Tuesday, March 28, 2023

Hãy cùng ước mơ_Book review

 Hãy cùng ước mơ là tác phẩm truyền cảm hứng mang tính thực tế cao. Trong sách, Đức Giáo hoàng Phanxicô lí giải nguyên nhân xảy ra những cuộc khủng hoảng trên toàn cầu cũng như khơi gợi cho độc giả biết cách để cùng nhau chung tay biến thế giới trở thành nơi an toàn hơn, công bình hơn, lành mạnh hơn.

Hãy cùng ước mơ được viết trong thời gian phong tỏa kéo dài do đại dịch Covid-19. Vi rút thường là một nguyên nhân gây bệnh, nhưng lần này, Covid-19 làm cho cả thế giới phát bệnh, không chỉ về mặt y tế mà ngay cả mặt kinh tế, xã hội và mối quan hệ giữa con người với nhau đều tê liệt. Câu hỏi đặt ra là, điều gì có thể giúp ta vượt qua khủng hoảng kế tiếp, nếu điều đó xảy ra?

Con người có thể học được nhiều điều từ một cuộc khủng hoảng

Ở phần mở đầu của Hãy cùng ước mơ, Đức Giáo hoàng trình bày việc con người có thể học được điều gì từ một cuộc khủng hoảng, làm sao để vượt qua những biến động xảy ra trong đời sống cá nhân nói riêng và thế giới nói chung. Bằng sự chân thành hiếm có, ngài chia sẻ về ba cuộc khủng hoảng trong đời đã khiến ngài thay đổi nhiều như thế nào để trở thành một người tốt hơn. Ngài cho rằng bản chất cốt lõi của bất kì cuộc khủng hoảng nào chính là nằm ở việc buộc chúng ta phải đưa ra lựa chọn: ta sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng nếu như cố gắng quay trở lại trạng thái trước khi xảy ra khủng hoảng. Nhưng nếu ta có can đảm thay đổi, ta có thể vươn lên từ khủng hoảng để trở thành một con người tốt hơn trước đây.

Tiếp đến, Đức Giáo hoàng Phanxicô đưa ra lời chỉ trích gay gắt, đầy thuyết phục về những hệ thống và tư tưởng đã góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng hiện nay, từ một nền kinh tế toàn cầu bị ám ảnh về lợi nhuận để rồi chẳng màng việc gây hại cho con người và môi trường, đến những chính trị gia kích động và lợi dụng nỗi sợ hãi của người dân để gia tăng quyền lực cho bản thân bằng tiền dân. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng nghĩa vụ đầu tiên của con người chính là phụng sự cho người khác, đặc biệt là cho người nghèo và những người ở bên lề xã hội, giống như cách Chúa Jesus đã từng làm trước đây.

Đừng để nỗi đau từ đại dịch trở nên vô ích

Với bố cục được chia làm ba “thời” rõ ràng: quan sát, lựa chọn, và hành động, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chỉ ra vô vàn thách thức mà nhân loại sẽ phải đối mặt trong tương lai, vì nó mà chúng ta có thể trở nên tốt đẹp hơn hoặc tụt hẳn lại phía sau. Ngài cảnh báo ta về những vách đá đầy rẫy hiểm nguy, song vẫn tiếp tục đồng hành và thắp lên ngọn đuốc soi sáng con đường phía trước. Đồng thời, ngài đề xuất mỗi người nên có lối tư duy mới và xác định những hành động khác biệt mà ta có thể thực hiện, để góp phần thay đổi tương lai thế giới. Đây là thời điểm để ta mơ lớn, để suy nghĩ lại các giá trị ưu tiên, những điều ta coi trọng, mong muốn và kiếm tìm. Một điều ta có thể tin tưởng: cùng ước mơ và ra sức biến ước mơ thành hiện thực sẽ là chiếc cầu đưa chính ta và toàn nhân loại tới tương lai tốt đẹp hơn bao giờ hết.

Trong đại dịch Covid, Đức Giáo hoàng nhận thấy sự tàn nhẫn và những bất công trong xã hội được phơi bày rõ nét hơn. Nhưng ngài cũng nhận ra sự linh hoạt, lòng hào phóng, tính sáng tạo của rất nhiều con người chính là nhân tố giúp xã hội, nền kinh tế, và cả hành tinh của chúng ta thoát khỏi cơn nguy kịch. Bằng giọng văn trực diện mang tính thuyết phục cao, Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi mọi người đừng để nỗi đau trở nên vô ích.

