điều đó, họ phải tiêm trước vắc-xin vào những con thỏ, và chờ đợi xem chúng sống chết ra sao, có xuất hiện triệu chứng nhiễm trùng hay không.


Cho đến năm 1970, phát hiện về LAL đã thay đổi toàn bộ quy trình thử nghiệm đó. Một nhà khoa học bây giờ chỉ cần nhỏ một lượng cực nhỏ LAL vào vắc-xin hoặc dụng cụ y tế. Nếu vi khuẩn gram âm xuất hiện trong đó, LAL sẽ bao chúng lại bằng một cái kén thạch nhìn thấy được.


Mặc dù kén thạch này không tiêu diệt vi khuẩn, nhưng nó là hoạt động như một chiếc chuông báo cháy. LAL thông báo cho chúng ta biết về sự hiện diện của mầm bệnh, về khả năng nhiễm trùng có thể gây tử vong nếu vẫn sử dụng vắc-xin hoặc dụng cụ y tế nhiễm khuẩn.


Với tính chất đặc biệt ấy, FDA yêu cầu mọi công ty dược phẩm phải kiểm tra vắc-xin của mình với LAL trước khi đưa ra thị trường. Để có được lượng LAL cần thiết, mỗi năm Hoa Kỳ phải bắt tới 600.000 con cua móng ngựa.


Chúng được đưa vào nhà máy, trích 30% máu sau đó thả trở lại tự nhiên. Chuyến ghé thăm hiến máu cho con người kéo dài từ 24-72 tiếng đồng hồ. Và không phải con cua nào cũng có thể sống sót sau thủ thuật khắc nghiệt ấy.


Có khoảng 30% số lượng cua sẽ chết ngay trong quá trình rút máu. Trong khoảng vài ngày sau đó, sẽ lại có từ 10-25% cua móng ngựa tiếp tục chết vì thiếu máu. Ngay cả khi sống sót, những con cua này nhiều khả năng cũng gặp vấn đề trong việc xác định phương hướng hoặc sinh sản.


Chỉ có những con cua móng ngựa sống trên 2 tuần sau khi mất máu mới có thể hồi phục và tiếp tục sống khỏe mạnh sau đó.


Các nhà khoa học biết nguồn tài nguyên từ máu cua móng ngựa rất quan trọng đối với ngành dược phẩm. Bởi vậy, hoạt động bảo tồn loài cua này rất được chú trọng.


Con người cần bảo tồn cua móng ngựa, nếu không muốn mất đi một nguồn tài nguyên quan trọng


Khai thác máu cua móng ngựa trong hàng thập kỷ đã khiến quần thể loài sinh vật này giảm sút. Trong 40 năm tới, các nhà khoa học ước tính một lượng 30% cua móng ngựa sẽ biến mất.


Năm 2016, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã buộc Mỹ đưa loài cua này vào sách đỏ. Nhiều nhóm vận động bảo đang kêu gọi ngành dược phẩm đối xử nhân đạo với những con cua, trong khi đó, cấm hoàn toàn việc sử dụng loài cua này làm mồi câu cá.


Với những động thái này, quần thể cua móng ngựa ở Nam Carolina đang có dấu hiệu hồi phục trở lại. Bảo vệ loài cua cổ xưa chính là bảo vệ sự an toàn cho những liều vắc-xin của chúng ta.


Từ fb Chau Nguyen Thi

Wednesday, October 14, 2020

CON NUÔI



Cô giáo dạy lớp một Debbie Moon đang thảo luận với các em học sinh về bức tranh vẽ một gia đình. Trong tranh, một cậu bé có màu tóc khác hẳn với màu tóc của các thành viên còn lại trong gia đình.


Một học sinh nhận xét cậu bé đó là con nuôi và cô bé Jocelynn Jay lên tiếng phát biểu:


“Mình biết rất rõ về con nuôi vì mình cũng là con nuôi mà.”


“Thế con nuôi có nghĩa là gì?” một học sinh khác hỏi.


“Con nuôi có nghĩa là thay vì bạn được sinh ra từ trong bụng mẹ, thì bạn được nuôi dưỡng và lớn lên từ trong trái tim của mẹ.” Jocelynn kiêu hãnh trả lời.

Tuesday, October 6, 2020

KHÔI PHỤC ĐÈN LỒNG TRUNG THU CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

 KHÔI PHỤC ĐÈN LỒNG TRUNG THU CỔ TRUYỀN VIỆT NAM 



Từ bao thế kỷ nay Việt Nam vẫn luôn là nước độc nhất trên thế giới lấy ngày rằm tháng Tám Âm lịch mỗi năm làm Tết Nhi đồng. Các nước "đồng văn" sử dụng Âm lịch khác là Trung Hoa, Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ xem dịp rằm tháng Tám là lễ hội đoàn viên hoặc lễ hội lúa mới. Và Việt Nam cũng là nơi duy nhất có phong tục làm lồng đèn hình các con thú cho trẻ em trong dịp Tết Nhi đồng, tức là Tết Trung thu.


