Chạp trong từ "Giỗ Chạp" là ngày lễ cúng Tổ tiên cuối năm âm lịch. "Chạp mả/mộ" là lễ cúng mả cuối năm. Chạp là đọc trại từ chữ Lạp (tháng cuối năm) của tiếng Hán. Tháng Chạp là tháng cuối cùng của năm. Tảo là quét dọn. Tảo mộ là quét dọn, sửa sang mồ mả ông bà. Người Trung Quốc tảo mộ vào dịp Thanh Minh và người phía Bắc cũng tiến hành lễ tảo mộ vào dịp Thanh Minh có thể là do chịu nhiều ảnh hưởng và cùng chung điều kiện thời tiết khí hậu.
Nhưng khác với Trung Quốc, người Việt mình còn có một lễ gọi là lễ "Chạp Mả" là lễ cúng mộ cuối năm trước khi ăn Tết. Đây là khác biệt cho thấy người Việt xem trọng Tổ tiên, ông bà ngay khi đã khuất. Vào ngày chạp (mả) hoặc trước ngày chạp vài ngày, ông bà, cha mẹ thường dẫn con cháu đi dẫy mả(dọn cỏ dại, bụi cây mọc trên mả), quét dọn sửa sang lại cho khang trang sạch sẽ và qua đó giới thiệu cho con cháu biết đây là mồ mả của người trong dòng họ. Dịp này cũng là dịp cho con cháu trong dòng họ gặp gỡ cho biết mặt, biết tôn ti trật tự kẻo " ra đường oánh nhau lổ đầu mới biết bà con" . Ngày Chạp mả sẽ từ sau ngày rằm tháng chạp đến ngày 30 tết (và có khi đến rằm tháng giêng) và tùy theo mỗi dòng họ mà sẽ có một ngày chạp mả khác nhau , đôi khi như đặc tính nhận dạng dòng họ cùng với việc cúng Lề(ví dụ cùng ngày chạp mả, cùng món cúng lề thì chắc chắn có quan hệ bà con, dòng họ). Có câu chuyện về 2 anh em họ Lê gốc Thanh Hóa, di dân vào Nam thời chúa Nguyễn, người anh chọn vùng Tầm Vu người em chọn vùng Mộc Hóa . Con cháu sau này theo lời dặn dò đi tìm bà con, nhờ ngày chạp mả , cúng lề mà tìm được nhau.
Vào đến Miền Trung, thời tiết thay đổi, việc tảo mộ đôi khi không theo tiết Thanh Minh mà sang tháng tám âm lịch. Tháng tám âm lịch là tháng nắng hạn khô ráo giữa mùa mưa bảo (thường gọi hạn Bà Chằng), nên họ "tranh thủ" tảo mộ để sửa sang và gia cố mồ mả và cũng cúng chạp vào cuối năm.
Đặc điểm chính của người Nam bộ là dân từ nhiều vùng miền khác nhau, thậm chí từ nước ngoài như Trung Quốc, Nam Đảo (Mã Lai, Java), Lục địa Ấn (Ấn Độ, Pakistan)..nên phong tục, tôn giáo, thờ cúng khác nhiều với miền ngoài dù nhiều phong tục, tập quán cũng được giử gìn phần nào. Sự khác biệt phong tục còn do việc ban đầu khai hoang mở cỏi nhiều hiểm nguy thiếu thốn hay do thời tiết khí hậu. Người Nam bộ là lưu dân mới nên mồ mả ông bà không tập trung như miền ngoài. Mồ mả ông bà cũng thường chôn trên chính đất ruộng và cũng do điều kiện thời tiết khí hậu (lũ lụt, mùa nước nổi), tập quán canh tác nên sẳn dịp cuối năm, thời tiết khô ráo, nước rút nên đi sửa sang mồ mả ông bà và cúng mộ cùng một lần cho tiện. Tuy nhiên, nhiều dân tộc cư dân khác như người Minh Hương hay người gốc Bắc cũng duy trì việc tảo mộ vào dịp Thanh Minh.
Nhiều nhà ở Nam Bộ thường chọn ngày 25 tháng Chạp vì là ngày xưa, chế độ phong kiến quan lại phong ấn vào ngày 25 và ngày 25 cũng là ngày đưa ông bà để dọn dẹp, sửa sang bàn thờ...
Tóm lại, chạp mả và tảo mộ là khác nhau. Người Nam bộ gom 2 lễ thành 1.
st