Thursday, October 3, 2024

5 bước xây dựng tầm nhìn cá nhân

 Xác định được sứ mệnh, tầm nhìn cá nhân có thể hỗ trợ rất nhiều cho con đường sự nghiệp của bạn. Điều đó giúp bạn giữ được sự tập trung vào các mục tiêu dài hạn và thiết lập các mục tiêu ngắn hạn phù hợp. Nhờ đó, bạn có thể theo đuổi công việc mình mơ ước, vươn đến vị trí lãnh đạo và tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn.

Tầm nhìn cá nhân là gì?

Tầm nhìn cá nhân hay sứ mệnh nghề nghiệp là một sự tóm tắt ngắn gọn về mục tiêu nghề nghiệp và các giá trị cốt lõi bạn theo đuổi trên bước đường sự nghiệp. Một tuyên bố tầm nhìn “chuẩn” thường phải truyền đạt mục tiêu của bạn trong 30-40 từ. Trong đó, mục tiêu có thể là bất cứ điều gì bạn theo đuổi, từ việc trở thành kỹ sư hàng đầu hay nữ CEO của một lĩnh vực cụ thể.

Việc xây dựng một tầm nhìn cá nhân rõ ràng, cụ thể có thể giúp bạn lên kế hoạch hướng tới mục tiêu, vượt qua thách thức trong công việc và thay đổi của thị trường để đạt được thành công.

5 bước xây dựng tầm nhìn cá nhân

1. Xác định điểm mạnh của bạn

Xác định được các điểm mạnh của bản thân và áp dụng chúng một cách phù hợp sẽ giúp bạn trở thành ứng cử viên sáng giá cho vị trí công việc mình ao ước. Đó có thể là khả năng tính toán tài tình, cho phép bạn thực hiện các phép tính phức tạp trong tích tắc. Đó có thể là đầu óc tổ chức thiên tài, giúp bạn dễ dàng quản lý công việc, nhân sự hay lập kế hoạch tổ chức một sự kiện lớn.

Ảnh: Kelly Sikkema

Một số bước dưới đây có thể giúp bạn xác định điểm mạnh của mình:

  • Liệt kê các kỹ năng bạn có: Hãy viết ra những gì bạn giỏi, cho dù đó là các môn học ở trường, hoạt động thực hành hay kỹ năng mềm, ví dụ như khả năng làm việc nhóm. Bạn có thể liệt kê các kỹ năng đại diện cho đam mê hay các hoạt động mình yêu thích.
  • Xác định các kỹ năng phù hợp với thị trường: Thu hẹp phạm vi điểm mạnh của bạn sao cho phù hợp nhất với thị trường việc làm và lĩnh vực bạn quan tâm. Từ đó xác định từ 3-5 điểm mạnh, các điểm mạnh này hoàn toàn có thể bổ sung cho nhau.
  • Thể hiện mặt tích cực trong điểm mạnh của bạn: Xem xét các kỹ năng như phương tiện giúp bạn cải thiện vai trò của mình trong tương lai. Khi sử dụng các kỹ năng này để thăng tiến trong sự nghiệp, hãy luôn tập trung vào mặt tích cực của chúng và tự tin thuyết phục nhà tuyển dụng tiềm năng rằng bạn là ứng cử viên số 1 cho vị trí công việc này.

2. Nhìn nhận rõ các giá trị bạn sở hữu

Giá trị bạn sở hữu có sự liên kết chặt chẽ với thái độ và cách tiếp cận của bạn với mọi chuyện. Xác định được các giá trị cốt lõi của riêng mình là bước quan trọng trong quá trình xây dựng tầm nhìn cá nhân. Vì quá trình phấn đấu hướng tới mục tiêu dài hạn sẽ dễ dàng hơn nếu bạn thực sự tin tưởng vào mục đích của mình. Các câu hỏi dưới đây có thể giúp bạn xác định giá trị cốt lõi của mình:

  • Những việc mang lại lợi ích cho xã hội có phải là ưu tiên trong công việc của bạn?
  • Bạn có ưu tiên việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống?
  • Việc truyền cảm hứng cho người khác có phải là sứ mệnh thúc đẩy bạn tiến lên?
  • Bạn có sẵn sàng tự chịu trách nhiệm cho các hành động của mình?

Ảnh: Terren Hurst

Để phản ánh chính xác nhất, bạn có thể tham khảo ý kiến những người hiểu rõ bạn. Bạn bè thân thiết hoặc các thành viên trong gia đình có thể chia sẻ về việc họ nghĩ giá trị của bạn là gì. Vì họ thường xuyên tương tác với bạn nên sẽ có cái nhìn về những gì họ tin là quan trọng với bạn, thúc đẩy bạn tiến bước và khiến bạn hạnh phúc. Bạn cũng có thể thực hiện các bài kiểm tra giá trị cốt lõi. Những bài kiểm tra này cung cấp cho bạn đánh giá sơ bộ về tính cách và niềm tin của mình, từ đó giúp bạn xác định giá trị bản thân. Hãy trả lời trung thực nhất có thể và xem bạn thực sự coi trọng điều gì.

Nếu các giá trị cốt lõi trái ngược với mục tiêu nghề nghiệp bạn đã xác định trước đây, hãy xem xét điều chỉnh mục tiêu sao cho phù hợp. Một khi bạn hiểu rõ giá trị bản thân, bạn sẽ dễ dàng đưa ra quyết định lựa chọn mục tiêu nghề nghiệp phù hợp hơn.

