Bàn về bình đẳng giới trong chuyện rượu bia, thì thật buồn cười! Không chỉ “nam vô tửu như kỳ vô phong” mà cả với nữ giới, thiếu rượu là thiếu chất thơm, chất say mang lại hưng phấn, khoáng đạt, tự tin trong giao tiếp. Nhưng mà nhớ, phải biết cách uống đẹp, biết cách mình uống rượu, chứ không để rượu uống mình.
1.Kinh doanh ngành rượu bia, trong xa xưa lại thuộc về phái nữ. Chắc hẳn ai cũng thuộc câu ca từ ngày ấy: Còn người, còn nước, còn non / Còn cô bán rượu, anh còn say sưa. Và ngày nay, những cô bán rượu vẫn còn. Đó là những nữ sinh viên đưa rượu bia tiếp thị tới tận các bàn nhậu để kiếm tiền đóng học phí. Xin đừng quá ác cảm! Họ đang theo đuổi một nghề truyền thống đấy.
Điển hình là trong những trang văn đẹp nhất của nhà văn Nguyễn Tuân, Yêu ngôn, đội ngũ những cô bán rượu xuất hiện thật dày, thật dễ thương! Ông kể: “Thứ rượu ngon cất ở tả ngạn sông Nhĩ, đưa qua bán bên đất kinh đô, các cô gái vùng Bồ Đề bao giờ cũng ghé đò ngang lối Ô Quan Chưởng… Những đám quang gánh xinh gọn kia nhòe biến vào sương khói dày đặc bên hữu sông như những nhân ảnh của một giấc chiêm bao thú vị… Một cô hàng rượu, hai cô hàng rượu, dăm bảy cô hàng rượu đã qua đều đều”. Ngay cửa ô này, ngày nào các cô cũng gặp một ông khách “tóc trắng, râu trắng, mặt trắng, lông mày trắng mà họ trêu là tiên ông”. Ông tiên ấy chỉ nếm chứ không mua, nếm đến say và “thanh toán” bằng những lời khen chê về chất lượng rượu, chỉ dẫn cách thức kinh doanh rượu khi “ngồi hàng ở chợ, một nơi mà người thì không biết bao nhiêu đấng, của thì không rõ bao nhiêu loài”. Thế mà, các cô vẫn kính trọng, vẫn lấy uy tín của chính lão tửu đồ này để bộc bạch với nhau những tâm linh rượu, triết lý rượu: “Mà này, có cái lạ là hôm nào gặp ông cụ ấy nếm rượu là đắt hàng ra phết nhá. Mặt giời độ con sào là đã vơi cả hai đầu gánh”. “Hay ông cụ đúng là người giời?”. “Trông Bố Ô uống rượu ngon tệ, cứ ngọt sớt đi thôi, không bao giờ thấy nhăn mặt như những người khác. Uống đẹp quá. Nếu tôi mà không neo vốn thì có buổi chợ, tôi dám đưa không cả gánh hàng cho Bố Ô nếm đấy”. “Ông cụ uống em trông thấy ngon lành và thèm thuồng quá…”.
2.Chị em có yêu cầu được uống rượu, cánh mày râu có đáp ứng được không? Thưa được! Trước hết là vì nhu cầu “uống đẹp” đã được các bậc ông bà, cha mẹ, những người khó tính nhất chấp thuận. Theo các cụ, những quan hệ gia đình ngày trước bao giờ cũng bắt đầu bằng ly rượu tình: Có trầu cho miệng đỏ môi / Có lưng chén rượu tươi đôi má hồng / Trầu cũng sẵn đây, rượu cũng sẵn đây / Nhân duyên chưa định trầu này chưa trao.
Rượu tình đã làm đẹp hơn cho người phụ nữ, còn rượu lễ lại là một nghi thức dâng lên bề trên, xin được làm dâu trong nhà, xin được chính thức bước vào tổ ấm của riêng mình: Rượu lưu ly chân quỳ tay rót / Cha mẹ uống rồi dời gót theo anh.