Tương truyền vào thời Đường bên Trung Hoa (Phan Kế Bính cho là vào thời Tống) có con cá chép thành tinh. Mỗi năm đến tối rằm tháng Tám con tinh cá vào kinh đô Tràng An bắt người dân để ăn thịt. Triều đình nhà Đường nghĩ ra một kế là dậy cho dân Tràng An làm đèn lồng hình con cá chép bằng khung tre phết giấy hay vải lụa, để đêm Trung thu thắp lên đem ra treo trước nhà hay để đi rước trong kinh thành. Con tinh cá thấy thế tưởng đồng loại đã làm việc ở những chỗ ấy rồi nên bỏ đi. Tục lệ này dần lan ra mọi nơi trong nước và thành lệ mỗi năm. Nước ta lúc bấy giờ hãy còn bị nội thuộc nhà Đường, cho nên có lẽ người mình đã tiếp thu phong tục làm đèn lồng hình con cá này từ giai đoạn đó.


Khi người Mông Cổ chiếm được nước Trung Hoa từ nhà Tống năm 1279, lúc đầu họ đã bãi bỏ nhiều lề lối cũ của người bản địa. Và có thể tục lệ làm đèn con cá chép của người Hoa cũng bị phế bỏ lúc đó. Trong khi đó Việt Nam vì đã ngăn cản được các cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông, cho nên chúng ta vẫn giữ được nền tự chủ và các phong tục cũ. Trong đó có việc làm đèn lồng Trung thu.


Rồi lần hồi người Việt đã phát triển thêm các loại đèn lồng hình thú hay hoa quả khác cho trẻ em, dựa trên cổ tích Trung thu. Ví dụ như đèn con thỏ ngọc, hay đèn con thiềm thừ hý nguyệt. Theo di thảo của vua Lê Thánh Tôn thì thiềm thừ, tức con cóc ba chân, là thủy tổ của các loài cóc, ếch. Và thiềm thừ đã sống trên cung Trăng từ nhiều vạn năm. Sau này người mình còn tạo ra các loại đèn con bướm, con gà, con tôm, con cua, quả đào, quả lựu, v.v…, cho thêm phong phú.


Từ nhiều thế kỷ, trẻ em Việt Nam đã vui Tết Trung thu của mình với những thứ đồ chơi độc đáo như con giống làm bằng bột và đèn lồng hình dạng các con thú. Đấy là những phong tục đẹp đẽ và độc đáo của riêng người Việt. Nhiều bảo tàng bên Pháp hiện vẫn còn giữ được những cái đèn Trung thu và những con giống bột rất đẹp, tinh xảo; được làm cho Tết Nhi đồng của Hà Nội từ những thập niên đầu thế kỷ 20.


Cho đến cuối thế kỷ 19 thì thú chơi lồng đèn Trung thu ở miền Bắc Việt Nam, nhất là ở Hà Nội, đã thành rõ nếp lắm rồi. Theo các ảnh chụp cũng như tranh vẽ đèn Trung thu ở Bắc Việt của các nhiếp ảnh gia và các nhà ngiên cứu người Pháp, thì từ những năm cuối thế kỷ 19 đèn Trung thu cho trẻ em ở Hà Nội đã rất xúc tích, đa dạng. Mẫu mã đèn Trung thu ở Sài Gòn dù ở thời điểm cực thịnh về sau này, nghĩa là cho đến giữa thập niên 1970, vẫn không thể so sánh với các đèn Trung thu ngoài Bắc mấy thập kỷ trước đó được.


Ngày xưa ở Bắc Bộ có nhiều nơi làm đèn Trung thu cho trẻ em. Nhưng nổi trội nhất phải kể đến làng Báo Đáp ở Nam Trực, Nam Định. Người làng Báo Đáp làm đèn Trung thu bài bản và quy mô hơn mọi nơi khác. Có thể nói là nếu Bát Tràng nổi tiếng với đồ gốm và Vạn Phúc nổi tiếng với vải lụa, thì Báo Đáp được biết đến là làng đèn Trung thu.


Các biến động chính trị, lịch sử đã làm nghệ thuật làm lồng đèn Trung thu cổ truyền quý báu của người mình gần như biến mất từ lâu ở miền Bắc. Nhưng thật may là rất nhiều người dân làng Báo Đáp di cư vào Sài Gòn hồi giữa thập niên 1950 đã tụ họp lại lập ra xóm Phú Bình, hiện ở quận Tân Phú, và tiếp tục nghề làm đèn cố hữu của họ. Tất cả đèn Trung thu của Sài Gòn và các tỉnh miền Nam từ hơn nửa thế kỷ nay đều được sản xuất từ Phú Bình. Nhưng các loại đèn cầu kỳ, tinh xảo cổ xưa cũng đã bị thất truyền ở Sài Gòn từ vài ba chục năm nay.


Từ năm 2007 tôi đã bắt đầu mầy mò ở khu Phú Bình, là chỗ tôi vẫn được đưa đến mua đèn Trung thu loại cao cấp từ hơn nửa thế kỷ trước khi còn bé, để cố gắng tìm nghệ nhân tâm huyết cho việc phục hồi lại nghệ thuật quý báu này. Thật ra mục đích đầu tiên của tôi chỉ là làm lại cái đèn con thỏ mà Trung thu mỗi năm hồi đó tôi nhất định phải có, do cùng một nghệ nhân làm. Tôi quý cái đèn con thỏ đó đến nỗi đã vẽ nằm lòng lại từng chi tiết của nó, nhất là cách dán lông thỏ đặc biệt của người nghệ nhân già. Và con thỏ đó sẽ là mấu chốt để phục hồi lại các đèn Trung Thu đẳng cấp của Báo Đáp - Phú Bình cũ.


