Mỗi nhà lãnh đạo giỏi đều có thể “biến hóa” qua lại giữa hai phong cách lãnh đạo đặc trưng, đó là thống trị và uy tín. Hai phong cách này phản ánh hai chiến lược cơ bản mà họ thường dùng để mở rộng đường đi của mình trong hệ thống cấp bậc xã hội và tổ chức.
Lãnh đạo theo cách thống trị là gây ảnh hưởng đến người khác bằng thái độ quyết đoán, tận dụng quyền lực và cấp bậc thẩm quyền của mình. Lãnh đạo theo cách uy tín có nghĩa là thể hiện sự nổi bật trong kiến thức, chuyên môn và ủng hộ người khác làm theo. Trong trường hợp lãnh đạo thống trị, nhân viên thường không có lựa chọn nào khác ngoài việc vâng lời; trong trường hợp uy tín, sự chấp hành mệnh lệnh của cấp trên có thể được thương lượng.
Những lãnh đạo có xu hướng thống trị thường khá quyết đoán về vị trí đứng đầu, khuyến khích nhân viên bằng tiền thưởng và thăng tiến, gây áp lực bằng hình phạt. Trong các cuộc họp, họ thường nói rất nhiều và thậm chí là hạ giọng để đe dọa người khác. Nhà lãnh đạo thống trị khao khát quyền lực, bởi vì quyền lực cho phép họ đưa ra quyết định mà chắc chắn rằng cấp dưới bắt buộc phải nghe theo. Nhận xét về Steve Jobs, ví dụ điển hình của phong cách lãnh đạo thống trị, một cựu nhân viên của Apple cho biết: “Khi mà Steve nổi cáu về bất cứ vấn đề, nó thường được giải quyết ở tốc độ không thể tin nổi…. Người ta phản ứng rất nhanh vì sợ hãi.”
Uy tín, ngược lại, có nghĩa là tác động đến nhân viên bằng tri thức uyên bác, hiểu biết chuyên môn sâu rộng và xây dựng hình ảnh gương mẫu. Phong cách này cho phép lãnh đạo tạo sức ảnh hưởng mà không cần đến dùng đến quyền lực hay sức mạnh cấp bậc. Quản lý uy tín thích được kính trọng và ngưỡng mộ, tuy nhiên, họ không mấy mặn mà với quyền lực hay làm mọi chuyện theo ý mình như nhóm thống trị. Trên thực tế, các nhà lãnh đạo có xu hướng uy tín cho phép người khác làm chủ tình huống, trong khi lẳng lặng điều khiển ở phía sau.
Chẳng có chiến lược lãnh đạo nào là tốt nhất cả. Nhiều tình huống yêu cầu sự thống trị, trong khi một số trường hợp khác lại đòi hỏi uy tín. Một nhà lãnh đạo giỏi phải có khả năng nhận biết tình hình và lựa chọn phương pháp tiếp cận phù hợp nhất. Thay đổi giữa hai chiến lược lãnh đạo phần lớn tùy thuộc vào nội dung công việc và văn hóa tổ chức.
Trường hợp nào cần đến sự thống trị?
Sự thống trị phát huy hiệu quả tốt nhất, khi nhà lãnh đạo cần liên kết nhân viên nhanh chóng và hướng đến mục tiêu chung. Ví dụ, khi công ty đã có chiến lược rõ ràng cho sản phẩm mới, người quản lý cần đưa ra phương án tốt nhất, để bộ phận tiếp thị, phân phối và kinh doanh hợp tác làm việc, vì kết quả cuối cùng. Một khi tầm nhìn đã rõ ràng và tất cả những gì bạn cần phải làm là thúc đẩy toàn đội làm việc theo tầm nhìn đó, sự thống trị là điều không thể thiếu để tạo ra thế trận thống nhất. Trong cao điểm công việc bận rộn, chiến lược này vô cùng cần thiết, để nhanh chóng có được phản hồi tích cực. Đặc biệt là khi tổ chức đang đối mặt với nguy cơ thay đổi, sự thống trị sẽ giúp kiềm hãm các bộ phận có ý kiến đối lập. Những trường hợp nêu trên luôn luôn cần một nhà lãnh đạo biết cách đưa ra quyết định mạnh mẽ mà không lo ngại người khác bị tổn thương. Trong nền văn hóa công ty được xây dựng bằng chuỗi mệnh lệnh mà trong đó, cấp trên được kỳ vọng sẽ đưa ra chỉ thị và cấp dưới nhất định phải nghe theo, chiến lược này rất phù hợp.
Đương nhiên, vấn đề của thống trị chính là chả có ai thích bị ra lệnh cả! Vậy nên những sếp có xu hướng này thường không mấy được lòng người lao động, và thậm chí, phong cách lãnh đạo của họ có thể tác động tiêu cực đến mối quan hệ với đồng nghiệp và cấp dưới. Trong nghiên cứu do tôi và đồng nghiệp thực hiện, chúng tôi đã phát hiện ra rằng quản lý theo phong cách thống trị dễ dàng bị đe dọa bởi các nhân viên thuộc nhóm tài năng, có khả năng tự tỏa sáng và lấn át cấp trên. Hệ quả hiển nhiên là mỗi khi có “ngôi sao mới” xuất hiện trong nhóm, các sếp trong nhóm thống trị thường cố ý giới hạn người đó bằng cách cô lập, xét nét từng hành động để đảm bảo họ không vượt quá giới hạn cho phép; đồng thời, ngăn chặn họ thiết lập mối quan hệ thân thiết với thành viên trong nhóm.
