Monday, November 7, 2022

Mỗi chúng ta "có biết gì về ngày chưa tới" không? ...

 Nhà kế bên có đám ma. Ba ngày rồi vẫn kèn trống inh ỏi. Ban đêm còn có cả một đội hát, hết hát Đắp Mộ Cuộc Tình rồi đến Nhiều lúc anh muốn một mình nhưng sợ cô đơn ... Không biết họ hát cho người chết hay hát cho người sống với những "gian gian díu díu mập mờ" tới tận 3- 4 giờ sáng, hát hết nổi mới chịu thôi. Ba già của Trung tặc lưỡi. Thôi gắng. Nghĩa tử là nghĩa tận. Trung cười. 



Trung nhớ câu chuyện của Osho kể về những tập tục. Trong một đám tang nọ, vô tình có một con chó chạy xung quanh quan tài, sủa ẳng ẳng. Người cha bèn đứng lên bắt con chó cột vào góc nhà. Tới lúc người cha chết, người con lập tức đi kiếm một con chó chạy và bắt nó sủa ... cho đúng những gì anh ta thấy lúc nhỏ vì anh ta cứ nghĩ đó là nghi thức phải có của một đám tang!


Mỗi chúng ta "có biết gì về ngày chưa tới" không? 


Mỗi chúng ta có biết gì về phía sau cái chết của một người?


Ông cụ nhà kế bên bị đột quị nằm bất động ỉa chây đái lì 10 năm nay, nghe cô con than không ai đến thăm viếng, thậm chí gọi một cuộc điện thoại cũng không. Vậy mà giờ đây kéo đến lũ lượt. Đi đám tang cho người sống hay cho người chết?


Liệu rằng kinh kệ luyên thuyên từ sáng tới tối, từ tối tới sáng có rửa sạch tội nhơ? Liệu rằng Thượng Đế có vì kinh vì kệ mà ban phước giáng hoạ?


Không ai biết cả!


Trung lại nhớ đến nhà văn nổi tiếng Quỳnh Dao, tác giả của những tác phẩm như Hoàn Châu Cách Cách, Xóm Vắng ... đã gây xôn xao năm 2017 với những ước nguyện trước khi chết.


Hẹn trước về sự cáo biệt đẹp đẽ.


Bà thổ lộ: Năm 2019, Đài Loan cho phép trợ tử theo ý của người bệnh. Nghĩa là sau này người bệnh được phép quyết định mình chết như thế nào, không cần bác sĩ hay người nhà quyết định nữa. Đối với tôi, đây là một tin vui. 


Vì sao? Bà viết rằng: "Đừng để mẹ thành bà già ốm yếu muốn sống không được, muốn chết cũng không xong. Nếu làm thế, các con mới là đại bất hiếu".


"Dù mẹ mắc phải bệnh nặng thế nào, mẹ cũng không muốn làm phẫu thuật, lắp ống thở... 


Khi còn sống, nguyện là ánh lửa, cháy tới phút cuối cuộc đời. Chết đi, nguyện là hoa tuyết, lất phất rơi, hóa thành cát bụi".


"Mẹ không muốn mai táng theo nghi thức tôn giáo truyền thống, không đăng cáo phó, không làm lễ truy điệu, không lập linh đường, không đốt vàng mã... 


Mẹ muốn mọi việc diễn ra lặng lẽ, đơn giản vì cái chết là việc riêng, đừng làm phiền người khác, càng đừng làm phiền những người yêu mến mẹ. Nếu thật lòng yêu mẹ, họ sẽ hiểu cho mẹ....


Mẹ chẳng có gì cả lúc chào đời thì lúc đi cũng mong được đơn giản gọn ghẽ, sau này, tiết Thanh Minh cũng không cần cúng bái mẹ, vì mẹ đã không còn tồn tại. Huống hồ trái đất ngày một ấm lên, đốt giấy đốt hương đều đang phá hoại địa cầu. Chúng ta có nghĩa vụ giữ gìn môi trường sống sạch sẽ cho những sinh mệnh mới đang nối tiếp nhau chào đời".


"Mọi việc càng làm nhanh gọn càng tốt. Đợi xong việc hãy thông báo về sự ra đi của mẹ, để tránh lời ra tiếng vào, khiến các con cảm thấy rắc rối".


Bạn nghĩ sao khi đọc đến đây? 


Liệu đây có phải là một tư tưởng tiến bộ văn minh?


Tuỳ mỗi người một cảm nhận một cách sắp xếp cho sự ra đi của mình của người thân mình, bạn he!


Không trong cuộc thì không phán xét!


Không có việc gì là thừa hay thiếu, đúng hoàn toàn hay sai hoàn toàn. Ồn ào, màu mè hay làm bộ làm tịch tâm tang, tiễn trong im lặng ... cũng chỉ là hình thức bên ngoài.


Đôi khi kèn trống dỗ an người ở lại dù mỗi chúng ta đều biết yêu thương và tôn kính là ở trong lòng, không phải là thứ để trình diễn và phô trương!


Nguyện xin mỗi cuộc ra đi đều thanh thản như cánh phượng, khi đã cháy cạn lòng rồi thì nhẹ nhàng rơi. 


"Nếu có yêu tôi, thì yêu ngay bây giờ

Đừng đợi ngày mai, tới lúc tan thành mây khói....


Vì cát bụi làm sao mà biết mỉm cười ..."


#NguyễnBảoTrung #Nhà #VôThường