Nhưng chuyện không đơn giản. Ví dụ như cách đây khoảng tám năm, có lần tôi cố gắng chỉ cho một người làm lồng đèn cách dán lông thỏ giả vào những cái đèn tương đối còn chấp nhận được, nhưng là những lồng đèn có vẻ đẹp nhất trong phố lúc đó, của anh ta. Như một gợi ý cho anh ta về cách trang trí đèn lồng Trung thu hồi xưa. Nhưng vì anh thợ không hứng thú lắm, cho nên không thành công. Hiện nay, những lồng đèn bán ở chợ lồng đèn Trung thu ở quận 5 vẫn dán lông giả đủ màu sắc mà hoàn toàn không có một căn bản mỹ thuật nào. Và người ta cũng không hiểu mục đích dán lông như vậy để làm gì.


Lông thỏ để làm đèn Trung thu được đặt hàng từ mùa hạ để lấy lông ngắn, không quá xù. Riêng lông bụng dài đẹp phải đặt mua ở Đà Lạt vào mùa đông. Hồi đó chỉ có thỏ ta lông ngắn cho nên phải khó như vậy. Rồi người ta phải biết chỗ nào trên đèn dán lông lưng thỏ, chỗ nào dán lông bụng. Ngày nay vì ý thức đạo đức cho nên phải dùng lông thỏ giả. Nhưng dùng lông giả thì cũng phải biết cách tỉa lông sao cho giống lông lưng, lông bụng thỏ thật.


Mãi đến 2017 tôi mới có cơ duyên gặp được gia đình cụ quả phụ Nguyễn Trọng Văn ở Phú Bình. Gia đình cụ Văn đã có truyền thống làm đèn Trung thu từ nhiều đời ở làng Báo Đáp. Từ khi dọn vào Sài Gòn họ vẫn tiếp tục giữ nghề, dù rằng có phải thay đổi một ít về hình thức của những chiếc đèn này. Người làm việc trực tiếp với tôi là em Nguyễn Trọng Bình, con trai cụ Văn. Bình rất khéo tay, kiên nhẫn, sáng dạ. Và quan trọng nhất là cầu tiến, yêu nghề. Em nhẫn nại chữa các lỗi kỹ thuật hay nhận những yêu cầu khó khăn mà không bao giờ than van, mệt mỏi…


Bình có những kỹ thuật và mẹo để uốn khung tre thành những hình dạng phức tạp một cách thật giản dị và tự nhiên đến buồn cười. Có lẽ đây là những gì còn sót lại từ quê tổ cũ. Chỉ một, hai ngày sau khi gặp gỡ, cái đèn con thỏ thân thương hồi bé của tôi đã hiện ra trước mặt như chưa hề vắng bóng. Cụ Văn cứ ôm cái đèn mà thì thầm: “Đây mới là đèn con thỏ…”. Thật cảm động. Các phác họa khung lồng đèn tôi đưa ra khó đến đâu Bình cũng giải quyết dễ dàng, nhuần nhuyễn như đã sẵn quen thuộc.


Nhưng thế chưa là tất cả trong việc hồi phục lại cái nghệ thuật cổ truyền quý giá đã mất này.


Sau khi đã phục hồi lại được một số đèn Trung Thu cao cấp của Sài Gòn cũ, chúng tôi vẫn bí tị không hiểu người Báo Đáp ngày xưa dán đèn bằng vật liệu gì. Theo hình ảnh và hiện vật còn lại ở các bảo tàng bên Pháp, một số rõ ràng được dán bằng giấy bóng kính. Có những cái đèn dán bằng lụa mỏng. Nhưng phần nhiều được dán giấy nhưng không phải là giấy bóng kính, vì cách vẽ theo lối bôi nước nhiều lần (tương tự như thủy mặc) trên các đèn này thì các loại giấy thường đều không chịu nổi.


Cụ Văn bị bán thân bất toại do tai biến mạch não, cho nên vẫn phải ngồi xe lăn từ nhiều năm nay. Và cụ dường như không để ý mấy đến những gì diễn ra chung quanh. Nhưng từ khi chúng tôi làm lại những lồng đèn cũ thì cụ có vẻ năng động hơn, và nói chuyện với tôi rất nhiều. Một hôm khi Bình và tôi đang bàn về loại vật liệu dán đèn khó hiểu đó, thì cụ Văn bật ra như thét: “Giấy nhiễu! giấy nhiễu mới chịu được nước chứ”. Rồi cụ bảo Bình ra hỏi ‘A Dí’ xem bà ấy còn giấy nhiễu không. A Dí (tức ‘bà dì’ trong tiếng Quảng Đông) là một bà già người Hoa chuyên buôn bán giấy các loại ở chợ Kim Biên từ đã rất lâu, và là bạn thân của gia đình.


