Wednesday, December 4, 2024

13 CON CÁO, 13 THÁI ĐỘ SỐNG, 13 KẾT QUẢ




Có một câu chuyện xưa được mở đầu thế này: Trong vườn quả của một người nông dân, nho tím sai trĩu cành, khiến người ta nhìn là muốn hái, đương nhiên, chùm quả mỹ vị này không thể thoát khỏi sự nhòm ngó đám hồ ly bên cạnh, chúng đã muốn hưởng thụ những trái ngọt này từ sớm…
1. Con hồ ly đầu tiên
Nó đứng dưới giàn nho, phát hiện ra giàn nho cao hẳn so với người nó. Nó đứng đó nghĩ ngợi, không muốn vứt bỏ cơ hội, bởi theo nó thấy đây là cơ hội hiếm có! Nghĩ một lát, nó phát hiện thấy có chiếc thang đặt bên cạnh, nhớ lại người nông dân từng dùng chiếc thang ấy. Bởi vậy, nó cũng học người nông dân trèo lên, thuận lợi hái được những chùm nho kia xuống.
Kết luận: Con hồ ly này đã áp dụng biện pháp giải quyết vấn đề, nó trực tiếp đối mặt với khó khăn, không trốn chạy, cuối cùng nó đã giải quyết được vấn đề. 
2. Con hồ ly thứ 2
Nó đứng dưới giàn nho, phát hiện thấy với chiều cao của nó thì cả đời này không có cách nào ăn được nho. Vì vậy, nó thầm nghĩ, nho này chắc chắn là nho chua, ăn được cũng khó chịu, chi bằng không ăn. Thế nên, nó vui vẻ rời khỏi.
Kết luận: Cách thức con hồ ly này vận dụng là giải thích hợp lý hóa, dùng lý do có thể thỏa mãn cá nhân để giải thích cho hiện tượng không thể thực hiện được mục tiêu của mình.
3. Con hồ ly thứ 3
Nó đứng dưới giàn nho, nó vừa đọc qua cuốn “ Thép đã tôi thế đấy”, nó cảm động trước tinh thần của nhân vật chính. Nó nhìn giàn nho cao kia, không bỏ cuộc, nó nghĩ: Mình có thể nhảy lên đó, chỉ cần mình cố gắng, nhất định mình sẽ làm được. Thế nhưng, nó càng nhảy càng thấp, cuối cùng bị chết vì quá mệt. Nó đã hy sinh thân mình làm phân bón.
Kết luận: Hành vi của con hồ ly này tâm lý học gọi là “cố chấp”, cứ lặp đi lặp lại hành động không mang lại hiệu quả. Nó chứng tỏ rằng, không phải phương án tốt nhất cho mọi chuyện lúc nào cũng là giải quyết vấn đề, mà cần phải xem xét các nhân tố như năng lực của bản thân, môi trường xung quanh.
4. Con hồ ly thứ 4
Nó đứng dưới giàn nho, vừa nhìn thấy giàn nho cao hơn mình, nó đã thất vọng, văng lời chửi tục, gặm nhấm chiếc lá mà mình lấy được, đúng lúc bị người nông dân phát hiện, người nông dân đã giết chết nó.
Kết luận: Hành vi của con hồ ly này là công kích, đây là cách thức ứng phó không nên dùng, chỉ có hại mà không có lợi.
5. Con hồ ly thứ 5
Nó đứng dưới giàn nho, ngước mắt lên nhìn giàn nho, thầm nghĩ, nếu mình đã không ăn được nho, vậy thì những con hồ ly khác chắc chắn cũng không ăn được. Nếu như vậy, mình cũng không có gì phải nuối tiếc, dù sao thì mọi người vẫn vậy mà.
Kết luận: Con hồ ly này đã quy nguyện vọng và động cơ của mình về người khác, quả quyết động cơ và nguyện vọng của người khác, quả quyết những điều này đều là thứ vượt ra khỏi phạm vi năng lực của mình.
6. Con hồ ly thứ 6
Nó đứng dưới giàn nho, tâm tình vô cùng tồi tệ, nó nghĩ tại sao mình không ăn được, tại sao vận mệnh của mình lại bi thảm như thế, mong muốn được ăn nho cũng không được thỏa mãn? Càng nghĩ càng buồn bực, cuối cùng nó đã bỏ mạng vì quá buồn bực, âu sầu.
Kết luận: Biểu hiện của con hồ ly này là chứng uất ức, tâm tình này duy trì lâu sẽ rơi vào trạng thái thần kinh, không tốt cho sức khỏe.
