Lần này về Mỹ, ngoài những họp hành với đối tác, tôi còn phải về để chăm sóc mẹ già. Mẹ tôi đã 94 tuổi, sống với gia đình cô em gái, vẫn rất mạnh khỏe cho đến năm ngoái. Mỗi ngày, bà đi bộ, tập thể dục…cả tiếng, thiền và tụng kinh suốt ngày, nói chuyện minh mẫn, lại còn tự nấu cho mình ăn, vì không thích thức ăn của con cháu. Tôi nhìn bà mà ao ước là qua 90 mình cũng khỏe như vậy.
Nhưng qua năm nay, sức khỏe bà suy sút đột ngột, trí nhớ lẫn lộn về không gian và thời gian, việc tập tành bị giới hạn. Lần trước, về nhìn thân xác gầy gò ốm yếu của bà mà rưng rưng. Bao nhiêu năm tự lập và hãnh diện, chỉ cần vài tháng để suy sụp nhanh chóng. Có lẽ cũng là ý Trời, nhưng tôi vẫn bàng hoàng vì cái mong manh của kiếp người.
Trong ký ức tôi và qua những câu chuyện kể lại, tôi vẫn thấy một người phụ nữ can cường, nghị lực đề sống cho gia đình. Những ngày tôi lên 2 hay 3 gì đó, mọi người vẫn nói về một bà mẹ quẩy gánh hàng rong, tôi ngồi khóc ở một đầu thúng, lúc thì bà bán hàng, lúc thì bà chạy bom đạn tứ phía. Sinh ra giữa nghèo khó và chiến tranh, có lẽ nhiều khi chắc bà tự hỏi sao “sinh tồn” lại vất vả và cay đắng thế này?
Tôi nhớ ngày lên 5, tôi thèm thuồng nhìn những sách vở của bạn học, sao nhiều mầu sắc và thơm đẹp vậy, khi tôi xấu hổ nhìn cuốn tập rách nát dơ bẩn của mình. Sau đó, có lẽ bà đã mất cả gia tài để mua cho tôi một cuốn sách về hội họa. Những bức tranh của Matisse, Van Gogh…đi sâu vào tiềm thức nhỏ dại, tạo nên một anh “nghệ sĩ bất đác dĩ” sau này?
Bà chăm lo cho đàn con từng chút một, không để cho 4 đứa thiếu thốn một thứ gì, dù đôi khi vượt qua khả năng của bà. Bà quên số phận và hạnh phúc của bà để sống vì con. Chồng mất sớm, con cái thành tài, bà quay về với cửa Phật, tìm chân lý và niềm tin trong những lời kinh hằng ngày.
Trong khi đó, nước mắt không bao giờ chảy ngược, nên 4 đứa con cứ bương chải theo sự nghiệp và ham muốn của cá nhân, quên cả những bông hồng trong “ngày của Mẹ”. Lâu lâu, dẫn Mẹ đi nhà hàng, cũng quên luôn là Mẹ ăn chay trường…Chúng tôi cũng hà tiện lời nói, không bao giờ biết thủ thỉ những lời yêu, những trân trọng, biết ơn, những cảm xúc che dấu trong lòng. Cứ nghĩ là bà OK với sức khỏe và tiến bạc, với sự độ trì của Đức Phật và những hoạt động cho chùa chiền.
Cho đến ngày bà lãng tai không còn nghe được toàn vẹn câu nói, không còn ăn được những món ngon của nhà hàng, không còn nhớ rõ ràng về đời sống của các con cháu. Chúng tôi quây quần chăm lo cho bà bây giờ, nhưng có lẽ bà cũng không cảm nhận được những tấm lòng và tình yêu thương này nữa.
Người phụ nữ tươi khỏe ngày xưa bây giờ co rút bạc phơ như những bà mẹ tôi đã gặp trên các nẻo đường của đất nước. Tình yêu “cho đi không điều kiện” của các bà mẹ Viêt Nam có lẽ là hy vọng lớn nhất của quê hương để hồi phục khi các thế hệ trẻ phải sống giữa cái giả dối và vô cảm của tha nhân. Đó là niềm tin vững bền nhất trong những ngày sóng gió của tôi.
Ngày xưa, bà hay mắng tôi,”con lại trễ học rồi”; hay ái ngại về bao cái trễ khác mà con trai hay mắc phải…trễ lấy vợ, trễ có con, trễ có sự nghiệp, trễ hẹn với người yêu, trễ dự đám cưới đám ma đám tiệc trong đại gia đình…Nhưng bà chưa bao giờ mắng chúng tôi về cái trễ quan trọng nhất…nói hay hát cho bà là chúng con yêu bà hơn mọi thứ trên đời này.
Một bài viết về mẹ của Tiến sĩ Alan Phan trích từ sách Góc nhìn Alan - Những bài chưa xuất bản.