Có lần, ông A bỏ quên chiếc điện thoại (không cài mã khoá) trên xe tắc-xi. Ông liền gọi điện theo số của mình, một người vừa nghe xong liền cúp máy. Một lát sau, ông A dùng ĐT khác gửi tin nhắn bày tỏ, muốn “mua lại” chiếc máy vì trong đó chứa nhiều dữ liệu kỷ niệm. Một tiếng sau, ông A nhận được tin hẹn để trả lại (từ số máy riêng đang dùng của người thanh niên kia).
Khi đến gặp và nhận được điện thoại, ông A muốn trả tiền để cảm ơn, nhưng anh thanh niên vội bỏ đi. Sau khi nghe ông A kể, phóng viên gọi điện cho anh thanh niên thì nhận được câu trả lời: “Thật ra tôi không định trả lại, nhưng sau khi xem các tấm ảnh và nội dung tin nhắn trong máy, phát hiện chủ máy di động này dù đang làm ăn rất khó khăn nhưng vẫn tặng một khoản tiền lớn cho khu vực bị thiên tai, tôi rất cảm động. Tôi không thể thấy lợi mà quên nghĩa, không thể đối xử với tình thương bằng lòng tham của mình. Tôi vốn là người bình thường nên rất ích kỷ, xưa nay không cho ai cái gì cả. Tôi biết mình không nhân hậu như ông A nhưng tôi cũng không thể bất nghĩa". Bạn hãy nêu ý kiến về câu chuyện trên và ngẫm về bản thân mình, cũng như nhân tình thế thái” (trích đề thi môn Văn).
Bài làm: Tình yêu thương thì có thể lay động cả đất trời
Mỗi con người tồn tại trên quả đất đều đang nhận rất nhiều, từ tia nắng ấm áp của ngày mới đến giọt nước ngọt mát lành, từ khí trời trong veo đến cơn gió dịu nhẹ, từ sự giúp đỡ của người thân và những quý nhân trong xã hội. Chúng ta nhận nhiều từ tự nhiên và cũng nhận nhiều từ những người khác, nhưng đến khi cho đi, thì lại rất khó khăn. Vì sao vậy?
Con người bản năng luôn nghĩ đến mình trước nhất, như lời một bài hát “cuộc đời khi có cho không, rồi khi túng thiếu, hỏi người có đòi được không?”. Trừ bạn bè thân thích và người có tâm có trí coi trọng mối quan hệ, mấy ai cho vay mượn tiền mà đòi lại dễ dàng đâu. Dân gian xưa thậm chí còn nhắc nhở nhau đừng vội giúp kẻ khác, vì con người là giống bội bạc, “cứu vật, vật trả ân – cứu nhân, nhân trả oán”. Xưa nay đều thế. Nguyễn Bỉnh Khiêm, bậc đại trí của dân tộc Việt, từng cay đắng thốt lên:
"Thế gian biến đổi vũng nên đồi.
Mặn nhạt, chua cay lẫn ngọt bùi.
Còn bạc, còn tiền còn đệ tử.
Hết cơm, hết rượu hết ông - tôi".
Hay Nguyễn Công Trứ, người tài hoa bậc nhất đất Việt cũng cám cảnh với cái thói bạc bẽo và hám lợi, lòng tham của con người:
"Thế thái nhân tình gớm chết thay!
Lạt - nồng trông chiếc túi vơi đầy.
Hễ không điều lợi, khôn thành dại.
Ðã có đồng tiền, dở hoá hay"
Không đủ trình để hiểu câu “người không vì mình, trời tru đất diệt” nên người tầm thường hay "vận dụng" câu trên để giải thích cho lòng tham và sự ích kỷ. Nhưng tôi tin rằng lúc thốt lên lời cay đắng như vậy chắc ông bà ta cũng chỉ giận lẫy nhất thời thôi, vì rồi ông bà lại nhắn nhủ nhau phải biết sống vì người khác, phải “thương người như thể thương thân”, "con người ta thì cũng như con mình", phải biết cho đi, “làm phúc cũng như làm giàu” hay "hào sảng thì trời cho, ki bo thì trời lấy lại".