Lời kêu gọi thay đổi thế giới đầy sức thuyết phục của Đức Giáo hoàng

Thông qua tác phẩm Hãy cùng ước mơ, Đức Giáo hoàng đề xuất một kế hoạch vừa mang tính truyền cảm hứng, vừa có thể thực thi để xây dựng một thế giới tốt hơn cho toàn nhân loại bằng cách đặt người nghèo và cả hành tinh này vào vị trí trung tâm của lối tư duy mới. Khi xây dựng kế hoạch này, ngài không chỉ dựa vào sách thánh, mà còn lấy tư liệu từ những phát kiến mới nhất của các nhà khoa học, kinh tế học, nhà hoạt động xã hội và các nhà tư tưởng lỗi lạc. Không chỉ dừng lại ở việc đơn thuần kê toa thuốc, ngài còn cho độc giả thấy rằng khi những con người bình thường chung sức hành động bất kể khoảng cách khác biệt sẽ có thể tạo ra những khả năng phi thường hiếm thấy.

Trong suốt chiều dài quyển sách, Đức Giáo hoàng cung cấp cho độc giả rất nhiều góc quan sát bất ngờ, thông tuệ về giá trị của lối tư duy phá vỡ truyền thống, về việc tại sao chúng ta cần phải nhanh chóng tăng cường vai trò của phụ nữ trong vị trí lãnh đạo ở Nhà thờ và xã hội, về những gì ngài đã học được khi đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở Buenos Aires cùng những người nhặt rác và nhiều thành phần khác trong xã hội.

Hãy cùng ước mơ là một sự khải thị, một lời kêu gọi hành động; và trên hết, tác phẩm mang lại nguồn vui thú cho người đọc khi thưởng thức. Những dòng trong sách cho người đọc tiếp xúc với một Đức Giáo hoàng Phanxicô ở khía cạnh cá nhân nhất, sâu sắc nhất và tràn đầy đam mê nhất. Khi đọc tác phẩm này bằng một tấm lòng rộng mở, chúng ta có thể thay đổi thế giới.    

Trích đoạn

“Từ cuộc khủng hoảng này, chúng ta có thể trở nên tốt hơn hoặc tệ đi. Ta có thể trượt dài về sau, hoặc có thể tạo ra điều gì đó mới mẻ. Hiện tại, điều ta cần là cơ hội để thay đổi và tạo không gian cho những điều mới.”

***

“Đây là thời điểm để ta mơ lớn, để suy nghĩ lại các giá trị ưu tiên, những điều ta coi trọng, mong muốn và kiếm tìm, và cũng để cam kết hành động trong mỗi ngày sống vì những điều ta mơ ước.”

***

“Cuộc khủng hoảng Covid trông có vẻ đặc biệt vì nó ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại, nhưng nó chỉ đặc biệt vì ta có thể nhìn thấy được. Trong khi có hàng ngàn cuộc khủng hoảng khác cũng thảm khốc không kém, nhưng đủ khuất tầm nhìn để nhiều người vờ như chúng chẳng hề hiện hữu. Chẳng hạn, hãy nghĩ về những cuộc chiến tranh diễn ra đó đây trên thế giới; về việc sản xuất và buôn bán vũ khí; về hàng trăm ngàn người tị nạn đang chạy trốn khỏi sự đói nghèo, thiếu thốn cơ hội; và cả biến đổi khí hậu. Những bi kịch này có vẻ xa vời với chúng ta, chúng chỉ là một phần của tin tức hằng ngày, và đáng buồn thay, nó không đủ sức để thúc đẩy ta thay đổi lịch trình và giá trị ưu tiên. Nhưng cũng như đại dịch Covid, những khủng hoảng này tác động đến toàn nhân loại.”

Về tác giả

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tên thật là Jorge Mario Bergoglio, sinh ngày 17.12.1936, được thụ phong Linh mục vào năm 1969, từ đó đảm nhận nhiều vai trò khác nhau trong Giáo hội. Năm 1998, ngài trở thành Tổng Giám mục Tổng giáo phận Buenos Aires. Đến năm 2001, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tấn phong ngài làm Hồng y. Năm 2013, ngài được bầu làm Giám mục Roma, trở thành vị Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo, lấy tên hiệu Phanxicô.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Tiến sĩ Austen Ivereigh là nhà văn và nhà báo người Anh, tác giả của hai cuốn tiểu sử về Đức Giáo Hoàng Phanxicô: The Great Reformer (tạm dịch: Nhà cải cách vĩ đại, 2014) và Wounded Shepherd (tạm dịch: Mục tử mang thương tích, 2019). Ông là Nghiên cứu sinh về Lịch sử Giáo hội đương đại tại Campion Hall, Đại học Oxford.

Tiến sĩ Austen Ivereigh

st., fr Bookish