1- TA SỢ MỘT NGÀY KHÔNG LÀM ĐƯỢC VIỆC PHÚC NÀO.
Điều này rất nhỏ nên ít ai để ý. Ví dụ, ngày nào ta cũng ăn, cũng mặc nên coi đó là việc bình thường, tất yếu. Ta không biết rằng mọi việc đều phải trả giá. Hôm nay, ta còn được ăn, được mặc vì ta còn phước ở kiếp trước. Ta cứ sống bằng cái phước đó mà không chịu tạo thêm nhiều phước khác thì sớm muộn cái phước từ kiếp trước cũng cạn kiệt. Khi đó, ta sẽ không còn gì để ăn...
Điều này rất đáng sợ nhưng hầu như mọi người không ai sợ, trừ những người đệ tử Phật có trí tuệ. Những phật tử dù đã quy y Tam Bảo, hiểu 5 giới cấm, nhưng chưa có trí tuệ, chưa hiểu nhân quả, chưa nhìn thấy mọi điều tinh tế thì chưa biết sợ mình thiếu phước mà chỉ sợ những điều không đâu.
Mỗi lứa tuổi, mỗi con người lại có những kiểu làm phúc khác nhau, tùy thuộc vào thể trạng và khả năng của bản thân. Làm phúc không chỉ bằng hành động mà có thể là một lời nói hay, có ý nghĩa tích cực. Hay đơn giản chỉ là ngồi lễ Phật và khởi lên ý niệm, cầu cho tất cả mọi người biết yêu thương nhau.
2-SỢ NHÌN THẤY MỌI NGƯỜI MÀ TÂM MÌNH DỬNG DƯNG.
Cái này tất cả chúng ta đều bị. Sở dĩ, ta dửng dưng vì tình yêu thương trong tâm ta bị mù, đạo đức trong lòng ta đang chết dần. Vậy nên, mỗi khi nhìn ai đó, dù không quen nhưng tâm ta phải tác ý rằng “con nguyện yêu thương tất cả mọi người”.
Lời nguyện đó đã âm thầm nuôi dưỡng đạo đức của ta. Tưởng chừng, không ai nghe thấy, nhưng thực sự Chư thiên đã nghe. Tư tưởng đó đã lan tỏa vào cả không gian, tạo thành một trường từ bi, mang lại từng chút hạnh phúc cho cả khu vực. Đây cũng là lí do tại sao cõi trời là cõi hạnh phúc.
Giờ ta chưa có địa vị, chưa nổi tiếng, chưa có ưu thế nên thấy điều này là bình thường. Nhưng khi ta đạt được thành công, vinh quang, lúc đó ta ảnh hưởng được tới nhiều người, và mọi người lúc nào cũng tìm đến với ta, thì “khi nhìn thấy mọi người ta đừng có dửng dưng, trong lòng phải tác ý một cái gì đó, mà điều tối thiểu là phải khởi được tâm yêu thương”. Đừng bao giờ nghĩ mình là cao quý, mình hơn người rồi dửng dưng mà có tội lớn, phải tác ý yêu thương, biết ơn và cầu mong cho điều tốt đẹp nhất đến với mọi người. Vậy nên, ta phải biết sợ tâm dửng dưng đó ngay từ bây giờ.
3- SỢ CÓ LỖI MÀ KHÔNG THẤY LỖI, THẤY LỖI MÀ KHÔNG HỐI HẬN, HỐI HẬN MÀ KHÔNG SỬA.
Chúng ta mắc rất nhiều lỗi nhưng thay vì nhận lỗi, chúng ta lại che giấu hoặc biện minh. Đáng sợ hơn là có lỗi nhưng lại không thấy lỗi của mình. Nó khiến ta không thể tiến tu để trở thành người tốt được. Quả báo đến với ta sau này cũng không hề tốt đẹp, ta sẽ mang một hình hài xấu xí, hay mình thuộc một đẳng cấp xấu, một giống loài xấu… đúng với cái nhân ta đã gieo.
Thực sự, ta rất khó thấy lỗi của mình. Có lỗi mà không thấy đa phần ai cũng mắc phải. Đây là một điều cực kì đáng sợ. Cho nên, ta phải tu để tâm ta trở nên tinh tế, sâu lắng và yên tĩnh hơn để thấy được lỗi của mình. Thấy lỗi rồi hối hận để sửa đổi chính là mục tiêu tu tập của chúng ta.
