Saturday, August 24, 2024

CẦN NGÔN LÀ SỰ HÀM DƯỠNG HIẾM CÓ



Ngôn luận của một người thể hiện sự hàm dưỡng của bản thân người ấy. Cẩn ngôn nghĩa là nói năng phải cẩn trọng, lời quan trọng phải nghĩ thật kỹ ngẫm thật sâu mới nói ra miệng. Không nói lời làm tổn thương tới người khác, không nói chuyện chẳng thể với tới. Lời nói ắt phải có chữ tín, phải làm được mới hay, nếu không thà rằng đừng nói.


Cách bạn đối đãi với người khác thể hiện sự hàm dưỡng của bạn. Những lời đàm luận không có trách nhiệm hay những lời khen ngợi tán dương tuỳ tiện sẽ khiến bạn thất tín, hại mình hại người.



Trong “Luận Ngữ – Vi Chính” có chép rằng: Tử Cống hỏi Khổng Tử làm thế nào mới có thể trở thành một người quân tử. Khổng Tử bảo rằng: “Tiên hành kỳ ngôn, nhi hậu tòng chi”, nghĩa là hãy thực hiện trước khi nói, khi công việc hoàn tất rồi hãy nói.


Làm người cần cố gắng giữ được ngôn hành đồng nhất, tâm khẩu như một. Người có thể quản được cái miệng của mình ắt là bậc trí huệ. Bệnh từ miệng mà vào, hoạ từ miệng mà ra, lời đã nói ra như mũi tên đã bắn, chẳng thể thu hồi. Vậy nên nghĩ kỹ rồi mới nói, xem lời nào nên nói, lời nào không.


Người có nội tâm phong phú thường trầm ổn. Những người thích ca ngợi tán tụng người khác lên mây thường là người không có nội hàm. Vậy nên cẩn ngôn là một cách thể hiện học thức và tầm nhìn của bản thân.


Một người biết cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, sẽ không động một chút là nói tôi thế nọ tôi thế kia, như vậy sẽ bất cẩn bộc lộ ra hư vinh và sự tự ti của bạn. Lại càng không nên chỉ trích người khác quá nhiều, nói lắm ắt lỡ lời, những lời đàm luận thô tục chỉ chứng tỏ sự nông cạn của bản thân mà thôi.


Trong cuộc sống, chúng ta sẽ thường gặp một số người không ngừng oán trách. Họ oán trách cuộc sống chẳng như ý, oán trách người khác đối xử với mình không tốt, oán trách số phận bất công, hễ gặp ai cũng than vãn không dứt. Kỳ thực người đó không chỉ không ước chế được cảm xúc tiêu cực của mình, mà còn khiến nó trở thành một gánh nặng với người khác. Mỗi người đều có một quỹ đạo cuộc sống, đều sẽ gặp phải những phiền muộn, hà tất cứ phải thở than? Chẳng ai có nghĩa vụ thay bạn gánh vác bất cứ điều gì.


Vậy nên, bạn có quyền kể lể với người khác để xoa dịu áp lực của bản thân. Nhưng nhiều khi giữ im lặng cũng là một quá trình tự mình hàm dưỡng và lắng đọng. Nếu tấm lòng bạn đủ thoáng đãng hà tất phải nói lời oán trách làm chi? Biển có thể dung nạp trăm sông, nên sức chứa mới rộng lớn như vậy.


Tục ngữ có câu: “Thiện ngôn một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”, sẽ có một số người cả ngày chuyên bới lông tìm vết, đổi trắng thay đen, khiến mọi chuyện rối tung cả lên. Họ chỉ e thiên hạ không loạn thì chẳng có trò vui. Người như vậy thường khiến người khác phải tránh xa. Bởi vì những lời bàn luận không phù hợp, những cách nói chẳng hợp thời, đôi khi giống như mũi dao găm vô tình làm người khác bị thương.


Cẩn ngôn còn thể hiện khi bạn tranh luận với người khác. Nếu có thể lấy thiện làm gốc, đừng làm tổn thương tới bản thân, cũng đừng cố tình làm tổn thương tới người khác, thì đã là cẩn ngôn rồi.


Đôi khi, một lời khích lệ của bạn có thể khơi dậy khả năng tiềm ẩn của một ai đó, một câu thiện lành của bạn thậm chí có thể thay đổi số phận của một con người Nếu trong nội tâm mỗi người đều gieo xuống hạt giống lương thiện và từ bi, vậy thì sinh mệnh của chúng ta sẽ như gió mát vây quanh, mỗi bước chân đi như sen nở rộ.


Những người thích nhìn vào sở trường của người khác và biết cách tán dương người khác, ở gần họ bạn cũng sẽ cảm thấy ấm áp. Lời nói, cử chỉ thiện lương như những tia nắng, chiếu sáng bản thân, cũng khiến người khác rạng ngời.


Con người sống trên đời đâu nhất định cứ phải vì một ý nghĩa lớn lao nào đó. Hãy nỗ lực làm một người tốt, dốc toàn lực hoà nhập với mọi người, không ngừng tu dưỡng, mở rộng tầm nhìn và sức dung chứa của bản thân. Không lo phiền vì chuyện vặt vãnh, không so đo tính toán vì việc nhỏ nhặt, thời thời khắc khắc luôn chú ý lời nói và hành vi của bản thân mình. Nói năng cẩn thận, làm việc thiết thực, thì sẽ được người khác yêu mến mà bản thân lại vui vẻ, hạnh phúc.


ST