Depreciation là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành kế toán, nói về phương pháp định giá, phân bổ chi phí của tài sản kinh doanh trong thời gian sử dụng nó. Vậy depreciation là gì, nó có vai trò như thế nào trong hoạch định kinh doanh? Sự khác biệt của depreciation so với amortization?
Khái niệm Depreciation
Depreciation là thuật ngữ tiếng Anh, dịch ra có nghĩa là khấu hao tài sản cố định. Các nhà kinh tế học, các nhà kế toán sử dụng phương pháp này thường xuyên trong nghiệp vụ của mình nhằm phân bổ chi phí của tài sản kinh doanh theo từng năm trong suốt vòng đời sử dụng của tài sản đó.
Nghiệp vụ này được sử dụng với những tài sản cố định, hữu hình. Vì thế, depreciation được hiểu là khấu hao tài sản cố định hữu hình hay còn gọi là sự tiêu hao tài sản.
Những tài sản cố định hữu hình sẽ có sự tiêu hao giá trị theo thời gian và đó là sự tiêu hao khách quan. Chính vì vậy, để đánh giá chính xác nhất giá trị của những tài sản cố định, đưa ra báo cáo tài chính hợp lý thì doanh nghiệp cần có cách tính khấu hao phù hợp và phân bổ chúng hợp lý trong các báo cáo tài chính.
Khấu hao là việc giảm nguyên giá đã ghi nhận của tài sản cố định một cách có hệ thống cho đến khi giá trị của tài sản đó bằng không hoặc không đáng kể.
Cách tính khấu hao tài sản cố định hữu hình
Về cơ bản, cách tính khấu hao là cách xác định giá trị ban đầu của tài sản đó trải ra theo các thời kỳ và giá trị của nó sẽ giảm đi theo thời gian.
Tài sản cố định hữu hình là những loại tài sản có thể nhìn thấy, sờ thấy được. Nó có thể là văn phòng, nhà cửa, trang thiết bị làm việc, bàn ghế, máy móc, nội thất, đất đai…
Vì bản chất tài sản cố định hữu hình sẽ có giá trị còn lại ở vòng cuối cùng nên phương pháp tính khấu hao tài sản cố định hữu hình được tính bằng cách lấy chi phí ban đầu của tài sản trừ đi chi phí còn lại. Hơn nữa, khấu hao tài sản cố định hữu hình được phân bổ hằng năm dựa theo vòng đời dự kiến của tài sản đó.
Ví dụ, máy móc phục vụ cho nhân viên văn phòng được sử dụng trong nhiều năm, trước khi ngừng hoạt động hoặc thanh lý thì chi phí sử dụng máy móc đó được chia đều cho số năm sử dụng dự kiến và từng phần của chi phí đó sẽ được hạch toán vào mỗi năm. Hay như đất đai, văn phòng cũng có cách tính khấu hao như vậy.
Tuy nhiên cũng có những tài sản hữu hình cố định không được chia đều cho hàng năm mà sẽ được khấu hao theo phương pháp nhanh, chủ yếu sẽ được phân bổ vào những năm đầu sử dụng.
Bởi vậy, cách tính như thế nào hoàn toàn do doanh nghiệp quyết định, miễn sao nó được phân bổ cụ thể và chính xác trong các báo cáo tài chính.
Về cơ bản có rất nhiều cách tính khấu hao cố định hữu hình, nhưng tựu chung lại sẽ có những cách sau:
- Khấu hao đường thẳng (straight line depreciation): mức khấu hao bằng nhau qua các năm.
- Khấu hao nhanh (accelerated depreciation): mức khấu hao những năm đầu cao, những năm sau giảm dần.
- Khấu hao theo công suất (activity depreciation): mức khấu hao dựa trên số sản phẩm sản xuất ra.
Ý nghĩa của khấu hao
Trong các doanh nghiệp, khấu hao là nghiệp vụ không thể thiếu. Tùy từng mục đích, khấu hao có ý nghĩa khác nhau. Nếu nó vì mục đích kế toán nội bộ, khấu hao góp phần vào việc giúp doanh nghiệp xác định được chi phí cố định, điểm hòa vốn, lợi nhuận ròng... cho doanh nghiệp một cách chính xác.
Khấu hao cũng giúp doanh nghiệp tính được giá thành sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh, từ đó có kế hoạch kinh doanh, điều chỉnh chi phí, chiến lược phù hợp.
Đối với mục đích nộp thuế, khấu hao góp phần đưa ra bản báo cáo tài chính phù hợp để doanh nghiệp có thể nộp mức thuế thấp nhất.
Khấu hao tài sản có tác động trực tiếp đến báo cáo tài chính, cụ thể là thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp và cá nhân. Tuy nhiên, vì không phải sử dụng tiền mặt thật để trả cho chi phí khấu hao nên nghiệp vụ này đòi hỏi trách nhiệm và tính minh bạch.
Chưa kể, khấu hao là một khoản chi trên sổ sách, không phải chi thực tế cho nên nó không ảnh hưởng nhiều đến dòng tiền thực tế của doanh nghiệp.
Ngoài ra, nghiệp vụ khấu hao còn giúp doanh nghiệp có quá trình tích lũy nguồn vốn phù hợp để tiến hành quá trình tái sản xuất. Đặc biệt đối với thời kỳ lạm phát, nhờ tính được chi phí khấu hao, các doanh nghiệp sẽ có những kế hoạch cụ thể, có quỹ tài chính dự trữ phù hợp để bổ sung và duy trì hoạt động.
Sự khác biệt của Depreciation và Amortization
Trong kế toán, ngoài khái niệm Depreciation là gì thì Amortization cũng là khái niệm được nhắc tới thường xuyên khi tính sự tiêu hao tài sản. Trong đó, Depreciation là cách tính khấu hao tài sản cố định hữu hình còn Amortization là cách tính khấu hao tài sản cố định vô hình.
Tài sản cố định vô hình là tài sản không thể nhìn thấy được, nó thiên về giá trị vô hình như giá trị thương hiệu, bằng sáng chế, thỏa thuận nhượng quyền, công thức độc quyền….
Những tài sản này sẽ được phân bổ chủ yếu theo phương pháp đường thẳng. Nghĩa là theo từng giai đoạn trong vòng đời sử dụng những tài sản vô hình này, khoản chi phí bằng nhau sẽ được khấu trừ.
Điểm chung của Depreciation và Amortization đều là sự hao cạn. Nó đều là dạng chi phí phi tiền mặt, tức là không cần phải sử dụng tiền mặt để hạch toán, chỉ là khấu hao trên giấy tờ.
Vì thế có một số quốc gia hoặc doanh nghiệp vẫn thường sử dụng cả hai khái niệm Depreciation và Amortization cho nhau để chỉ cả cách tính khấu hao cho tài sản vô hình và hữu hình.
Hiểu Depreciation là gì giúp doanh nghiệp có những kế hoạch tài chính, kinh doanh phù hợp; giúp kế toán viên hiểu rõ tầm quan trọng của nghiệm vụ khấu hao để thực hiện nó minh bạch và chính xác. Hy vọng bài viết cũng giúp bạn đọc có được kiến thức hữu ích.
Nguyễn Lý