Monday, October 30, 2023

ĐA NHÂN CÁCH VÀ VÌ SAO KHỐNG CHẾ NÓ LẠI QUAN TRỌNG



📖
Hôm rồi, có đứa cháu đi cùng giám đốc của nó lên gặp một sếp lớn hơn. Lúc về, cháu có vẻ ngỡ ngàng, nó gần như không nhận ra vị giám đốc của mình. Đó là một người hoàn toàn khác: khiêm tốn, cẩn trọng, nói năng nhỏ nhẹ, câu nào cũng chuẩn mực, có chủ ngữ vị ngữ đầy đủ, khác hẳn thái độ tuỳ tiện mà ngày thường, ông vẫn tiếp xúc với nhân viên.
Nó hỏi tôi “Con người thật của ông, là lúc tiếp xúc với nhân viên hay là khi gặp lãnh đạo cấp trên”?
Tôi trả lời, ông vẫn sống thật với con người của mình trong cả hai tình huống trên. Ông sở hữu cả hai khuôn mặt, được sử dụng cho các tình huống khác nhau và chính ông cũng không ý thức thật rõ ràng về việc đó.
Thực ra, không chỉ có hai, vị giám đốc có thể sở hữu thêm nhiều khuôn mặt khác nữa. Và không chỉ có vị giám đốc. Chúng ta cũng vậy, mỗi người đều có rất nhiều phiên bản “nhân cách” khác nhau.
Nhà phân tâm học Sigmund Frued từng viết rằng, bản năng gốc của con người là “lúc con - lúc người” một cách hoàn toàn vô thức. Bản chất đa nhân cách khiến cho chúng ta “lúc tốt - lúc xấu”, “lúc sang trọng - lúc hèn hạ”, “lúc quân tử - lúc tiểu nhân”, “ lúc lương thiện - lúc độc ác”, và cả “lúc đực - lúc cái”… tuỳ thuộc hoàn cảnh.
Các hành vi của con người được định hình vô thức từ sự kiềm chế hay đáp ứng ham muốn và dục vọng của cá nhân. Nhân cách thay đổi để, lúc này thì bảo đảm sự an toàn của cái tôi (ví dụ khi gặp cấp trên), lúc khác thì thỏa mãn sự phô trương của cái siêu tôi (ví dụ khi tiếp xúc với thuộc cấp).
Bản chất đa nhân cách của một người là nguyên nhân chính, khiến cho quá trình tìm về bản ngã - search inside yourself - trở lên rất khó khăn. Việc phát triển bản thân còn khó khăn hơn nữa. Bạn có quá nhiều nhân cách, bạn định phát triển nhân cách nào: Nhân cách hèn hạ khi gặp người trên, hay Nhân cách cao sang khi gặp kẻ dưới?
Tôi nghe nhiều bạn nói “cần làm mới bản thân”! Nhưng nếu các bạn đó biết rằng họ đang sở hữu rất nhiều khuôn mặt, có lẽ họ sẽ nghĩ lại. Khi thắng, lúc thua, khi vui, khi buồn, lúc lừa người, lúc bị người lừa, khi châm chọc người, lúc bị người khác mang ra làm trò đùa, lúc tuỳ tiện quát tháo nhân viên, khi cẩn trọng nhỏ nhẹ với thượng cấp,… khuôn mặt của bạn sẽ rất khác nhau, vì khuôn mặt là hình ảnh đại diện của cái nhân cách đang chi phối bạn.
Tại sao phải làm mới bản thân khi bạn đã có rất nhiều khuôn mặt và cũng chưa thực sự biết hết về chúng? Câu hỏi hay hơn có lẽ là: “Làm thế nào để khuôn mặt ta trong sáng và rõ nét hơn”?
📖
CHÚNG TA CẦN LÀM GÌ?
Sinh ra, với bản năng gốc, chúng ta đã là người đa nhân cách một cách vô thức. Tu thân là quá trình rèn luyện, nâng sự vô thức lên tầm ý thức, giúp ta trở thành một người có một nhân cách lành mạnh và thuần nhất.
Phải ý thức rằng khi gặp cường quyền, nhân cách của ta, một cách vô thức, sẽ hèn hạ đi, để an toàn; khi gặp kẻ dưới, khuôn mặt của ta, một cách vô thức, cũng trở lên cao ngạo hơn để phô trương.
Ta phải chú ý đến những hoàn cảnh có thể tác động tới nhân cách. Ví dụ, khi thắng là hay kiêu, khi bại là hay nản, ghét thì dễ bỏ đi, yêu thì dễ cho qua,…
Ta phải ý thức được, trong hoàn cảnh nào, ta sẽ có xu hướng trở lên tham lam, độc ác, xấu xa, lệch lạc hơn, một cách vô thức
Khi có ý thức, ta sẽ cảnh giác với hoàn cảnh có thể tác động đến nhân cách chi phối ta. Cảnh giác và chuẩn bị điều chỉnh hành vi kháng lại vô thức.
Khi ý thức khống chế được vô thức là lúc phần “người” trong bạn chi phối được phần “con”. Ta không muốn là đa nhân cách. Ta chỉ muốn có một nhân cách lành mạnh thuần nhất ngự trị trong ta mọi nơi mọi lúc. Nhân cách đó sẽ không bắt ta quỳ gối trước cường quyền và cũng không cho phép ta chèn ép kẻ dưới. Nhân cách đó là thuần nhất không phụ thuộc hoàn cảnh. Chỉ khi nào bạn có một nhân cách thuần nhất, việc đi tìm bản ngã mới thực sự đạt được thành tựu.
Có một người nghèo, sống với một nhân cách lương thiện. Nhưng khi làm thủ quỹ lại ăn cắp. Tiền nhiều, công ty lại quản lý hớ hênh. Thế là cái phần “con” trong anh ta vô thức trỗi dậy. Anh ta đã không ý thức được sự nguy hiểm của môi trường cám dỗ này. Thiếu ý thức mạnh mẽ, sự vô thức đã chiến thắng.
Qua ví dụ trên, tôi muốn nhắc lại, khi ý thức khống chế được vô thức là lúc phần “người” trong bạn chi phối được phần “con”. Nhưng cần ghi nhớ thêm rằng, phần “con” không mất đi. Nó chỉ tạm thời bị khống chế. Nếu quá trình tu thân ngừng lại, ý thức hướng thiện không thật mạnh mẽ, nó sẽ trỗi dậy và khó lường hơn.
PS: Giới Showbiz rất chú ý đến xây dựng một hình hình ảnh thật đẹp trước công chúng. Nhưng họ còn có nhiều khuôn mặt khác, đại diện cho các nhân cách bên trong. Nếu họ không cố gắng tu dưỡng rèn luyện, để “ý thức” không chế được “vô thức”, để có một nhân cách thuần nhất và lành mạnh, thì một ngày nào đó, công chúng sẽ biết những khuôn mặt khác của họ.
.
.
.📖

HOANG MINH CHAU