Thursday, October 3, 2024

TRÀ TẦU VÀ ẤM NGHI HƯNG


TRÀ TẦU VÀ ẤM NGHI HƯNG
Uống trà tàu vốn dĩ phổ thông thời trước, đến nay đã trở thành hiếm hoi trong xã hội Việt Nam. Thanh niên ngày nay chỉ mường tượng được cái hình ảnh đó qua những truyện ngắn của Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời (Những...


Uống trà tàu vốn dĩ phổ thông thời trước, đến nay đã trở thành hiếm hoi trong xã hội Việt Nam. Thanh niên ngày nay chỉ mường tượng được cái hình ảnh đó qua những truyện ngắn của Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời (Những chiếc ấm đất, Chén trà trong sương sớm). Sách vở viết về trà lại càng ít ỏi. Tại Việt Nam ngày trước, ngoài cuốn Vang Bóng một thời chỉ lác đác vài ba cuốn khác. Trà đạo kiểu Nhật thì có bản dịch cuốn Trà Thư (The Book of Tea) của Okakura Kakuzo của Bảo Sơn. Một tiểu thuyết cũng viết nhiều về thú uống trà là cuốn Trà Thất của Minh Đức Hoài Trinh.
Ở hải ngoại, cuốn Trà Kinh của Vũ Thế Ngọc là một biên khảo tương đối công phu. Ngoài ra, thỉnh thoảng có một đoản thiên nghiên cứu về trà Tầu hay ấm trà đăng rải rác trong tạp chí. Mới đây tôi được đọc một bài của Phan Quốc Sơn về ấm Nghi Hưng rất thú vị.
Trong tác phẩm Sống Đẹp Lâm Ngữ Đường cho rằng uống trà là một trong những phát minh quan trọng nhất của đời sống. Trà là một phần và cũng là một biểu tượng của sự nhàn nhã. Ông để hẳn một mục để bàn về Trà và Tình Bạn.
Viết về cách uống trà, thưởng thức trà thì Tây phương có hàng trăm cuốn nhưng phần lớn viết theo cách nghiên cứu một loại thực phẩm. Người Trung Hoa cũng có nhiều sách viết về trà, nghệ thuật uống trà, còn người Nhật thì đưa hẳn lên thành một đạo sống (Trà Đạo). Riêng Việt Nam, mặc dù uống trà rất thịnh hành nhưng lại ít ai để tâm nghiên cứu. Vũ Thế Ngọc, tác giả cuốn Trà Kinh đã ngậm ngùi mà than rằng “viết về trà thì gần như chưa có ai viết” hoặc “viết vô cùng sơ lược”. Nhận xét đó có lẽ không sai. Và vì thế khi ông tự cho rằng cuốn sách ông soạn “là quyển sách đầu tiên viết về nghệ thuật uống trà bằng Việt ngữ tương đối đầy đủ hơn cả” thì cũng không ngoa.
Trà Tàu
Khi nói về trà tầu thường là nói đến các loại trà xanh là những loại trà người Trung Hoa xuất cảng. Nếu tính theo số người uống thì uống trà đứng đầu trong ba loại ẩm phẩm — trà, cà phê và nước ngọt.
Các học giả Tây phương vẫn cho rằng Trung Hoa là nơi phát xuất cây trà. Thế nhưng không phải cây trà chỉ mọc hoang trong vùng nam nước Tầu mà có khắp vùng Đông Nam Á. Thành thử Việt Nam ta cũng là quê hương của cây trà, và cũng có những cây trà cổ thụ. Vũ Thế Ngọc đã viết về cách uống trà kiểu Việt Nam như chè tươi, chè nụ, chè khô … và cho rằng chúng ta đã biết uống trà từ lâu đời nhưng vẫn giữ nguyên hình thái mộc mạc chứ không cầu kỳ như người Tàu. Tục uống trà tươi, trà nụ ngày nay vẫn còn phổ biến, kể cả một loại cây tương tự là cây vối cũng rất thông dụng tại miền quê nước ta.
Trong khi trà tầu — cùng với kiểu cách của người Tầu — chỉ hiện hữu trong một tầng lớp thượng lưu ở xã hội, phương pháp uống trà tươi, trà vối lại ở khắp mọi nơi. Nó đã trở thành đề tài cho văn học và nghệ thuật (Cái ấm đất của Khái Hưng hay bản nhạc Cô Hàng Nước) và là một món giải khát không thể thiếu của người nhà nông.
