KHI CẢM TÍNH MẠNH HƠN CHỈ SỐ IQ
Sau khi đọc qua quyển sách của Goleman, tôi nhận ra rằng chỉ số IQ về tài chinh chỉ là sự kết hợp giữa 90% chỉ số IQ cảm tính và 10% hiểu biết chuyên ngành về tài chánh hay tiền bạc. Goleman đã trích dẫn nhà nhân văn học của thế kỷ 16, ông Eramus xứ Rotterdam – tác giả của nhiều bản văn châm biếm hài hước về sự mâu thuẫn giữa tính duy lý và tính cảm xúc của con người. Trong tác phẩm của mình, ông sử dụng tỷ số 24:1 để so sánh sức mạnh của một đầu óc cảm tính với một đầu óc duy lý. Nói cách khác, khi cảm xúc lên cao trào, chúng sẽ có sức mạnh ảnh hưởng lớn gấp 24 lần so với sự duy lý của suy nghĩ. Tôi không biết tỷ lệ đó có đúng hay không, thế nhưng tỷ lệ đó có thể dùng được để đối chiếu tác dụng ảnh hưởng của lối suy nghĩ cảm tính với lối suy nghĩ thuần lý trí.
Tất cả chúng ta, là con người, đều đã từng trải qua những sự kiện trong đời mà khi đó sự cảm xúc trong ta đã lấn át những suy nghĩ lý trí. Tôi chắc chắn là ai ai trong các bạn cũng đã từng:
1. Nói một điều gì đó trong cơn giận dữ mà sau này hối hận mình không nên nói ra câu đó.
2. Bị một ai đó lôi cuốn cho dù biết rằng người đó không tốt lành gì với mình… nhưng vẫn hò hẹn đi chơi với người đó, thậm chí lập gia đình với người đó.
3. Khóc sướt mướt, hay thấy người khác khóc một cách không tự chủ, vì người thân yêu của mình không còn nữa.
4. Cố tình làm tổn thương người thân của mình bởi vì chính bản thân mình đã bị tổn thương.
5. Bị thất tình và không hồi phục lại trong một thời gian dài.
Đó chính là một vài thí dụ việc những cảm xúc đã lấn át những suy nghĩ duy lý.
Cũng có những tình huống khi tác dụng ảnh hưởng của cảm xúc vượt xa tỷ lệ 24 : 1. Chúng ta có thể phân loại thành hai trường hợp sau:
1. Ham mê, chẳng hạn như tham ăn, nghiện hút, tình dục, đi mua sắm, thuốc phiện.
2. Khiếp đảm, như sợ rắn, sợ độ cao, không gian chật chội, bóng tối, người lạ.
Những cách phản ứng đó hoàn toàn do cảm xúc làm chủ đạo. Khi những trạng thái cảm xúc như ham mê hay khiếp đảm xuất hiện, tác dụng ảnh hưởng của suy nghĩ duy lý hoàn toàn bị cảm tính lấn át.
SỢ RẮN
Hồi còn học lái máy bay, tôi quen một người bạn rất sợ rắn. Trong một lớp học về cách sinh tồn trong điều kiện môi trường hoang dã khắc nghiệt, người thầy đứng lớp mang vào một con rắn vườn không có độc để dạy chúng tôi cách ăn thịt nó. Người bạn tôi, một người đàn ông trưởng thành vạm vỡ, liền nhảy dựng lên, la hét hốt hoảng và chạy biến ra khỏi phòng. Anh ta không thể nào kềm chế được mình. Không chỉ nỗi sợ rắn quá mạnh trong anh ta, mà ngay cả việc tưởng tượng ăn thịt một con rắn cũng đủ làm cho anh ta chết khiếp.
SỢ TIỀN
Khi đề cập đến rủi ro tiền bạc, tôi thấy nhiều người cũng có phản ứng như vậy. Thay vì tìm hiểu về đầu tư, những người ấy chỉ nhảy dựng lên, la hét từ chối và chạy ra khỏi phòng.
