-Đức Thế Tôn kể chuyện: Có một con sư tử đang mang thai một em bé sư tử. Đã gần đến ngày sinh, nhưng sư tử mẹ vẫn phải đi kiếm mồi. Sư tử cha phải làm công việc che chở bảo vệ, không cho những gia đình sư tử khác xâm chiếm vùng gia đình nó đang sinh sống.
Sư tử cha xây dựng hàng rào lãnh địa của mình bằng cách đi tiểu xung quanh. Cái hàng rào được làm bằng mùi nước tiểu. Và bất kỳ con sư tử nào, dù lớn hay nhỏ, nếu bước vào lãnh địa này, sư tử cha liền tìm cách cản lại.
Hôm đó, trong khi săn mồi, sư tử mẹ đuổi theo một con nai. Bụng sư tử mẹ đã lớn nên nó rất mệt, lại vì đang đói nên không thể nào chạy nhanh được.
Đến gần một thung lũng, con nai nhẹ nhàng nhún mình nhảy qua. Sư tử mẹ phải dùng hết sức lực rướn mình nhảy theo. Trong khi nhảy từ bên này qua bên kia sườn núi thì sư tử mẹ sảy thai.
Sư tử con rơi từ trong lòng sư tử mẹ, rớt xuống thung lũng. Mất con, sư tử mẹ đau buồn, tuyệt vọng, không muốn đuổi theo con nai nữa. Nó nghĩ rằng: “Con ta rớt xuống thung lũng chắc chắn đã tan xương nát thịt rồi”.
Hơn một năm sau, đang đi trong rừng, sư tử mẹ thoáng thấy một con sư tử con. Con sư tử con này có điệu bộ của một con khỉ. Nó cũng leo cây, cũng kêu chét chét, cũng ăn trái cây.
Thường thì sư tử không ăn trái cây, nó không ăn chay. Nhưng con sư tử con này không những leo cây và nói tiếng khỉ giỏi mà ăn trái cây cũng rất giỏi.
Sư tử mẹ nhận ra ngay đứa con của mình. Biết con mình còn sống, nó mừng lắm.
Nhưng sư tử con không có cảm giác gì hết khi nhìn thấy sư tử mẹ. Nó không thấy sư tử mẹ có dính líu gì tới nó và nó còn muốn lẩn trốn sư tử mẹ nữa.
Nó nghĩ: “Bà này buổi sáng đi ngang qua đây không biết tại sao cứ nhìn mình quá trời! Mình không thích!” Sư tử con chơi với bầy khỉ, leo lên cây, nói chuyện chét chét bằng ngôn ngữ khỉ, và làm đủ mọi trò giống hệt như khỉ. Cách nó nhìn, cách nó chơi, cách nó nói, cách nó hái và nhai trái cây đều giống hệt như khỉ.
Sư tử mẹ nghĩ rằng mình nên kiên nhẫn một chút, nên đi lại vùng này thường xuyên, chọn những lúc sư tử con không bị bao bọc bởi những con khỉ khác để tới làm quen.
Một hôm, sư tử mẹ thấy sư tử con một mình đi tới, nó nói: “Con của mẹ ơi, đi chơi với mẹ đi!” Sư tử con nghĩ: “Cái bà này vô duyên thiệt, mình là con của bà hồi nào!
Mẹ mình là khỉ. Mẹ rất dễ thương. Mẹ kể rằng: Hơn một năm cách đây, mẹ đang hái trái cây trong một cái thung lũng thì tự nhiên có một cục gì từ trên trời rơi xuống. Sẵn tay mẹ hứng lấy thì thấy đó là một sinh vật rất mềm, dễ bị thương tích. Mẹ mình đem mình về nuôi và cho mình bú, cho học nói tiếng khỉ, cho ăn trái cây và tập cho leo cây. Mẹ mình dễ thương chứ cái bà này vô duyên quá! Bà có dính líu gì tới mình mà dám gọi mình bằng con, xưng là mẹ và còn rủ mình đi theo nữa. Thật là vô duyên”.
Sư tử con có vẻ giận. Nó nói: “Thôi đi bà! Bà đi ngay đi, đừng nói nữa. Tôi ghét bà lắm!” Sư tử mẹ học được một bài học. Nó biết rằng nó phải kiên nhẫn nhiều.