Rượu lễ đưa vợ theo chồng, đưa người phụ nữ vào hành trình cùng người bạn đời xây dựng tổ ấm gia đình. Một trong những người vợ ấy là bà Nguyễn Duy. Người đẹp Thanh Hóa đã theo chồng vào TP.HCM để không chỉ làm nàng thơ cho chồng, mà còn cùng chồng đánh tiết canh vịt, nấu cháo vịt, trộn gỏi vịt… khi hai vợ chồng mở quán vịt trong một hẻm sâu trên đường Lê Văn Sỹ. Theo chồng “xất bất sang bang” lo giấy tờ phép tắc, thuế má, bán buôn, ký gửi, đòi nợ… cùng chồng làm lịch thơ, hết năm này tới năm khác. Một phụ nữ như thế xứng đáng được chồng dâng rượu: Mỗi năm Tết có một lần / Mời em ly rượu tay nâng ngang mày / Vợ cười chưa uống đã say / Ngọt ngào thì nổi đắng cay thì chìm. (Mời vợ uống rượu, Nguyễn Duy).
3.Tôi có người bạn tên Thúy, Thúy rượu, chủ một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu rượu vang có trụ sở ở đường Nguyễn Phi Khanh. Thúy không biết uống rượu, nhưng với văn hóa rượu, thì nữ doanh nhân này lại rất rành. Rành nhất là về cách ứng xử của phái đẹp, với phái đẹp, trong một tiệc rượu. Thúy nói với tôi: “Anh ạ, bên phương Tây, nếu cụng ly, thì ly rượu của người đàn ông luôn thấp hơn ly của người bạn nữ đối ẩm. Trong một tiệc rượu, khi nghe lời chúc tụng, thì không được nói chuyện, không được đốt thuốc, thậm chí không được rót rượu. Người chúc rượu phải đứng lên, và theo phép lịch sự, những người còn lại cũng cùng đứng và lắng nghe khi giữ ly rượu trong tay. Phụ nữ khi được chúc, nếu không phải là cô dâu, thì thường tiếp nhận lời chúc bằng cách mỉm cười, cứ ngồi và đôi mắt nhìn xuống trong khi tất cả đều đứng.Người ấy vẫn giữ cốc rượu trong tay nhưng chưa uống, một khi tất cả chưa uống hết. Nếu vì quá phấn khích mà uống trước, sẽ bị coi là người không khiêm tốn. Ai từ chối uống rượu để chúc cho ai đấy, là thiếu tôn trọng đối với người ta. Nếu không thể uống được, thì cũng nên làm ra vẻ như mình đang uống. Nhưng với cốc nước lã nhạt nhẽo trên tay, thì tuyệt nhiên không được nói lời chúc mừng, không được chúc rượu”.
Ai từ chối uống rượu để chúc cho ai đấy, là thiếu tôn trọng đối với người ta. Nếu không thể uống được, thì cũng nên làm ra vẻ như mình đang uống.
______
Tôi từng được nhờ làm hướng đạo, đưa mấy chị bên Nhà xuất bản Kim Đồng tới thăm nhà văn Trang Thế Hy, đang cư ngụ ở một vườn dừa dưới Bến Tre. Chuyến đi ấy có chị Phó Giám đốc Dắt, các biên tập viên… Cuộc thăm viếng không được báo trước, ấy vậy mà nhà văn của chúng ta vẫn có thứ rượu ngon, có thể coi là danh tửu của dân Pháp để đãi riêng những bạn văn nữ giới của mình mới từ thủ đô vào, một chai cointreau dễ uống, thứ rượu trắng nhưng ngọt và thơm nức mùi cam. Không thường trực trân trọng chị em và không hiểu rượu, làm sao có thể chơi đẹp như thế ở góc vườn quê kiểng ấy!
st