Và A Dí cũng giật mình khi chúng tôi tìm giấy nhiễu, vì mấy chục năm nay không ai hỏi đến loại giấy này. Lúc đó gần Tết Nguyên Đán cho nên bà ấy hẹn sau Tết sẽ cố tìm nhập về cho chúng tôi một ít để thử.


Thì ra người Báo Đáp xưa kia phần lớn dán đèn Trung thu bằng giấy nhiễu, hoặc có khi bằng vải. Giấy nhiễu là loại giấy bên trong có trộn vụn tơ hay sợi vải để chịu nước. Đến những năm 1940 trở đi họ cũng đã bắt đầu dán đèn bằng giấy bóng kính. Khi vào Sài Gòn, họ đổi theo phong cách và thị hiếu của các nhà buôn Chợ Lớn mà đổi sang hoàn toàn dán đèn lồng bằng giấy bóng kính, thường là mầu đỏ. Theo phong cách của người Hoa Chợ Lớn, đèn Trung thu cao cấp nhiều khi còn được gắn thêm lông thỏ và mặt mài kim kính. Chỉ tiếc là loại giấy bóng kính của Nhật mấy chục năm trước với độ dầy 20-24µ nay không còn nữa. Hiện người ta phải dùng giấy loại 18µ dễ loang mầu của Trung Quốc.


Cụ Văn cũng cho biết rằng các đèn Trung thu có cái khung treo bên trên hình tròn bằng tre ngày xưa được gọi là đèn Tàu. Đèn Ta hoặc được treo trực tiếp lên cán tre, hoặc được gắn vào khúc cành tre ở bên dưới đèn.


Và cuối cùng chúng tôi cũng tìm tòi ra được các chất liệu và phương pháp để tạo khung, bồi giấy cho các loại đèn con thú cổ truyền Việt Nam. Hóa ra không phải chỉ cần có đúng chất giấy, chất liệu vẽ, và tạo được khung đèn là đủ đâu. Cao điểm là các lồng đèn con cua sống và con cá hóa long của người Báo Đáp ngày xưa, mà chúng tôi đã mầy mò từ khi gặp gỡ 3 năm trước đến nay, đã được xuất hiện trở lại nhân dịp Trung thu 2020. Đến được bước này rồi thì các đèn Báo Đáp cổ truyền khác như đèn con cua luộc, con bướm, quả đào, quả lựu, v.v…, sẽ chỉ tuần tự mà ra lò khi có thời giờ thôi…


Bên cạnh đó, nhiều mẫu mã mới không có trong hệ thống đèn Trung thu cổ cũng được tạo ra theo phong cách truyền thống để cho bộ sưu tập phong phú thêm. Ví dụ như đèn con lợn làm phỏng theo các loại tranh dân gian như Đông Hồ hay Kim Hoàng. Hay đèn con cá Koi Nhật Bản…


Hiện nay các nhà sản xuất đèn ở Phú Bình cũng đã bắt đầu theo mẫu mã của gia đình cụ Văn mà làm lại đèn Trung Thu truyền thống, dù lúc đầu họ vẫn chỉ làm được những mẫu đơn giản về hình dạng. Nhưng số lượng khách đặt hàng đèn Trung thu truyền thống từ khắp nơi trong nước, từ Hà Nội đến Huế hay Cần Thơ… đã tăng lên gấp bội so với những năm trước. Và nhiều trường học bắt đầu cho học sinh làm quen với thú vui rước đèn Trung thu cổ truyền. Đèn Trung thu truyền thống Việt Nam đang tái xuất hiện một cách rất tích cực.


Điều quan trọng nhất là người thanh niên Phú Bình / Báo Đáp này hiện đã nắm giữ lại được tất cả các bí quyết của nghệ thuật làm đèn Trung thu cổ truyền của đất nước, mà trong bao năm tưởng như đã mất.


(Trịnh Bách)

Thursday, September 24, 2020

BOB CHỜ THƯ

 



Hồi đó tôi làm giáo sư một trường trung học con trai. Một học sinh tên là Bob, trái hẳn với các bạn, không bao giờ nhận được một bức thư nào cả. Vậy mà buổi chiều nào em cũng mau chân nhất, chạy lại chỗ đặt các hộc riêng chăm chú ngó vào hộc của em cho tới khi thư phát hết rồi mới quay ra.


Không phải là gia đình em quên em đâu. Tiền ăn ở trong trường, tiền tiêu vặt của em vẫn gởi tới đều đều đúng hạn. Tháng sáu, ông Hiệu trưởng nhận được thư xin cho em đi nghỉ ở một trại hè. Thì ra viên thư ký của thân phụ em lãnh nhiệm vụ lo cho em tất cả những chi tiết đó.


Nhưng song thân em không ai viết cho em một bức thư nào cả. Khi em kể lể với tôi rằng ba má em đã ly thân nhau, tôi mới hiểu tất cả nguyên do. Và tội nghiệp em, em vẫn tiếp tục trông thư một cách tuyệt vọng. Tôi thường đem tình cảm sầu thảm của em ra nói với một ông bạn đồng nghiệp, ông Joe Hargrove. ông ấy bảo:


– Nếu em đó ít lâu nữa mà không nhận được bức thư nào cả thì đáng ngại cho Bob lắm, có thể tai hại.