Trên mặt kinh tế, rất có thể sự vươn lên của Trung Hoa trong thế kỷ 21 này sẽ có một phần đóng góp không nhỏ của trà — một loại nông phẩm độc đáo — và ấm tầu — một dụng cụ và cũng là một loại nghệ phẩm đặc biệt. Cho nên, khi nhìn vào phương thức chiếm lĩnh thị trường, sau thời kỳ sản xuất những món hàng thông dụng rẻ mạt, tiếp đến phải là giai đoạn của những sản phẩm đặc thù — có một không hai, không có sản phẩm tương tự để thay thế, hoặc không thay thế nổi. Trà tầu và ấm tầu có thể ở trong thành phần đó. Độc đáo nhưng thông dụng, thượng vàng hạ cám, từ loại đắt hiếm tới loại rẻ mạt, có khả năng sản xuất qui mô và thu hút một lượng nhân công đông đảo là những yếu tố rất đáng kể trên mặt ngoại thương.
Lịch sử
Theo truyền thuyết, trong một lần tuần thú phương Nam, vua Thần Nông vô tình uống một nồi nước đun sôi có lá cây trà rơi vào. Ông uống rồi khen là trà “làm cho cơ thể phấn chấn, tinh thần thoải mái, sáng suốt”. Một câu chuyện khác thì lại viết rằng Đạt Ma tổ sư vì ngủ quên trong một buổi tọa thiền nên bực tức cắt mí mắt vứt đi. Chỗ ông vứt mí mắt mọc lên cây trà, và trở thành một thức uống thông dụng cho những nhà sư để tỉnh táo khi tu tập. Từ chùa chiền, món uống này truyền ra dân gian.
Người Nhật thì kể là về đời Chiến Quốc (300-221BC), có một danh y tinh thông 84,000 cây thuốc. Ông dạy cho con được 62,000 cây thì chết. Những tưởng rằng kiến thức về 22,000 cây kia sẽ không còn tìm đâu ra. Nào ngờ trên mộ ông mọc lên một cái cây, chứa đủ tinh hoa của 22,000 cây còn lại. Đó là cây trà.
Lẽ dĩ nhiên, những câu chuyện này chỉ là huyền thoại. Người Trung Hoa cái gì không rõ nguyên do thường bịa ra một dật sự từ thời cổ sử gán cho Thần Nông, Hoàng Đế … cũng như người Việt bắt đầu một thần tích bằng “ngày xưa, đời vua Hùng Vương thứ …” để câu chuyện thêm li kỳ, vừa khiến cho những chứng cớ đưa ra có chỗ dựa.
Chính thức theo lịch sử thì trà chỉ mới được đề cập đến từ thời Tam Quốc, và đến tận đời Đường, người Tàu vẫn chỉ dùng các loại trà mọc hoang chứ chưa trồng và chế biến thức uống này. Trà cũng chỉ lưu hành trong giới thượng lưu miền Nam Trung Hoa chứ dân dã cũng chưa uống và tục uống trà chưa được coi như một thú thanh cao. Quả thực thời kỳ đó hai miền nam bắc Trung Hoa đời sống cách biệt như hai thế giới. Đến đời Tùy nước Tàu thống nhất thì những sinh hoạt mới lan truyền ra những vùng khác. Người Tàu pha trộn cách uống trà với sữa của người Hồ (tức các dân tộc vùng Tây Vực) là những dân tộc sống du mục. Tuy việc uống trà đã phổ thông nhưng vẫn có một số đặc điểm khác ngày nay:
– Thứ nhất trà vẫn còn coi như một vị thuốc, chưa có mấy nơi coi như một thức uống.
– Thứ hai trà do dân chúng vào vùng hoang sơn dã lãnh hái về chứ chưa biết trồng thành đồi, thành vườn để sản xuất một cách qui mô.
– Thứ ba trà uống theo kiểu giản dị là hái lá vào đem nấu (như kiểu chè tươi của ta) chứ chưa kiểu cách như sau này.
Tới đời Đường, khi Lục Vũ viết cuốn Trà Kinh thì trà mới trở nên phổ biến. Từ đó trở đi, nơi nơi đều uống trà, trở thành một phong trào và sản xuất trà cũng thành một lãnh vực kinh tế qui mô, đem lại một ngân khoản lớn cho triều đình. Và kể từ Đường, rồi sau Tống, Nguyên, Minh, Thanh đời nào cũng coi thuế đánh vào trà là một nguồn lợi chính.