Khi đụng đến tiền bạc, có rất nỗi sợ thầm kín ẩn trong đáy lòng. Tôi, bạn và tất cả chúng ta đều có cùng những nỗi sợ khiếp đảm ấy. Tại sao vậy? Bởi vì dù muốn dù không, tiền bạc luôn là một vấn đề mang tính cảm xúc. Chính vì thế, hầu hết mọi người không thể suy nghĩ một cách duy lý về tiền bạc được. Nếu bạn không cho tiền bạc là một đối tượng cảm xúc chủ đạo, cứ nhìn vào thị trường chứng khoán mà biết. Hầu hết trong các thị trường đều không có sự lô-gíc mà chỉ tồn tại những cảm xúc của sự tham lam và sợ hãi. Hay bạn hãy nhìn những người đi mua xe, chui vào trong một chiếc xe mới và ngửi thấy nệm xe còn nguyên khôi mùi dự án. Lúc này, chỉ cần người bán xe thì thầm vào tai họ những câu hỏi hấp dẫn như, “Trả góp hàng tháng thấp, dễ dàng” là mọi suy nghĩ lô-gíc của họ đều bay vèo ra ngoài cửa sổ.
NHỮNG SUY NGHĨ CẢM TÍNH ĐỀU NGHE CÓ VẺ HỢP LÝ
Vấn đề với những suy nghĩ cảm tính bản chất là chúng nghe có vẻ hợp lý và lô-gic. Đối với một người nhóm L, khi cảm giác sợ hãi hiện diện, suy nghĩ hợp lý theo họ là: “Chơi an toàn, và đừng chấp nhận rủi ro”. Thế nhưng đối với người nhóm Đ, suy nghĩ kiểu đó chẳng hợp lý chút nào cả.
Đối với người nhóm T, khi nảy sinh vấn đề tin tưởng giao phó công việc cho người khác, suy nghĩ hợp lý theo họ là: “Tôi thà tự mình làm mọi thứ vậy”.
Đó chính là lý do tại sao đa phần các doanh nghiệp của người nhóm T thường mang hình thức cá thể, hộ gia đình. Chủ yếu là vì vấn đề tin tưởng trong việc kinh doanh của họ. Theo họ, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”.
Như vậy, các nhóm khả năng, lý luận khác nhau, suy nghĩ khác nhau, hành động khác nhau dẫn tới những kết quả đạt được khác nhau, trong khi các cảm xúc đều như nhau. Cảm xúc làm cho chúng ta trở thành con người, và nhận ra rằng những cảm xúc ấy là một phần yếu tố làm nên tính người trong chúng ta.
Những gì chúng ta làm đều được quyết định bởi cách phản ứng cá nhân của mình đối với những cảm xúc ấy.
TÔI KHÔNG CẢM THẤY THÍCH ĐIỀU ĐÓ
Một cách nhận biết xem bạn đang suy nghĩ bằng cảm tính, chứ không bằng lý trí là khi nói chuyện với người khác, bạn có thường dùng từ cảm thấy hay không. Chẳng hạn, những người hay bị cảm xúc chi phối thường nói những câu đại lại như: “Tôi không cảm thấy thích vận động hôm nay”. Dĩ nhiên, về mặt lý trí, họ thừa biết mình phải nên vận động cho khỏe.
Nhiều người hay vật lộn với tiền bạc đều không thể kiểm soát được cảm xúc của họ, hay nói khác đi họ đã để cho cảm xúc của mình ngự trị trong lòng và lấn át những suy nghĩ hợp lý bằng lý trí. Những người này thường nói:
“Tôi không cảm thấy thích học hỏi về đầu tư. Nhiều phức tạp quá”.
“Đầu tư không thích hợp với tôi”.
“Tôi không thích trò chuyện kinh doanh với bạn tôi”.
“Tôi không ưa cảm giác mình bị người khác từ chối”.
