Monday, September 5, 2022

“Cố tật” muộn giờ


Khác với “giờ dây thun” thông thường, hội chứng muộn giờ mãn tính khiến người bệnh luôn chậm trễ thời gian ở mọi nơi, mọi lúc, nhiều khi bắt đầu từ tuổi thơ ấu và không hề thay đổi theo tiến trình trưởng thành.

Mặc dù đã tìm mọi cách nhưng người bệnh vẫn không thể nào khắc phục, đoạn tuyệt được với hội chứng muộn giờ mãn tính. Kết quả là họ ngày càng lo lắng, buồn phiền đến cạn kiệt sức lực. Họ cũng khó nhận được sự cảm thông, làm mất uy tín, thậm chí mất bạn, mất việc, mất hạnh phúc riêng tư cũng chỉ vì hội chứng muộn giờ mãn tính oái oăm.

CHUYỆN TỪ CHUYÊN GIA TÂM THẦN

Một chuyên gia tâm thần đã kể về một người bạn từ thời thơ ấu và sau này là bệnh nhân của mình. Chứng muộn giờ ở bạn bắt đầu từ bậc tiểu học. Khi 5-10 phút, lúc 20-30 phút… bạn bị muộn giờ học thường xuyên và chẳng có lý do gì hết, nhưng bạn vẫn vô tư và các bạn trong lớp… cũng vô tư. Duy nhất có cô giáo nhận ra sự không bình thường ấy ở bạn. Cô đã cất công tìm hiểu kỹ về gia đình, cuộc sống ngoài trường học của bạn và nhận ra rằng, bạn sống trong một môi trường có quá ít tiếng cười, trong một gia đình không trọn vẹn, nhiều khó khăn. Từ đó, thay vì tỏ thái độ không hài lòng, nhiều lúc bực bội, cô bỗng cảm thấy thương học trò của mình mặc dù bạn vẫn thường xuyên xin được vào lớp khi bài giảng đã nửa chừng hoặc gần kết thúc. Hình như học trò của mình có bệnh? Nhưng bệnh gì? Cô giáo không biết, không ai lúc ấy biết, tất cả chỉ nghĩ rằng đó là một cố tật của bạn.NDN_Co tat muon gio_2_resize

Năm tháng qua đi, bạn vào trung học nhưng “cố tật” ấy đeo bám bạn. Bạn không chỉ muộn các giờ lên lớp mà còn muộn giờ tất thảy mọi hoạt động của trường lớp. Từ các buổi tham quan, dã ngoại, xem văn nghệ… đến những chuyến về quê thăm họ hàng, du lịch cùng gia đình, dù có chuẩn bị rất chu đáo về tinh thần kèm theo giải pháp kỹ thuật như điều chỉnh đồng hồ hay để chuông báo trước lúc phải khởi hành cả nửa ngày hoặc nhờ người lớn nhắc nhở… bạn vẫn bị muộn giờ. Song, tật cố hữu đó vẫn luôn tồn tại khiến bạn đâm bực bội với chính mình, ngượng ngùng với bạn bè cùng lớp cùng trường, mang lỗi với thầy cô, gây phiền phức cho cha mẹ… Những cảm giác đó bạn chia sẻ, nhưng không ít người tin bạn, họ cho là bạn đang cố gắng tự bào chữa. Thế là, bạn khép mình lại, ngại tiếp xúc, luôn chán nản, buồn bực, kém tập trung khiến cho học lực giảm sút. Những ngày cuối ở bậc trung học, bạn dứt khoát bỏ học rồi xin đi làm thợ phụ cho một xí nghiệp nhỏ. Nghe nói, bạn đã bị đuổi việc nhiều lần sau đó và giờ đây đang thất nghiệp, bởi lẽ có người chủ doanh nghiệp nào chấp nhận chứng muộn giờ của bạn dù họ là chỗ quen biết hay thậm chí là bà con của gia đình bạn.

Cuộc đời bạn sẽ ra sao khi không có việc làm, không có bạn bè chí cốt, mất niềm tin vào con người nói chung và chính bản thân mình? Bạn đã đến khám tại nhiều bệnh viện, làm đủ thứ xét nghiệm và thử nghiệm. Bác sỹ nói bạn có những rối loạn trạng thái cơ bản như trong bệnh trầm cảm. Bác sỹ khác giải thích tình trạng này ảnh hưởng tới một phần não bộ, làm cho bạn không đánh giá đúng sự dịch chuyển của thời gian, không thể xác định được phải mất bao lâu để thực hiện một việc nào đó. Người ta cũng nói rằng, tình trạng này bắt nguồn ở cùng một vùng não bị ảnh hưởng bởi những người mắc chứng tăng động, giảm chú ý (Attention Deficit Hyperactivity Disorder – ADHD). Nhiều người bị ADHD phải vật lộn khá vất vả với việc quản lý thời gian, không khác gì bạn.NDN_Co tat muon gio_1_resize

KHÔNG BAO GIỜ MUỘN TRỞ LẠI

Tại Việt Nam cho đến nay, chưa có một thống kê nào về tỉ lệ mắc hội chứng muộn giờ mãn tính. Ở Hoa kỳ, trong một nghiên cứu trên 200 người, Diana Delonzer đã tìm thấy 17% trong số đó bị hội chứng muộn giờ mãn tính. Từ thực tế của bệnh nhân Jim Dunbar phát hiện vào mùa hè năm 2013 ở Scotland, từ những chia sẻ bản thân qua cuốn sách Never be late again (tạm dịch: Không bao giờ muộn trở lại nữa) của Diana Delonzer, hay các công trình của giáo sư Susan Krauss, hoặc nghiên cứu của nhà tâm lý học Pauline Wallin… người ta bàn nhiều về nguyên nhân chứng muộn giờ mãn tính. Trong đó, người ta đề cập tới những rối loạn tâm sinh lý thông qua rối loạn thôi thúc ám ảnh, rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn nhân cách cưỡng ép thụ động và những vấn đề tự hủy hoại, những vấn đề vượt quá tầm kiểm soát. Tuy nhiên, vấn đề là điều gì gây nên những rối loạn nói trên? Di truyền, miễn dịch, môi trường sống, yếu tố xã hội, hay stress, hoặc sau chấn thương sọ não, tai biến mạch não, xơ vữa động mạch não…?

Để có câu trả lời thỏa đáng, các nhà khoa học, đặc biệt những chuyên gia tâm thần kinh và tâm lý còn cần thêm nhiều thời gian và công sức. Nói như vậy để ý thức được rằng việc phòng tránh và chữa trị hội chứng muộn giờ mãn tính không hề đơn giản. Lẽ tất nhiên, người ta cũng đã đề ra nhiều biện pháp dù không đặc hiệu nhưng chí ít không làm bệnh trầm trọng thêm. Chẳng hạn như người bệnh tạo cho mình thú vui với một công việc nào đó để thoát khỏi nhàn rỗi, thoát khỏi cảm giác chán đời, tuyệt vọng. Bạn nên chọn cho mình loại hình nghệ thuật yêu thích nào đó, đồng thời cố gắng hòa mình vào tập thể cơ quan, xí nghiệp để tăng cường tiếp xúc, tạo những niềm vui nho nhỏ, xa rời cảm giác bất lực, vô dụng, được tâm sự, sẻ chia và đừng quên lập kế hoạch mỗi ngày thật chi tiết. Tốt nhất, bạn hãy đến với các chuyên gia để được sử dụng liệu pháp tâm lý hoặc hãy làm quen với yoga vì đây là một biện pháp “dưỡng thần” hữu hiệu.

st