Tại sao chúng ta lại phải biết chia sẻ, cho đi?
Bởi vì “không có ai nghèo vì cho đi cả” (Anne Frank). Ngày chúng ta đến trái đất, chúng ta chỉ là một đứa bé không có gì. Ngày nhắm mắt ra đi, chúng ta cũng vậy. Kể cả nếu người được ta giúp có vô ơn, bội bạc thì ta cũng chẳng nên phiền muộn, hãy xem như ta có thêm bài học, để sau này ta biết phân biệt được đâu thật sự là người ta nên giúp, cần giúp. Họ lừa mình thì cũng chỉ dăm ba lần, chứ đâu thể lừa mãi cả đời mà căng thẳng, nói lời nghiệt ngã đắng cay.
Bạn ạ. Bạn có quyền từ chối việc cho đi, vì không ai ép buộc. Nhưng đã cho đi rồi thì không tính toán chi cho đầu óc nó hẹp hòi. Một khi đã cho người ăn xin thì số tiền đó đã thuộc quyền sở hữu của họ, họ có vô ăn phở ngon cũng có sao, đời người có bao nhiêu năm sống trên trái đất, thôi thì cho người ta được sung sướng một chút. Họ đã hạ mình xuống làm hành khất, đã hạ hết sự tự tôn của họ, sao mình còn so đo, tính toán, phải - trái với họ. Cho, là quên. Đó là sự hào sảng mà người đẳng cấp rất cao mới có.
Tới đây, tôi xin chuyển hướng kể lại một câu chuyện đọc được hồi bé
Có một tên cướp đi vào một ngôi làng. Nó ẩn nấp vào nhà vị bác sĩ duy nhất trong làng, (người mà nó tin rằng rất giàu có), dự định đến khuya sẽ bắt ông nói ra chỗ cất của cải, rồi sẽ giết ông để giữ bí mật. Đêm ấy, đột nhiên có điện thoại từ người thân của một đứa trẻ đang bệnh rất nặng từ làng bên cạnh cầu cứu. Lúc ấy là vào mùa đông, ngoài trời đang bão tuyết, làng đứa trẻ bị bệnh lại cách xa một quả núi, đi đến đó nhiều nguy hiểm, trời đã quá khuya, trong khi ông đã có một ngày quá mệt mỏi.
Gác điện thoại, ông bác sĩ thở dài đi đến giường nghỉ. Nhưng rồi ông lẩm bẩm mình không đi bây giờ lỡ đứa trẻ có thể chết thì làm sao. Vậy là ông mặc thêm áo, cầm theo cây đèn bão. Rồi ông mở cửa, ra đi. Dáng ông liêu xiêu trong gió tuyết. Sáng hôm sau khi ông bác sĩ trở về, tên cướp đón ông ngay trước cửa nhà, sụp xuống dưới chân ông: “Ông có biết tôi chờ ông suốt từ đêm qua tới giờ không?”
“Tôi xin lỗi đã để ông chờ. Mời ông vào nhà, trời hôm nay lạnh quá.” – Bác sĩ đáp.
Tên cướp nói: “Không phải. Tôi là một tên cướp. Đêm qua tôi đã ẩn nấp trong nhà ông. Tôi muốn bắt ông khai ra chỗ giấu của cải và sẽ giết ông. Nhưng hôm qua giữa trời gió tuyết ông đã bất chấp nguy hiểm đi chữa bệnh cho người ta. Tôi xấu hổ vì định làm hại một người như ông. Khi ông ra đi trong đêm, ông không chỉ cứu đứa trẻ làng bên, mà còn cứu chính bản thân ông. Và ông còn cứu cả tôi nữa”.