Lục Vũ, tự là Hồng Tiệm người đất Cảnh Lăng, Hồ Bắc được mệnh danh là trà tiên của Trung Hoa. Vì chán ngán thời thế, ông từ quan, định theo Thái Chúc hòa thượng ở chùa Thái Thường đi tu nhưng không được nên về ở ẩn chỉ chuyên tâm nghiên cứu về trà. Ông bỏ công đi tham khảo với những nông phu, tới tận nơi để xem xét cách chế tạo ngõ hầu có được kinh nghiệm thực tế. Thành thử những điều ông viết ra đều có giá trị.
Đời Đường, khu vực sản xuất trà bao gồm Giang Hoài, Lưỡng Chiết, Lãnh Nam, Phúc Kiến, Kinh Tương và từ đó tới nay vẫn là những địa khu chủ yếu. Theo Chu Trọng Thánh, việc phong thịnh đời Đường bao gồm ba nguyên nhân chính:
– Thứ nhất, thời Đường giao thông đã phát đạt, các phương tiện chuyên chở đã cải tiến nhiều
– Thứ hai, sau khi cuốn Trà Kinh của Lục Vũ viết ra, phong trào uống trà càng lên cao
– Thứ ba, thời kỳ đó Phật giáo và Lão giáo hưng thịnh và việc uống trà tại các chùa chiền, miếu mạo rất phổ biến.
Chính cuốn Trà Kinh của Lục Vũ là một đóng góp lớn, vì sau khi ông viết ra cuốn này, việc uống trà đã được nâng lên hàng nghệ thuật, cầu kỳ về cả trà cụ lẫn trà thức. Tạ Triệu Triết đời Minh đã viết: Ở trên đời có đói ăn thiếu mặc thì còn chịu nổi nhưng mà thiếu nước uống trà thì không sao chịu được. Ngô Khoan viết bài “Ái Trà Ca” ca tụng thú uống trà chẳng khác gì thi nhân đời trước ca tụng rượu.
Sau khi Lục Vũ viết Trà Kinh, nhiều người khác cũng có những tác phẩm viết về trà tuy không nổi tiếng bằng nhưng cũng lưu truyền sử sách. Riêng đời Minh có đến 45 quyển, nay còn giữ được trên đưới 20 cuốn nhưng văn chương cũng đã bị đời sau thêm thắt nhiều. Tuy nhiều hầu hết không qua sáu mục mà Lục Vũ đã đề cập là trà, dụng cụ uống trà (khí), nước pha trà (thủy), lửa đun trà (hỏa), người pha và uống trà (nhân), thời điểm uống trà (sự).
Đời Đường có Tô Dị (?) viết Thập Lục Thang Trà, Trương Hựu Tân viết Tiễn Trà Thủy Ký. Đời Tống có Âu Dương Tu viết Đại Minh Thủy Ký, Phù Tra Sơn Thủy Ký, Sái Tương viết Trà Lục, Tống Tử An viết Đông Khê Thức Trà Lục, Triệu Nhữ Lệ viết Bắc Uyển Biệt Lục, Hùng Phiên viết Tuyên Hòa Bắc Uyển Cống Trà Lục, Tống Huy Tông viết Đại Quan Trà Luận, Hoàng Nho viết Phẩm Trà Yếu Lục.
Đời Minh có Hứa Thứ Thư viết Trà Sớ, Chu Cao Khởi viết Động Sơn Giới (?) Trà Hệ, Phùng Khả Tân viết Giới Trà Tiên, Hùng Minh Ngộ viết La Giới Trà Ký, Cố Nguyên Khánh viết Trà Phổ, Trần Kế Nho viết Trà Đổng Bổ, Trương Khiêm Đức viết Trà Kinh, Đồ Bản Tuấn viết Mính Cấp, Điền Nghệ Hoành viết Chử Tuyền Tiểu Phẩm, Từ Hiến Trung viết Thủy Phẩm Toàn Trật.
Đời Thanh có Lưu Nguyên Trường viết Trà Sử, Dư Hoài viết Trà Sử Bổ, Mạo Tương viết Giới Trà Vựng Sao, Lục Đình Xán viết Tục Trà Kinh.
