Monday, October 22, 2018

Nguyên lý duyên sinh




Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy mọi sự vật, hiện tượng trong phạm vi giới hạn của đôi mắt mình, nhưng sự thật là còn có rất nhiều điều ta không nhìn thấy nhưng vẫn đang hiện hữu đồng thời với sự vật, hiện tượng mà ta nhìn thấy. Ngắm nhìn một bông hoa, ta chỉ thấy được vẻ đẹp qua màu sắc, đường nét của những cánh hoa, nhưng cái ta không nhìn thấy là sự sống của bông hoa ấy với vô số những điều kiện tương quan cần thiết, chẳng hạn như nước được hút lên từ lòng đất với dưỡng chất để tạo thành nhựa cây, ánh nắng từ không trung tỏa chiếu, vừa sưởi ấm để tạo nhiệt độ cần thiết, vừa giúp vào quá trình quang hợp của lá cây, cho đến thành phần không khí mà cây hoa phải dùng đến trong “hơi thở” của nó...


Nhưng tất cả những gì ta không nhìn thấy đó lại là những điều kiện tất yếu cho sự tồn tại vẻ đẹp của bông hoa. Không có nước, cây sẽ héo úa. Không có dưỡng chất, cây sẽ không thể sinh trưởng. Cho đến không có không khí, không có ánh nắng... đều sẽ dẫn đến sự không tồn tại của bông hoa xinh đẹp kia...


Vì thế, cho dù không nhìn thấy được những yếu tố vừa mô tả, nhưng ta hoàn toàn có thể nhận biết được chúng qua sự tồn tại sống động của bông hoa. Bông hoa tươi đẹp còn đó, có nghĩa là vẫn còn có sự hiện hữu của đất, của nước, của ánh nắng, của không khí... và vô số những yếu tố khác nữa cần thiết cho sự sống của nó. Tương tự như vậy, chúng ta có thể và cần phải nhận biết mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống này một cách sâu xa và toàn diện, nghĩa là trong mối tương quan với sự hiện hữu của chúng. Chúng ta sẽ không thường xuyên giữ được những bông hoa đẹp nếu chúng ta không nhận biết được gì về điều kiện tồn tại của nó. Vì không nhận biết, ta sẽ có thể vô tình làm hại đến bông hoa, và vì thế nó sẽ không còn tồn tại để cho ta nhìn ngắm. Nếu bạn mang một chậu hoa vào nhà, nó sẽ không thể sống khỏe được vì thiếu ánh nắng. Nếu bạn cắt rời một bông hoa ra khỏi thân cây, nó sẽ héo rũ vài ba ngày sau đó.... Và nếu bạn không nhớ tưới nước cho cây hoa, nó sẽ không thể cho bạn những bông hoa xinh đẹp. Mọi hiện tượng quanh ta đều không tồn tại độc lập. Chúng luôn có mối tương quan tồn tại và chi phối lẫn nhau. Ngay cả sự tồn tại của mỗi cá nhân chúng ta cũng không phải là ngoại lệ. Chúng ta không thể nhìn thấy nhưng cần phải nhận biết điều đó. Sự sống của chúng ta là một chuỗi tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với tất cả mọi người quanh ta, với những người khác trên thế giới này, và cả với vô số những yếu tố, điều kiện, nhân duyên khác. Chính vì không nhận biết được những điều này mà con người đã gây ra biết bao tổn hại cho chính mình qua việc tàn phá môi trường, hủy hoại hệ sinh thái, và thậm chí là gây tổn hại trực tiếp cho nhau về cả vật chất lẫn tinh thần. Khi chúng ta nhận biết mọi hiện tượng, sự vật trong mối tương quan tồn tại với vô số hiện tượng khác, chúng ta sẽ không còn cảm thấy ưa thích hay ghét bỏ một hiện tượng nào đó, bởi vì ta nhận ra rằng sự ưa thích hay ghét bỏ như vậy là hoàn toàn không hợp lý. Làm sao bạn có thể yêu thích bông hoa và ghét bỏ khối phân dùng để bón cho cây hoa ấy? Khi bạn hiểu rằng sự có mặt của khối phân là điều kiện tất yếu giúp cho bông hoa kia tồn tại, bạn sẽ thấy rằng thái độ bình đẳng đối với cả hai mới là hợp lý. Điều này cũng xảy ra đối với sự tồn tại của mỗi người chúng ta. Khi bạn cảm thấy không ưa thích một sự việc nào đó, hãy dành thời gian để thử suy nghĩ lại. Liệu sự việc mà bạn ghét bỏ đó có phải là hoàn toàn không liên quan đến sự tồn tại của bạn hay chăng? Tôi tin rằng câu trả lời là không. Bởi vì khi bạn nhận biết vấn đề theo cách như trên, bạn sẽ thấy là không một yếu tố nào trong cuộc sống này lại không liên quan – trực tiếp hay gián tiếp – đến sự sống còn của mỗi một cá nhân.