Điều ta sợ nhất là có lỗi mà không thấy. Thường, con người có lỗi mà không thấy; bậc cao hơn, có lỗi liền thấy để sửa; và bậc cao hơn nữa là chưa có lỗi mà đã sợ có lỗi rồi. Ta tu làm sao để đạt được mức thứ ba này, lỗi chưa đến mà đã đề phòng cảnh giác. Đây cũng là bậc chuẩn bị làm Thánh. Cho nên, người có trí biết tu là sợ lúc lỗi chưa xuất hiện.
4- SỢ NGHE LỜI KHEN MÀ KHÔNG GIỮ ĐƯỢC TÂM KHIÊM HẠ, PHÁT SINH TÂM KIÊU MẠN.
Khi ta tu đúng theo đạo Phật, biết làm những điều tốt đẹp thì những lời khen chắc chắn sẽ đến. Chúng ta càng sợ lời khen chừng nào thì nó càng đến nhiều chừng đó. Biết sợ lời khen là ta biết giữ sự khiêm hạ trong tâm, không để tâm kiêu mạn có cơ hội trỗi dậy.
Giữ được sự khiêm hạ trong tâm giúp ta có cơ hội làm thêm nhiều điều tốt đẹp cho cuộc đời. Càng nhiều điều tốt đẹp được làm thì càng nhiều lời khen sẽ đến. Lúc đó, việc kiềm chế lòng mình, không cho tâm kiêu mạn nổi lên càng vất vả. Vậy nên, sợ nhất là nghe lời khen mà khởi tâm kiêu mạn, tự hào bí mật phát sinh.
Không chỉ chúng sinh, ngay cả Bồ tát cũng sợ điều này. Thậm chí, các vị ấy còn sợ hơn, vì chúng sinh nghĩ ra đủ cách, đủ hình thức để khen, để ca ngợi Bồ tát. Dù không muốn, nhưng không một vị Bồ tát hay một vĩ nhân nào có thể tránh được sự khen ngợi.
Nghe những lời khen mà để tâm kiêu mạn nổi lên sẽ khiến trí tuệ và cái phúc của ta bị giảm sút; cơ hội để ta tu hay làm điều tốt cũng không còn; Và quả Thánh mà ta phấn đấu cũng mất luôn. Thế nên khi giảng kinh Bát Nhã cho hàng Bồ tát, Đức Phật có nói những điều tốt đẹp mà Bồ tát đem đến cho cuộc đời, cũng như cho các tầng trời là không gì tính được. Khi làm được những điều tốt đẹp, những lời khen sẽ tự động đến bằng những cách cực kì đẹp đẽ. Dù muốn hay không, ta cũng không thể từ chối chúng được, vì không ở đâu cấm con người được khen người khác.
Thêm nữa, người biết khen người khác là người có đạo đức. Sợ nhất là khi đứng trước một người tốt mà tâm hồn ta chai sạn, không biết khen họ lấy một câu. Nên ta thấy thật vui mừng khi mọi người biết khen nhau. Tuy nhiên, người được khen phải lấy lời khen đó mà phấn đấu, cố gắng thêm, chứ đừng tự mãn, rồi khởi tâm kiêu mạn, để rồi lại ngủ quên trong những lời khen đó.
5-TA SỢ CÓ MỘT Ý NGHĨ SAI THOÁNG QUA TRONG ĐẦU, NHƯNG TA GIỮ LẠI THÀNH MỘT QUAN ĐIỂM SỐNG LÂU DÀI.
Từ đây về sau ta cứ sống theo quan điểm đó, mặc kệ ai nói qua nói lại, đúng sai tốt xấu, ta không quan tâm, không giải thích, không phân trần để mình thoát ngoài vòng thị phi của đời mà được yên tu.
Đây là một quan điểm sai mà rất nhiều người đang bị. Chuyện xấu, khổ không nghe thấy thì thôi nhưng khi đã nghe thì nhân quả kéo ta vào đó. Ta phải có trách nhiệm giải thích, phân trần để mọi người hiểu đâu là đúng, đâu là sai.
Còn cứ bỏ mặc đi như chưa nghe thấy gì thì quả báo về sau sẽ là tai điếc, mắt mù.
6-TA SỢ LÀM PHÚC MÀ KHÔNG ĐỦ MANG QUA KIẾP SAU.
