Tuesday, January 14, 2025

 Bẫy Thu Nhập Trung Bình

Nguy Cơ Các Quốc  Gia Đông Nam Á Đi Lại Con Đường của Các Quốc Gia Nam Mỹ

Tác giả: William Bratton

Người dịch: Liem Mai



Dự phóng kinh tế hiện nay có vẻ chỉ ra rằng vùng này (Đông Nam Á) sẽ chật vật để thoát khỏi Bẫy Thu Nhập Trung Bình – William Bratton


(𝘓𝘰̛̀𝘪 𝘯𝘨𝘶̛𝘰̛̀𝘪 𝘥𝘪̣𝘤𝘩: 

𝘉𝘢̀𝘪 𝘯𝘢̀𝘺 𝘥𝘪̣𝘤𝘩 𝘵𝘶̛̀ 𝘣𝘢̀𝘪 𝘣𝘢́𝘰 “𝘚𝘰𝘶𝘵𝘩𝘦𝘢𝘴𝘵 𝘈𝘴𝘪𝘢 𝘳𝘪𝘴𝘬𝘴 𝘴𝘵𝘶𝘮𝘣𝘭𝘪𝘯𝘨 𝘵𝘰𝘸𝘢𝘳𝘥 𝘢 𝘚𝘰𝘶𝘵𝘩 𝘈𝘮𝘦𝘳𝘪𝘤𝘢𝘯 𝘧𝘶𝘵𝘶𝘳𝘦” 𝘤𝘶̉𝘢 𝘞𝘪𝘭𝘭𝘪𝘢𝘮 𝘉𝘳𝘢𝘵𝘵𝘰𝘯, đ𝘢̆𝘯𝘨 𝘵𝘳𝘦̂𝘯 𝘕𝘪𝘬𝘬𝘦𝘪 𝘈𝘴𝘪𝘢 𝘙𝘦𝘷𝘪𝘦𝘸 𝘯𝘨𝘢̀𝘺 28/11/2021.

𝘞𝘪𝘭𝘭𝘪𝘢𝘮 𝘉𝘳𝘢𝘵𝘵𝘰𝘯 𝘭𝘢̀ 𝘵𝘢́𝘤 𝘨𝘪𝘢̉ 𝘤𝘶̉𝘢 𝘤𝘶𝘰̂́𝘯 𝘴𝘢́𝘤𝘩 “𝘊𝘩𝘪𝘯𝘢’𝘴 𝘙𝘪𝘴𝘦, 𝘈𝘴𝘪𝘢’𝘴 𝘋𝘦𝘤𝘭𝘪𝘯𝘦 (𝘚𝘶̛̣ 𝘛𝘳𝘰̂̃𝘪 𝘋𝘢̣̂𝘺 𝘤𝘶̉𝘢 𝘛𝘳𝘶𝘯𝘨 𝘘𝘶𝘰̂́𝘤 𝘷𝘢̀ 𝘚𝘶̛̣ 𝘟𝘶𝘰̂́𝘯𝘨 𝘋𝘰̂́𝘤 𝘤𝘶̉𝘢 𝘈́ 𝘊𝘩𝘢̂𝘶)”. 𝘖̂𝘯𝘨 𝘤𝘰́ 𝘩𝘰̛𝘯 20 𝘯𝘢̆𝘮 𝘬𝘪𝘯𝘩 𝘯𝘨𝘩𝘪𝘦̣̂𝘮 𝘰̛̉ 𝘈́ 𝘊𝘩𝘢̂𝘶 𝘷𝘦̂̀ 𝘤𝘰̂́ 𝘷𝘢̂́𝘯 𝘲𝘶𝘢̉𝘯 𝘵𝘳𝘪̣ 𝘷𝘢̀ đ𝘢̂̀𝘶 𝘵𝘶̛, 𝘵𝘶̛̀𝘯𝘨 𝘭𝘢̀ 𝘛𝘳𝘶̛𝘰̛̉𝘯𝘨 𝘕𝘩𝘰́𝘮 𝘕𝘨𝘩𝘪𝘦̂𝘯 𝘊𝘶̛́𝘶 𝘊𝘩𝘶̛́𝘯𝘨 𝘒𝘩𝘰𝘢́𝘯 𝘵𝘢̣𝘪 𝘈́ 𝘊𝘩𝘢̂𝘶 𝘷𝘢̀ 𝘛𝘩𝘢́𝘪 𝘉𝘪̀𝘯𝘩 𝘋𝘶̛𝘰̛𝘯𝘨 𝘤𝘶̉𝘢 𝘯𝘨𝘢̂𝘯 𝘩𝘢̀𝘯𝘨 𝘏𝘚𝘉𝘊. 𝘖̂𝘯𝘨 𝘵𝘰̂́𝘵 𝘯𝘨𝘩𝘪𝘦̣̂𝘱 𝘵𝘪𝘦̂́𝘯 𝘴𝘪̃ 𝘷𝘦̂̀ 𝘬𝘪𝘯𝘩 đ𝘪̣𝘢 𝘭𝘺́ (𝘌𝘤𝘰𝘯𝘰𝘮𝘪𝘤 𝘎𝘦𝘰𝘨𝘳𝘢𝘱𝘩𝘺) 𝘵𝘢̣𝘪 đ𝘢̣𝘪 𝘩𝘰̣𝘤 𝘊𝘢𝘮𝘣𝘳𝘪𝘥𝘨𝘦, 𝘈𝘯𝘩 𝘘𝘶𝘰̂́𝘤.