Có những mối quan hệ trực tiếp mà bạn có thể dễ dàng nhận biết, nhưng cũng có những mối quan hệ tưởng như rất mơ hồ vì sự xa xôi, cách biệt, nhưng xét cho cùng vẫn luôn có sự chi phối, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Ta cần có sự quán xét sâu xa và sáng suốt hơn mới có thể nhận ra được những mối quan hệ tinh vi như thế. Này nhé, ngày hôm qua giá xăng dầu vừa tăng cao, và bạn biết ngay là ngân sách chi tiêu của gia đình sẽ phải có sự thay đổi, điều chỉnh thích hợp. Nhưng bạn có biết vì sao giá xăng dầu tăng cao hay chăng? Có lẽ để nhận biết điều này bạn cần phải quan tâm đến thời cuộc thế giới, đến sự phân tích của các chuyên gia.v.v... Nhưng tôi thật không có ý muốn bạn đi sâu vào những vấn đề rối rắm như thế. Tôi chỉ muốn nhắc bạn một điều là, những gì ta không nhìn thấy không có nghĩa là không hiện hữu. Và vì thế, chúng ta không thể phủ nhận vô số những điều kiện đã và đang chi phối cuộc sống của chúng ta. Đạo Phật trình bày những mối tương quan chằng chịt trong cuộc sống như thế trong một nguyên lý gọi là “duyên sinh”, và được kinh Hoa nghiêm mô tả như là “trùng trùng duyên khởi”. Theo nguyên lý duyên sinh, tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều không thể tự nó sinh khởi. Sự sinh khởi của mỗi một sự vật, hiện tượng đều là do kết hợp bởi một số nhân duyên nhất định nào đó, nhưng mỗi một nhân duyên trong số này lại cũng là sự kết hợp của một số nhân duyên khác nữa. Và vì mối tương quan này được nối dài không giới hạn nên khi xét đến cùng thì tất cả mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ pháp giới đều có liên quan với nhau, đều nương theo nhau mà sinh khởi và tồn tại. Kinh Hoa nghiêm mô tả mối tương quan này bằng hình ảnh một tấm lưới được giăng ra vô tận trong không gian. Ở mỗi một mắt lưới có đính một viên ngọc sáng. Một cách khéo léo, người giăng lưới đã tính toán sao cho tất cả các viên ngọc đều được phản chiếu trong mỗi một viên ngọc. Và vì thế, khi chúng ta nhìn kỹ vào bất cứ một viên ngọc nào, chúng ta cũng đều thấy được vô số những viên ngọc khác trong toàn tấm lưới. Toàn thể vũ trụ được mô tả là tương tự như thế. Mỗi một sự vật, hiện tượng đều có thể được nhận biết nơi những sự vật, hiện tượng khác, vì sự tương quan tồn tại của chúng. Và nguyên lý này có thể vận dụng ngay vào những gì đang hiện hữu quanh ta để xóa đi mọi nhận thức phiến diện, hẹp hòi. Khi nhận biết được mối tương quan thật có giữa mọi sự vật, hiện tượng, chúng ta sẽ không còn cảm thấy khó chịu hay bực mình vì một sự việc nhỏ nhặt nào đó đã không diễn ra theo đúng ý mình. Bởi vì khi nhìn sâu vào sự việc bất như ý đó, chúng ta cũng thấy được vô số những sự việc quan trọng và cần yếu khác sở dĩ có được là nhờ nó. Vì không có một sự vật hay hiện tượng nào có thể tự nó sinh khởi, nên chúng ta cũng có thể hiểu được rằng sự sinh khởi của mỗi một sự vật hay hiện tượng chẳng qua chỉ là sự kết hợp của những nhân duyên nhất định. Khi những nhân duyên không còn nữa, sự vật hay hiện tượng đó cũng sẽ mất đi. Do ý nghĩa này nên thực sự không hề có sự sinh ra hay diệt mất của sự vật, hiện tượng như cách nhìn thông thường chia cắt thực tại của chúng ta. Một bông hoa hiện hữu là do có sự hiện hữu của những điều kiện như mặt trời, không khí, nước tưới, phân bón... Bông hoa chưa từng thực sự sinh ra mà chỉ là kết quả sự hội tụ của những điều kiện nhân duyên khác. Tương tự như vậy, khi những điều kiện nhân duyên không còn đầy đủ, bông hoa sẽ không còn hiện hữu và ta gọi là mất đi. Nhưng thực ra cũng không có sự mất đi của bông hoa – vì nó chưa từng sinh ra – mà chỉ có sự tan rã của những điều kiện nhân duyên tương ứng. Trong cách nhìn nhận thông thường của chúng ta về vũ trụ, cách hiểu như trên có vẻ như thật xa lạ. Nhưng nếu bạn càng suy xét kỹ, bạn sẽ càng thấy được tính hợp lý, xác thật của nó. Chính cách hiểu sai lệch về sự “sinh ra” và “chết đi” đã là nguyên nhân mang đến cho chúng ta vô vàn đau khổ. Chúng ta bám lấy những người thân yêu của mình và mong muốn họ sống mãi với chúng ta. 


