Bạn vừa cất một căn nhà. Nếu bạn thổ lộ với người Mỹ, người Mỹ sẽ hỏi bạn đã xoay sở với chi phí, các khoản vay, thậm chí tiền bảo hiểm của ngôi nhà ra sao. Trong khi đó, một người Nhật sẽ quan tâm liệu ngôi nhà có ở trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai hay không, kết cấu rung lắc đến đâu. Người Ý sẽ tò mò về việc bạn chọn nội thất trang hoàng theo phong cách nào, trong nhà có bao nhiêu món đồ cổ. Người Ba Tư sẽ gợi ý nền nhà được trải bằng loại thảm gì, màn cửa sổ nên treo chọn màu và hoạ tiết gì. Người Pháp sẽ muốn biết kiến trúc sư thiết kế xuất thân từ đâu, anh ta thích loại rượu vang nào. Trong khi đó, người Trung Quốc thì sẽ dò hỏi xem hàng xóm của bạn có phải là người Hoa hay không và khoảng cách từ Chinatown đến nhà bạn bao xa…
Người Việt Nam tư duy ngôi nhà theo mét vuông, tức, mặt bằng sử dụng. Điều này không phải nguyên do từ sự yếu kém về bộ môn hình học không gian. Tư duy được hình thành từ quá trình văn hoá, văn minh, lịch sử. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của chiến tranh. Ngàn năm binh lửa ngoại xâm, nội chiến đã cho người Việt sự nhận thức cao về lãnh thổ, đất đai, là thứ không thể nhượng bộ cho giặc – “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “một tấc không đi một ly không rời”. Trong nền văn minh nông nghiệp, đất đai cũng là tư liệu sản xuất, đảm bảo đời sống, đem lại sự ấm no đủ đầy, cho nên, tấc đất tấc vàng.Rất dễ cho bạn nếu người đối diện là dân Việt Nam. Vì bạn chỉ cần nhớ chính xác diện tích sử dụng của căn nhà là đủ.
Có lẽ tư duy theo mét vuông tiếp tục là nếp nghĩ trong thời hiện đại. Đặc biệt trong quá trình đô thị hoá, bất động sản trở thành một thị trường đầy sôi động càng khiến người ta quá bận tâm xử lý mặt bằng nhưng lại thiếu những chăm chút cho giá trị tinh thần. Nói như TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, là đặt sai hệ quy chiếu lợi ích: “Lợi ích địa ốc cao nhất không phải lúc nào cũng chỉ đạt được nhờ vào tư duy mét vuông (thiên về số lượng mét vuông) như người ta thường lầm tưởng, mà còn có thể nhờ vào tư duy giá trị sống (thiên về “chất lượng” mét vuông).
Với tư duy mét vuông, nhà đầu tư thường hy sinh bớt các chỉ tiêu về chất lượng sống, như thu hẹp diện tích cây xanh, xây dựng quá dày đặc làm giảm sự riêng tư vì căn hộ thường bị các căn hộ khác nhìn thẳng vào và giảm sự yên tĩnh do tác nhân ồn và sự chung đụng với các hộ lân cận gia tăng. Người ta thường không thấy rằng công trình thấp tầng và mật độ xây dựng thấp mới là cao cấp nhất, chứ không phải công trình cao tầng”. Từ đây, có thể thấy được nguyên nhân sâu xa của việc đánh mất bản sắc đô thị đang diễn ra tại Hà Nội, TP.HCM.
Nhà ống phố cổ liệu có phải là kết quả của lối tư duy theo mặt bằng ?
Tư duy mét vuông cũng tạo ra những “biến chứng” khó chịu trong lối ứng xử với không gian sống của người dân, nó ít nhiều khống chế đời sống văn minh ở. Ý thức công năng sử dụng (chứ không phải sở hữu) đã làm suy giảm sự gắn bó cội rễ giữa con người với không gian sống nói riêng và hồn vía đất đai nói chung. Mặt khác, sự cắt rời không gian sử dụng ngôi nhà với không gian công cộng đã làm nảy sinh tâm lý thực dụng trong ứng xử văn hoá công cộng. Người Việt xem không gian công cộng là thứ “cha chung không ai khóc” nên khi cần thì lấn chiếm, lúc không cần thì tha hồ gây ô nhiễm bằng các hình thức khác nhau.