𝘉𝘢̂̃𝘺 𝘛𝘩𝘶 𝘕𝘩𝘢̣̂𝘱 𝘛𝘳𝘶𝘯𝘨 𝘉𝘪̀𝘯𝘩 (𝘔𝘪𝘥𝘥𝘭𝘦 𝘐𝘯𝘤𝘰𝘮𝘦 𝘛𝘳𝘢𝘱) 𝘭𝘢̀ 𝘮𝘰̣̂𝘵 𝘵𝘩𝘶𝘢̣̂𝘵 𝘯𝘨𝘶̛̃ 𝘥𝘰 𝘞𝘰𝘳𝘭𝘥 𝘉𝘢𝘯𝘬 đ𝘶̛𝘢 𝘳𝘢 𝘯𝘢̆𝘮 2006. 𝘕𝘰́ 𝘤𝘩𝘪̉ 𝘵𝘪̀𝘯𝘩 𝘵𝘳𝘢̣𝘯𝘨 𝘮𝘰̣̂𝘵 𝘲𝘶𝘰̂́𝘤 𝘨𝘪𝘢, 𝘥𝘶̛̣𝘢 𝘷𝘢̀𝘰 𝘮𝘰̣̂𝘵 𝘴𝘰̂́ 𝘭𝘰̛̣𝘪 𝘵𝘩𝘦̂́ 𝘣𝘢𝘯 đ𝘢̂̀𝘶, đ𝘢̣𝘵 đ𝘶̛𝘰̛̣𝘤 𝘮𝘶̛́𝘤 𝘱𝘩𝘢́𝘵 𝘵𝘳𝘪𝘦̂̉𝘯 𝘬𝘪𝘯𝘩 𝘵𝘦̂́ 𝘳𝘰̂̀𝘪 đ𝘶̛́𝘯𝘨 𝘩𝘰𝘢̀𝘪 𝘰̛̉ 𝘮𝘶̛́𝘤 𝘯𝘢̀𝘺. 𝘊𝘶̣ 𝘵𝘩𝘦̂̉ 𝘩𝘰̛𝘯, 𝘯𝘢̆𝘮 2011, 𝘮𝘶̛́𝘤 𝘯𝘢̀𝘺 𝘯𝘰́𝘪 𝘷𝘦̂̀ 𝘲𝘶𝘰̂́𝘤 𝘨𝘪𝘢 𝘷𝘰̛́𝘪 𝘭𝘰̛̣𝘪 𝘵𝘶̛́𝘤 𝘣𝘪̀𝘯𝘩 𝘲𝘶𝘢̂𝘯 đ𝘢̂̀𝘶 𝘯𝘨𝘶̛𝘰̛̀𝘪 𝘵𝘶̛̀ $1,000 đ𝘦̂́𝘯 $12,000, 𝘵𝘪́𝘯𝘩 𝘵𝘩𝘦𝘰 𝘵𝘳𝘪̣ 𝘨𝘪𝘢́ Đ𝘰̂ 𝘓𝘢 𝘯𝘢̆𝘮 2011. 𝘛𝘶̛̀ 𝘯𝘢̆𝘮 1960 𝘤𝘩𝘰 đ𝘦̂́𝘯 2010, 𝘵𝘳𝘰𝘯𝘨 101 𝘲𝘶𝘰̂́𝘤 𝘨𝘪𝘢 đ𝘢̣𝘵 𝘮𝘶̛́𝘤 𝘭𝘰̛̣𝘪 𝘵𝘶̛́𝘤 𝘵𝘳𝘶𝘯𝘨 𝘣𝘪̀𝘯𝘩, 𝘤𝘩𝘪̉ 𝘤𝘰́ 15 𝘲𝘶𝘰̂́𝘤 𝘨𝘪𝘢 𝘵𝘩𝘰𝘢́𝘵 𝘬𝘩𝘰̉𝘪 𝘉𝘢̂̃𝘺 𝘛𝘩𝘶 𝘕𝘩𝘢̣̂𝘱 𝘛𝘳𝘶𝘯𝘨 𝘉𝘪̀𝘯𝘩 𝘯𝘢̀𝘺, 𝘵𝘳𝘰𝘯𝘨 đ𝘰́ 𝘤𝘰́ 𝘏𝘰𝘯𝘨 𝘒𝘰𝘯𝘨, Đ𝘢̀𝘪 𝘓𝘰𝘢𝘯, 𝘚𝘪𝘯𝘨𝘢𝘱𝘰𝘳𝘦, 𝘕𝘢𝘮 𝘏𝘢̀𝘯 𝘷𝘢̀ 𝘕𝘩𝘢̣̂𝘵).