CHA MẸ – TRẺ CON – NGƯỜI LỚN
Đó là những suy nghĩ phát sinh từ cảm xúc hơn là từ suy luận lô-gíc. Theo tâm lý học hiện đại, đó chính là cuộc chiến giữa cha mẹ và con cái. Bậc cha mẹ thường nói những điều nên làm. Chẳng hạn, một bậc phụ huynh sẽ nói, “Con nên đi làm bài tập”, trong khi đó đứa nhỏ lại nói bằng cảm giác. Phản ứng trước lời khuyên đó, một đứa nhỏ có thể nói, “Nhưng con chẳng thấy thích làm bài tập chút nào”.
Về mặt tiền bạc, bậc cha mẹ trong bạn sẽ lặng lẽ nói, “Anh nên để dành nhiều tiền hơn”. Thế nhưng đứa nhỏ trong bạn sẽ phản ứng ngay, “Nhưng tôi thực sự muốn có một chuyến du lịch nghỉ ngơi. Tôi chỉ xài tiền thẻ tín dụng thôi mà”.
KHI NÀO LÀ NGƯỜI LỚN?
Để đi từ bên trái sang bên phải tứ đồ, chúng ta cần phải trở thành những người lớn. Tất cả chúng ta cần phải trưởng thành về mặt tài chính. Thay vì là một bậc cha mẹ hay một đứa nhỏ, chúng ta cần nhìn về tiền bạc, công việc và đầu tư như một người lớn chín chắn. Trở thành người lớn có nghĩa là bạn cần biết được những gì nên làm và làm ngay, cho dù bạn không thích làm những điều đó về mặt cảm giác.
CUỘC ĐẤU KHẨU BÊN TRONG BẠN
Đối với những người đang xem xét việc di chuyển từ một nhóm này sang nhóm khác, một phần quan trọng trong quá trình đó là bạn nên ý thức và cảnh giác trước những cuộc khẩu chiến sẽ xảy ra trong nội tâm của bạn. Hãy nên nhớ sự quan trọng của tựa đề quyển sách “Hãy Suy Nghĩ và Làm Giàu”. Trong quá trình đó, hãy luôn cảnh giác đề phòng với những suy nghĩ thầm lặng, những cuộc khẩu chiến nội tâm, và nhất là hãy luôn nhớ rằng một suy nghĩ có thể hợp lý đối với nhóm này nhưng sẽ rất vô lý đối với một nhóm khác. Quá trình đi từ sự ổn định an toàn về công việc hay tài chính sang sự tự do về tiền bạc chẳng qua chỉ là một quá trình mà trong đó bạn cần cố gắng nhận biết đâu là những suy nghĩ cảm tính, và đâu là những suy nghĩ lô-gíc, duy lý. Nếu bạn có thể kiểm soát được cảm xúc của mình và làm theo những điều mà bạn biết rõ là nên làm về mặt lô-gíc, cơ hội thành công của bạn sẽ rất nhiều. Cho dù bất cứ ai nói với bạn từ bên ngoài, điều quan trọng chính yếu là chính bản thân bạn.
Khi hai vợ chồng tôi rơi vào tình trạng không nhà cửa, tài chánh thì bấp bênh, chúng tôi mất hết mọi khả năng kiểm soát những cảm xúc của chính mình. Rất nhiều lần, những điều nghe có vẻ hợp lý và duy lý đNu là những suy nghĩ phát sinh từ cảm xúc. Những cảm xúc đó của chúng tôi cứ kêu gào y như bạn bè của chúng tôi đã nói: “Hãy chơi an toàn. Chỉ cần tìm một công việc an toàn, ổn định và tận hưởng cuộc sống”.
Thế nhưng, về mặt lô-gíc, cả hai chúng tôi đều coi sự tự do có ý nghĩa quan trọng hơn về sự an toàn ổn định. Trên con đường tìm kiếm sự tự do về tài chính, chúng tôi luôn biết rõ rằng mình vẫn có thể tìm được sự an toàn ổn định mà một công việc ổn định vốn không thể nào cho chúng tôi được điều đó thực sự. Những suy nghĩ đó hoàn toàn có ý nghĩa với chúng tôi. Điều duy nhất cản trở chúng tôi là những suy nghĩ của chính mình do cảm xúc chủ đạo. Những suy nghĩ nghe có vẻ hợp lý đó nhưng lại không hề hợp lý chút nào khi về lâu về dài. Tin mừng là một khi chúng ta vượt qua trạng thái đó, những suy nghĩ như thế sẽ thôi không còn gào thét trong lòng chúng ta nữa, và những suy nghĩ mới mà chúng ta mong muốn sẽ trở nên hiện thực. Đó là những suy nghĩ của nhóm C và Đ.