Đứa con của mình không biết nó là sư tử, cứ tưởng nó là khỉ.
Nó đã tưởng như vậy bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng. Bây giờ, mình nói nó không phải là khỉ, nó là sư tử, nó sẽ không chấp nhận, và như vậy mình không bao giờ khôi phục lại được đứa con này.
Một lần khác sư tử mẹ gặp lại sư tử con. Nó nói: “Cô ơi, tôi xin lỗi cô nhé! Hôm trước tôi khờ dại quá! Tôi lầm, tôi tưởng cô là con của tôi, tôi tưởng cô là sư tử, ai dè tôi nhìn lại, tôi thấy cô là khỉ. Tại sao mà tôi lại nói cô là con của tôi được! Cho tôi xin lỗi nghe, từ rày về sau tôi sẽ không làm như vậy nữa”.
Sư tử con đáp: “Đúng! Tôi là khỉ mà bà kêu tôi là sư tử, là con của bà, như thế là sai. Nhưng bà đã biết lỗi thì tôi tha lỗi cho bà”. Sư tử mẹ hỏi: “Vậy thì mình đi chơi với nhau được không?” Sư tử con đáp “Ừa”. Hai mẹ con đi chơi.
Tới một bờ suối, chỗ đó nước trong và lắng, có thể soi bóng được, sư tử mẹ cúi xuống soi mình vào.
Sư tử con thấy bạn mình soi bóng ở trong nước cũng lại gần và soi, nó rất ngạc nhiên thấy ở dưới nước có bóng một con sư tử lớn bên cạnh một con sư tử con.
Sư tử mẹ le cái lưỡi ra, ở trong nước con sư tử lớn cũng le cái lưỡi. Sư tử mẹ đưa chân trước ra, sư tử lớn trong nước cũng đưa chân trước ra. Người bạn mới cũng bắt chước làm theo và con sư tử nhỏ trong nước cũng le lưỡi, cũng đưa chân ra.
Nó bắt đầu nghi ngờ rằng, có thể sư tử mẹ đã nói đúng. Sư tử con còn đang trong tâm trạng như vậy, thì sư tử mẹ gầm lên một tiếng vang dội.
Tự nhiên sư tử con cũng ngứa cổ và cũng bắt chước gầm lên. Lạ thay miệng nó không phát ra âm thanh chét chét của khỉ nữa mà phát ra tiếng gầm của loài sư tử, mãnh liệt vô cùng.
Sư tử mẹ nhìn sư tử con mỉm cười. Nó nhảy một cái qua bên suối, đi vào rừng. Sư tử con cũng mỉm cười lại, rồi nhảy một cái vượt qua suối, theo sư tử mẹ vào rừng.
Nó giác ngộ rằng, nó không phải là loài khỉ mà là loài sư tử.
Từ đó, hai mẹ con được đoàn tụ, hạnh phúc lâu dài.
Sau khi kể câu chuyện này, Đức Thế Tôn nói rằng con người chúng ta cũng như vậy.
Mình có Phật tính, mình là con của Bụt mà mình không biết.
Mình tưởng rằng mình là con của ma.
Mình có mặc cảm mình thấp kém, xấu xa, tội lỗi, hư hỏng, yếu đuối. Mình không đáng giá một đồng xu.
Mình đã đánh mất niềm tin nơi chính bản thân.
Trong khi đó mình có Phật tánh. Nếu nhìn cho kỹ thì thấy rằng trong mình có những hạt giống của từ, bi, hỷ, xả, hạnh phúc, niềm tin, hiểu biết và tuệ giác.
Vì vậy ta đừng nghĩ rằng Phật là một cái gì ở ngoài mình, còn ở trong ta không có gì hết, chỉ có khổ đau thôi.
Giống như sư tử con nghĩ nó không phải là sư tử.
Do đó, nó đã từ chối khi mẹ nó tới kêu nó, gọi nó là con.
-Thiền Sư Thích Nhất Hạnh.
Trích trong : Tình nghĩa
🙏🙏🙏
Cúc Nguyễn st