Là người tu theo đạo Phật, chúng ta biết cái phúc có vai trò cực kì quan trọng, quyết định, tác động đến mọi chuyện trong cuộc đời mỗi con người. Khi chưa biết điều này, ta chỉ sống hưởng thụ, lo cho mình. Khi hiểu ra rồi, cơ hội làm phúc của ta cũng không còn nhiều nữa. Liệu lúc chết đi rồi, phúc của ta còn đủ mang qua kiếp sau không?
Một vị Bồ tát còn lo xa hơn thế. Vì biết đạo nên lúc nào cũng cố gắng làm phúc để mang theo được qua 100 kiếp. Trong hàng ngàn kiếp tu hành, nhiều kiếp Bồ tát phải ẩn tu, nhiếp tâm thiền định cả một thời gian rất dài, có khi mất cả 20 kiếp. Giai đoạn này, Bồ tát không làm việc gì để tạo phúc được nên phải nhờ cái phước quá khứ nuôi mình. Tránh tình trạng vừa tu thiền, vừa làm phước khiến việc thiền định bị sáo trộn, không nhiếp tâm được.
Chúng ta rất may mắn khi biết được điều này sớm. Thế nên, còn sống một giây phút nào trên đời thì cố gắng mà yêu thương, tử tế với nhau, tận tụy mà cống hiến, làm thật nhiều điều phúc. Không chỉ kiếp này, mà các kiếp về sau cũng thế để phúc chồng lên phúc cho đến vô biên, vô tận thì mới đắc đạo được. Hiểu và làm được như thế, ta mới không sống một cách bạc nhược; không lười biếng, giải đãi; biết tinh tấn, tinh cần tu tập và làm nhiều điều phúc thiện cho đời.
7-TA SỢ KHÔNG XỬ LÝ ĐÚNG MỌI VIỆC NÊN ĐỂ THỪA LẠI MỘT CHÚT NGHIỆP VỀ SAU.
Việc này không ai tránh được dù là người cực kì tinh tế và khéo léo. Chỉ có những bậc Thánh mới đủ trí tuệ để xử lí đúng hết tất cả mọi việc.
Chúng ta chưa phải Thánh. Vậy nên, khi gặp những tình huống tế nhị, phức tạp, ta không đủ sức để xử lí đúng hoàn toàn, vẫn còn một chút sai, để lại một chút nghiệp cho đời sau. Đây là lí do khiến ta cứ mãi tái sinh luân hồi để trả nghiệp.
8-TA SỢ SAU KHI TRỞ LẠI CÕI NGƯỜI RỒI THÌ KHÔNG GẶP ĐƯỢC CHÁNH PHÁP NỮA.
Nếu không có Chánh Pháp, ta rất dễ trở thành tà kiến. Để tránh việc đầu thai vào nơi không có Chánh Pháp, ta phải gieo được cái nhân là cố gắng truyền bá rộng rãi Phật Pháp trong cuộc đời này. Phải làm sao để khi ta chết đi rồi, mọi người vẫn tiếp tục sự nghiệp tu tập và truyền bá đạo Pháp.
9 -TA SỢ SỰ HIỂU BIẾT CỦA MÌNH VỀ PHẬT PHÁP CHƯA SÂU SẮC, CẶN KẼ MÀ ĐÃ VỘI VÀNG ĐEM ĐI CHIA SẺ VỚI NGƯỜI KHÁC, làm những cái sai nhỏ có cơ hội lây lan rộng rãi, khiến mọi người cũng hiểu sai, không được thấu đáo. Thành ra, thay vì làm được một điều phúc, ta lại phải gánh một cái tội rất nặng.
10- TA SỢ CÁI TÂM ÍCH KỈ SÂU KÍN VẪN ĐANG BÍ MẬT ĐIỀU KHIỂN TÂM HỒN VÀ CUỘC SỐNG MÌNH.
Dù ta nguyện sống vị tha nhưng cái tâm ích kỉ vẫn còn. Chỉ cần thiếu tỉnh giác một chút, nó sẽ vùng dậy và điều khiển mọi suy nghĩ, hành động, lời nói của ta, khiến cuộc đời ta không còn tươi đẹp, thanh thoát, cao thượng được nữa. Nghĩa là, ta đã gây thêm tội.
TT.Thích Chân Quang
NAM MÔ ĐẠI TỪ ĐẠI BI QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
(Vô Thường - Đạo Phật)