Trong cuộc sống, “Làm gì” luôn là câu hỏi quan trọng nhất, mà mỗi cá nhân phải tự tìm câu trả lời.
Tại sao vậy? Đơn giản vì số lượng công việc thì vô hạn, nhưng quỹ thời gian của mỗi chúng ta lại có hạn. Bạn không thể làm hết mọi việc. Làm việc này thì không còn thời gian làm việc khác. Vì thế phải lựa chọn. Đôi khi, một người không thành công, không phải vì lười biếng, mà vì anh ta đã chăm chỉ làm những việc không đáng làm.
Thế hệ chúng tôi lớn lên trong cái thời bao cấp, khi mà con người chỉ được làm những việc mà tổ chức phân công. Lúc đó, không ai có quyền lựa chọn. Đặc biệt, trong môi trường quân đội, nơi tôi công tác hàng chục năm, thì “quân lệnh như sơn”. Cấp trên giao việc gì, phải làm việc đó. Không làm tức là chống đối. Lúc đó, tôi quan sát thấy, có rất nhiều người được phân công những việc họ không biết làm, nhưng vẫn phải nhận. Tất nhiên, kết quả công việc trong những trường hợp này thì không thể tốt. Thế là họ bị đánh giá là không cố gắng hoặc không có năng lực. Lâu dần họ trở thành những kẻ bất đắc chí, làm việc gì cũng không ra hồn. Nhưng khi tiếp xúc với họ, tôi thấy họ cũng có những khả năng tốt. Đáng tiếc là những khả năng này không bao giờ được sử dụng.
Và tôi không bao giờ muốn rơi vào hoàn cảnh của họ.
GIỮA 2 CÁCH NGHĨ : “THẰNG NÀO RÃNH GIAO CHO NÓ LÀM” vs “THẰNG NÀO GIỎI GIAO CHO NÓ LÀM”
Vì thế, khi cấp trên phân công việc mà tôi không giỏi, tôi thường mạnh dạn kiến nghị, ví dụ: “Báo cáo thủ trưởng, nhiệm vụ đơn vị giao thì em xin nhận. Nhưng em cũng xin được báo trước là em không giỏi việc này, nên nhiều khả năng sẽ hỏng việc”. Hóa ra, rất nhiều thủ trưởng phân việc theo tư duy “thằng nào đang rỗi thì giao cho nó”, mà chẳng quan tâm đến chuyện “nó có biết làm việc này không, có đúng người đúng việc hay không”? Khi nghe tôi kiến nghị, các thủ trưởng mới giật mình cân nhắc lại và thường hỏi: “Thế đứa nào biết làm việc này”? Lúc đó tôi mới mách nước: “Đồng chí A làm việc này là tốt nhất. Còn việc đồng chí A đang làm, có nhiều người có thể làm thay được”. Bằng cách đó, tôi luôn tránh phải làm những việc không đúng sở trường.
Nhưng tôi trốn việc không phải để đi chơi mà để làm những việc tôi có thể làm tốt hơn. Thỉnh thoảng, tôi lại đề nghị: “Việc này, việc kia em có thể làm rất tốt, thủ trưởng giao cho em đi”. Cách hành xử này mang lại lợi ích kép: vừa được làm công việc phù hợp với năng lực bản thân, vừa được cấp trên khen là có tinh thần xung phong nhận nhiệm vụ!
Ngày nay, chúng ta được sống trong môi trường cởi mở hơn. Mỗi người đều có quyền chọn công việc cho mình. Nhưng có quyền chọn, mà không chọn, mới thật sự đáng tiếc.
Tôi xin chia sẻ suy nghĩ riêng của mình về vấn đề này.
Ngoại trừ những việc (cấp bách hoặc đặc biệt cần thiết) bắt buộc phải làm, đối với những việc còn lại tôi luôn đặt câu hỏi “mình có nên làm việc này hay không”?
NGUYÊN TẮC CHỌN VIỆC
Tôi có những nguyên tắc đơn giản để lựa chọn công việc.
- Những việc mờ ám - không làm.
- Những việc không mang lại lợi ích cho bất cứ ai - không làm.
- Không phải sở trường của mình - không làm.
- Nếu có hai việc đáng làm, cùng mang lại hiệu quả như nhau, tôi sẽ chọn việc dễ hơn.
- Nếu có hai việc đáng làm, vất vả như nhau, tôi sẽ chọn việc có hiêụ quả hơn.
- Những việc không mang lại lợi ích cho bất cứ ai - không làm.
- Không phải sở trường của mình - không làm.
- Nếu có hai việc đáng làm, cùng mang lại hiệu quả như nhau, tôi sẽ chọn việc dễ hơn.
- Nếu có hai việc đáng làm, vất vả như nhau, tôi sẽ chọn việc có hiêụ quả hơn.
Tôi luôn tâm niệm, hãy bắt đầu học cách làm tốt những việc dễ, trước khi định thử sức với những việc khó hơn.
Tôi xuất thân là dân học toán. Mà dân toán thì thường đâm đầu vào những bài toán khó nhất, kể cả những bài toán mấy thế kỷ chưa có người giải được (như bài toán Ferma chẳng hạn). Nhưng cuộc sống không phải là toán học, chẳng có ai sống đến mấy trăm năm để chờ ta nghĩ ra lời giải. Cuộc sống luôn đòi hỏi ta phải “make things happen” hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm. Vì thế hãy chọn những việc dễ để có thể hoàn thành trong một thời gian xác định. Thật may, trong cuộc sống, có rất nhiều việc dễ, nhưng thực sự đáng làm.
CHỌN VIỆC GÌ DỄ HƠN
Nguyên tắc “chọn việc dễ hơn” có thể gây tranh cãi. Trong một bài hát cũ, có câu “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ nhường phần ai”? Nhưng tinh thần rất nhân văn này chỉ đúng trong một thế giới đóng kín. Ngày nay, trong thế giới mở, người chọn việc gian khổ sẽ bị thiệt thòi. Chắc bạn cũng biết, hàng trăm ngàn người Việt ở nước ngoài đang gian khổ làm osin và cũng hàng trăm ngàn người nước ngoài ở Việt Nam thì sung sướng làm ông chủ. Trong các khách sạn năm sao ở Việt Nam, người Việt hầu hết chỉ làm bảo vệ, bồi bàn, dọn phòng,… nhường các công việc quản lý, giám đốc cho người ta. Thật là một giá trị nhân văn buồn! Tất nhiên, đây là góc nhìn của cá nhân tôi, không đại diện cho ai cả.
CÁI DỄ LÀM TỐT RỒI, THỬ SỨC CÁI KHÓ
Khi đã làm tốt những việc dễ, bạn có thể thử sức với những việc khó hơn. Tuy nhiên, bạn vẫn phải chú ý chọn những việc vừa sức. Dân chơi gôn có câu: “cố quá” thì thành “quá cố”. Cũng giống như trong lĩnh vực âm thanh, nếu bạn có bộ loa thùng 500W, bạn nghe với âm lượng 300-400W thì rất hay, nhưng nếu bạn phải nghe ép tới 600W, chất lượng âm thanh sẽ rất tệ và loa cũng mau hỏng. Với những việc vừa sức, hiệu suất của bạn sẽ cao nhất và bạn sẽ có cơ hội thành công hơn so với những việc quá sức.
Và quan trọng là phải biết từ chối những việc không phù hợp. Nhiều người thiếu thời gian chỉ vì không biết từ chối nhiều việc không đâu.
Tôi luôn tâm niệm: đi chơi còn có ích hơn chăm chỉ làm những việc không đáng làm!
.
=========================
==HOANG MINH CHAU==