Thế rồi một bạn học thân nhất của Bob, tên là Laurent nảy ra một sáng kiến. Laurent ở trong một gia đình hòa thuận, có hạnh phúc, tuần nào cũng nhận được nhiều bức thư của cha mẹ, cả của anh chị em nữa. Một hôm Bob rầu rĩ ngó xấp thư Laurent cấm trong tay. Laurent thấy vậy, bảo ngay:


– Bob, vô trong phòng tôi di, tôi đọc thư của má cho Bob nghe.


Một lát sau tôi thấy hai em ngồi sát nhau cùng bàn tán về bức thư đó. Chiều hôm sau tôi nhận thấy khi phát thư, Bob chẳng những ngó hộc của em mà còn ngó hộc của Laurent nữa. Bob hỏi bạn:


– Lại có thư của má anh nữa hả?

– Không, hôm nay là thư của chị tôi.


Rồi Bob hỏi một bạn khác:


– Anh có thư của má anh không?

– Có !

– Anh cho tôi đọc chung với nhé?

– Ừ! Để tôi đọc lớn tiếng lên nhé!


Từ hôm đó, Bob tha hồ đọc thư của bạn. Khắp tứ phía nhao nhao lên:


– Ê, Bob, hôm nay muốn đọc thư của má không?


Tụi con trai đôi khi có vẻ tàn nhẫn, không giữ ý gì cả, nhưng tuyệt nhiên tôi không thấy một em nào thốt một lời mỉa mai bóng gió hay chế giễu gì em Bob cả. Một hôm tôi kinh ngạc nghe em Bob tự do hỏi ngay Laurent:


– Hôm nay chúng mình có thư không?


Như vậy có dễ thương không chứ! Nên thưởng cho các em nhiều kẹo, nhiều bi mới phải ! Laurent mỉm cười đáp liền, không hề do dự:


– Có, hôm nay chúng mình có một bức.


Chuyện đó làm cho ông Joe Hargrove quyết tâm hành động. Tôi thì tôi cho má em Bob là hạng người ra sao rồi. Nhưng ông Joe đã gặp bà ta nhiều lần, định làm liều xem sao. Một hôm ông ta lại kiếm tôi, tay cầm sáu bức thư đánh máy và sáu bao thư đề địa chỉ của Bob, dán cò sẵn sàng. ông ta bảo:


– Coi này, tôi gởi cho bà Lennoux đây. Bà ta chỉ cần ký tên: “Má của con” rồi mỗi tuần bỏ một bức vào thùng thư.


Tôi đọc những bức thư đó. Viết được lắm, ít bữa sau, Bob cũng lại ngong ngóng đợi ở chỗ đặt các hộc riêng, nhưng chú hết ý vào cái hộc của Laurent. Bỗng học sinh lãnh việc phát thư, la lên:


– Ê, Bob, mày có thư này ! Có thư này!


Bob nhẹ nhàng đưa hai tay lên, cử chỉ y hệt một thiên thần đương cầu nguyện, để đỡ lấy bức thư. Em nói ,như thể vẫn chưa tin:


– Ờ có tên tôi ngoài bao thư nè!


Rồi em la lên:


– A ! Tôi cũng có thư! Tôi cũng có thư! Anh em ơi, có ai muốn đọc thư của tôi không?


Những đứa khác cũng vui mừng, đồng thanh la lớn:


– Có ! Có ! Bob, đọc thư của bồ lên, đọc lên?


Cuộc phát thư tức thì tạm ngưng lại. Chúng đun Bob lên cho đứng trên một cái bàn rồi cả bọn vây chung quanh. Bob ngập ngừng đọc:


– Con cưng của má !


Rồi ngẩng lên nói:


– Tôi không đọc nhanh được !


Laurent bảo:


– Không sao, Bob! Cứ đọc chầm chậm, càng tốt. Đọc chậm mới hiểu rõ từng chữ chớ.


Và Bob chậm chạp đọc bức thư đó, lời lẽ âu yếm như bức thư của bất kỳ bà mẹ nào gởi cho con.


Tháng sáu, buổi phát phần thưởng, tôi thấy má em Bob lại dự. Tôi không ngạc nhiên về điều đó, vì sau khi gởi hết mấy bức thư ông Joe viết sẵn cho rồi, bà ta đích thân viết cho con , quả là một phép màu ! Bob đã cho tôi coi bức thư bà báo trước sẽ tới dự buổi lễ. Phát phần thưởng xong, bà ta kéo tôi ra một chỗ, hỏi tôi:


– Bà thấy thư tôi viết cho cháu được không?

– Được lắm!


Bà ta nói tiếp giọng hơi ngập ngừng:


– Tôi nhờ bà nói về tôi cho cháu Bob nghe…

– Vợ chồng tôi đã hòa thuận với nhau hơn trước, và chúng tôi tính với nhau nghỉ hè này cho cháu về nhà, và… chúng tôi sẽ tìm cách hiểu cháu hơn.

– Xin bà yên tâm, tôi sẽ hết sức giúp bà.


