Friday, December 6, 2024

NHỮNG NGHI THỨC DÙNG CÁC LOẠI ĐỒ UỐNG TRONG BÀN TIỆC

 Có nhiều người nghĩ rằng việc ăn mới phiền phức còn uống thì đơn giản. Nhưng đôi khi là ngược lại, bởi vì khi dùng đồ uống  con người ta tăng sự giao tiếp và quan sát, do đó phong thái lúc này biểu lộ ra rất đầy đủ.

Cung cách dùng bia

Tại các bữa tiệc trọng thể và đúng nguyên tắc, không bao giờ được dùng bia để chúc nhau. Đó là điều lưu ý và khiến bia đứng tách riêng với rượu.

Bia có sớm nhất ở châu Âu, ngày nay là một thứ đồ uống phổ cập và được ưa chuộng. Bia được cất bằng lúa mạch có thêm một loài hoa thực vật mang tên là Houblon mà ở Việt Nam ta gọi là hoa bia. Công dụng của bia là giảm nhiệt, có lợi cho tiêu hóa.

Các bữa tiệc đều dùng bia như một thứ giải khát (trừ những bữa tiệc do người theo đạo Hinđu và đạo Hồi tổ chức), nhưng cách dùng bia ở từng loại tiệc lại khác nhau. Tại tiệc ngồi, cốc uống bia có hình thức giống như các loại cốc giải khát khác, được đặt bên cạnh ly rượu mạnh.

Khi rót bia vào cốc, cần khéo tay để bọt bia không tràn ra mặt bàn. Lượng bia cách miệng cốc khoảng 1 đến 2cm và cốc bia phải luôn đầy.

Tại châu Âu, nhiều nước dùng bia có vị đắng, do có nhiều chất hoa bia, còn người châu Á nói chung không thích vị đắng, mặc dù biết đó là loại bia tốt.

Người châu Âu không có tập quán uống bia vào buổi sáng, kể cả những cuộc chiêu đãi vào buổi sáng, mà chỉ chúc bằng rượu mạnh. Khi chiêu đãi, chủ tiệc cần chú ý đến những đặc điểm này.



Cách dùng nước khoáng

Châu Âu là nơi tìm ra nguồn nước khoáng sớm nhất. Từ thế kỷ thứ XII, người Pháp đã tìm ra một số nguồn nước khoáng ở vùng Vichy và gọi là Vichy Célestins nổi tiếng thế giới. Tại vùng đồi núi Karlovy Vary thuộc Séc, từ thế kỷ thứ XIII người dân ở đây đã tìm ra được 12 nguồn nước khoáng có công dụng rất tốt.

Khi dùng nước khoáng có thể dùng nguyên chất, hoặc cho thêm gas. Loại nước khoáng ngọt do pha chế thêm đường và một số lượng hương liệu khác sẽ làm mất nhiều công dụng có ích của nước khoáng.

Tại hầu hết các quán ăn, tiệm ăn, khách sạn trên thế giới đều có nước khoáng.

Nước khoáng chỉ có thể giữ được chất lượng của nó trong một thời gian không dài. Do đó, nước khoáng thường không đóng vào lon kim loại, mà được đóng vào các chai, bình thủy tinh, hoặc bằng nhựa.

Tại các bữa tiệc đều có dùng nước khoáng làm đồ uống, trong khi sử dụng, cần chú ý không dùng nước khoáng đã quá hạn. Sau khi rót rượu mạnh vào ly, người phục vụ tùy theo ý của khách, sẽ rót nước khoáng hoặc nước giải khát vào cốc.

Chúng ta nên uống nước khoáng mặn hoặc nước khoáng không mùi vị, điều đó tốt cho việc thưởng thức tổng thể bữa tiệc.

Tại bữa tiệc, quý vị có thể uống một cốc nước khoáng ngay sau khi uống ly rượu mạnh, để giảm nồng độ rượu và cũng tránh bị say rượu.

Cách dùng nước hoa quả trong tiệc

Trong khi rượu mạnh, rượu vang, nước trà, cà phê… được uống theo thời điểm hoặc tùy thuộc theo các món ăn thích ứng, các loại nước hoa quả được uống vào bất kỳ lúc nào trong bữa tiệc.

Sau khi rót rượu, người phục vụ nhẹ nhàng hỏi khách dùng thứ nước quả gì thì rót đúng thứ nước đó.

Nước hoa quả còn được sử dụng sau khi khách uống rượu mạnh để tránh say rượu. Không bao giờ dùng nước ngọt để chúc rượu, nếu khách không biết uống rượu mà muốn cùng chúc rượu thì nên kín đáo dùng ly nước khoáng, hoặc có thể thay thế rượu mạnh bằng rượu vang.