Điều mong muốn vô lý ấy – và vì thế chẳng bao giờ có được – lại được xem là phù hợp với nhận thức của mọi người, với “thế thái nhân tình”. Khi nhân duyên tan rã, người thân ấy không còn nữa và ta gọi đó là “mất đi”. Vì không hiểu được đó chỉ là sự tan rã tất nhiên của những điều kiện nhân duyên, nên ta đau khổ, quằn quại và mong muốn cho sự thật thay đổi. Nhưng rõ ràng đó chỉ là một nhận thức và mong muốn hoàn toàn vô lý nên chẳng bao giờ đạt được. Chúng ta từ chối nhận biết sự thật theo đúng như nó đang diễn ra, và vì thế mà ta đau khổ! Đối với vô số những vật sở hữu, tài sản của cải trong đời sống, chúng ta cũng luôn nhìn nhận, ôm giữ theo cách tương tự như thế. Trong rất nhiều điều kiện nhân duyên để một sự vật tồn tại thì sự đóng góp của ta chỉ là một phần nhỏ, nhưng ta luôn muốn quyết định sự việc, muốn ôm giữ mãi mãi những vật mình yêu thích. Và khi những điều kiện nhân duyên khác tan rã, sự vật không còn nữa thì chúng ta đau khổ, tiếc nuối... Sự nhận biết và truyền dạy giáo pháp nhân duyên sinh của đức Phật là một cuộc cách mạng tư tưởng vĩ đại vào thời bấy giờ, và điều đó được nhận biết bởi tất cả những bậc trí thức đương đại. Khi ngài Xá-lợi-phất (Śāriputra) còn chưa gặp đức Phật, ngài là một đệ tử xuất sắc của ngoại đạo. Mặc dù vậy, ngài chưa bao giờ hài lòng với những giáo pháp đã học được từ vị thầy ngoại đạo. Ngài đã từng có giao ước với một người bạn chí thân là ngài Mục-kiền-liên (Maudgalyāyana), rằng nếu ai tìm được bậc minh sư thì sẽ lập tức giới thiệu với người kia biết để cùng theo học.


( Trích: hoangphap.info TimHieuDaoPhat.Com - Sống đời thanh thản theo PTVN)

Tuesday, October 9, 2018

Phong thủy tốt nhất ở đời là...



