Thursday, July 4, 2024

CẬU THỢ KHÓA

  



Tôi đến cậu thợ khóa hay ngồi ở đầu phố để làm thêm một chìa khóa dự trữ đề phòng khi thất lạc, mình già rồi, hay lẩn thẩn.

Cậu thao tác thoăn thoắt, loáng một cái đã xong, chưa đến 10 phút. Tôi đứng lên vừa trả tiền vừa khen: 

- Rất nhanh, rất sáng tạo. Thiết bị cũng gọn nhẹ. Cháu giỏi lắm! 

- Cháu làm nghề này thú vị đấy!

- Dạ, đâu có gì thú vị ạ. Cái nghề này tuy chân chính mà lại gắn bó với một biểu tượng nhục nhã của xã hội đó bác. 

- Sao?

- Dạ, cái khóa là một biểu tượng của sự không tin cậy giữa con người với con người.

Hết sức ngạc nhiên trước câu nói này, tôi lại ngồi xuống nghe chuyện. Nhìn kỹ cậu thợ khóa trẻ, cũng có vẽ thư sinh. Hơi đen chắc do cả ngày ngoài nắng gió.

- Cháu làm thợ khóa bao lâu rồi ?

- Dạ ba năm rồi ạ.

- Trước đó cháu làm gì?

- Dạ ... dạ... con dạy học.

Tôi lấy làm lạ.

- Cháu dạy môn gì và vì sao thôi dạy hoc?

- Dạ con dạy Sử cấp ba. Do con bị viêm thanh quản, nói tiếng khao khao như thế này. Không chữa được. Cũng không muốn nhà trường khó nhọc tìm việc khác cho mình, con xin nghỉ.

- Thế làm thợ khóa thu nhập ra sao?

- Dạ cũng tương đương khi đi dạy.

Tôi thấy thích anh chàng nầy.

- Cháu nói về cái khóa sâu sắc lắm.

Dường như tôi bắt đúng làn sóng của cậu ấy, cậu sôi nổi: 

- Bác thấy đó, người ta liên tục sáng tạo ra các loại khóa mà kẻ gian cũng liên tục sáng tạo ra cách mở trộm. Có người ghé hiệu thuốc chỉ 5 phút cũng phải khóa xe máy, nhưng kẻ gian chỉ cần 10 giây để mở được khóa và trộm xe.

Trong Thành phố, biết bao ngôi nhà phải có rào sắt kiên cố, trên đỉnh rào còn phải có hàng lưới mác nhọn ghê hồn. Có người còn chưa yên tâm, quấn thêm dây thép gai lưỡi búa sắc như dao trên đầu rào. Còn ổ khóa cổng thì muôn phần hiện đại chắc chắn. Sao lại phải đến thế? 

Có vẻ thấy tôi chăm chú nghe, cậu nói tiếp:

- Hằng ngày con thường đi qua một nhà hàng ở phường Thảo Điền này. Ông bà chủ người Tây Ban Nha phải dùng xích sắt khóa cái thùng rác bằng nhựa của họ vì đã từng bị mất cắp. Có nhục không? Họ nghĩ về môi trường xã hội, về con người Việt Nam thế nào?

Tôi thở dài:

- Ờ, trước đây từng có thời nhà không cần cổng, vườn không cần rào. Có thể khép cửa không cần khóa mà yên tâm cấy cày cả buổi ngoài đồng. 

- Dạ đó quả là một xã hội thân thiện, tin cậy lẫn nhau đến thế. Con cũng từng nghe như vậy, nay đâu rồi bác?

Tôi hiểu cậu ấy không chờ tôi trả lời. Cậu không nhìn tôi, thấp giọng nói tiếp:

- Lòng tin con người bị sứt mẻ ở khắp nơi. Sáng đi chợ, mua một mớ rau cho vợ con ăn, con cũng xót xa rằng khó mà tránh được hóa chất độc hại do người trồng sử dụng vì hám lợi. Trưa ghé hiệu thuốc mua một hộp tinh bột nghệ chữa dạ dày cho vợ, không biết có pha bột màu xây dựng trong đó không? Nếu tinh bột nghệ giả bằng bột sắn dây hay bột mì thì đó còn là sự lừa đảo có lương tâm. Ôi lòng tin ở con người! 

Cậu nói với sự xúc động của một cha, một người chồng bất lực. 

Chúng tôi cùng im lặng. 

Một người trẻ như cậu ấy cũng trăn trở với tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội. Sự dối trá, vô cảm, bạo lực xảy ra quá phổ biến nên trở thành bình thường. Trên TV, trên báo mạng đưa đầy rẫy chuyện cướp bóc, trộm cắp, đâm chém... nghe mãi rồi thành quen, không còn quá xót xa vì nhân tình, không còn quá nhức nhối vì quốc thể, ấy mới là điều đáng sợ.

Cậu ấy cầm cái dũa gạch gạch mạnh trên nền xi măng. Tôi cảm nhận sự bức xúc của cậu.

- Cháu nói đúng với thực tế lắm. Bác cũng có những trải nghiệm và nhận xét tương tự.

Nhưng... 

Tôi định làm không khí nhẹ bớt bằng những câu chuyện đầy tình người trong đại dịch vừa qua thì đúng lúc đó một khách hàng khác đến chữa khóa, chấm dứt câu chuyện của chúng tôi. 

Tôi đứng dậy chào ra về. Cái ống khóa trì nặng trong túi tôi như dòng suy tư nặng nề chưa dứt. 


Sưu tầm