Ngày hôm nay, tôi hiểu được ngay những cảm xúc khi một người phát biểu:
“Tôi không dám rủi ro đâu. Tôi còn có gia đình để lo lắng. Tôi cần phải có một công việc ổn định an toàn”.
“Phải có tiền mới làm ra tiền. Do đó, tôi không thể đầu tư”.
“Tôi sẽ tự mình làm lấy”.
Tôi thông cảm với họ về những cảm xúc đó, bởi vì chính bản thân tôi cũng từng có những suy nghĩ như thế. Thế nhưng khi nhìn qua tứ đồ và đạt được sự tự do tài chính trong thế giới nhóm C và Đ, tôi thành thật nói rằng suy nghĩ để đạt được sự tự do tài chính lại rất ôn hào và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
SỰ KHÁC NHAU GIỮA NHÓM L VÀ C
Những giá trị cảm xúc từ bản chất dẫn đến những quan điểm khác nhau. Cuộc chiến thầm lặng giữa người chủ doanh nghiệp và người lao động thường xảy ra do sự khác nhau về những giá trị cảm xúc. Cuộc chiến đó không bao giờ dứt bởi vì một bên muốn được trả lương nhiều hơn, trong khi bên kia muốn công việc hoàn tất nhiều hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta thường nghe một bên nói, “Tôi làm việc quá nhiều mà lương thật bèo”, còn bên kia thì: “Chúng ta có thể làm cách nào khuyến khích họ làm việc nhiều hơn, trung thành với chúng ta hơn mà chúng ta không cần phải trả cho họ nhiều hơn?”.
SỰ KHÁC NHAU GIỮA NHÓM C VÀ Đ
Một mối xung đột khác là giữa các chủ doanh nghiệp nhóm C và các nhà đầu tư bỏ tiền vào doanh nghiệp do thuộc nhóm Đ, mà chúng ta thường gọi là các cổ đông. Một bên muốn có nhiều hơn để hoạt động kinh doanh, trong khi bên kia muốn được trả lời nhiều hơn.
Chúng ta có thể nghe một mẫu đối thoại thế này trong một buổi họp cổ đông với hội đồng quản trị công ty.
Giám đốc công ty: “Chúng tôi cần mua một chiếc trực thăng tư để các vị giám đốc lãnh đạo công ty có phương tiện đi họp ít mất thời gian hơn”.
Nhà đầu tư: “Chúng ta không cần có nhiều giám đốc lãnh đạo. Do đó, chúng ta không cần mua một chiếc trực thăng tư để làm gì”.
SỰ KHÁC NHAU GIỮA NHÓM T VÀ C
Trong các giao dịch kinh doanh, tôi thường thấy một người nhóm T rất giỏi, chẳng hạn như một vị luật sư tranh cãi một vụ tranh chấp làm ăn trị giá hàng triệu đô cho một thân chủ là một chủ doanh nghiệp thuộc nhóm C. Khi tòa xử kết thúc, chàng luật sư lặng lẽ cau có bởi vì vị thân chủ nhóm C kia thắng được hàng triệu đô trong khi anh ta chỉ kiếm được từng đồng lương tính theo giờ.
Họ sẽ nói những câu này.
Chàng luật sư: “Tôi đã làm hết mọi công việc, còn hắn thì vơ được khối tiền”.
Vị thân chủ nhóm C: “Những gã luật sư đó chặt chúng ta bao nhiêu giờ vậy? Chúng ta đã có thể mua trọn cả công ty luật đó bằng số tiền mà chúng ta phải trả cho mấy gã đó”.