Thầy phong thủy chỉ ra phong thủy tốt nhất đời người, ai cũng nên biết để tận dụng!
Câu chuyện thú vị và thâm thúy này đã được rất nhiều người Trung Quốc chuyền tay nhau, chia sẻ cho nhau như cách để truyền cảm hứng, chỉ bảo nhau khai thác thật triệt để cái gọi là "phong thủy tốt" ở mỗi người.
Nội dung câu chuyện như sau:
Triệu Tử Hào làm ăn kinh doanh rất phát đạt. Anh quyết định mua một mảnh đất rộng ở ngoại ô, xây một biệt thự ba tầng, bên trong có vườn hoa cây cảnh ao cá, kết hợp rất đẹp mắt.
Đằng sau vườn còn có một cây vải cổ thụ trăm tuổi. Sở dĩ vì nhắm đến cây vải mà Triệu mới mua mảnh đất này, nguyên nhân là bởi vợ anh thích ăn vải.
Trong thời gian sửa sang nhà cửa, bạn bè khuyên anh tìm một thầy phong thủy về xem giúp để tránh phạm phải những điều kiêng kỵ.
Triệu Tử Hào tự lái xe đến Hồng Kông mời một đại sư. Vị đại sư này họ Tào, đã có hơn 30 năm kinh nghiệm, rất có tiếng trong giới phong thủy.
Sau khi trình bày mọi chuyện, Triệu Tử Hào lái xe đưa thầy phong thủy về biệt thự nhà mình.
Trên đường đi, gặp bất cứ xe nào muốn vượt, anh đều nhường.
Vị đại sư cười nói: "Ông chủ Triệu lái xe thật chậm rãi."
Triệu Tử Hào cười lớn, đáp: "Những người vượt phần lớn đều là đang có chuyện gấp, không nên cản trở, làm mất thời gian của họ."
Xe về đến thị trấn, một đứa trẻ đang vừa cười vừa từ trong ngõ nhỏ chạy thẳng ra đường. Triệu Tử Hào vội phanh xe tránh, đứa trẻ cười tít mắt chạy qua rồi, anh vẫn chưa nhấn ga đi tiếp mà ngó vào trong ngõ, dường như đang đợi điều gì. Một lát sau, lại có một đứa trẻ khác chạy ra, đuổi theo đứa trẻ lúc trước đã đi khá xa.
Tào đại sư ngạc nhiên hỏi: "Sao anh biết phía sau vẫn còn một đứa trẻ nữa?"
Triệu nhún vai: "Trẻ nhỏ đều thích chơi trò đuổi bắt, nếu chỉ chơi một mình, đứa trẻ chẳng thể cười vui như thế được."
Vị đại sư giơ ngón tay cái ra trước mặt khách hàng của mình, tỏ ý tán dương: "Có tâm".
Đến biệt thự, vừa xuống xe, vài con chim bất giác bay từ sân sau ra phía trước. Nhìn thấy vậy, Triệu Tử Hào liền dừng xe trước cổng và nói với thầy phong thủy: "Phiền đại sự đợi ở đây một lát."
"Có chuyện gì vậy?" – vị đại sư lại một lần nữa ngạc nhiên.
"Sau vườn chắc chắn là có trẻ con đang hái trộm vải, bây giờ mà chúng ta vào, chúng sẽ hoảng sợ, không may rơi từ trên cây xuống đất sẽ rất nguy hiểm", Triệu Tử Hào cười đáp.
Thầy phong thủy họ Tào trầm ngâm trong giây lát và nói: "Phong thủy nhà anh không cần phải xem nữa."
Lần này, đến lượt Triệu ngạc nhiên: "Đại sư, sao ông lại nói như vậy?"
"Những nơi có anh ở đều là những nơi có phong thủy tốt cả rồi", Tào đại sư đáp.
Con người nếu có tâm, có phúc, sống tại nơi có phong thủy xấu rồi cũng sẽ có ngày chuyển thành đẹp. Ngược lại, nếu sống tại nơi có thế phong thủy đẹp, thế đó rồi cũng sẽ tự bị phá vỡ.
Nói như vậy để thấy rằng, không phải cứ ở nơi có phong thủy tốt, cuộc sống của chúng ta khắc sẽ thuận lợi viên mãn. Phong thủy tốt hay xấu phụ thuộc vào tấm lòng, vào tâm đức, phúc phận của con người. Và để có được những thứ đó, chúng ta cần không ngừng tu dưỡng mỗi ngày.
Tu dưỡng để sống thiện lương, tu dưỡng để sống hiếu thuận, đặt mình ở vị trí thấp hơn người khác để thấu hiểu, bao dung và cảm thông, tu dưỡng để biết đủ, hài lòng với những gì mình có, không tham sân si, không oán trách, thuận theo lẽ tự nhiên...
Bất cứ ai, một khi trong lòng đã tiếp nhận niềm vui, an lạc của người khác, biết nghĩ cho người khác thì người có lợi, không chỉ là người khác mà còn bao gồm cả bản thân chúng ta!