Trong tất cả những tác phẩm viết sau này chỉ Tục Trà Kinh là đáng kể, có hệ thống và tài liệu dồi dào. Lục Đình Xán tự Phù Chiêu, hiệu Mạn Đình, người huyện Gia Định, đất Tô Châu, từng làm tri huyện Sùng An, Phúc Kiến thời Khang Hi là nơi có núi Vũ Di nổi tiếng trà ngon. Tục Trà Kinh phân loại và sắp đặt các loại trà một cách mạch lạc, tài liệu minh bạch, dẫn chứng đầy đủ và phẩm bình cũng rất xác đáng. Người ta đã bảo rằng nếu ví Lục Vũ như Khổng Tử trong trà gia thì Lục Đình Xán công lao phải sánh ngang Chu Hi.
Ấm tử sa Nghi Hưng có gì đặc biệt?
Tại vùng đất Nghi Hưng - Nghi Hưng thuộc tỉnh Giang Tô (Jiangsu) của Trung Quốc có loại đất sét nổi tiếng được gọi là đất Tử Sa Tử sa (Zhisa), loại đất chuyên để làm ra ấm pha trà tuyệt hảo mà giới sành trà rất ưa chuộng.
Đất làm ấm tử sa ở vùng Nghi Hưng (Stone Clay) là loại đất có cấu trúc và thành phần cấu tạo gồm các oxit sắt, silic, mica, kaolinite cùng nhiều khoáng chất khác trong đó oxit sắt là thành phần chủ yếu. Có nhiều loại đất hỗn hợp khác nhau nhưng loại đất làm ấm thì được chia ra làm 2 loại nhóm chính:
1. Đất sét đá (Stone Clay) Là loại đất được khai thác từ các vỉa quặng đá tại vùng núi Hoàng Long thuộc Nghi Hưng. Sau khi khai thác, đất được để phơi ngoài tự nhiên một thời gian sẽ oải ra thành từng viên nhỏ. Từ những viên nhỏ đó người ta phân loại ra và cho vào xay thủ công bằng cối đá. Xay xong sẽ đươc lọc đi sỏi, cát, tạp chất,… thu lại được bột sét đá rất mịn, từ bột đó sau đó được đổ vào những bể nước hình chữ nhật cao khoảng thước rưỡi rồi trộn với nước. Để trong 3 ngày sau đó sẽ gạn qua bể khác cho đất keo lại thành khối sau đó được cắt ra thành từng bánh bán cho thợ làm đồ gốm.
2. Đất sét thường (Earth Clay) Đây là loại đất được sử dụng một cách phổ biến để tạo ra các sản phẩm gốm thông dụng trong đó có ấm trà (loại đất này ở các làng gốm của Việt Nam cũng có, tuy có thể khác một chút về thành phần cấu tạo)
Những loại đất chính được dùng trong chế tác ấm tử sa: • Đất sét nguyên khoáng (Original, Natural): Đất sét nguyên khoáng là loại đất tự nhiên được khai thác trực tiếp từ các mỏ núi đá ở vùng Nghi Hưng thuộc tỉnh Giang tô, Trung Quốc. Hiện nay số lượng đất nguyên khoáng còn lại không nhiều và ngày càng trở nên khan hiếm do quá trình khai thác bừa bãi, thiếu quy hoạch dẫn tới tài nguyên bị khan hiếm. Chính phủ Trung Quốc đã quy hoạch lại các khu khai thác thành từng cụm, điểm. Tổ chức đấu thầu cho các nhà đầu tư, không khai thác bừa bãi, trúng thầu sẽ được khai thác dưới sự giám sát của nhà nước. Đất khoáng sẽ được bán cho các công ty, nhà máy, xưởng chế tác, nghệ nhân làm gốm…Tuy vậy, vẫn còn tình trạng khai thác bất hợp pháp. ấm đất nguyên khoáng tử sa Nghi Hưng
• Đất phối (Mixed): Theo như tên gọi đất phối được tạo ra bằng cách phối đất nguyên khoáng với nhau, hoặc phối đất nguyên khoáng với một vài nguyên liệu tự nhiên khác (nguyên liệu phối tự nhiên ở đây là cát vì cát có tính chất và thành phần cấu tạo tương đương). Đất phối được tạo ra với mục đích chính là tận dụng đất nguyên khoáng vì như trên đã nói đất nguyên khoáng ngày càng khan hiếm. Hiện nay, các ấm tử sa trên thị trường chủ yếu là các ấm được chế tác từ đất phối, hàm lượng nguyên khoáng nhiều hay ít ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm. Nếu như ấm nguyên khoáng 100% sẽ rất đắt và hiêm.