Tôi có cần gì nói thêm rằng không có công việc nào làm cho tôi vui bằng công việc đó không?


Friday, September 4, 2020

NHỮNG MÓN ĂN LÀM THAY ĐỔI CÁ TÍNH



Có một việc xảy ra thường ngày nhưng rất ít người chú ý đến, là những bữa ăn trong nhà bạn.
Mỗi bữa ăn có nhiều món ăn, chính những món ăn này sẽ làm thay đổi cá tính bạn.
*
Người dân Bhutan hầu hết đều ăn thực vật, họ không dùng thịt động vật. Từ nhà vua đến dân chúng đều ăn chay trường. Dân tộc họ hiền lành, ít tật bệnh. Họ xem chỉ số hạnh phúc trong cuộc sống hơn những chỉ số về kinh tế. Trong mùa đại dịch corona, dân tộc Bhutan là dân tộc duy nhất trên thế giới không có người tử vong vì Covid- 19.
Trái lại, các nước phương Tây chọn thức ăn chính là thịt động vật. Sức đề kháng của cơ thể yếu, họ nhiễm bệnh nhanh và lây lan rộng. Số người chết vì Covid- 19 cao nhất thế giới.
*
Ở Việt Nam, giới tu sĩ thường ăn chay trường. Dù sống đông đúc trong Thiền viện, chùa chiền nhưng giới tu sĩ là người không bị lây nhiễm trong mùa dịch bệnh.
*
Nếu bữa ăn trong gia đình bạn điều chỉnh thay thịt bằng cá, ăn nhiều rau cải sạch, những cá tính như nóng nảy, hung dữ, tăng động của các thành viên trong gia đình sẽ giảm bớt.
Vì trong mỗi con người, đều có một kho chứa ( gọi là Tạng thức hay A lại da thức ) những chủng tử thiện ác. Thức ăn là chất kích thích cho các chủng tử đó trổi dậy.
Thịt động vật kích thích tham sân si.Rau quả kích thích từ bi hỷ xả.
Bạn thực hành và sẽ thấy kết quả sau một thời gian. Đây cũng là cách chuyển hóa một số cá tính tăng động của con cháu.
HNN
02.09.2020

Monday, August 24, 2020

Sự khác nhau giữa Fate & Destiny

 



Số mệnh/Định mệnh (Fate) là gì?

“Số mệnh/Định mệnh – fate” có nguồn gốc từ tiếng Latin – từ “Fatum”có nghĩa là “điều đã được nói trước/that which has been spoken”, do đó theo thời gian, từ “Fate” đã được liên kết với những điều đã được xác định trước cho cuộc sống của chúng ta. Fate (Số mệnh/Định mệnh) dựa trên quan niệm cho rằng có một trật tự tự nhiên trong vũ trụ mà không thể thay đổi dù chúng ta có cố gắng thế nào đi chăng nữa. Người Hy Lạp và La mã cổ đại thậm chí còn tin rằng có 3 Nữ thần được gọi là Clotho, Lachesis, và Atropos (Three Fates*) có vai trò xác định con đường sống cơ bản (ultimate life path) của mỗi con người.

Nhìn chung, từ Fate (Số mệnh, định mệnh) mang xu hướng ý nghĩa khá tiêu cực. Ví dụ, những người gặp khó khăn thường có xu hướng tin rằng “Số mệnh;định mệnh/Fate” là nguyên nhân. Các cụm từ ngữ bi quan như “Số phận đã định/ to seal one’s fate” hay “Số mệnh tồi tệ hơn cả cái chết/ a fate worse than death” đều thể hiện khía cạnh không mong muốn và tiêu cực của từ Fate.

Về mặt tinh thần, Số mệnh (fate) là điều xảy ra khi chúng ta bỏ qua cuộc sống của chính mình và không chủ động làm việc để kết nối lại với Tâm hồn mình hay Tự nhiên thực sự của chúng ta (True Nature). Khi chúng ta bỏ mặc cuộc sống của mình cho Số mệnh (Fate), chúng ta về cơ bản đã giao quyền kiểm soát cho người khác và các tình huống bên ngoài, khi chúng ta không cố gắng đề thay đổi một cách có ý thức và tiến hóa – những điều xảy ra sẽ được coi là Số mệnh, định mệnh (Fate).

Số phận (Destiny) là gì?

Số phận (Destiny) có ý nghĩa tích cực hơn Fate. Xuất phát từ Destinare trong tiếng Latin có nghĩa là “Cái đã được thiết lập vững chắc/ that which has been firmly established”. Mặc dù định nghĩa này cũng đề cập đến ý nghĩa về các sự kiện đã được xác định trước, Số phận (Destiny) cũng đồng thời thể hiện việc chúng ta có thể chủ động tạo lập và thay đổi nó. Không giống như Fate (Định mệnh) – trong Destiny có yếu tố của sự lựa chọn. Những phẩm chất như “lòng can đảm”, “từ bi”, “ý chí” và “kiên nhẫn” có thể giúp bạn thay đổi Số phận (Destiny) của mình.

