Bạn đang đứng trước một bước ngoặt thay đổi mới trong sự nghiệp. Hoặc có đôi khi, bạn vẫn luôn suy nghĩ và thôi thúc bản thân được làm những điều mới mẻ để đưa sự nghiệp cá nhân đến một đỉnh cao mới. Dù động cơ của bạn là gì, có một số điều rất thực tế mà bạn cần phải cân nhắc trước khi thực hiện một cú nhảy vọt để thay đổi sự nghiệp. Ngày nay, không khó để đi tìm những cơ hội việc làm hấp dẫn. Các doanh nghiệp những năm gần đây cũng dần cởi mở hơn với những ứng viên trái ngành, phi truyền thống. Sẽ rất dễ dàng để từ bỏ công việc và ngành nghề hiện tại để dấn thân vào một sự nghiệp mới. Việc thay đổi dễ là vậy. Nhưng bạn sẽ làm gì tiếp theo để khai thác hết tiềm năng cá nhân cho bước ngoặt quan trọng này?
Trong trường hợp này, việc lập ra những chiến lược thay đổi có kế hoạch sẽ giúp bạn thành công về mặt lâu dài trong sự nghiệp mới này. Một trong những phương pháp đơn giản nhất để thấu suốt những mong muốn cá nhân đó là đặt ra những câu hỏi thiết thực cho chính mình.
1. Tại sao tôi lại tìm kiếm sự thay đổi?
“Tại sao tôi lại tìm kiếm sự thay đổi?” và “Có phải tôi đang không hài lòng với công việc hiện tại?” là 2 câu hỏi quan trọng bạn cần trả lời được trước khi quyết định thay công việc hiện tại. Dù bạn đang là một quản lý cấp cao hay một chủ doanh nghiệp, chúng ta đều có những mong muốn chung đó là: được làm chủ bản thân mình và làm việc với một tâm thế hăng say nhất. Mặc dù hành trình sự nghiệp là một bản giao hưởng lúc thăng, lúc trầm. Nhưng sau những thử thách, hãy tự hỏi bản thân rằng liệu bạn vẫn còn muốn tiếp tục với công việc này hay không? Khó khăn không hẳn là lý do tối thượng để chúng ta buông bỏ một điều gì đó, chính sự thiếu hụt niềm đam mê và nguồn cảm hứng mới là điều khiến chúng ta thôi thúc đi tìm một cơ hội mới.
Bạn có đang vật lộn và đấu tranh tư tưởng cho mỗi sáng đi làm không? Hay công việc này đã không còn “đất” cho bạn phát huy hết thế mạnh của mình? Hãy luôn đặt ra những câu hỏi về những điều chưa hài lòng và cả những tiềm năng của công việc hiện tại. Những câu trả lời rõ ràng có thể giúp bạn hình thành cơ bản những chiến lược về các đích đến tiếp theo trong sự nghiệp. Điều này cũng ảnh hưởng một phần đến quyết định “có” hay “không” trong bạn. Nếu công việc vẫn nằm trong sự hài lòng nhất định của bạn, thì có lẽ những phân vân trong bạn vẫn chưa đủ vững chắc và cần có thêm cơ sở trước khi tiến hành một thay đổi lớn trong công việc.
2. Điều gì còn thiếu trong vai trò hiện tại của tôi?
Mọi người thường dừng lại và suy nghĩ rất lâu khi được hỏi câu hỏi này. Chúng ta thường hiểu rất rõ về những ưu điểm, thế mạnh của bản thân. Nhưng khi phải ngồi xuống và suy nghĩ về những thứ còn thiếu sót của chính mình, bạn có thể sẽ phát hiện ra những điều mà bản thân chưa từng nghĩ là quan trọng. Việc xác định những điểm khuyết của chính mình cực kỳ hữu ích trong việc tìm ra các mục tiêu mới cho tương lai nghề nghiệp của bạn. Luôn tìm kiếm thứ mình đang thiếu và không bao giờ hài lòng với hiện tại chính là một phẩm chất sáng giá để bạn luôn gặt hái được những đỉnh cao mới trong sự nghiệp. Một công việc không chỉ giúp mang đến một nguồn thu nhập ổn định, mà cơ hội mở ra từ công việc này có giúp bạn ngày càng phát triển hay chỉ mãi giậm chân tại chỗ?
3. Giá trị của tôi là gì?
Giá trị cốt lõi là điều rất phổ biến trong thế giới kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Nhưng, giá trị cốt lõi cũng là một tài sản thường bị bỏ quên ở cấp độ cá nhân. Bạn có thể tự tin giới thiệu lưu loát các giá trị cốt lõi của bản thân mình mà không một chút do dự nào không? Hãy liệt kê và nhìn nhận bản thân mình một cách khách quan nhất để tìm ra những giá trị quý giá nhất của bản thân. Thông qua việc xác định các giá trị cốt lõi cá nhân, bạn có thể tập trung ưu tiên vào những thế mạnh và tìm ra những điểm chưa hoàn thiện của chính mình. Giá trị cốt lõi cũng là một phương tiện giúp bạn tìm thấy sự tương hợp với một công việc tiềm năng – có chung định hướng phát triển với bạn. Điều này được cho rằng sẽ là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi trong việc tìm kiếm sự hài lòng trong nghề nghiệp.
4. Tôi đang ở đâu về tài chính?
Hãy trung thực với bản thân về vấn đề này. Tiền bạc luôn là một chủ đề nhạy cảm. Nhưng thực tế, tài chính vẫn là một trong những yếu tố cốt lõi cấu thành một công việc mơ ước. Tiền lương từ công việc này có xứng đáng với năng lực của bạn hay không? Bạn mong muốn kiếm được bao nhiêu từ một cơ hội công việc mới? Bạn cần biết chính xác những thứ quan trọng mà bạn không thể thiếu, đặc biệt là trong vấn đề tài chính. Ngoài ra, bạn cũng không thể bỏ qua việc làm rõ số tiền cần thiết để phục vụ cho mục đích nghỉ hưu sau này. Và bạn vẫn có thể duy trì một cuộc sống thảnh thơi về tiền bạc nếu đổi sang một công việc chứ? Khi đã thấu suốt tất cả những mong muốn về tài chính, bạn có thể cân nhắc lựa chọn cho mình những hướng đi và quyết định phù hợp với những nhu cầu đó.
5. Tôi có đang tìm kiếm sự thay đổi vì những lý do chính đáng không?
Động lực cho sự thay đổi này là gì? Nếu bạn đã trả lời được các câu hỏi trên và xác định được lý do thực sự đằng sau sự không hài lòng trong công việc hiện tại, thì có lẽ những lý do cho sự thay đổi này là chính đáng. Hãy chắc chắn những câu trả lời đều được xuất phát khi bạn cảm thấy ổn nhất về mặt cảm xúc. Bạn biết không, khi rơi vào trạng thái mất cân bằng trong cảm xúc, bạn có thể sẽ không đưa ra được những quyết định đúng đắn. Và hậu quả của việc nóng vội sẽ là một cái giá đánh đổi khá đắt. Nếu có một sự xáo trộn lớn trong cuộc sống dẫn đến sự kích thích nhu cầu thay đổi công việc của bạn, hãy dừng lại một chút và đảm bảo rằng các động lực, mong muốn hiện tại hoàn toàn hợp lý, chứ không phải là một sự kích động hay cảm tính nhất thời.
Sau khi đã hiểu rõ hơn về những mong muốn của bản thân, bước đi hay ở lại đều phụ thuộc vào chính bạn!
st