Người ta dễ dàng quên rằng, chính Nam Mỹ chứ không phải Á Châu, một thời được xem là những điểm nóng về phát triển kinh tế. Nhiều quốc gia trong vùng Nam Mỹ tương đối thịnh vượng trong nửa đầu thế kỷ 20. Thí dụ Argentina lúc đó là một trong những quốc gia giàu có của thế giới. Các nước Nam Mỹ cũng đạt được mức tăng trưởng rất ấn tượng trong thời gian ngay sau Thế Chiến Hai. Nhưng sau thời gian huy hoàng này, Nam Mỹ đã tụt lại. Tổng Sản Lượng Quốc Gia (GDP) của Nam Mỹ, so với GDP của Hoa Kỳ, đã suy giảm từ 22% năm 1980  xuống chỉ còn 17% năm 2020. Nếu tính theo lợi tức bình quân đầu người (GDP per capita), sự suy giảm này còn u ám hơn. Lợi tức bình quân đầu người của Brazil, so với lợi tức bình quân đầu người của Hoa Kỳ, đã giảm từ 22% năm 1980 xuống còn 14% năm 2020. Trong cùng thời gian trên, lợi tức bình quân đầu người của Mexico đã giảm từ 25% xuống 15% lợi tính bình quân đầu người của Hoa Kỳ.