Về mặt tinh thần, Số phận (Destiny) có sự liên hệ chặt chẽ với con đường cuộc sống nền tảng của chúng ta (ultimate life path). Khi chúng ta chọn để bước lên và chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, chúng ta đang định hình số phận của chúng ta một cách tích cực thay vì mặc kệ cuộc sống cho bàn tay của số mệnh (fate). Đạt được Số phận của chính mình có liên quan đến việc phát triển một cách có ý thức mối quan hệ với bản thân sâu thẳm nhất trong chúng ta (our deepest inner selves) và đạt tới sự trưởng thành, phát triển trong mức độ cảm xúc, tâm thần và tinh thần.

Sự khác biệt giữa Số mệnh/Định mệnh (Fate) và số phận  (Destiny) là gì? (- một cách tóm tắt)

Định mệnh (Fate) là điều mà bạn không thể thay đổi. Số phận (Destiny) là điều bạn muốn thực hiện. Trong khi Định mệnh (Fate) là những gì xảy ra khi bạn không chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, thì Số phận (Destiny) lại là những gì xảy ra khi bạn cam kết để phát triển, học tập và nắm lấy cơ hội. Tạo nên Số phận (Destiny) của mình thông qua  các quyết định tích cực và có ý thức, còn Định mệnh (Fate) là những gì xảy ra khi bạn để cho người khác và hoàn cảnh bên ngoài định hình, ra lệnh và kiểm soát cuộc sống của bạn.

Chúng ta có kiểm soát được không?

Định mệnh (Fate) và Số phận (Destiny) có thể được xem như hai mặt của đồng xu: Cả hai đều được xác định trước. Nhưng điều quan trọng cần nhớ đó là “ Có rất nhiều khả năng trong cuộc sống”. Kiến tạo Số phận (Destiny) của chúng ta nghĩa là điều khiển một cách có ý thức dòng chảy cuộc sống của chúng ta theo một hướng nào đó. Chủ quan mà nói (đối với Cái tôi/Ego) điều này có nghĩa là chúng ta có quyền Kiểm soát và Lựa chọn – còn Khách quan thì không có sự “điều khiển” hay “lựa chọn” vì khái niệm “tôi” và “bạn” không tồn tại (ngoại trừ trong tâm trí).

Vì vậy, câu trả lời cho câu hỏi “Chúng ta có quyền kiểm soát hay không” sẽ là nghịch lý: chúng ta có thể và chúng ta không thể. Tuy nhiên, trong khi chúng ta vẫn hoạt động theo mức độ thuộc về cảm giác của Bản ngã (Ego), điều quan trọng đó là chúng ta phải chủ động để tăng cường và chịu trách nhiệm nhiều hơn về Số phận (Destiny) của mình.

Làm thế nào để hoàn thành số phận của bạn

Miễn là bạn đang có ý thức tìm kiếm, học hỏi, phát triển, và tiến hóa về mặt tinh thần, bạn đang hoàn thành vận mệnh của mình. Tuy nhiên, nếu bạn muốn đạt được tiềm năng cao nhất của bản thân, bạn có thể suy nghĩ để thực hiện những lời khuyên hữu ích dưới đây:

  • Phát triển sự tự hiểu biết (Develop self-understanding) – có rất nhiều tài nguyên miễn phí trên mạng (và ngay cả blog này hay Lonerwolf) có thể giúp bạn tìm hiểu bạn là ai.
  • Tìm hiểu về những gì bạn say mê. Có điều gì thôi thúc đến cháy bỏng bên trong bạn? Điều gì khiến bạn bị kích thích và kích động? Bạn ngưỡng mộ và thích thú làm những gì? Hãy chắc chắn rằng bạn sẽ tiếp tục làm những điều giúp hoàn thiện bản thân mình.
  • Hãy để bạn được bao vây bởi những người ủng hộ và truyền cảm hứng cho bạn. Những người thích chỉ trích và thích phán xét thường gây ra một lượng lớn những sự tự nghi ngờ bên trong chúng ta. Nghịch lý rằng đôi khi chúng ta lại thực sự lắng nghe những người không hỗ trợ này, những người bảo chúng ta “phải sống thế nào với cuộc đời của chính mình”, là nguyên nhân dẫn đến việc đẩy chúng ta vào những con đường sai trái. Xác định lại những người trong cuộc sống của bạn – đặc biệt là những người có ảnh hưởng tiêu cực và giữ khoảng cách hoặc giảm bớt liên lạc. Tìm kiếm những người bạn tử tế, những người truyền cảm hứng và chứa đựng sự cảm thông.
  • Cho phép bản thân ra khỏi “khu vực thoải mái” – thông thường, những thay đổi lớn nhất của cuộc sống xảy ra khi chúng ta đưa ra những quyết định táo bạo. Đôi khi hoàn thành số phận của bạn có nghĩa là chấp nhận một chút khó chịu hoặc thậm chí tiến hành một bước nhảy vọt đáng sợ của đức tin. Bất kể trường hợp nào, hãy chắc chắn rằng bạn đang lắng nghe trực giác của mình và cũng có thể sử dụng tư duy logic khi cần thiết.
  • Xác định giới hạn của những niềm tin –  Khi chúng ta tin tưởng suy nghĩ của chính mình, chúng ta cảm thấy tức giận, bất an, buồn bã, xấu hổ và lo lắng. Yếu tố lớn nhất khiến mọi người bị khóa lại trong quá trình hoàn thành số phận của mình chính là “niềm tin cốt lõi”. Niềm tin cốt lõi là những ý tưởng chính mà chúng ta có về bản thân – những điều chúng ta được tạo điều kiện để tin tưởng từ khi mới sinh ra. Những niềm tin cốt lõi bao gồm “Tôi không xứng đáng”, “Tôi ngu ngốc”, “Tôi là một người xấu”, “Tôi không xứng đáng có hạnh phúc”.
  • Yêu cầu sự trợ giúp từ người khác – bạn không phải đi một mình trên chuyến hành trình của bạn. Nếu bạn cần một số hướng dẫn, hay tìm sự giúp đỡ từ người thân, các nhà tư vấn hoặc các thầy dạy về tinh thần. Những người đã đi theo con đường này trước  bạn có thể sẽ chia sẻ rất nhiều sự thông thái – những điều thực sự có lợi cho bạn. Tôi thường nói một lời nguyện cầu đơn giản khi tôi cần sự hướng dẫn. Cầu nguyện không phải là tôn giáo, bạn có thể cầu nguyện với Cuộc sống, Vũ trụ, Tinh thần, Những điều thần bí hoặc bất cứ điều gì bạn muốn.
  • Lập danh sách tất cả các điểm mạnh của bạn – Thực tiễn đơn giản này có thể giúp điều khiển năng lượng của mình một cách bền vững và có lợi hơn.
  • Hãy nhớ rằng thất bại là chuyện rất bình thường – Thất bại thực sự không tồn tại, đó đơn giản là cơ hội để học tập. Nếu điều gì đó không theo ý muốn của bạn, hãy hít thở sâu và nhận ra rằng đôi khi cuộc sống muốn chúng ta di chuyển theo một hướng khác.
  • Tạo lập mục tiêu –  Khi Mục tiêu được xác định rõ ràng thì đó sẽ trở thành cột mốc giúp bạn tổ chức và ưu tiên những gì quan trọng nhất đối với bạn.
  • Tử tế với bản thân – Tình yêu và lòng trắc ẩn của bạn nên được thể hiện nhiều hơn với chính mình, như vậy bạn sẽ càng tự nhiên tiến tới số phận cuối cùng của mình hơn. Hãy chú ý đến những suy nghĩ tiêu cực và những phán xét, để chúng đi qua và không gắn chúng với mình quá lâu.
  • Là chính mình – Sẽ chẳng có ai giống hệt bạn trên hành tinh này, vậy nên  thay vì bắt chước người khác, hãy khám phá những điều tự nhiên nhất đối với bạn. Có quá nhiều người ngoài kia đang cố gắng sao chép những người khác. Hãy là chính mình. Khám phá ra phong cách riêng của bạn. Thưởng thức thứ an bình mà không phải đi kèm với một ai đó không phải là bạn.
  • Hãy tự hỏi mình “Tôi muốn gì nhất trong cuộc đời” và hướng sự chú ý của bạn vào việc hoàn thành mục tiêu đó. Bạn muốn tự do – sự yên ổn – tình yêu? Khi mọi điều đã được nói ra và giải quyết xong, mọi thứ rốt cuộc quay lại với mong muốn được hạnh phúc. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng “theo đuổi hạnh phúc” thực sự sẽ tạo ra đau khổ. Hạnh phúc không bao giờ có thể tìm thấy trong quá khứ hoặc tương lai, nó chỉ có thể được tìm thấy ngay bây giờ – trong thời điểm hiện tại. Vì vậy, để tinh chỉnh thêm câu hỏi phía trên, hãy hỏi thêm bản thân rằng “Tôi có thể tận hưởng cuộc sống ngay bây giờ, trong giây phút hiện tại hay không?”.

Bài viết này có giúp bạn phân biệt được sự khác nhau của Định mệnh (Fate) và Số phận (Destiny)? Tôi hi vọng những lời khuyên ở đây đã truyền cảm hứng cho bạn để bạn có thể chủ động tạo nên con đường cuộc sống của mình thay vì đẩy nó rơi vào tay các thế lực của Số mệnh (Fate).

…………….

*Trong thần thoại Hy Lạp, Moirai hoặc Moerae / mɪrˌiː / hoặc / miːˌriː /, (tiếng Hy Lạp cổ đại: Μοῖραι, “apportioners”), thường được biết bằng tiếng Anh là Fates (tiếng Latinh: Fatae), là những hóa thân trắng của vận mệnh; Tương đương La Mã của họ là Parcae (euphemistically những “sparing những người thân”). Số của họ đã được cố định ở ba: Clotho (spinner), Lachesis (allotter) và Atropos (unturnable). Vị nữ thần nắm giữ số mệnh, quyền lực hơn cả Zeus. Các nàng có trong tay cuộn chỉ số mệnh. Trong các nàng, có một người quay cuộn chỉ, một người quyết định độ dài sợi chỉ và một người cắt chỉ – Theo Wikipedia

Tác giả Mateo Sol. Người dịch Ayako. Nguồn bài viết (Source)