Một trong những điều nữa thể hiện tư duy mặt bằng đó chính là sự thiếu quan tâm đến những thiết kế đa dạng về không gian sống trong chính ngôi nhà mà chỉ quan tâm đến độ rộng, hẹp. Để là gì? Tôi tình cờ tìm thấy phần gợi ý cho câu trả lời trên ở phần Góp ý cho cuốn Văn minh vật chất của người Việt (Phan Cẩm Thượng, NXB Tri thức 2011), hoạ sĩ Phan Bảo, một trong những nhà nghiên cứu am hiểu về đời sống vật chất của người Việt ở đồng bằng sông Mã, vùng đất có nhiều di chỉ văn hoá cội nguồn người Việt cổ: “Ở xứ Việt ta, nhà cửa chỉ có một công năng: là nơi trú ngụ nói chung. Nhà ở có thể làm đình chùa, đền tạ và đình chùa đền tạ cũng có thể làm nhà ở về mặt kiến trúc (trừ hai món nhập khẩu là tháp và nhà thờ Thiên Chúa giáo). Hàng nghìn năm đi học đi thi mà cái nhà trường cũng chỉ là cái nhà ở ngã cửa ván ra hoặc trải chiếu nằm xuống mà viết. Có lẽ chỉ có kẻ sĩ Việt Nam là nằm bò toài ra mà viết, mà học, xong rồi có thể lăn quay ra ngủ luôn (xem Lều chõng của Ngô Tất Tố). Nhà Nho ta ư? Ăn cơm, viết sách, nghe hát và ngủ với cô đầu chỉ loanh quanh trên một chiếc chiếu. Vậy ở đâu trải chiếu thì ở đấy có đủ mọi chuyện. Vào chùa lấy chiếu chùa ra ta ngồi. Vậy cái nhà Việt Nam thật tối giản: trên có mái, dưới có nền (trong Nam bộ lại còn không có cả nền cao, nền nhà, nền sân, nền đường, nền vườn bằng nhau), chung quanh để trống, chỉ có mùa rét mới lấy liếp che lại, ở giữa trải chiếu, thế là xong. Nhà to hơn tức là nhà dài hơn vì chắp thêm gian (quy chế chính: 1 gian, 2 gian, 3 gian,… 11 gian, 13 gian là cung vua phủ chúa rồi). Tại sao ông tiến sĩ lại ngồi ghế chéo (Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh choẹ – thơ Nguyễn Khuyến)? Bởi vì ghế ấy cũng chỉ là tạ thôi, ông tiến sĩ về nhà với cha mẹ thì ngồi chiếu trải lên đất, lên công đường thì ngồi chiếu trải lên sạp, vua cũng thế thôi (vua Lê Cảnh Hưng bảo Nguyễn Huệ ngồi ghé lên sạp với mình – xem Hoàng Lê nhất thống chí). Vì thế, xem kiến trúc Việt Nam có gì mới lạ không thì xem chạm chắc ở mấy chỗ kẻ bẩy, tức bàn tay có nóc mái vậy. Có điều, ngói của đền miếu rất to nặng, đó là do ý muốn chống gió bão lật mái đấy. Nhà trống tha hồ cho gió lùa. Cơn bão năm 1905 ở Huế lật cả cầu Tràng Tiền mới làm xuống sông mà Ngọ Môn vẫn y nguyên chẳng sao cả.
Theo tôi, nghệ thuật kiến trúc không phải là nghệ thuật chạm khắc hay sơn vẽ. Và ta nên tách các món này ra.
Nhà sàn chẳng qua chỉ là một ngôi nhà có cái đặc biệt hơn mà thôi, Nó cũng là nhà tầng. Nhà cửa Việt Nam chuộng bóng tối là vì người ta chẳng cần ánh sáng nhiều làm gì. Phải chăng cần nhìn rõ các tượng Phật Thánh? Muốn đọc sách thì ra ngoài hiên rồi. Ngày nay có nhiều nhà hiện đại cao to (nhà dân dụng) nhưng cũng chẳng để làm gì ngoài chuyện đi ngủ, vậy nhà cửa đóng im ỉm suốt ngày có khách thì mời đi quán. Các ông hoạ sĩ mới đòi nhà sáng sủa thôi. Nhà dân nông thôn Việt Nam ta rất cần cái sân trước cửa, không phải chỉ để phơi phóng các thứ mà tiện dụng hàng ngày. Uống rượu buổi chiều ư? Trải chiếu ngoài sân. Nhà có đám ư? Dựng rạp ngoài sân. Do đó, sân này phải khô cứng và trống thoáng. Điều đó dẫn đến kết cấu nhà có hiên bè rất rộng, mỗi kẻ bẩy ra một khoảng kẻ nữa tức hè tính từ cột con ra rộng hơn 2m.
