Tuổi trung niên minh triết, an nhàn, cần bắt buộc ghi nhớ 1 quy tắc: CÀNG THIẾU CÀNG TỐT.
Cuộc sống là một bản kết quả các lời nói và hành động của bạn
1. Càng thiếu thức ăn vào bụng, càng bớt đi bệnh tật
Các nhà khoa học Mỹ đã thực hiện một thí nghiệm với 200 con khỉ.
Họ chia bầy khỉ thành hai nhóm.
Một nhóm không kiểm soát khẩu phần ăn và để chúng ăn thỏa thích;
Một nhóm được tiến hành kiểm soát chặt chẽ chế độ ăn uống. Nhóm này mỗi bữa chỉ cho chúng ăn no 7,8 phần.
Sau 10 năm theo dõi, các nhà khoa học nhận thấy nhóm khỉ được ăn uống thỏa thích đều bị béo phì và mắc rất nhiều bệnh.
Một số bị gan nhiễm mỡ, một số bị bệnh tim mạch vành và huyết áp cao...
Cuối cùng, chỉ có 50/100 con khỉ sống sót.
Nhóm khỉ theo chế độ ăn có kiểm soát thì kết quả tốt hơn nhiều, có 88/100 con khỉ sống sót.
Có người nói rằng:
"Những thứ có thể chữa lành nhất trên thế giới là thức ăn và lời nói."
Không thể phủ nhận rằng đồ ăn ngon mang lại cho chúng ta rất nhiều niềm vui và sự thích thú.
Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã khẳng định, ăn quá nhiều có thể khiến não bộ hoạt động trì trệ, từ đó kéo theo hàng loạt nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe.
Chế độ ăn của Tăng Quốc Phiên là ăn ít, nhạt và ăn chay.
Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày, ông thường chỉ ăn các món cháo, rau củ là chính, rất ít ăn thịt cá nhiều dầu mỡ.
Trong "Gia thư của Tăng Quốc Phiên", ông cũng cảnh báo các thế hệ tương lai:
"Thế hệ trẻ đừng ăn thịt vào buổi tối, hãy ăn canh rau thay vì nước thịt. Vừa dưỡng sinh lại vừa tiết kiệm."
Đồng thời, ông cũng coi trọng việc điều độ với chủ trương:
"Thức ăn bồi bổ cần có thời gian nhất định, không thể dùng quá nhiều một lúc."
Khi mọi người không còn phải lo lắng về vấn đề ăn mặc nữa, thì thức ăn không chỉ là nhu cầu để chúng ta no bụng mà còn là phương tiện để chúng ta trải nghiệm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
2. Càng thiếu đi lời nói cửa miệng, càng bớt chuốc họa vào thân
Khi ngôn ngữ không phải là công cụ sưởi ấm trái tim con người, nó có thể trở thành vũ khí làm tổn thương người khác.
Người thích thể hiện khả năng miệng lưỡi của mình sẽ chỉ tự đưa mình vào vòng xoáy hỗn loạn.
Càng nói nhiều, càng dễ tổn thương, cuối cùng chính mình là người chịu thiệt.
Tôi đọc câu chuyện này trong một cuốn sách:
Hải Lê, là nhân viên part time tại công ty. Cô rất thông minh, hoạt bát và có đầu óc nhanh nhẹn.
Nhưng điều kỳ lạ là cô chưa bao giờ được sếp cất nhắc.
Hóa ra Hải Lê tuy làm việc tốt, nhưng cô đã bị chính miệng của mình hại mình.
Cô không chỉ nói nhiều mà còn nói chuyện không biết nặng nhẹ.
Khi tán gẫu với đồng nghiệp, cô ngồi phàn nàn rằng sếp không có mắt nhìn, bao lâu nay cô biểu hiện tốt như thế mà chưa được thăng chức bao giờ;
Khi cấp trên sắp xếp công việc cho mọi người trong cuộc họp, chưa đợi sếp nói xong, Lê đã là người đầu tiên tiếp lời, sau đó bắt đầu nói không ngừng nghỉ;
Một lần khác, Lê đến gặp sếp để ký với khách hàng về thỏa thuận mà cô vừa thương lượng.
Sau khi được sếp ký tên, vị khách hàng đã liên tục khen ngợi: "Chữ ký của anh ấn tượng thật đấy!"
Đúng lúc này, Hải Lê xen vào:
"Sao có thể không ấn tượng được chứ ạ? Ông chủ của chúng tôi đã bí mật luyện viết trong ba tháng đấy."
Ngay lập tức, cả sếp và khách hàng đều cảm thấy lúng túng.
Sếp đỏ bừng cả mặt, không biết phải trả lời như thế nào.
Ngay sau khi hợp đồng của Hải Lê hết hạn, ông chủ cảm thấy cô quá bốc đồng nên đã quyết định trực tiếp sa thải cô.
Tôi đã thấy câu nói này:
"Cuộc sống là một bản kết quả các lời nói và hành động của bạn."
