Saturday, September 28, 2024

TÔI, BẠN... VÀ MỌI SINH VẬT ĐỀU LÀ "CHÚNG SINH"



Càng già tôi càng yêu thương chúng sinh. Không phải chỉ là mèo, chó, chim chóc... mà tất cả chúng sinh như thằn lằn, chuột, rắn, heo, gà, trâu, ngựa...

Vì sao?

Vì tất cả chúng ta: Tôi và các bạn, cả loài người... cũng sẽ có kết cục giống như mọi chúng sinh khác là: trở thành cát bụi.


Nhiều triết gia gọi cuộc sống này là "phi lý". Họ viết những tác phẩm, sáng tạo những nhân vật phản kháng, chế diễu sự phi lý đó như Meursault, Alexis Zorba, Renaud Sarti...


Nhưng tôi thì không. Vì tôi biết sự phi lý đó không phải do một "Đấng" nào tạo ra cả mà đó chỉ là quy luật bất biến của vật chất.

Cái quy luật ấy Đức Phật gọi là "sự sinh-diệt của Ngũ Uẩn". Ngũ uẩn hợp lại là "sinh", ngũ uẩn tan rã là diệt.


Mà Ngũ Uẩn là một dạng tiến hóa của Tứ Đại (Nước, Lửa, Khí và Đất), tức là vật chất.

Vậy thì tôi sẽ phản kháng ai?

Đức Phật chẳng phản kháng ai cả. Đức Phật (cũng giống như Albert Einstein và Stephen Hawking, chẳng phản kháng ai cả). Vì chẳng lẽ các vị ấy phản kháng vật chất?

Đức Phật nói: "Có sinh thì có diệt". Đó là quy luật máy móc và bất biến của vật chất.


Stephen Hawking xem con người cũng là một con vật ký sinh. Tức là sống bằng thân xác của những sinh vật khác. Cái thói quen ký sinh ấy có từ ngàn xưa. Đó là một trật tự của cuộc sinh tồn. Ai đã tạo ra cái trật tự ấy? Thượng Đế? Thượng đế tàn nhẫn như vậy sao? 

Cho nên cả Stephen Hawking và Albert Einstein cùng nhiều nhà khoa học khác đều không tin có Chúa.


Trong một lá thư đề ngày 24/3/1954, Einstein viết: “Tôi không tin vào Chúa, và tôi chưa bao giờ chối cãi điều đó. Tôn giáo của tôi là sự ngưỡng mộ CẤU TRÚC CỦA THẾ GIỚI XUNG QUANH”.

Khi nhắc đến “cấu trúc”, Einstein muốn nói rằng vũ trụ đã vận hành theo một trật tự.

Một câu nói rất nổi tiếng của ông đã khái quát điều đó: “Thiên Chúa không chơi trò súc-sắc” (God doesn't play dice with the universe.)


Nhưng hậu bối của ông, một nhà bác học khác là Stephen Hawking lại đưa sự xuất hiện của các hố đen làm ví dụ, và tuyên bố rằng Thiên Chúa không những chỉ chơi súc sắc mà Ngài còn ném chúng vào nơi ta không thể tìm thấy (Seems he not only “plays” dice, but he throws them where we can't find them). 


Hawking muốn nói: Sự hình thành vũ trụ là ngẫu nhiên như vòng quay sấp ngửa của con súc sắc. Và tất cả những gì tồn tại trong vũ trụ cũng đều ngẫu nhiên như thế. 

Stephen Hawking thường nói đùa: “Ngay cả những người theo thuyết định mệnh trung thành nhất vẫn phải nhìn quanh trước khi băng qua đường”.


Có một số người "nói mò" rằng ngay cả những nhà bác học lỗi lạc như Albert Einstein cũng tin vào Thượng Đế, nhưng tôi đã trưng ra những bằng chứng rằng không phải như thế.


Và cũng có người không hề biết rằng Đạo Phật là vô thần (athéisme). Chủ nghĩa vô thần là quan điểm cho rằng không hề có thần linh.


Phật giáo quan niệm rằng vũ trụ được vận hành bởi các quy luật tự nhiên là Nhân - Quả và Luân hồi, không hề có một vị thần nào có thể khống chế các quy luật đó.


Có lẽ chính vì thế mà Albert Einsein từng nói: "Những gì tôi đã bỏ ra cả đời để nghiên cứu thì cách đây gần 3.000 năm Đức Phật đã biết cả rồi."


Cuối cùng, những điều tôi vừa nói không phải là tư tưởng của tôi, mà chỉ là tôi học được từ các bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại, trong đó có Đức Phật.

Và những hiểu biết ấy đã làm tôi yêu cái thân phận bèo bọt của chúng sinh biết chừng nào!


Đào Hiếu