7. Con hồ ly thứ 7
Nó đứng dưới giàn nho, muốn thử nhảy lên để hái nho nhưng không thành công, nó muốn ép bản thân không nghĩ đến nho nữa, nhưng nó không làm được, nó còn thử một số cách khác nhưng không hiệu quả. Nó nghe nói có con hồ ly ăn được nho, tâm tình càng tồi tệ, cuối cùng nó đã phải bỏ mạng vì đâm đầu vào giàn nho.
Kết luận: Kết cục của con hồ ly này là do nó không thể cân bằng tâm lý. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường gặp phải những hiện tượng kiểu như “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Rất nhiều người khi so sánh với người khác, bởi vì tâm lý không cân bằng nên đã lựa chọn cách thức ứng phó không hợp lý.
8. Con hồ ly thứ 8
Nó đứng dưới giàn nho, nhưng vẫn không thể với tới chùm nho. Nó thầm nghĩ, nghe những con hồ ly khác nói, mùi vị của chanh tây không khác nho là mấy, nếu mình đã không ăn được nho, vậy sao không thử chanh tây chứ? Thế nên, nó thỏa lòng thỏa dạ rời khỏi giàn nho để đi tìm chanh tây.
Kết luận: Hành động của con hồ ly này tâm lý học gọi là “thay thế”, dùng cách thức mà bản thân có thể đạt được để thay thế cho nguyện vọng mà bản thân không thể đạt được.
9. Con hồ ly thứ 9
Nó đứng dưới giàn nho, thấy năng lực của mình có khác biệt rất lớn với chiều cao của giàn nho, nó cho rằng với trình độ hiện tại của mình, muốn ăn nho là điều không thể, bởi vậy nó đã quyết định tận dụng thời gian để đăng ký một lớp học, học kỹ thuật hái nho. Cuối cùng, nó đã được thỏa ước nguyện.
Kết luận: Con hồ ly này đã áp dụng sách lược ứng phó, nó đã phân tích được một cách chính xác quan hệ và tính chất của vấn đề, tìm ra phương án giải quyết tốt nhất.
10. Con hồ ly thứ 10
Nó đứng dưới giàn nho, đối mặt với vấn đề tương tự. Nó đã nghĩ ra cách lừa đồng bọn, thừa dịp đồng bọn không chú ý, dùng xẻng đập đồng bọn hôn mê, sau đó giẫm lên thân thể của đồng bọn để hái nho.
Kết luận: Tuy rằng con hồ ly này cuối cùng đã giải quyết được vấn đề, song nó đã giải quyết trên cơ sở làm tổn hại đến lợi ích của người khác, cách thức này không thể áp dụng.
11. Con hồ ly thứ 11
Nó đứng dưới giàn nho, đây là một con hồ ly xinh đẹp. Nó nghĩ, mình là một cô nàng yếu đuối, bất luận có cố gắng thế nào cũng không thể ăn được nho, tại sao mình không lợi dụng sức mạnh của người khác? Thế nên, nó đã tìm một người bạn trai, người bạn trai này đã nhờ sợ trợ giúp của thang để tặng bạn gái món quà tuyệt nhất.
Kết luận: Hành động này tâm lý học gọi là “nguyên tắc bù đắp”, vừa lợi dụng ưu thế khác của mình hoặc là ưu thế của người khác để bù đắp cho những thiếu sót của mình.
12. Con hồ ly thứ 12
Nó đứng dưới giàn nho, thầm nghĩ, mình không ăn được nho, những con hồ ly khác cũng không ăn được nho, tại sao chúng ta không học tập tinh thần hợp tác “vớt trăng” của lũ khỉ? Trước có khỉ vớt trăng, giờ có hồ ly hái nho, nói không chừng sẽ trở thành giai thoại thiên cổ ấy chứ? Thế nên, nó đã hợp tác cùng những con hồ ly muốn ăn nho, làm thành một chiếc thang “hồ ly”, như vậy mọi người đều có thể ăn được những chùm nho mọng nước.
Kết luận: Cách thức mà con hồ ly này áp dụng là cách thức ứng phó, nó hiểu được đạo lý hợp tác, kết quả cuối cùng là vừa có lợi cho bản thân, vừa có lợi cho mọi người.
13. Con hồ ly thứ 13
Nó đứng dưới giàn nho, đối mặt với vấn đề tương tự. Nó nói, “Có gì ghê gớm, các bạn đồng loại của tôi đã có người ăn được, ai nói chỉ có khỉ mới có thể ăn được hoa quả, hồ ly cũng ăn được!”.
Kết luận: Khi giá trị của mình thấp hơn người khác, nó đã đi tìm người có liên quan đến mình để hiện thực giá trị của mình.
—Sưu tầm