Cuộc sống hôm nay có tất cả những gì đẹp đẽ nhất, văn minh nhất trong lịch sử nhân loại, cũng chất chứa hết thảy những gì u ám, xấu xí nhất của loài người, những góc tối như lòng tham.
SINH RA VỚI BÀN TAY NẮM CHẶT
Một đứa trẻ chào đời cất tiếng khóc oe oe với bàn tay nhỏ nắm lại. Cách giải thích cho hiện tượng ấy có nhiều lắm. Khoa học bảo: Tiếng khóc là cần thiết để tạo đà cho không khí tràn ngập phổi, hít thở những nhịp đầu tiên của cuộc đời. Quan niệm theo tâm linh Á Đông lại nghĩ khác: Tiếng khóc đầu tiên báo hiệu của cuộc đời nhiều lo toan, nhiều buồn vui, yêu ghét, đúng kiểu “đời là bể khổ, tình là dây oan”. Và đôi bàn tay nắm chặt ấy là biểu hiện cho lòng tham, tính sân si của con người. Chào đón cuộc đời với đôi bàn tay nắm chặt, lòng tham đã được “lập trình” thành một trong những đặc tính, bản năng của con người. Buồn thay, đó sẽ là khởi nguồn cho kha khá những bất hạnh trên đời này. Vốn lẽ cuộc sống có vô vàn điều cám dỗ mà lòng người thì mềm yếu biết bao. Chúng ta có biết bao nhiêu thứ tham, từ những chuyện nhỏ lẻ như tham ăn, tham tình, đến tham danh, tham lợi, tham vọng… Người đời vẫn nói, lòng tham vô đáy, lòng tham của con người không có giới hạn. Thế nhưng, lòng tham ấy rồi sẽ dẫn chúng ta tới đâu ?
Cách đây hơn mười năm, tôi tham dự một khóa học nâng cao nghiệp vụ báo chí do đối tác nước ngoài tổ chức và tài trợ. Ban tổ chức đưa học viên qua nước bạn để mục sở thị cách làm báo hiện đại kiểu chuẩn Bắc Âu. Cùng dự khóa học này là một cô bạn khá nổi tiếng trong giới truyền thông truyền hình. Một ngày, chúng tôi bất ngờ hay tin cô ấy đã bị cảnh sát nước sở tại bắt giam, với lý do không ai tưởng tượng được: trộm đồ siêu thị. Phần sau của câu chuyện “cầm nhầm” ấy là những ký ức buồn không nên nhắc tới nữa. Giờ ngẫm lại chỉ thấy cảm thán khi con người trong phút giây sơ sểnh để lòng tham chiếm hữu có thể đánh mất quá nhiều điều quý giá và cảm thán cho cả kiếp người của chúng ta đã mang nghiệp sân si không dễ gì từ bỏ. Ai trong chúng ta là người không có lòng tham ?! Ai đủ dũng cảm vỗ ngực tự hào: Tôi không hề tham lam! Một chút tham lam không làm con người xấu đi. Lòng tham vẫn có những giá trị hữu ích của riêng nó. Nếu không có khát vọng, không có nhu cầu, không có ham muốn hay đòi hỏi về một cuộc sống tốt đẹp hơn, chúng ta vĩnh viễn sẽ dậm chân tại vạch xuất phát. Bản thân xã hội tiêu dùng mà mỗi người chúng ta đang sống cũng được hình thành và phát triển một phần dựa vào lòng tham, cái bản năng mạnh mẽ của con người.
ĐỂ CÁT TRÔI ĐI
Hàng ngàn năm nay, những bậc minh triết, các trí thức và học giả không ngừng cảnh báo về nguy cơ lòng tham vô độ đang dẫn thế giới loài người đến những hiểm họa khó lường. Hãy nói về lòng tham trong khía cạnh nhỏ và thông thường nhất là lòng tham trong ái tình. Trên các diễn đàn, đặc biệt ở những mục chuyên dành cho chuyện thổ lộ tâm tư, người thứ ba và thói trăng hoa là những chủ đề luôn bị lên án. Từ “cướp chồng” tìm trên google cho ra một con số lên tới hàng chục ngàn. Cuộc sống đa dạng nên không phải lúc nào ta cũng phán xét ai đúng ai sai trong mỗi câu chuyện đời éo le. Thế nhưng, rất rõ ràng, trong số đó có nhiều sự vụ là sản phẩm từ thói tham không biết đâu là điểm dừng của một bộ phận người sống quá bản năng, từ đó tự chà đạp lên hạnh phúc cá nhân và người liên đới.
Nói về hiện trạng xã hội hôm nay, thực phẩm không sạch, hàng nhái, hóa chất độc hại,… chỉ là một phần nhỏ trong những vấn đề nan giải khiến chúng ta băn khoăn, lo ngại thời gian gần đây. Và cội rễ của tất cả những vấn đề ấy là lòng tham. Lòng tham của con người tạo nên sự vô cảm trong kinh doanh, làm suy giảm đạo đức và thúc đẩy những hành vi không thiện. Trong vòng xoáy của lòng tham, con người đánh mất bản ngã tốt đẹp của mình. Nói theo thuyết nhà Phật, “người có tham, bị tham chinh phục, tâm mất tự chủ, nghĩ đến hại mình, nghĩ đến hại người, nghĩ đến hại cả hai”. Cứ thế, khi bị lòng tham vô độ chiếm hữu, ta gây hại cho người khác thì cũng sẽ gây hại cho chính bản thân ta.
“Lòng tham vẫn có những giá trị hữu ích của riêng nó. Nếu không có khát vọng, không có nhu cầu, không có ham muốn hay đòi hỏi về một cuộc sống tốt đẹp hơn, chúng ta vĩnh viễn sẽ dậm chân tại vạch xuất phát.”
Ai cũng biết “tham thì thâm” thế nhưng qua hàng ngàn năm, lòng tham vẫn tồn tại với đầy đủ các triệu chứng đầy lo ngại của nó. Vậy đâu là lối thoát cho lòng tham của con người. Có một câu nói rất hay : “Không ai có thể giữ nổi cát trong bàn tay mình”. Cát là vật vô tri vô giác, hoàn toàn không có cảm xúc. Nhưng cát cứ thích là chuội đi, không cần suy tính vì bản chất của sự vật là thế. Đó là sự hồn nhiên về bản chất, không bị tác động bởi bất cứ điều gì. Lòng tham của con người, xét cho đến cùng, cũng là bản chất của loài người. Tham đến đâu, tham cỡ nào, tham có chừng mực hay tham đến bất chấp, tùy từng mức độ sẽ có những câu trả lời. Đừng quá khiên cưỡng nhưng cũng đừng quá cực đoan khi đánh giá về lòng tham của người khác. Bởi tất cả chúng ta đều không thể giữ nổi cát trên đôi bàn tay mình, dù đó là trẻ nít hay người già, phụ nữ hay đàn ông! Không phủ nhận sự tồn tại của lòng tham theo đúng bản chất của nó, nhưng đừng để lòng tham vượt quá những giới hạn có thể chấp nhận được của luân lý và lương tâm của con người. Sinh ra với đôi bàn tay nắm chặt, nhưng đôi khi hãy biết mở rộng bàn tay. Bởi vì, thế giới sẽ đẹp đẽ, vui tươi hơn khi ta không tham giữa cuộc đời đầy tham.
st