Nước giải khát không nên uống một hơi liền cho đến hết, mà nên uống thành hai, ba lần.

Có thể dùng que hút nước giải khát trong cốc, nhưng không được để cốc nước trên mặt bàn rồi cúi đầu xuống hút nước, mà nên cầm cốc lên khỏi mặt bàn. Không nên hút sạch đến đáy cốc (trong bữa tiệc trang trọng, không dùng ống để hút nước).

Đặc biệt, tại bữa tiệc, sau khi ăn các món thủy sản, quý vị không nên dùng nước dứa vì nếu dùng sẽ gây đau bụng.


Cách sử dụng cà phê trong tiệc

Cà phê là một loại đồ uống phổ biến trên thế giới. Ở châu Âu không hề trồng cây cà phê nào, nhưng khắp châu Âu đều uống cà phê.

Theo lịch sử thì từ trước thế kỷ XVII đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đi đánh chiếm nhiều nơi ở châu Âu, châu Á, châu Phi. Khi tới châu Phi, binh lính Thổ gặp những cây rừng có quả nhỏ như đầu ngón tay với màu chín đỏ chót, đang lúc đói và mệt, họ ăn thử một vài quả. Lúc nếm thử có vị đắng, nhưng sau đó thấy không việc gì, họ tiếp tục ăn nhiều hơn. Qua một đêm, binh lính Thổ thấy đỡ mệt, những người bị thương thấy cơn đau dường như dịu đi. Rất ngạc nhiên về hiện tượng này, binh lính Thổ tìm hiểu loại cây kỳ diệu qua những thổ dân ở đó. Người Thổ gọi là cây kahve. Cà phê có nguồn gốc từ chữ đó.

Người Thổ đã nghĩ ra cách rang chín, giã nhỏ rồi mang theo người, khi cần thì pha nước sôi uống. Cho đến mãi sau này các nhà khoa học mới phát hiện những tác hại của cà phê nếu sử dụng quá nhiều.

Khi chinh chiến ở châu Âu, người Thổ đã truyền bá cách uống cà phê sang châu Âu, nhưng theo kiểu Thổ: cà phê rang chín, xay nhỏ, đổ nước sôi vào uống cả nước lẫn bã và thường là không có đường. Cách uống đó, trên thế giới gọi là uống cà phê kiểu Thổ (Café à la Turque). Sau này người Thổ đã biết dùng đường, trừ bã lại.

Mỗi cá nhân đều có thể có một thói quen dùng cà phê riêng. Nhưng trong bữa tiệc thì người dự cũng như chủ nhà đều dùng cà phê theo một số nguyên tắc chung. Cà phê thường được dùng vào giai đoạn cuối của bữa tiệc. Trong bữa tiệc thân mật, ít người, chủ nhà có thể hỏi khách muốn dùng trà hay cà phê, sau đó thông báo cho người phục vụ đem trà và cà phê theo đúng yêu cầu của từng người. Nhưng tại các bữa tiệc trọng thể, do chủ nhà không thể hỏi tất cả khách được nên người phục vụ sẽ đến tận nơi khách ngồi và nhẹ nhàng hỏi từng người khách muốn dùng trà hay cà phê để phục vụ từng người.

Khi dùng cà phê, người phục vụ chuẩn bị sẵn các cốc cà phê con đặt trên các tách và một thìa nhỏ. Cà phê luôn luôn được giữ nóng. Khi phục vụ, chỉ rót cà phê đến 2/3 cốc. Thông thường, trên mặt bàn, ngoài âu nhỏ đựng đường, còn có một bình sữa để khách có thể uống cà phê sữa nếu họ muốn. Nhưng trong bữa tiệc trang trọng, bình sữa nhỏ được đặt trên khay của người phục vụ.

Thông thường tại các bữa tiệc, người ta tuy dùng cà phê lọc nhưng phải giữ được độ nóng. Tại bữa tiệc thân mật, ít người, nếu khách muốn uống cà phê lọc ngay tại chỗ, thì người phục vụ để dụng cụ lọc trên cốc cà phê, trong đó có sẵn cà phê xay nhỏ. Người phục vụ lần lượt rót nước sôi vào mỗi cái lọc cà phê ngay tại chỗ và đậy nắp lại. Sau khi lọc, khách lấy nắp lọc cà phê để ngửa trên bàn và đặt cái lọc cà phê lên đó để tránh cà phê rớt ra bàn. Trường hợp quý vị thấy cà phê đặc, muốn uống loãng thì ra hiệu cho người phục vụ rót thêm nước sôi vào cốc.

