Saturday, October 31, 2020

Lịch sử bí ngô vào ngày lễ Halloween

 Lịch sử bí ngô vào ngày lễ Halloween🎃🎃🎃



Truyền thống đục các loại củ quả theo hình mặt người xuất phát từ người Xen-tơ (Celts). Đây là một bộ tộc cổ, sinh sống chủ yếu ở vùng Tây Âu, bao gồm Brittany, Cornwall, Wales, Scotland, Ireland, và Đảo Man.


Bản thân từ “Halloween” có xuất xứ từ Thiên Chúa Giáo, đó là từ kết hợp của hai từ Hallows Eve (ngày lễ thánh hóa hay còn gọi là ngày lễ các thánh) diễn ra vào ngày đầu tiên của tháng 11, tháng cầu cho các linh hồn đã qua đời. Nhưng cũng có tài liệu cho rằng ngay từ thế kỷ 5 trước công nguyên người Celtic ở Ai-len đã kỷ niệm ngày này vào ngày 31/10, tức là ngày cuối cùng của mùa hè như là một nghi lễ mừng năm mới.

Trong văn hóa tâm linh người Xen-tơ, từ ngày 31 tháng 10 cho đến ngày 1 tháng 11 chính là lúc linh hồn của những người đã chết năm đó sẽ biến mất. Vì thế, thời điểm này ma quỷ sẽ xuất hiện rất nhiều. Chúng quẩn quanh các đống lửa mà người Xen-tơ dựng lên giữa cánh đồng để ăn mừng vụ mùa và chào đón mùa đông sắp đến. Họ tin rằng chỉ có ánh sáng mới bảo vệ được họ trên đường ra cánh đồng, nên họ bắt đầu đục lỗ củ cải theo hình mặt người, khoét bỏ ruột và đặt một cây nến bên trong để làm đèn dẫn đường. Ánh sáng chiếu qua “mắt”, “mũi”, “miệng” của củ cải sẽ khiến ma quỷ sợ hãi và bỏ đi. Chiếc đèn này cũng là thứ giúp cho những người đi đường và linh hồn của những người tốt biết phương hướng trở về nhà.


Chiếc đèn lồng bằng củ cải đó về sau được đặt tên theo Stingy Jack — một người nông dân hà tiện sống ở vùng đất Ireland. Một hôm, Jack mời quỷ cùng đi uống rượu và đến khi phải trả tiền, Jack gạ quỷ tự biến thành tiền để trả cho người bán hàng. Vì bản tính láu cá, Jack liền bỏ ngay đồng tiền vào túi có chiếc thánh giá nên quỷ không thể trở lại nguyên hình được nữa.


Khi quyết định bỏ cây thánh giá ra khỏi túi để quỷ trở về hình dạng ban đầu, Jack đã đưa ra điều kiện rằng quỷ không được quấy nhiễu mình trong suốt 1 năm. Và nếu Jack chết, quỷ cũng không được thu hồi linh hồn của mình. Hết một năm giao kèo, vì sợ quỷ trở mặt, Jack lừa quỷ leo lên cây táo hải quả. Trong lúc quỷ loay hoay trên cây thì Jack khắc ngay hình thánh giá vào gốc khiến quỷ hoảng hốt không dám leo xuống. Lần này, Jack lại đưa ra thỏa thuận là quỷ không được trêu chọc anh trong thêm 10 năm nữa thì anh mới giải thoát cho quỷ.


Một thời gian sau đó, Jack chết. Hồn ma của Jack đến gõ cửa thiên đường nhưng Thượng đế không cho vào vì Jack đã nhiều lần lừa đảo với cả quỷ dữ. Jack bèn tìm xuống địa ngục nhưng vì giữ lời hứa, quỷ không bắt hồn Jack và đuổi anh đi. Thấy Jack đáng thương, quỷ đã cho Jack một cục than hồng để dò đường trong đêm tối. Jack bỏ cục than vào trong một củ cải rỗng ruột và từ đấy mãi lởn vởn khắp dương gian.


Người Ireland lan truyền câu chuyện thần thoại đó và bắt đầu đặt các củ cải được đục lỗ ở cửa sổ của họ để ngăn Jack hà tiện và những con quỷ khác vào nhà. Sau này, khi người Ireland nhập cư vào Mỹ, họ nhận thấy ở Mỹ có rất nhiều quả bí ngô to, tiện lợi để đục hình mặt người nên họ đã coi bí ngô là loại quả lý tưởng để làm đèn Jack O’Lantern.


Đến nay, có rất nhiều biến thể khác nhau về câu chuyện quả bí ngô trong ngày lễ Halloween. Tuy nhiên, tất cả đều xoay quanh một ý nghĩa rằng chiếc đèn này sẽ giúp con người tránh khỏi tà ma và sự xâm nhập của quỷ dữ.


(Sưu tầm trên mạng.)