Â’m tử sa đất phối
• Đất nhân tạo (Artificial): Đất nhân tạo là đất được phối một số thành phần khoáng chất khác cùng với đất nguyên khoáng nhưng tỉ lệ đất nguyên khoáng rất thấp (các thành phần khoáng chất được phối thêm có trong đất sét hoặc đất bùn) để tạo ra một chất liệu mới. Hiện nay loại đất này được sử dụng rất phổ biến để tạo ra những chiếc ấm có màu sắc đa dạng và bắt mắt nhưng chất lượng đất thì không thể tốt được bằng đất nguyên khoáng.
ấm đất phối tử sa
Trên thực tế có rất nhiều loại đất với những tên gọi khác nhau được sử dụng để làm ấm, cách đặt tên đất thường thường được đặt theo sắc độ (màu sắc) của đất. Những loại đất nguyên khoáng cơ bản mà các nghệ nhân làm ấm thường hay sử dụng. Đầu tiên phải kể tới là đất Tử sa (Zi ni) có màu chủ yếu là nâu tím hoặc tím đen. Tiếp đến là đất Hồng sa (Hong ni) có thành phần cấu tạo nguyên khoáng gần giống Tử sa nhưng lại có màu đỏ nhạt. Lục sa nguyên khoáng (Lu ni) có màu xanh lá nhạt, đây là loại đất khá hiếm trong tự nhiên và có kết cấu không được bền nên thường được phối với Tử sa hoặc một vài nguyên liệu khác để tạo thành ấm. Đoàn sa (Duan ni) là loại đất có hàm lượng thạch anh và khoáng chất cao hơn cả, nó có màu chủ yếu là màu vàng. Cuối cùng là loại đất thích hợp để làm các dáng ấm nhỏ hoặc vừa phải mà người chơi ấm thường rất thích sưu tầm, đó là đất Chu sa (Zhu ni). Loại đất này được chiết xuất từ sâu trong tĩnh mạch đá có màu đỏ bóng.
Trong quá trình nung ấm nhiệt độ khi nung ấm sẽ ảnh hưởng đến sắc độ của ấm, nung ấm ở nhiệt cao màu sắc sẽ khác khi nung ở nhiệt độ thấp. Độ co ngót của đất khoảng từ 8-27%. Khi trong dạng thiên nhiên, đất sét Nghi Hưng mềm, có màu vàng, nâu đen hay xanh nhạt. Sau khi nung, đất màu vàng đổi sang màu da chu, màu đen thành màu tử sa, còn màu xanh lại biến thành màu gan gà. Màu sắc khác nhau tùy theo lượng nguyên tố trong đất, nhất là chất sắt.
Đất tử sa có nhiệt độ chịu nung khoảng 1180°C và độ co ngót so với ban đầu khoảng 10% - 11%. Về màu sắc nhiều tài liệu mô tả đất tử sa có màu tím gọi là cát tím (purple sand) nhưng thực tế đất tử sa có màu nâu tím (purple-brownish) hoặc màu nâu (brown) nhiều hơn.
ấm đất tử sa Đất Hồng sa có nhiệt độ chịu nung khoảng 1100°C và độ co ngót so với ban đầu khoảng 14%. Hồng sa có màu đỏ-cam là chủ yếu, và vì Hồng sa nguyên khoáng gốc là tử sa nên nó có cả màu đỏ-nâu. Đặc biệt đất hồng sa cũ (đất già, đã được khai thác lâu) có màu đỏ sậm nhưng bây giờ loại này rất hiếm.
ấm đất hồng sa
Đất Lục sa nguyên khoáng được mô tả là có các chấm màu xanh nhạt (light-green) và là loại đất hiếm trong tự nhiên, nhiệt độ chịu nung của nó khoảng 1160°C và độ co ngót so với ban đầu khoảng 14%. Cũng do Lục sa là đất hiếm và kết cấu màu sắc không bền nên đất Lục sa thường hay được phối với các loại đất khác hoặc các nguyên liệu khác khi làm ấm.