Công năng sử dụng nhà đơn giản, cho nên kiến trúc tối giản và đơn điệu. Trong kho tàng thành ngữ để chỉ người giàu kẻ nghèo trong xã hội đã có thấp thoáng cái tư duy về kiến trúc: gia cảnh nghèo thì gọi là “nhà ổ chuột”, “nhà rách vách nát”, “nhà xiêu vách đổ”, “nhà dột cột xiêu”, “nhà tranh đố sậy”, còn để chỉ những kẻ giàu có trong xã hội, thì: “kín cổng cao tường”, “nhà cao cửa rộng”, “nhà vàng gác tía”… Và vẫn với tư duy trọng về chất liệu và mặt bằng đó, người Việt mở rộng cách nói về những không gian sống rộng hơn ngôi nhà như sau: thường dùng thành ngữ “màn trời chiếu đất” để chỉ cảnh tiêu điều khốn khổ sau những trận thiên tai, địch hoạ, hay “nhà ngang dãy dọc” để chỉ sự giàu có của một cơ nghiệp hoặc sự khá giả sầm uất của một khu dân cư.
Còn đây, năm 1931, ông Phan Khôi phê phán về cái văn minh “kinh hoạch” phố phường trên báo Đông Tây (số 114): “Nhà cửa phố xá, cái thì lồi ra, cái thì lõm vào, chủ nó mỗi người cất theo mỗi ý riêng mình, không buộc phải đúng quy củ nào hết”.
Trong quá khứ của người Việt, mọi sự phấn đấu trong đời sống kinh tế dường như chỉ tập trung để đạt tới một mục tiêu – được sử dụng một ngôi nhà to, bề thế hơn là những giá trị sống thuộc về môi trường, văn hoá liên quan. Bàn tay của kiến trúc sư có lẽ chỉ có giá trị trong vài năm gần đây, khi đất chật người đông, làn sóng nhập cư vào đô thị ồ ạt, quá trình đô thị hoá nhanh chóng làm cho cơ hội ở rộng với nhiều người không còn, thay vào đó là những xoay sở giải pháp ở gọn. Mặt khác, truyền thông đã giúp người dân mở mang cái nhìn, tiếp thu văn hoá hưởng thụ, trình độ và nhận thức về chất lượng sống đã có những thay đổi lớn. Người ta nhận ra ngôi nhà không phải chỉ để đơn giản là trú mưa trú nắng hay… ngủ, mà còn để góp phần làm đẹp mỹ quan chung, bản thân nó phải là một không gian khoa học, đáp ứng những nhu cầu công năng và thụ hưởng những giá trị tinh thần, văn minh.
Nhưng còn lâu mới xoá bỏ được sạch cái dấu ấn tư duy mặt bằng, khi mà hiện nay, do sự chắp vá, bất nhất và thiếu đồng bộ về quy hoạch. Cho đến nay, tiêu chí đánh giá của Nhà nước về việc nhận diện không gian ở của người dân vẫn theo tư duy mét vuông. Một báo cáo gần đây của cơ quan chức năng, tại Việt Nam, nơi đô thị vẫn còn tồn tại nhiều hộ gia đình nghèo xoay xở sống trong những “ngôi nhà” chỉ 3m2, tiêu chuẩn còn thấp hơn ngưỡng chuẩn tối thiểu của điều kiện để xét, xếp vào diện vô gia cư trong thời bao cấp là < 5m2. Báo cáo trên cũng cho hay, trên lý thuyết thì từ năm 2.000 Nhà nước đã nâng chuẩn lên 6 – 8m2 thì được cấp nhà ở xã hội.