Sự suy giảm kinh tế này, và sự bất lực sau đó của các quốc gia Nam Mỹ để thoát khỏi Bẫy Thu Nhập Trung Bình, có thể được giải thích bằng những yếu tố tổng quát nhưng có liên hệ với nhau. Yếu tố thứ nhất là các quốc gia này đã không nâng cấp được các cấu trúc kinh tế, phát triển những công nghệ cạnh tranh với thế giới và giảm sự tùy thuộc vào việc xuất cảng những sản phẩm sơ cấp. Yếu tố thứ hai là sự thiếu hiệu quả trong việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng kinh tế và xã hội ngày càng tăng. Yếu tố thứ ba là sự bất ổn chính trị trong khu vực đã dẫn đến những chánh sách mị dân ngắn hạn hơn là hướng về phát triển kinh tế dài hạn.

Về địa lý, Nam Mỹ có thể cách xa Đông Nam Á, nhưng càng ngày càng có nhiều tương đồng giữa hai vùng.

Giống như Nam Mỹ, các quốc gia Đông Nam Á, với ngoại lệ nổi bật của Singapore, đã chật vật trong việc phát triển những kỹ nghệ tiên tiến rất cần thiết để chuyển từ phát triển kinh tế đơn giản, dựa vào sức lao động sang phát triển kinh tế bền vững hơn, dựa vào năng suất.

Đúng là trong vùng Đông Nam Á cũng có những khu vực sản xuất với năng suất cao nhưng chúng chỉ tập trung trong một vài nơi và không đủ lớn đủ mạnh để có thể cạnh tranh quốc tế. Thay vào đó, việc sản xuất trong vùng thường là cho ra các sản phẩm sơ cấp, hướng về tiêu thụ nội địa, dù cho có nhiều cố gắng, nhưng thường thất bại, để phát triển đến những lãnh vực cao cấp.

Thực tế, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã trái qua việc bỏ công nghệ quá sớm, tùy theo vị thế của họ trong chu kỳ phát triển. Và bây giờ có lẽ quá trễ để đảo ngược xu hướng này. Giống như các quốc gia Nam Mỹ đã thất bại trong việc phát triển sản xuất trước sự cạnh tranh của Hoa Kỳ và Âu Châu, các khu vực sản xuất tại các quốc gia Đông Nam Á chắc chắn sẽ chật vật khi đối phó với các hàng nhập cảng có tính cạnh tranh rất cao của Trung Quốc.

Vấn đề căn bản là nếu Đông Nam Á không thể phát triển những công nghệ tiên tiến hơn thì họ sẽ không thoát được một tương lai y như của Nam Mỹ, trong đó sự phát triển chỉ chuyên vào việc xuất khẩu nguyên liệu thô, sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa sơ cấp và công nghệ du lịch trong khi lại tùy thuộc vào hàng hóa cao cấp sản xuất từ nền kinh tế thống trị trong vùng (tức Trung Quốc – ND). Và nếu sự phân bố lao động và thương mại theo khu vực trỗi lên, những hậu quả lâu dài của việc phát triển kinh tế như thế sẽ không thay đổi được.

Con đường này có vẻ càng ngày càng rõ nét, vì đa số các quốc gia trong vùng thiếu những thành tố cho việc phát triển một nền kinh tế dựa vào năng suất.