Để lãnh đạo hiệu quả, quản lý có xu hướng thống trị cần kiềm hãm cái tôi cá nhân và khắc phục nhược điểm trong việc xây dựng mối quan hệ, hậu quả tất yếu từ phong cách làm sếp của họ. Giải pháp cho tình trạng này là trao đổi trực tiếp về quan điểm của nhân viên. Vâng, các nhà lãnh đạo ưa thống trị thì chẳng mấy giỏi trong việc nhìn thế giới từ vị trí của kẻ khác. Thế nhưng đây là việc cần làm để tìm hiểu điều gì thực sự tạo động lực cho nhân viên, khiến họ cảm thấy được trân trọng, cũng như xác định các điều bất cập làm họ chưa hài lòng. Trao đổi tích cực về quan điểm của nhân viên sẽ giúp sếp củng cố mối quan hệ và niềm tin, giải quyết một số vấn đề nảy sinh từ cách quản lý thống trị.
Trường hợp nào đòi hỏi uy tín?
Sức mạnh của phương pháp uy tín thể hiện rõ nhất khi người đứng đầu muốn giao quyền quyết định cho cấp dưới của anh/ cô ấy. Ví dụ, khi đội ngũ tiếp thị cần tạo ra chiến dịch quảng cáo sáng tạo mới, lãnh đạo uy tín có thể chia sẻ áp lực với thành viên trong nhóm và khuyến khích họ đưa ra suy nghĩ khác biệt. Hành động này không phải là trốn tránh công việc mà là đang hạn chế chỉ thị. Thay vì nhìn nhận sư việc bằng quan điểm của riêng mình, điều mà lãnh đạo thống trị thường làm, sếp uy tín sẽ tạo điều kiện cho nhóm phát huy tầm nhìn, bằng cách khuyến khích nhân viên chủ động chia sẻ ý tưởng và kết hợp những cống hiến của họ thành chiến lược chặt chẽ.
Người lãnh đạo uy tín chỉ đóng góp ý kiến cần thiết, trong quá trình sáng tạo ý tưởng và đưa ra quyết định. Tuy nhiên, trong cùng thời điểm đó, họ có thể lắng nghe và phân tích các quan điểm đối lập. Đối với nhà quản lý uy tín mà nói, lắng nghe và trò chuyện là những hành động có tầm quan trọng ngang nhau. Chúng tạo nên môi trường thân thiện, nơi thành viên trong nhóm cảm thấy được tôn trọng và tự do thể hiện bản thân, cho ra đời những giải pháp sáng tạo nhất. Nói cách khác, lãnh đạo bằng uy tín cũng đồng nghĩa với việc lãnh đạo từ phía sau. Chiến lược uy tín phù hợp với văn hóa công ty được xây dựng từ nền tảng mối quan hệ bình đẳng giữa đồng nghiệp, khi mà mọi thành viên trong tổ chức đều được lắng nghe và tôn trọg ngang nhau.
Thế nhưng, tương tự như chiến lượng thống trị, nhà lãnh đạo uy tín cũng gặp phải khá nhiều khó khăng.Ví dụ như, họ thường quan tâm quá nhiều đến suy nghĩ của người khác về bản thân, dẫn đến nhiều quyết định cảm tính sai lầm. Nghiên cứu mới nhất của Charlen Case và tôi, hiện đang được đánh giá bởi hội đồng chuyên gia, đã yêu cầu nhiều nhà lãnh đạo chọn lựa giữa việc nâng cao hiệu quả làm việc nhóm (ví dụ như buộc nhân viên phải đi làm vào thứ Bảy để hoàn thành dự án) và nghe theo lựa chọn của phần đông nhân viên (cố gắng hoàn thành công việc tồn đọng trong tuần). Sếp càng quan tâm đến uy tín càng có xu hướng chiều theo ý số đông. (Thực ra thì chúng tôi cũng chẳng biết liệu chất lượng công việc có vì thế mà đi xuống hay không.)
Để giải quyết vấn đề do quan tâm quá nhiều đến suy nghĩ của người khác, nhà lãnh đạo uy tín cần minh bạch hơn về quyết định khó khăn của mình. Khi giải thích cho đồng nghiệp và nhân viên hiểu về tình trạng cụ thể, bạn đã khiến họ cảm thấy trở thành một phần của quá trình; từ đó; duy trì lòng tin, ngay cả khi quyết định không phổ biến được đưa ra. Tương tự như vậy, trong trường hợp phải phản hồi tiêu cực về nhân viên, hãy chủ động đào tạo và hướng dẫn cho cấp dưới cách phát triển tốt hơn. Nhà quản lý uy tín thường gặp trở ngại trong việc né tránh các tính huống xã hội không thoải mái, do vậy, cách tiếp cận chân thật và thẳng thắn sẽ giúp họ bảo toàn mối quan hệ tốt đẹp.
Machiavelli, nhà triết học và chiến lược gia danh tiếng người Ý từng viết rằng: “Con người bị điều khiển bởi hai động lực chính, tình yêu hoặc là nỗi sợ hãi.” Nhà quản lý thành công cần thấu hiểu cả hai điều đó. Áp dụng chiến lược lãnh đạo thống trị và uy tín có thể giúp bạn ứng xử phù hợp với “muôn hình vạn trạng” tình huống nơi công sở, cũng như thích ứng với nhiều văn hóa tổ chức khác nhau. Trưởng thành như một nhà lãnh đạo đồng nghĩa với khả năng xác định phong cách lãnh đạo cần thiết và áp dụng ngay chiến lược hiệu quả nhất.
Biên dịch từ HBR