Theo tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam được tổng cục Thống kê công bố vào tháng 12.2009 thì trung bình diện tích nhà ở của mỗi người Việt Nam là 18,6m2. Cũng theo đợt điều tra này, thì tại Việt Nam cứ 2.000 hộ sẽ có một hộ không có nhà ở. Hộ không có nhà ở được định nghĩa là không có chỗ ở, hoặc không đáp ứng được 1 trong 3 điều kiện: có diện tích sàn tối thiểu 4m2; tường cao ít nhất 2m; có cấu trúc riêng biệt và độc lập. Trong các hộ có nhà ở, thì số hộ có nhà kiên cố chiếm 47%; nhà bán kiên cố chiếm 37,8%; nhà thiếu kiên cố chiếm 7,8%; và nhà đơn sơ chiếm 7,4%.
Mức độ tin cậy vào những con số thì còn tuỳ vào sự lạc quan hay bi quan của từng người tiếp nhận. Song cuộc điều tra trên cho thấy ngay cả trong tiêu chuẩn đánh giá nhà ở của một cơ quan chức năng, thì khái niệm chất lượng sống của một không gian ở mang lại cho con người chỉ có thể dừng lại ở mức độ “an toàn” (kiên cố) hay thiếu an toàn (không kiên cố, đơn sơ). Có thể tiêu chí trên phù hợp với một đất nước phát triển chậm, dân số tăng nhanh nên việc đảm bảo đời sống tối thiểu của người dân (chỗ ở) còn nhiều “tồn tại” nói chi đến chất lượng sống, sự hưởng thụ giá trị sống trong công trình nhà ở.
Tư duy mét vuông còn là một thứ hệ luỵ lịch sử. Điều đáng nói, là nó tác động không nhỏ đến tư duy quy hoạch đô thị. Sự hiện đại hoá bừa bãi, sự nao núng trong những chiến lược vươn cao vì mục tiêu công năng, mở rộng mặt bằng sử dụng theo cao độ đang giết chết những môi trường hài hoà và bản sắc đô thị và mỹ quan. Đa số các công trình kiến trúc gần đây lại lấy nguồn cảm hứng không từ xu hướng kiến trúc nhạy cảm với công nghệ mới, bền vững và quan tâm đến môi trường, lợi ích xã hội mà lại chọn lựa xu hướng lợi ích thương mại.
“Một cái lẩu kiến trúc” – KTS Olivier Souquet đã nói như thế về kiến trúc TP.HCM trên tạp chí Kiến trúc số 203, 3.2012. Ông viết: “Xu hướng thương mại: hoàn toàn tuỳ thuộc vào thị trường bất động sản vốn dĩ không ổn định, chỉ có thể làm ra những bản sao, nếu không theo mô típ “tân thuộc địa” thì là “tân phong cách Victoria”, pha một chút phong cách Á châu (mà cũng chưa chắc là đến từ châu Á). Tiêu biểu là những kiến trúc phong cách Singapore với các thứ cột Corinthe Hy Lạp, chẳng khác gì một cái lẩu kiến trúc và cũng chẳng nói lên được ý đồ là cái gì”.
Bao lâu thì người Việt sẽ quan tâm đến ngôi nhà của bạn theo hướng “ý đồ là cái gì”? Bao giờ thì người Việt hết tư duy không gian sống theo mặt bằng? Có lẽ sẽ không bao giờ. Vì người ta không chỉ có thể chắp vá và sửa chữa, không thể dọn sạch để làm lại. Quy hoạch kiến trúc rất khác với cách người ta thiết kế mỹ thuật cho một cái bánh kem.
Ngày nay, một đất nước thu nhập đầu người còn thuộc hạng thấp lại có những thành phố trung tâm được xếp vào hàng những đô thị đặc biệt có giá bất động sản cao bậc nhất trên thế giới là điều chưa hẳn là vui. Một thị dân thu nhập trung bình khó có thể nghĩ đến chuyện sở hữu một không gian sống tử tế trong thành phố mà họ gắn bó và cống hiến. Và đây là biểu hiện của một thứ “tư duy mặt bằng” mới: trong những câu chuyện, người ta vẫn dùng cụm từ “chỗ chui ra chui vào” để chỉ ngôi nhà.
Nguyễn Vĩnh Nguyên – Theo SGTT