Anh xe ôm này (ảnh) bị câm điếc bẩm sinh, gần nhà nên thi thoảng tôi hay lang thang ra ngõ đi xe ôm. Để anh hiểu mình cần đi đâu cũng thật khó, phải gõ lên màn hình điện thoại rồi đưa anh đọc. Mãi rồi quen, cứ lên xe là anh biết chở tôi đi đâu.
Tôi thường thấy anh bê một chậu nước to rửa xe dù là trời chang chang nắng hay sầm sì mưa, hẳn anh quý chiếc xe lắm, bởi nó là chiếc cần câu và tài sản lớn của anh. Tôi liếc đồng hồ thấy xe đã đi được hơn 6 vạn mà vẫn còn tinh tươm. Cũng phải thôi, kế sinh nhai mà.
Đi xe ôm, taxi hay grab tôi vẫn hay trò chuyện với tài xế, câu chuyện sẽ làm đoạn đường ngắn lại, nhưng với anh tôi không thể tâm giao chỉ biết chăm chú chỉ đường và quan sát hai bên bởi anh không nghe được tiếng còi. Tôi không biết anh có vợ hay không vì chẳng bao giờ hỏi nhưng tôi thấy hình một cô bé trong ví anh, bé cỡ 4 tuổi tươi như một bông hướng dương hứng nắng.
Hôm trước chở tôi đi mãi Tân Phú, vì mãi nghe điện thoại tôi không chỉ đường anh được thành thử lạc, mà lạc giữa thành phố mà mình gắn bó hơn 2 phần 3 cuộc đời thì kể cũng lạ, lỗi này của tôi không phải của anh...
Đến nơi sau hơn một tiếng đồng hồ luồn lách trong hối hả của người, xe và bụi, tôi đưa anh 100 ngàn và hỏi anh hết bao nhiêu tiền. Anh không nghe thấy, chắc vậy, chỉ rút ví tìm tiền trả lại. Loay hoay mở hết ngăn nọ ngăn kia nhưng không đủ tiền lẻ, tôi mới nói thật chậm để anh nhìn vào miệng mà đoán: "bao nhiêu?". Anh giơ 6 ngón tay ý là 60 ngàn, rồi làm dấu bảo tôi đứng chờ để anh cuốc bộ đi đổi. Kéo anh lại tôi xua tay, anh còn xua tay mạnh hơn. Tôi nhanh chân rảo bước, vẫn kịp chào anh, tôi đang vội. Phía sau có tiếng ú ớ như mắc nghẹn trong cổ họng.
Chợt nhớ cháu gái mình đang bắt đầu tập nói, nó cũng đã bi bô được mấy câu. Vậy đấy, sau tiếng khóc chào đời là những tiếng tinh khôi gọi ba gọi mẹ, đó là đặc ân. Nhưng, tạo hoá lại quên mất phần của một vài người.
● Đừng mặc cả với người khốn khổ hơn mình, bởi đến cả sự tồn tại bình thường cũng đã khắt khe cắt xén đi của họ rồi.
(Lâm Nguyễn)