Khi nói đến tình yêu, sự đối lập sẽ là hai cực nam châm thu hút nhau. Nhưng trong kinh doanh, sự đối lập hay tương đồng mới là điều phù hợp và thú vị?
Trong kinh doanh, chúng ta thường có xu hướng thu hút những người tương đồng với mình về tính cách hay tư duy làm việc. Trên thực tế, khi được nhiều người đồng tình và ủng hộ, nhất là người đang gắn bó mật thiết với bạn trong công việc, bạn sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng, nhưng điều đó cũng có thể gây ra một số hạn chế.
Hai người đồng sáng lập có hai tính cách hoàn toàn trái ngược nhau cũng không hẳn sẽ gây ra sự xáo trộn trong công việc chung của doanh nghiệp. Chẳng hạn, một người được mệnh danh là thiên tài sáng tạo nhưng cô ấy cũng cần nhiều thời gian ở một mình, để khám phá ra những ý tưởng mới. Nhưng một người lại được mệnh danh là “bà hoàng tiệc tùng” và luôn hào hứng với những hoạt động, sự kiện cộng đồng trong suốt sự nghiệp của cô ấy. Hai người có thể là hai thái cực khác nhau, một người không hề khao khát trở thành một quý cô tiệc tùng và người kia cũng không thích việc phải ngồi một mình rất lâu để suy nghĩ. Sự khác biệt đã tạo ra các tình huống và điểm mạnh bổ sung lẫn nhau giúp những người cộng sự “trái dấu” phát triển ăn ý hơn trong công việc.
Đa dạng phong cách làm việc mang đến nhiều điểm mạnh
Trên thực tế, những đối tác có tính cách khác biệt nhau có thể tạo ra sự cân bằng hoàn hảo cho một doanh nghiệp hiệu quả và thành công. Tôn trọng sự khác biệt và hiểu được giá trị, phẩm chất mà đối tác đang sở hữu là hai yếu tố quan trọng và cần thiết cho một mối quan hệ kinh doanh thành công. Ngoài ra, việc thiết lập một cấu trúc rõ ràng và vạch ra những vai trò, chức năng cụ thể của từng người dựa trên thế mạnh đã xác định sẽ giúp công việc được tiến hành trơn tru và hiệu quả hơn. Khi một doanh nghiệp ngày một phát triển, các vai trò cũng có thể thay đổi và điều quan trọng là phải trao đổi về cách tận dụng tốt nhất thế mạnh của từng người.
Một người đồng sáng lập giỏi về đối ngoại và có tài thương thuyết với khách hàng, không nhất thiết phải cố gắng làm việc với các con số thống kê hay những giấy tờ sổ sách của doanh nghiệp. Ngược lại, một cá nhân có thế mạnh về việc điều hành, quyết toán các ngân sách chi tiêu, không nhất thiết phải giỏi hết tất cả các khía cạnh khác, bao gồm việc ngoại giao và các công việc mang tính cộng đồng. Dĩ nhiên, đó không phải là lý do để chúng tự “trói buộc” đôi cánh phát triển của mình trước nhiều trải nghiệm công việc. Nắm chắc những cốt lõi chung của doanh nghiệp nhưng điều quan trọng là hãy tập trung vào chính điểm mạnh của mỗi người và phát triển chúng ngày một xuất sắc hơn.
Cho nhau không gian để phát triển
Các tính cách khác biệt sẽ mang đến sự kết hợp của những quan điểm đa dạng. Và điều đó cũng có thể mang lại những thách thức. Bạn đã trải qua những giai đoạn say mê, khi bạn ngưỡng mộ sự khác biệt và tài năng của họ. Nhưng về lâu dài, sự khác biệt trong phong cách làm việc cũng có thể khiến bạn vỡ mộng. Nếu bạn mong muốn thiết lập một lộ trình tăng tốc để phát triển và hoàn thiện bản thân, thì việc xung quanh bạn có nhiều người khác biệt chính là một chìa khóa.
Vượt qua các tình huống bằng cách nhắc nhở bản thân tại sao bạn lại bị người kia hấp dẫn. Luôn có một mối liên hệ nghịch lý giữa sự ổn định cũng như mong muốn khám phá những thú vị và mới lạ. Khi chúng ta đối mặt với xung đột, điều quan trọng là phải quay lại với những trải nghiệm tích cực và sử dụng những trải nghiệm đó để tìm ra con đường phía trước. Những đối tác “trái dấu’” có thể cho nhau không gian để phát triển thế mạnh của từng cá nhân và liên tục gây ấn tượng với đồng đội của mình nhằm tạo ra động lực cho mối quan hệ kinh doanh ngày càng phát triển.
Một điều quan trọng khác đó là phải tôn trọng giá trị kinh doanh của nhau. Nếu một trong hai cố tình phớt lờ điều này, có thể dẫn đến việc đồng đội của bạn sẽ cảm thấy bị giảm giá trị hoặc nghĩ rằng chính bạn đang phá hoại sự khác biệt trong quan hệ công việc của cả hai. Đặt ra ranh giới kinh doanh rõ ràng xung quanh thế mạnh của từng cá nhân sẽ giúp ích cho việc vượt qua những thách thức. Và trong đó, việc đặt câu hỏi chính là cách nhanh nhất để chuyển từ phán xét sang tò mò, và thấu hiểu khi khó chấp nhận sự khác biệt của ai đó.
Buông bỏ cái tôi để làm việc lớn
Để làm việc chung với người có tính cách khác biệt và đối lập, bạn phải sẵn sàng buông bỏ cái tôi của mình. Bạn có thể phát triển một mối quan hệ sâu sắc, nơi bạn bắt đầu tìm hiểu về bản thân và cả người khác. Mối quan hệ cộng tác sẽ thật đáng giá khi có sự khác biệt và tôn trọng lẫn nhau. Bạn biết không, sự khác biệt cho phép chúng ta mở rộng tầm nhìn cho sự phát triển kinh doanh và cả sự phát triển cá nhân của chính bản thân bạn. Việc ngồi xuống và làm sáng tỏ những mong muốn của nhau sẽ không phải một điều sáo rỗng. Khi các bạn xác định sẽ đồng hành lâu dài cùng nhau, thì việc thấu hiểu về cuộc sống cá nhân, giá trị và triết lý của nhau là những điều khiến hai bạn trở nên gắn kết, thấu hiểu và tôn trọng những giá trị của nhau.
Nếu bạn muốn tận dụng sự khác biệt và đối lập để phát triển thế mạnh của từng cá nhân, hãy xem sự khác biệt là một cánh cửa mở ra những tiềm năng, cơ hội mới. Điều đó không có nghĩa là bạn phải chấp nhận tất cả những gì người kia nói, nhưng nó sẽ giúp bạn biết được liệu bạn có thể hoàn thành công việc tốt hơn với những ý kiến và góc nhìn của họ hay không.
st