Miệng của bạn trở thành cánh cửa dẫn đến phước lành hay bất hạnh, tất cả đều do bạn quyết định.
Người xưa có câu "Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói"
Suy nghĩ kỹ trước khi mở miệng, thà nói ít còn hơn nói nhiều; thà im lặng còn hơn nói xằng.
Họa từ miệng mà ra, có thể nói ít bao nhiêu sẽ bớt rất nhiều điều tai hại xảy đến.
3. Càng thiếu đi ham muốn, muộn phiền tự nhiên cũng càng ít đi
Ham muốn là động lực để chúng ta tiến về phía trước, nhưng nếu chúng ta quá sa đà vào nó, thì đây chính là nguồn gốc của đau khổ.
Có câu chuyện thế này:
Một lần, một thợ kim hoàn có kinh nghiệm thám hiểm đã đưa một đội 500 người ra khơi để tìm kho báu.
Khi họ đến đích và nhìn thấy những viên đá quý đầy khắp trên đất, họ trở nên tham lam và liên tục di chuyển những viên đá quý lên thuyền.
Dù chiếc thuyền đã đầy ắp, vẫn không chịu dừng lại.
Nhà thám hiểm liên tục khuyên can rằng con tàu sẽ có nguy cơ chìm xuống vì quá tải, nhưng mọi người không nghe theo lời khuyên của anh ta.
Không còn cách nào khác, nhà thám hiểm chỉ có thể vứt bỏ tất cả số đá quý trên con tàu của mình và trở về trong một chiếc thuyền trống rỗng.
Sau khi con tàu được hạ thủy, điều mà nhà thám hiểm lo sợ đã xảy ra.
Con tàu của những người khác đều bị chìm. Vào lúc quan trọng nhất, nhà thám hiểm đã cứu mọi người bằng con tàu trống rỗng của mình.
Những thứ không thuộc về mình, giống như ảo ảnh, có thể biến mất trong nháy mắt.
Khi lòng tham vượt quá giới hạn, con người ta sẽ đánh mất lý trí, không những không đạt được điều mình muốn mà còn đánh mất tất cả những gì vốn có ban đầu.
Ham muốn là một bản năng của con người, nhưng điều làm nên sự khác biệt giữa người với người là khả năng kiểm soát ham muốn.
Khi bị dục vọng chi phối, bạn sẽ giống như rơi vào hố đen không chút ánh sáng.
Trong cuốn tiểu thuyết "Nỗi buồn lòng tôi" của Diệc Thư, nhân vật "ông Hồ" dù gia cảnh nghèo khó nhưng bằng chính nỗ lực của mình đã đỗ vào một trường đại học nổi tiếng.
Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc trong một ngân hàng, và chẳng bao lâu sau ông trở thành trưởng phòng tài chính.
Ông có một gia đình đáng hâm mộ, một người vợ đức hạnh, một cô con gái thông minh và một cuộc sống vô cùng sung túc.
Tuy nhiên, vẫn không hài lòng với điều ấy, ông ta đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để duyệt cho người khác vay số tiền lớn rồi trục lợi.
Ông ta cũng nhận hối lộ rất nhiều rượu cao cấp và đồng hồ đắt tiền, đồng thời còn ngoại tình với người phụ nữ khác ở nước ngoài và có những đứa con ngoài giá thú.
Sau đó, hành vi tham nhũng của ông ta bị phát hiện, tương lai cũng vì thế bị hủy hoại.
Vợ con cũng rời bỏ ông ta, và kết cục là chết trong tù với đầy hối hận.
"Tờ báo nhân dân" từng đăng:
"Chúng ta luôn chạy theo những điều không thể chạm tới mà quên mất rằng hạnh phúc thực sự trong cuộc sống không gì khác ngoài sự ấm áp của ánh đèn mờ và sự sung túc từ củi, gạo, dầu, muối."
Dục vọng vốn không phân thiện ác, nhưng nếu nó bành trướng quá mức thì sẽ trở thành kẻ thù của hạnh phúc.
"Hãy biết cách tận hưởng những gì mình đang có và buông bỏ những ham muốn không thực tế".
Trong thế giới đầy rẫy cám dỗ, điều chúng ta phải làm là không bị ràng buộc bởi ham muốn hão huyền, không mù quáng chạy theo những điều viển vông.
Phải mất nửa đời người để nhìn thấu: Thứ ràng buộc bạn là nỗi ám ảnh cứ muốn được nhiều hơn.
Một cuộc sống thực sự tươi đẹp, nên biết mưu cầu chữ "ít".
Nói ít, suy nghĩ cẩn thận trước khi nói, ít rước họa vào thân;
Ăn ít, không ăn uống quá độ, ít rước bệnh vào thân;
Lòng ít ham muốn, luôn biết bằng lòng với những gì mình đang có, sẽ ít ưu phiền.
Đình Trọng
(Tri thức Trẻ)