ấm tử sa đất lục sa
Đất Đoàn sa nguyên khoáng thường thường sẽ có màu vàng là chủ yếu (yellow) ngoài ra còn có màu be (beige) hoặc vàng be và cũng là loại đất hiếm trong tự nhiên, nhiệt độ chịu nung của nó khoảng từ 1175°C - 1180°C, độ co ngót so với ban đầu khoảng 12%. Dưới đây là một vài màu đoàn sa hay gặp trong thực tế.
ấm tử sa tây thi đất đoàn
Trong tự nhiên Chu sa là loại đất có nhiệt độ chịu nung cao nhất khoảng 1700°C và độ co ngót so với ban đầu khoảng từ 18% - 25%). ấm nguyên khoáng đất chu
Đất sét Nghi Hưng nung lên rất rắn chắc bền bỉ, không rạn nứt khi thay đổi nhiệt độ pha trà. Trong đất có chứa các lỗ khổng khí rất nhỏ (pores) phải soi kính hiển vi điện tử mới thấy được. Tác dụng đặc biệt mà không chất đất nào làm ấm có được đó là thẩm thấu hương trà, lưu hương và đượm vị.
QUÁ TRÌNH CHẾ TÁC ẤM
Sau khi mua đất từ các công ty, xưởng chế tạo, ngưòi thợ lúc đó mới đem chia tảng đất thành từng nắm cân lượng kỹ càng. Mỗi nắm đất được cán thành từng miếng phẳng. Đáy ấm, thành ấm, nắp ấm đều cắt từ miếng đất này, có khi bằng tay, có khi dùng khuôn. Sau đó, người thợ dùng máy quay bằng tay hay đạp bằng chân để ráp và gắn những miếng đất đã nặn sẵn dính với nhau và được miết cho láng bằng dụng cụ bằng gỗ hay sừng.
Khi hình dáng tổng quát đã hoàn thành, đợi ráo nước người ta mới trang trí, thêm thắt những hoa văn hay viết chữ. Người thợ khéo thường hay viết tên hiệu, có khi ngày tháng chế tạo, niên đại hoặc đóng dấu vào đáy ấm khi tác phẩm hoàn tất. Triện thường hình vuông, hình tròn hay bầu dục khắc nổi. Những chiếc ấm đắt tiền có khi có thêm một cái triện nhỏ bên trong nắp ấm, hoặc một con dấu khác dưới tay cầm. Trước đây, ấm thường đóng dấu tên hãng sản xuất rõ là một món hàng sản xuất theo số lượng nhiều nhưng sau này đa số ấm đóng dấu tên người, chứng tỏ nay họ coi là một tác phẩm và nghệ nhân tự hào nên để tên mình. Dĩ nhiên cái gì cũng có hai mặt, và có xấu đẹp. Ngay cả những loại hàng bán vài đồng cũng có con dấu nguệch ngoạc. Thế nhưng đó cũng là một hiện tượng cần ghi nhận là nền công nghiệp đang chuyển hướng, mang nhiều màu sắc nghệ thuật hơn.
Những loại ấm sản xuất theo kiểu công nghệ thì chữ viết hay hoa văn được in bằng một loại mực không phai. Sau đó ấm được chuyển sang cho thợ cho vào lò nung.
Nghề nặn ấm cho đến nay vẫn đòi hỏi một thời gian học nghề lâu theo kiểu sư phụ đệ tử chân truyền. Phải mất nhiều năm mới học được hết bí quyết. Tuy nhiều khi người ta nhái lại những kiểu ấm danh tiếng cũ, nhưng cũng có nghệ nhân mới sáng tạo nhiều kiểu mới. Những người sành sỏi cho rằng với phương pháp tân kỳ, trình độ cao đẳng, nhiều ấm thời mới có nét độc đáo không kém gì những chiếc ấm do các danh sư xưa nặn ra, nếu không nói rằng trội hơn nữa. Chính quyền Trung Cộng cũng thành lập nhiều cơ quan, nghiên cứu, áp dụng khoa học để tái tạo những chiếc ấm cũ không sai một mảy. Tuy là đồ giả nhưng giá đắt không khác gì đồ cổ để bán cho những nhà sưu tầm. Ngoài giá trị lịch sử, những tác phẩm đó còn là một niềm tự hào về nghệ thuật của họ. Trong những năm qua, tại Bắc Mỹ này đã nhiều lần triển lãm ấm Nghi Hưng. Bộ sưu tập của Tiến Sĩ La Quế Tường (K.S. Lo) được trưng bày trong khoảng 1990-92 tại Phoenix Art Museum, Trung Tâm Văn Hóa Hoa Kiều San Francisco, Indianapolis Art Museum, và Ontario Museum.
