Mấy chục năm trước, trong cơn mưa Sài Gòn sầm sập, có một người chị căng mình đạp xe chở cậu em ôm cây đàn violin phía sau từ trường nhạc về.
Trước khi cơn mưa kéo đến, người chị đã nhường hết áo mưa của mình cho em và cho cây đàn ấy, chấp nhận mình chịu ướt. Chuyện này thường tình và kéo dài nhiều năm. Những cơn mưa, cái nắng Sài Gòn lặn sâu vào đời chị, để lo cho các em được bình an đi qua thơ ấu của mình.
Lớn lên, mỗi người mỗi việc, chị miệt mài làm một cô giáo dạy nhạc cần mẫn, chỉnh chu. Em thành một nghệ sĩ violin. Những đồng lương đầu tiên, chị đã chia sẻ cùng gia đình để góp phần nuôi các em ăn học.
********
Tính chị nghiêm khắc và khuôn thước, một là một hai là hai, và nói gì làm nấy. Chị nghiêm khắc với tất cả, đặc biệt là nghiêm khắc trong việc bảo vệ gia phong, nề nếp; bảo vệ việc sống có trên có dưới, nên chắc chắn sẽ không tránh khỏi những lúc em út cảm thấy khó chịu, nhưng vẫn răm rắp nghe lời.
Rồi cậu em ngồi sau xe năm nào có bạn gái. Lần đưa về nhà giới thiệu, cô bạn gái - với phép ứng xử tối thiểu để quên đi đâu, không chào chị.
Chị nhắc khẽ cậu em: "Em lần sau nhắc bạn, đến nhà người ta thấy người lớn tuổi hơn, cũng nên chào một tiếng, có mất mát gì đâu". Cậu em không những không nghe, mà còn buông lời hỗn hào, chọn sự làm tổn thương chị gái và bỏ qua cả nề nếp, để bảo vệ người yêu mình.
Chuyện cũng chẳng có gì to tát, nhưng cậu em lôi hết những thứ chị đã từng nghiêm khắc ra để mắng nhiếc, mà không hay rằng mình đã nên người từ sự nghiêm khắc ấy. Rồi chốt lại một câu, nếu cứ giữ tính ấy, thì không chị em gì nữa.
Chị thấy em vậy, lại càng nghiêm khắc hơn. "Em chọn thế phải không? Ok em. Chị sẽ xoá số điện thoại của em và chúng ta sẽ không liên lạc, không trò chuyện gì nữa nhé. Em cứ sống cuộc sống của mình cho tốt"
Lạnh lùng thế thôi nhưng người chị ấy đã khóc rất nhiều năm vì sự tổn thương này. Nhiều năm ấy, họ không gặp và không liên lạc.
********
Không gặp, nhưng người chị ấy vẫn thương nhớ và dõi theo cuộc sống của em. Chị thì vẫn cần mẫn công việc của một nhà giáo, nghiêm khắc dạy dỗ con cái và chịu đựng một ông chồng bội bạc đến lúc không chịu đựng nổi nữa, lại phải một thân một mình nuôi con.
Rồi thời gian cũng qua. Rồi con cái cũng lớn. Rồi quá khứ cũng quên dần.
Một hôm cậu em tự dưng gọi điện, muốn gặp. Họ hẹn nhau trong một quán cafe ở gần Nhạc viện. Cậu em nhắc lại câu chuyện xưa kèm theo lời xin lỗi.
Người chị bình tĩnh nói: "Thời gian qua chị và em đã có một khoảng cách cần để ai nấy sống cuộc sống của mình, khi mà chúng ta đã lớn hết rồi. Đó cũng là khoảng thời gian chúng ta nghĩ đến chữ trách nhiệm đối với những gì mình gây ra
Nhưng tình chị em máu mủ là những thứ không thể thay đổi. Chị vẫn thương và nhớ về em như đứa em mà chị chở đi trong mưa năm ấy. Em cũng dân nhạc, chị cũng dân nhạc, chúng ta có nhiều đồng cảm. Nhưng chị rất tiếc, khi trưởng thành, em lại bỏ gia phong, nề nếp, sẵn sàng làm tổn thương người thân để bảo vệ bạn gái, mà nào phải bảo vệ cái đúng? Bảo vệ cái sai đấy!"
Người chị bảo, tính chị là thế, ai muốn dứt là chị dứt. Chúng ta cần tập một suy nghĩ là không cứ người thân thì cứ vô tư làm tổn thương nhau để rồi được dễ dàng quên lãng hay tha thứ. Càng thân thì sự tổn thương càng lớn. Và không cứ người thân là cứ không thể dứt như người dưng nước lã.
"Em đừng nghĩ chị không làm được. Em có thể rất giàu, có thể thành ông to bà lớn; chị có thể đói rách ăn xin nhưng nếu có thái độ không đàng hoàng, chị cũng không cần ghé ngang cửa nhà em đâu. Làm tổn thương người khác rất dễ nhưng bình thường lại sau thương tổn, không hề dễ em à"
Cậu em khóc rất nhiều và kể rằng, sau đó cậu cũng chia tay cô gái ấy vì văn hoá là thứ không mua bằng tiền hay ngày một ngày hai mà có được trong một con người. Cậu ấy đã lấy một cô gái khác, con nhà nề nếp, tài năng và sắp làm đám cưới. Cậu cần chị cả xuất hiện trong buổi ra mắt gia đình đôi bên...
Người chị rưng rưng nước mắt, khóc vì mừng vì cậu em đã trưởng thành và sắp có gia đình. Mọi chuyện xưa quên hết, chị về chuẩn bị làm một đại diện trọn vẹn của nhà trai để sang nhà gái...
********
Có gia đình, cậu em rất gắn kết với người chị nhưng chị vẫn giữ khoảng cách. Bởi chị hiểu, khi em có vợ mà vợ lại con nhà giàu, mình phải giữ mình, đặc biệt là không được vay mượn hay dính líu tiền bạc; không được có những hành động kém mẫu mực khiến gia đình người ta khinh khi mình, lại khổ cho em út.
Thường thì người nghèo rất dễ tự ái. Nhưng, giữ tự trọng thì không phải ai cũng làm được. Một sự thật là, sự tự trọng quý giá hơn cái tự ái rất nhiều.
Nhà cậu em nhờ gì thì người chị rất sẵn sàng. Đặc biệt là việc dạy nhạc cho các bé. Tuy nhiên, người chị vẫn giữ nguyên tắc: không nhờ vả hay phiền hà gì.
Kể cả những lúc lao đao nhất, chị một nách hai đứa con ăn học còn kẻ chồng bội bạc kia không phụ giúp một điều gì cả, chị vẫn không phiền đến em mình.
Chị bảo, những gì chị cố được, chị sẽ cố hết sức và rồi mọi thứ cũng sẽ phải qua. Còn giàu nghèo có số rồi, nếu cố gắng thì cũng là cố gắng để không phiền ai, nhất là phiền người thân.
Đáng tiếc, những người như thế này trong đời, lại không nhiều lắm...
st