SỰ KHÁC NHAU GIỮA NHÓM L VÀ Đ
Một ví dụ khác, một vị giám đốc ngân hàng cho một nhà đầu tư vay một số tiền mua bất động sản. Nhà đầu tư kiếm được hàng trăm ngàn đô, miễn thuế, trong khi vị giám đốc ngân hàng chỉ lãnh lương mỗi tháng mà lại bị đóng thuế nặng nề. Đó là ví dụ về một người nhóm L giao dịch với người nhóm Đ, dẫn đến thái độ phản ứng cảm tính như thế này.
Người nhóm L: “Tôi cho hắn mượn tiền mà hắn chẳng thèm cám ơn một tiếng. Tôi nghĩ là hắn chẳng biết mình đã làm việc cật lực cho hắn đến mức nào
Người nhóm Đ: “Này mấy anh, tên giám đốc ngân hàng thật là khó ưa. Cứ nhìn hàng đống giấy tờ thủ tục vô tích sự này xem chỉ để mượn được một khoản tiền chẳng ra gì”.
NẾU BẠN ĐÃ LẬP GIA ĐÌNH HAY ĐANG ĐÍNH HÔN
Nếu bạn đã lập gia đình hay đang đính hôn, hãy đánh dấu nhóm mà bạn kiếm được từ đó nhiều thu nhập nhất cho mình, sau đó đánh dấu nhóm của người phối ngẫu của bạn.
Lý do tôi yêu cầu bạn làm điều này là vì sự trao đổi thông cảm và hiểu biết giữa hai người sẽ rất khó khăn nếu như một người không hiểu được vị trí xuất thân của người kia.
CUỘC CHIẾN GIỮA NGƯỜI GIÀU VÀ NGƯỜI CÓ HỌC THỨC
Tôi nhận thấy còn một cuộc chiến âm thầm khác, phát sinh từ những quan điểm khác nhau giữa người giàu và người có học thức.
Trong những năm tìm hiểu sự khác nhau giữa các nhóm khác nhau, tôi thường nghe các vị giám đốc ngân hàng, luật sư, kế toán viên và nhiều người trí thức khác thường lặng lẽ phàn nàn họ là những người có học, vậy mà chính những kẻ được coi là kém học thức lại luôn kiếm được nhiều tiền. Tôi gọi đó là cuộc chiến thầm lặng giữa người giàu và người có học thức, mà thường là mâu thuẫn giữa những người thuộc phía bên trái với phía bên phải tứ đồ – nhóm T với nhóm C-Đ. Thế nhưng không phải những người thuộc nhóm C và Đ không có học thức, mà ngược lại có rất nhiều người có bằng cấp rất cao. Mà đó là vì những người này không phải là những sinh viên xuất chúng trong trường, cũng như không tốt nghiệp từ những trường chuyên ngành là luật sư, kế toán viên hay nhà quản trị có bằng MBA.
Những bạn đã đọc quyển đầu của tôi, chắc hẳn các bạn biết rõ đó là sự mâu thuẫn giữa những người giàu và những người có học thức. Người bố nghèo có học thức cao của tôi thường hãnh diện với những năm học xuất sắc ở các trường nổi tiếng như Đại học Stanford, Đại học Chicago. Trong khi đó, người bố giàu của tôi đã bỏ học nửa chừng để gánh vác công việc kinh doanh của gia đình khi bố của Người qua đời, cho nên Người đã không tốt nghiệp trung học. Thế mà Người đã đạt được sự giàu có khủng khiếp.
Khi tôi lớn lên và có vẻ bị ảnh hưởng từ người bố giàu nhưng thất học nhiều hơn, người bố học thức của tôi đôi khi tỏ vẻ khó chịu và bảo thủ quan điểm của mình. Một ngày nọ khi tôi vừa tròn 16 tuổi, người bố học thức của tôi đã thốt lên: “Ta có bằng cấp tốt nghiệp từ các trường đại học nổi tiếng. Còn bố của bạn con thì được gì nào”.
Tôi lặng lẽ trả lời, “Có tiền và thời gian rảnh, bố ạ”.
