Thứ nhất, tôi nói “ngoại ngữ” vì vấn đề này không chỉ dừng ở tiếng Anh, mà có rất nhiều người chèn cả tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hàn vào tiếng Việt của mình, nhất là văn nói. Thứ hai, tôi nói “độn” để phân biệt với những từ mượn đã được Việt hóa thành vốn từ thông dụng. Các từ ngữ độn thường được dùng một cách lệch tông và không nhất quán với các bộ phận đứng trước và sau của chúng. Việc độn ngoại ngữ có ba hình thức chính:
1. Dùng nguyên trạng từ vựng tiếng nước ngoài chen vào giữa tiếng Việt (ví dụ: “Nếu như phải đi đến long distance relationship thì thật sự phải là mối quan hệ rất serious” v.v.)
2. Dùng từ viết tắt tiếng nước ngoài chen vào giữa tiếng Việt (ví dụ: “Mức độ tăng trưởng GDP”, “thuế VAT”, LOL, OMG, WTF v.v.)
3. Khôi phục những từ mượn đã được Việt hóa về nguyên bản (ví dụ: “vải linen”, “áo chemise”, “bếp gas”, “bánh gateau” v.v.)
Theo thống kê năm 2008 của khoa Tiếng Anh, Viện Đại học Mở Hà Nội, 43,32% người được hỏi ý kiến đã trả lời rằng mình thường xuyên chèn từ ngữ tiếng Anh trong cách ăn nói và viết lách hàng ngày - và đó mới chỉ là nói riêng tiếng Anh, ngoại ngữ phổ biến nhất.
Vậy chúng ta độn ngoại ngữ trong tiếng Việt để làm gì?
Mục đích độn ngoại ngữ, về căn bản, bao gồm cả tốt và xấu. Cốt lõi vẫn là dùng với ai, dùng ở đâu, dùng lúc nào, dùng để làm gì, và dùng như thế nào.
Về mặt tốt:
- Nó giúp trình bày một cách dễ hiểu và ngắn gọn những khái niệm mà nếu dịch ra tiếng Việt sẽ dài dòng và tối nghĩa, hoặc tiếng Việt không có.
- Nó giúp truyền tải hiệu quả trong môi trường thích hợp, giữa những người có cùng tư duy.
- Nó giúp đẩy nhanh tiến trình hội nhập.
- Nó giúp mang đến những sắc thái mới cho phương thức trình bày (ví dụ: “shopping” thời trang/“mua” lòng lợn, “anh em” trong nhà/“huynh đệ” trên giang hồ, “ma sœur” người Pháp/“nữ tu” người Việt).
- Nó giúp cho người nói diễn đạt những điều hơi khiếm nhã, tục tĩu, hay riêng tư một cách kín đáo hơn vì không phải ai cũng hiểu (ví dụ: “kimochi”, “yamete”, “sextoy” v.v.).
- Cuối cùng, nó giúp phát triển và làm phong phú từ vựng tiếng Việt (ví dụ: cụ Nguyễn Trãi chèn chữ “yuè”/“nguyệt” vào hơn 60 bài thơ Quốc Âm của mình: “Nguyệt mọc đầu non kình dội”, “Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén”, “Một tiếng chày đâu đâm cối nguyệt” v.v. song song với chữ “trăng” để tạo đối lập).
Về mặt xấu:
- Nó được dùng để thể hiện, làm màu, chứng tỏ.
- Nó được dùng để a dua, học đòi một cách diễn đạt mới, sang, thú vị hơn.
- Nó được dùng để khỏa lấp sự yếu kém về vốn từ vựng và diễn đạt tiếng Việt.
- Nó thể hiện sự lười.
- Nó thể hiện sự tự ti (dẫn đến tự tôn, sĩ diện).
- Nó thể hiện sự thiếu tôn trọng người khác.
Thế thì, do đâu mà chúng ta lại độn ngoại ngữ như thế?
Hành động này, theo những nhà nghiên cứu và học giả có uy tín, có thể được giải thích khá dễ dàng, là kết quả tổng hợp của một số “tính cách tộc người” của người Việt Nam.
Học giả Đào Duy Anh viết về “tính chất tinh thần” của người Việt: “thích văn chương phù hoa hơn là thực học, thích thành sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động”, “hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài”, “ưa hư danh”, “bắt chước, thích ứng và dung hòa thì rất tài” v.v.
Nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu Vũ Hạnh đã nêu ra “7 di chứng nô lệ” của người Việt, trong đó, nói riêng về khía cạnh độn ngoại ngữ, có: “tâm lí vọng ngoại”, “thói đua đòi”, và “thói xu nịnh”.