Không dùng thìa múc cà phê, mà nâng cốc lên ngang miệng và nhẹ nhàng uống. Nếu uống cà phê theo kiểu Thổ thì tránh để bã cà phê dính vào miệng cốc hoặc miệng mình.

Tại bữa tiệc thân mật, nếu quý vị muốn, có thể rót tý rượu cognac vào cốc cà phê để uống cho thơm, nhưng tại bữa tiệc trọng thể nên tránh làm như vậy.

Cách dùng nước trà – đồ uống trong tiệc

Nước trà được sử dụng ở châu Á, rồi mới du nhập sang châu Âu vào nửa cuối thế kỷ thứ XVII dưới dạng nước trà đã pha sẵn đóng thành từng bình nhỏ.

Có ba loại trà chính được người sử dụng ưa chuộng:

Trà đen muốn để nước trà xuất sang châu Âu không bị hỏng, người ta đã ủ lá trà cho lên men, sau đó cho rang khô rồi đun sôi, do đó nước trà có màu đen, vị nước trà kém đi và hương nước trà hầu như không còn nữa. Người châu Âu căn cứ vào màu nước trà mà gọi đó là trà đen và từ thế kỷ XVII đã có tập quán uống trà đen.

Trà xanh là loại trà còn tươi, rửa sạch rồi đun chín bằng nước sôi, màu nước trà xanh, có hương thơm của trà và có vị trà rất ngon; hoặc không qua khâu ủ lên men, chỉ sao khô rồi đem ra pha nước sôi uống; màu trà cũng xanh và vẫn giữ được cả hương lẫn vị của trà.

Ở châu Âu trước thế kỷ thứ XVII, người dân châu Âu có kiếm được một số lá (không phải lá trà) rửa sạch, đun sôi và khi uống có tác dụng giải khát và chống một số bệnh cảm cúm nhẹ, những loại lá này được gọi là trà địa phương.

Tại các buổi tiệc chiêu đãi, hầu hết các nước trên thế giới đều theo tập quán giống nhau như sau:

Uống trà vào cuối bữa tiệc. Uống bằng cốc sứ loại vừa có quai (cá biệt có nơi dùng cốc gốm tráng men, cốc thủy tinh). Cốc uống trà có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn một chút so với cốc uống cà phê. Cốc uống trà phải có tách đi kèm.

Vào cuối bữa tiệc, khi các món ăn trên bàn tiệc đã dọn hết, người phục vụ lần lượt bày sẵn cốc tách kèm thìa nhỏ trên mặt bàn để uống cà phê hoặc trà.

Nếu uống trà xanh, người phục vụ rót trà xanh được để sẵn trên khay và không thêm một thứ gì vào để khỏi làm mất hương vị của trà. Ở nhiều nước, nhất là châu Á, thường uống trà xanh có ướp hương vị hoa nhài hoặc hoa sen. Cá biệt có khách nào muốn uống trà xanh với đường thì người phục vụ sẵn sàng thực hiện.

Nếu uống trà đen, thông thường, mỗi cốc trà đen đều có kèm một lát chanh và một ít đường. Có khách thích uống trà đen với sữa. Người phục vụ phải có những thứ này trên khay và sẵn sàng phục vụ tùy theo sở thích của khách.

Trong bữa tiệc, uống như thế nào cho đúng phép lịch sự cũng rất quan trọng. Không dùng cả bàn tay nắm cốc đồ uống. Chủ yếu là dùng bốn ngón tay phía trên, ngón út không cần dùng đến. Nhưng khi nâng cốc, không nên chìa ngón tay út ra phía ngoài cốc quá xa.

Chú ý không uống một ngụm đầy miệng.


Trước khi uống, dùng khăn mùi xoa riêng (hoặc khăn ăn tại bàn tiệc) khẽ lau sạch miệng để sau khi uống, không để lại vết môi hoặc vết đồ ăn trên miệng cốc.

Sau khi uống, lau lại miệng. Tuyệt đối không dùng tay để lau miệng thay khăn.

Không nên dốc ngược cốc, mà nên nghiêng cốc một cách vừa phải vào miệng. Cần giữ lại ở đáy cốc một chút đồ uống.

Không nên uống thành tiếng kêu ừng ực. Nếu trong cốc đồ uống có đá, có thể dùng thìa nhẹ nhàng khoắng cho đá tan. Không nên cầm cốc lúc lắc thành tiếng kêu để cho đá tan.

Không nên tự mình pha chế đồ uống, đổ cốc nọ vào cốc kia chẳng hạn như đổ chén rượu cognac vào tách cà phê để uống cho thơm (việc này chỉ có thể làm riêng tại nhà mình hoặc tại những bữa tiệc thân mật).

Source: Mann up