Ấm Nghi Hưng cũng đã được huy chương vàng trong các kỳ chợ phiên quốc tế chẳng hạn như tại Philadelphia năm 1926 và ở Leipzig và Liege trong thập niên 1930.
CHỌN MUA VÀ DƯỠNG ẤM TỬ SA
Căn cứ vào chất đất, kỹ thuật, hình thù của ấm,…mà ta có thể thử nghiệm khi mua ấm tử sa như sau: Nắp ấm không cong vênh, đậy nắp kín, thả vào chậu nước nổi bồng bềnh, không nghiêng lệch (chọn mua dòng ấm Thủy Bình); Bịt chặt lỗ thông hơi trên núm nắp ấm, khi đó nghiêng ấm rót mà không chảy; tay cầm ấm, dùng nắp ấm xoay tròn, nắp xoay trơn chu thì phần chế tác phần miệng và nắp chuẩn. Dùng lợi nắp ấm cà lên thành ấm phát ra âm thah trong, sắc, vang (khuyến cáo quý trà hữu khi thử ấm không lên dùng nắp ấm gõ lên thân ấm như vậy là không tôn trọng ấm, bởi mỗi một ấm là chứa đựng tâm huyết nghệ nhân chế tác, phần hồn của ấm). Khi rót trà, nghiêng ấm 90 độ mà không rơi nắp. Tất cả những thứ ấy ngày nay đã trở thành tiêu chuẩn kinh điển, mà nhà sản xuất ấm Tử sa nào cũng phải đạt tới.
Như vậy, việc chọn mua một chiếc ấm trước hết phải xuất phát từ chính nhu cầu của người mua. Nếu mục đích của bạn tìm chiếc ấm Tử sa để hàng ngày làm bạn với trà, thì nên chọn kiểu ấm đơn giản, hoa văn trang trí không cần quá cầu kỳ, quái lạ. Thuận lợi trong việc thưởng trà, ấm có hình thể cân đối, vững chãi.
Còn những ấm mua để sưu tầm, trang trí, mang tính nghệ thuật cao thì nên chọn những ấm có kiểu dáng độc, lạ mắt, hoa văn trau chuốt, tinh xảo, có nhiều ý nghĩa. Nhưng vẫn đáp ứng được tiêu chuẩn về chất đất, kỹ năng làm ấm. Về ấm nhiều tiền hay ít tiền thì cần căn cứ: Hàm lượng khoáng chất tử sa, kỹ thuật chế tác ấm, cấp bậc nghệ nhân chế tác, nơi sản xuất, quá trình nhập xuất (thuế hay không thuế),… do vậy, khi mua ấm. Quý khách hàng cần chú ý tới những điểm trên để chọn cho mình được một chiếc ấm tốt với giá thành hợp lý.
CÁCH CHỌN ẤM TỬ SA
1. NHÌN: Các bộ phận như :thân ấm, nắp, miệng, vòi, quai, đáy phải cân đối, liền lạc. Màu sắc đồng đều trong ngoài. Dấu triện của nghệ nhân hay nhà sản xuất rõ ràng, đặt cân đối ở trung tâm đáy ấm, theo trục thẳng từ quai sang vòi ấm. Những chiếc ấm đắt tiền thường có thêm dấu triện phụ dưới nắp và quai cầm thật rõ nét. Vòi ấm có thể dài ngắn khác nhau. Đảm bảo công năng.
2. NGHE: Một tay cầm ấm, một tay dùng nắp cà lợi nắp ấm lên miệng ấm. Nghe âm thanh trong, vang như “Khánh”. Không nên gõ vào thân ấm! Dùng nắp ấm xoay quanh miệng ấm, trơn, mượt không rít.
3. CẢM NHẬN: Trơn láng, mịn, bóng đối với dòng đất Chu. Có các hạt khoáng tử sa nhỏ li ti trên thân ấm, kích thước hạt khoáng không đều, khác nhau. Nắp và miệng ấm khít khao, Vòi ấm khi rót trà tạo dòng suôn. Nghiêng ấm rót trà 90 độ mà không rơi nắp. Nắp ấm khít, ngắt dòng trà chuẩn mà không lem miệng…
— Nhân học thư pháp, tìm hiểu về trà
.
Nghề chơi cũng lắm công phu thật mà