st

Wednesday, October 3, 2018

Ăn gì thì tốt?

(lâu lâu cũng phải học lại đó chớ!)



Thời gian tiêu hóa thức ăn  phụ thuộc vào sức khỏe thể chất, quá trình trao đổi chất, tuổi tác và  cả giới tính, nhưng nói chung, một số thực phẩm sẽ không mất quá thời gian trong khi số còn lại sẽ lang thang trong hệ tiêu hóa của bạn khá là lâu.

 thời gian tiêu hóa thức ăn được định nghĩa là một quy trình mà thức ăn khi bạn ăn phân hủy thành các particle size siêu nhỏ  được thẩm thấu qua hệ thống đường ruột đi vào  vào máu

Nếu trong chế độ ăn có nhiều thức ăn nhanh tiêu hóa , bạn sẽ thấy  bạn đang ăn nhiều hơn bạn cần, bởi vì rất nhanh sau khi ăn, tất cả biến mất và bạn lại cảm thấy mau đói. Loại thức ăn này giúp cơ thể bạn giải phóng  năng lượng nhanh chóng - nói cách khác, chỉ số glucose nhảy vọt.  nếu cơ thể bạn tràn ngập glucose và không sử dụng hết, phần còn lại nó sẽ  biến thành chất béo.

Thức ăn chậm  tiêu hóa sẽ  làm tăng lượng đường trong máu của bạn chậm , cho năng lượng ổn định và cân bằng hơn. Nhưng nếu bạn chỉ ăn thức ăn tiêu hóa chậm, hệ thống tiêu hóa của bạn sẽ  hoạt động tối đa mọi lúc và nó làm  cơ thể bạn khó chịu.

Các chuyên gia đề nghị không nên ăn lẫn lộn các loại thực phẩm nhanh và chậm trong cùng  một bữa ăn và tránh ăn fastfood  quá nhanh sau thức ăn chậm tiêu hóa, vì quá trình tiêu hóa vẫn chưa kết thúc và dạ dày sẽ quá tải

Thời gian tốt nhất để tiêu hóa thức ăn có nhiều thành phần với nhiều thời gian tiêu hóa khác nhau là vào bữa trưa khi hệ tiêu hóa  hoạt động tích cực nhất.  bữa sáng và bữa tối nên đơn giản và tốt hơn với thức ăn  được tiêu hóa nhanh chóng, vì vậy bạn sẽ được  nạp  năng lượng ngay sau bữa sáng và để cho dạ dày của bạn nghỉ ngơi vào ban đêm























Monday, October 1, 2018

Đừng cố gắng chứng tỏ mình bình thường...