Ở Đông Nam Á, không những thiếu những chính sách phối hợp về công nghệ cho toàn vùng, rất quan trọng nếu họ muốn phát triển những cấu trúc công nghệ bổ sung cho nhau thay vì cạnh tranh với nhau mà còn có sự miễn cưỡng trong toàn vùng về việc đầu tư vào con người. Thí dụ Indonesia, Thái Lan và Philippines, cả ba nước này đều chi tiêu về giáo dục, tính theo phần trăm GDP, ít hơn nhiều so với Brazil, Argentina và Mexico. Điều này dẫn đến việc thiếu sáng kiên và thiếu những tiến bộ công nghệ. Việc thiếu sáng kiến và tiến bộ công nghệ có vẻ mâu thuẫn với những hào hứng gần đây về chuyện nhiều sàn mạng (internet platform) trong vùng xuất hiện và thường được xem như thí dụ về sự tiến bộ của Đông Nam Á. Những điều này là những biệt lệ hơn là quy luật chung. Trong ba năm vừa qua, các quốc gia Đông Nam Á (660 triệu dân) chỉ có 19,300 bằng sáng chế, không hơn 17,300 bằng sáng chế của Úc (26 triệu dân) bao nhiêu và ít hơn 424,600 bằng sáng chế của Nam Hàn (51 triệu dân) rất nhiều. Hơn nữa, đa số các bằng sáng chế tập trung ở Singapore và sau đó là Malaysia. Có ít bằng chứng cho thấy phần còn lại của những quốc gia trong vùng, đặc biệt là Indonesia, Philippines và Thái Lan lại có khả năng sáng tạo cần thiết cho việc phát triển trên đường dài.

Những động lực về phát triển như thế sẽ dần dần dẫn đến hệ quả xấu, làm tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Nó không chỉ kềm hãm tương lai kinh tế mà trên đường dài sẽ làm tăng thêm sự bất ổn về chính trị. Bất ổn chính trị dĩ nhiên cũng không phải là điều mới lạ gì với các nước Đông Nam Á. Cuối cùng ,nhiều quốc gia Đông Nam Á, với Singapore là ngoại lệ nổi bật, trở thành tiêu biểu cho những chính sách mị dân ngắn hạn, chính quyền bao cấp và những định chế quốc gia yếu kém. Hơn nữa vấn đề là hiện nay, việc phát triển kinh tế trong vùng theo dự phóng này, rất có thể làm môi trường chính trị tệ hại hơn. Và, như con đường của các nước Nam Mỹ đã cho thấy, sự bất ổn chính trị khó đưa đến chuyện suy nghĩ đường dài, cần thiết cho việc duy trì sự phát triển. 

Vì vậy có những bài học quan trọng cho những quốc gia Đông Nam Á rút ra từ những khó khăn của con đường phát triển tại các nước Nam Mỹ, đặc biệt là hai vùng này càng ngày càng có nhiều điểm giống nhau. Câu hỏi căn bản là liệu các quốc gia Đông nam Á có giải quyết vấn đề cấu trúc công nghệ, vấn đề bất ổn chính trị và vấn đề bất bình đẳng ngày càng gia tăng, thành công hơn các quốc gia Nam Mỹ không. Cho đến nay, nhiều bằng cớ là việc giải quyết này của các nước Đông Nam Á không sáng sủa gì, đặc biệt là vài khuynh hướng xấu lại càng bám rễ sâu hơn. Cũng giống như các quốc gia Nam Mỹ khi chật vật với ảnh hưởng của Hoa Kỳ, các nước Đông Nam Á cũng đang chật vật khi kinh tế Trung Quốc trỗi lên. Điều này đã phản ảnh rõ khi so sánh những thành tựu kinh tế. Lợi tức bình quân đầu người của Indonesia, tính theo Đô La (không phải sức mua PPP - ND) năm 2000 là 87% của Trung Quốc đến năm 2020 chỉ còn 37%. Trong cùng thời gian này, Thái Lan sụt từ 164% xuống còn 61% lợi tức bình quân đầu người của Trung Quốc.

Ở đây, ta không kết luận được là vùng Đông Nam Á sẽ không đạt được tăng trưởng kinh tế. Ta chỉ kết luận được rằng với dự phóng hiện này, việc phát triển sẽ chậm hơn Trung Quốc và vùng này sẽ chật vật để đạt được những sức đẩy kinh tế cần thiết ngõ hầu trên đường dài, thoát được Bẫy Thu Nhập Trung Bình.

Nếu các quốc gia Đông Nam Á muốn tránh được số phận này, họ phải rút ra những bài học từ đường đi trước đây của các nước Nam Mỹ và hành động ngay bây giờ.

Người dịch

Liem Mai

(12/2021)