3. Đánh giá công tâm các kỹ năng đang có

Bước quan trọng trong quá trình xây dựng tầm nhìn cá nhân là đánh giá các kỹ năng ở bước 1 và giá trị cốt lõi ở bước 2 có thể giúp giải quyết những vấn đề nào. Hãy xác định các vấn đề tiềm ẩn bạn có thể gặp phải trong sự nghiệp của mình và cách các kỹ năng, giá trị bạn sở hữu có thể tạo ra tác động tích cực nào lên những vấn đề đó. Hãy dành thời gian tự hỏi mình các câu hỏi sau:

  • Đâu là những vấn đề bạn quan tâm?
  • Các điểm mạnh của bạn có thể giúp giải quyết các vấn đề nào?
  • Giá trị cốt lõi của bạn có phù hợp với vấn đề cụ thể nào đó như nhân quyền hoặc quy tắc tài chính không?

Bằng cách trả lời các câu hỏi trên, bạn có thể rút gọn danh sách lĩnh vực công việc tiềm năng. Và từ đó, bạn có thể lựa chọn một nghề nghiệp cụ thể cho mình.

Ảnh: Pixabay

4. Xác định vị trí công việc mong muốn

Sau khi xác định các kỹ năng và giá trị của mình tác động như thế nào để giải quyết các vấn đề thực tế, đã đến lúc bạn tìm cho mình một con đường sự nghiệp cụ thể. Các bước sau sẽ giúp bạn thu hẹp danh sách lựa chọn:

  • Lựa chọn lĩnh vực: Chọn lĩnh vực cụ thể bạn muốn làm việc, chẳng hạn như y học, tài chính hoặc pháp luật. Ở bước này, bạn chỉ nên quan tâm đến việc thu hẹp sự tập trung vào một lĩnh vực cụ thể.
  • Lựa chọn vai trò cụ thể: Tiếp theo, hãy quyết định vị trí công việc lý tưởng bạn muốn theo đuổi trong lĩnh vực đã xác định, chẳng hạn như bác sĩ, chuyên viên tài chính hay luật sư. Hãy lựa chọn một vị trí công việc mà bạn có thể đạt được trong 4-6 năm tới, thay vì mục tiêu cuối cùng khi kết thúc sự nghiệp. Bằng cách này, bạn sẽ có nhiều động lực hơn cho công việc hằng ngày.
  • Đặt mục tiêu cho vai trò cụ thể: Hãy viết ra danh sách một số điều bạn hy vọng sẽ hoàn thành trong vai trò này. Bạn có thể tự hỏi bản thân: “Vì sao tôi muốn làm công việc này?”

Ảnh: Unsplash

Bước này có thể mất một chút thời gian, nhưng không sao cả. Vì bạn có thể sẽ không xác định được điều mình muốn làm ngay từ đầu. Việc sửa đổi mục tiêu hay tầm nhìn là không thể tránh khỏi. Nhưng ít nhất bạn sẽ có cái nhìn tổng quan về những điều nên hoặc không nên làm. Sau khi có đủ thông tin, bạn có thể xác định sứ mệnh nghề nghiệp của mình và bắt tay vào hành động.

5.  Lập bảng tầm nhìn cá nhân

Mục đích của bạn là giữ cho bảng tuyên bố tầm nhìn cá nhân ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ ý nghĩa và độc đáo. Tuyên bố sứ mệnh có thể được viết thành 2 câu ngắn gọn và có trọng tâm như hướng dẫn dưới đây:

  • Câu đầu tiên: Bạn chỉ cần nêu lĩnh vực công việc mình muốn theo đuổi hoặc vị trí công việc cụ thể mình muốn đạt được. Ví dụ: tôi muốn trở thành nhà môi giới bảo hiểm cho công ty bảo hiểm lớn hoặc kỹ sư cơ khí tại công ty hàng đầu.
  • Câu thứ hai: Giải thích lý do vì sao bạn đặt ra mục tiêu nghề nghiệp như vậy. Đó có thể là vì bạn muốn cải tiến các chính sách bảo hiểm dành cho nhóm khách hàng trẻ tuổi hay phát triển công nghệ mới cho lĩnh vực khai thác dầu mỏ tiềm năng.

Sau khi hoàn tất, hãy đọc lại bảng tuyên bố tầm nhìn, sứ mệnh cá nhân của mình. Một bảng tuyên bố tiêu chuẩn phải xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp của bạn và giải thích lý do vì sao bạn muốn đạt được điều đó. Nếu cảm thấy chưa cụ thể, rõ ràng, bạn hãy điều chỉnh bảng tuyên bố của mình cho đến khi hài lòng.

Bạn có thể sử dụng tuyên bố tầm nhìn cá nhân để thăng tiến trong sự nghiệp bằng nhiều cách: xem lại nó mỗi ngày để tạo động lực; sử dụng nó như một kim chỉ nam để tìm kiếm công việc phù hợp với mục tiêu trong từng giai đoạn sự nghiệp; thêm tuyên bố tầm nhìn cá nhân vào CV để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, giúp họ thấy được khát vọng của bạn trong công việc. Sau một thời gian theo đuổi các cơ hội và tích lũy kinh nghiệm làm việc, bạn có thể cân nhắc việc đánh giá và thay đổi, bổ sung tuyên bố tầm nhìn, sứ mệnh của mình sao cho phù hợp với tình hình mới.

Tạp chí Nữ Doanh Nhân