KHÔNG CHỈ LÀ MỘT SỰ THAY ĐỔI TÂM LÝ
Như đề cập trước đây, để thành công ở nhóm C hoặc Đ chỉ có kiến thức hiểu biết kỹ thuật hay chuyên ngành đại học đều không đủ. Để thành công đòi hỏi bạn đổi từ gốc rễ lối suy nghĩ cảm tính, cảm giác, niềm tin và cách phản ứng của mình. Hãy nhớ lại công thức:
TRỞ THÀNH – HÀNH ĐỘNG – ĐẠT TỚI
Những gì người giàu làm đều khá đơn giản. Vấn đề ở chỗ chính phần trở thành mới làm nên sự khác biệt. Sự khác nhau đó có thể nhìn thấy trong cách suy nghĩ của họ, và nhất là trong đối thoại nội tâm với chính họ. Đó là lý do tại sao mà người bố giàu luôn cấm tôi nói những câu này:
“Tôi không đủ sức mua được thứ đó”.
“Tôi không thể nào làm được điều đó”.
“Hãy chơi an toàn”
“Đừng làm mất tiền”.
“Chuyện gì xảy ra nếu bạn thất bại và không bao giờ phục hồi lại được?”.
Người đã cấm tôi nói những câu đó bởi vì Người thực sự tin rằng những câu nói đó là những công cụ có nhiều sức mạnh chi phối nhất mà con người có được. Những gì mà một người hay nói và suy nghĩ thường trở thành sự thực với chính người đó.
Người thường trích dẫn từ Kinh Thánh, mặc dù Người không theo đạo: “Và ngôn từ sẽ trở nên hiện hữu và có thực trong ta”.
Người bố giàu luôn tin rằng những gì chúng ta thường nói với chính mình, từ gốc rễ bản chất của chúng ta, thường trở thành hiện thực. Đó là nguyên nhân tại sao tôi cho rằng những người vốn hay gặp khó khăn tiền bạc thường để cho cảm xúc đóng vai trò chủ đạo và chi phối cuộc đời của họ. Chỉ khi nào một người vượt qua được những suy nghĩ cảm tính đó, còn không những suy nghĩ đó sẽ trở thành hiện thực đối với người đó. Đó là những suy nghĩ như:
“Tôi sẽ không bao giờ giàu được”
“Ý tưởng đó không thực hiện được”
“Thứ đó quá mắc với tôi”
Nếu những suy nghĩ đó dựa trên cảm xúc, thế thì chúng sẽ tác động đến bạn với sức mạnh khôn lường. Tin mừng là bạn có thể thay đối lối suy nghĩ đó nhờ sự giúp đỡ của những người bạn mới, những ý tưởng mới và một chút ít thời gian.
Những người không thể kiểm soát được nỗi sợ bị mất tiền đừng bao giờ đầu tư một mình. Tốt nhất là họ nên để cho một chuyên viên tư vấn đầu tư lão luyện, tài giỏi đầu tư giùm họ, và đừng can thiệp vào.
Một điểm đáng chú ý khác. Tôi gặp nhiều chuyên viên tài chính không hề sợ sệt khi đầu tư vốn của người khác và có thể kiếm được rất nhiều tiền. Thế nhưng khi đầu tư hay mạo hiểm với số tiền của chính mình, nỗi sợ mất tiền trong họ lại trở nên mạnh mẽ đến nỗi cuối cùng họ bị mất hết hoàn toàn. Những cảm xúc của họ đã ảnh hưởng đến suy nghĩ và lý luận lô-gíc của họ.
Tôi cũng gặp nhiều người có thể đầu tư tiền của mình và thắng liên tục, nhưng lại mất bình tĩnh khi một ai đó mang tiền của mình và yêu cầu họ đầu tư giùm.
Việc kiếm ra tiền và mất tiền đều là một đề tài mang tính cảm xúc. Do đó, người bố giàu đã dạy cho tôi một bí quyết để xử lý những cảm xúc đó. Người bố giàu luôn nói, “Để trở thành một chủ doanh nghiệp hay một nhà đầu tư thành công, con cần phải điềm tĩnh và bàng quan trước mọi thắng thua. Thắng hay thua đều chỉ là những phần của cuộc chơi”.