Thật may cho ông bác sĩ và ông A vì cả tên cướp trong câu chuyện trên và anh thanh niên được kể trong đề bài đều “không thể đối xử với tình thương bằng lòng tham của mình”. Sự may mắn ấy của một con người không phải đến một cách tình cờ mà nó được tích lũy bởi lòng chân thành và tình thương của họ trong suốt những năm tháng người ấy sống. Tình yêu thương thì có thể lay động cả đất trời. Sẽ bỗng nhiên xuất hiện những giây phút rất người như thế, "dù là tên đồ tể, vẫn có những giây phút thiện lương". "Nhân chi sơ, tính bản thiện".
Chúng ta bất kể giàu nghèo, sang hèn đều gắn kết với nhau chính nhờ sự cho đi. Sự cho đi của những Bill Gates, Warren Buffet thường vĩ đại và có thể thay đổi thế giới. Có những dân tộc may mắn sinh ra những tinh anh và 1 đời họ sống vì người khác, họ âm thầm thay đổi số phận dân tộc đó. Chúng ta có thể không (hoặc chưa) làm được những điều lớn lao như họ, nhưng chúng ta vẫn có thể cho đi bằng những điều nhỏ bé hằng ngày. Đó có thể đơn giản là nhẹ nhàng với 1 cuộc telesales chào hàng, một lời cám ơn chân thành với người lao công, là biết chia sẻ công việc nhà với người ở chung. Là biết xếp hàng, biết bỏ rác vào thùng, biết xách hộ cái giỏ nặng của phụ nữ mang bầu, biết nhường ghế cho một cụ già trên xe buýt. Là trích lương của mình ra tặng vài cây giống hạt giống con giống cho hộ nông dân nghèo nào mà mình biết, giúp họ vừa lao động vừa cải thiện kế sinh nhai. Nếu tất cả mọi người đều biết sống cho đi, ắt hẳn tất cả sẽ nhận lại thiên đường, ngay giữa thế gian này.
Người ta sẽ nói tôi suy nghĩ trẻ con vớ vẩn, lớn lên sẽ khác, đời đâu phải màu hồng mà lý thuyết. Xã hội loài người đảo điên danh và lợi, ai cũng nỗ lực lấy vô cho mình. Nhưng tôi nghĩ khác. Bút màu trong tay, ai cũng có quyền tự tô màu cho cuộc đời mình. Tôi chọn màu hồng và lòng tin, dù bao lần bị đắng cay, bội phản, tôi chấp nhận. Tôi vẫn cứ tin người, tôi vẫn cứ cho đi, vẫn cứ giúp đỡ người khác. Đó là sự sắt son của tôi với trời đất.
Kết thúc bài viết, tôi xin kể về câu chuyện hai cái hồ ở Palestine.
Bên Palestine có hai biển hồ. Biển thứ nhất gọi là biển Chết, nơi không có bất cứ sự sống nào, không có một loại cây loại cá nào có thể sống nổi mà người uống cũng bị bệnh. Biển hồ thứ hai là Galilê. Nước ở biển hồ Galilê lúc nào cũng trong xanh mát rượi, cá lội tung tăng. Vườn cây xung quanh tươi tốt. Điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển Chết, biển Chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ, trở nên mặn chát và khô cạn dần. Biển hồ Galilê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó mà tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước biển luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muôn thú và con người.
Một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa lan tỏa. Đôi môi có hé mở mới thu nhận được nụ cười . Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng. Có mở lòng ra thì người khác mới yêu thương bạn. Thật bất hạnh cho ai cả cuộc đời chỉ biết tham lam giữ cho riêng mình. "Sự sống” trong họ rồi cũng chết dần chết mòn như nước trong lòng biển Chết.
Dân tộc nào có thế hệ trẻ sống ăn ở như bát nước đầy, có tình có nghĩa và biết cho đi, dân tộc ấy sẽ trường tồn.
-SƯU TẦM-