Tại một bệnh viện tâm thần của nước Ý có 3 người bình thường bị bắt nhầm đưa vào điều trị. Họ bị nhốt trong bệnh viện suốt 28 ngày trời ròng rã, cho đến khi có một người thoát ra được và giải cứu 2 người còn lại. Nguyên nhân ban đầu được xác định, một tài xế phụ trách vận chuyển những người mắc bệnh tâm thần, trên đường đã để cho ba người bệnh bỏ chạy mất. Người tài xế này sợ bị mất việc nên đã lái xe đến một trạm xe buýt, bảo với mọi người rằng ông lái xe miễn phí để “dụ” 3 người lên xe. Có đủ 3 ‘bệnh nhân’, gã tài xế chở họ vào bệnh viện để ‘điều trị’.
Dĩ nhiên đang bình thường mà bị đưa vào bệnh viện, cả ba người đều hoang mang và tìm cách thoát ra khỏi nơi này. Vậy họ đã thực hiện như thế nào để chứng minh mình không bị bệnh tâm thần?
Ký giả của tạp chí Toread của Mỹ - Grey Back - đã đến nước Ý để mà tiến hành phỏng vấn ba người vừa được cứu thoát hy hữu này.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn của ký giả với A:
Grey: Khi ông bị nhốt vào trong bệnh viện tâm thần, ông đã nghĩ ra cách gì để mà giải cứu mình vậy?
A: Tôi nghĩ rằng, nếu muốn đi ra, trước hết cần phải chứng minh rằng bản thân mình không có bị bệnh tâm thần.
Grey: Vậy ông đã chứng minh như thế nào?
A: Tôi nói: ‘Trái đất hình cầu’, câu nói này chính là chân lý. Tôi nghĩ, người nói ra chân lý sẽ không bị xem là bệnh tâm thần.
Grey: Cuối cùng ông có thành công không?
A: Không, khi tôi nói câu này đến lần thứ 14, nhân viên y tế đã chích một mũi kim vào mông tôi.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn với C
Grey: Ông đã ra khỏi bệnh viện tâm thần như thế nào?
C: Tôi và A được B cứu ra ngoài đấy. Anh ấy đã thành công mà ra khỏi bệnh viện tâm thần, sau đó liền đi báo cảnh sát.
Grey: Lúc đó, chẳng phải ông cũng tìm cách để ra khỏi đó?
C: Đúng vậy, tôi nói với họ rằng tôi là nhà xã hội học. Tôi nói rằng tôi biết tổng thống nhiệm kỳ trước của nước Mỹ là Clinton, thủ tướng nhiệm kỳ trước của nước Anh là Blair. Khi tôi nói đến tên các vị lãnh tụ của các đảo quốc thuộc Nam Thái Bình Dương, họ liền chích cho tôi một mũi. Tôi không còn dám nói tiếp nữa.
Grey: Vậy B đã giải cứu các ông ra ngoài như thế nào?
C: Sau khi anh ấy bị bắt vào trong đó, cái gì cũng không nói. Lúc cần ăn cơm thì ăn cơm, lúc nên ngủ thì đi ngủ, những lúc cần xem sách đọc báo thì xem sách đọc báo. Khi các nhân viên y tế cạo mặt cho anh, anh ấy sẽ nói cảm ơn. Khi đến ngày thứ 28, họ đã để anh xuất viện.
Người B sau khi thoát ra liền đi báo cảnh sát, nhờ vậy mà giải cứu được hai người bạn kia.
Với thông tin từ cuộc phỏng vấn trên, ta thấy A và C đã dùng đủ mọi cách để mà chứng minh với nhân viên y tế rằng mình không phải người điên. Tuy nhiên, họ nói càng nhiều nhân viên y tế càng tin chắc rằng họ chính là người điên. Ngược lại, C không cần chứng minh gì và thành công.
Từ tình huống hy hữu trên, Grey Back đã rút ra một kết luận: “Một người bình thường muốn chứng minh sự bình thường của chính bản thân mình, đó là điều vô cùng khó khăn. Có lẽ chỉ có những ai không cố gắng để chứng minh bản thân mình, mới được xem là người bình thường vậy.”
Điều này là một bài học trong thực tế cuộc sống: Càng là người bình thường thì càng không cần phải chứng minh với người khác rằng bạn là người bình thường. Bạn vốn không cần phải giải thích với người khác về bản thân mình, vì đối với những người yêu mến bạn thì việc đó vốn dĩ không cần thiết, còn đối với những người không yêu mến bạn thì cho dù bạn có nói thế nào thì họ cũng sẽ không tin.
Hy vọng câu chuyện về cách giải thoát của 3 người bình thường bỗng nhiên bị nhốt trong bệnh viện tâm thần trên sẽ giúp bạn thay đổi lối suy nghĩ của mình.

(source: FB Tran Cao)