Tiến sĩ Bùi Quốc Châu chỉ ra 11 nét nhược trong 37 nét tính cách người Việt, trong đó có: 13. Tự ái nhiều hơn tự trọng, 14. Thường nghĩ đến cái lợi trước mắt, 16. Giỏi bắt chước, 20. Trọng hư danh, ưa nịnh hót, 28. Vọng ngoại, 31. Tính tùy tiện, cẩu thả, 33. Tính coi trời bằng vung, 37. Tính thích danh hơn thích làm giàu.
Tác giả Nguyễn Xuân Tư đi sát hơn, chỉ đích danh các nguyên nhân của tệ nạn tùy tiện sử dụng từ ngữ tiếng nước ngoài trên báo chí tiếng Việt: 1. Do tinh thần tự ti, 2. Do thói khoe khoang, 3. Do sự lười nhác suy nghĩ, 4. Do ý thức thiếu tôn trọng người khác.
Để tổng hợp lại, chúng ta có thể thấy 6 nguyên nhân tính cách và bản chất chính: 1. Tính không biết từ chối, 2. Đầu óc không thành kiến, dễ dung nạp, 3. Óc thực dụng, thực tế, 4. Thói a dua, học đòi, sính/vọng ngoại, 5. Thói sĩ diện, 6. Tính lười nhác trong suy nghĩ.
(Cũng phải nói thêm là việc độn ngoại ngữ không chỉ có duy nhất trong tiếng Việt chúng ta, mà trong các ngôn ngữ khác, kể cả những nước Tây phương tân tiến, họ cũng độn, và vì những lý do khác - tuy nhiên tôi tạm không bàn tới trong phạm vi bài viết.)
Cho nên, đánh giá khách quan nhất cho hiện tượng này là gì?
Hiện tượng độn ngoại ngữ này, phần lớn là không sai về bản chất, nhưng sai khi bị lạm dụng và biến tướng. Là một người theo chủ nghĩa tự do, tôi sẽ đấu tranh đến cùng cho quyền phát ngôn của mọi người. Nhưng quyền đi đôi với nghĩa vụ - bạn có quyền nói bất cứ kiểu gì bạn muốn, nhưng người khác cũng có quyền đánh giá bạn, và bạn phải có nghĩa vụ để không trở nên “chướng” hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến người hoặc sự vật, sự việc khác với cách phát ngôn của mình.
Mỗi khi tôi nghe chỉ trích “giới trẻ nói chèn nhiều ngoại ngữ và dùng tên/nghệ danh nước ngoài”, tôi đều lên tiếng phản đối quan điểm có phần thiển cận đó. Việc này không dừng ở một giới nào cả, và nó cũng không phải chỉ thời đại này. Thời ông bà sính Hán, thời cha mẹ sính Pháp, Nga, thời con cái sính Anh, Hàn, Nhật. Một người nói “Tôi được trả tiền overtime”, cũng không khác mấy với một người nói “Thu nhập của tôi có thêm khoản phụ trội”. Tương tự, Nguyễn Phước Thịnh, nghệ danh Noo Phước Thịnh, cũng không khác gì với cụ Nguyễn Trãi, tự Ức Trai.
Điều tôi muốn chỉ trích và thấy cần sửa đổi là khi chúng ta lạm dụng quyền tự do phát ngôn đó và dùng nó một cách thừa thãi, bừa bãi, gây khó hiểu và khó chịu, ảnh hưởng tiêu cực đến sự việc chung. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi các định hướng giá trị văn hóa-xã hội còn ở tình trạng nước đôi, cái cũ vẫn còn và không được trân trọng, cái mới chưa ổn định mà lại được kỳ vọng, tốt xấu chưa rõ ràng, thì hiện tượng độn ngoại ngữ vô lối còn có điều kiện phát triển mạnh.
Thậm chí có những người ngữ pháp, chính tả, và phát âm ngoại ngữ rất dở, nhưng lại liên tục chèn ngoại ngữ vào cách hành văn của mình, gây nực cười (ví dụ: “Xuất-tinh/shooting”, “Xuộc/source”, “Rì-mích/remix”, “Boi-sờ-ben/boyband” v.v) Hoặc, họ dùng ngoại ngữ một cách thừa thãi, trùng lặp vì không hiểu rõ ngữ nghĩa của cả tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài (ví dụ: “fan hâm mộ”, “thuế VAT, "máy ATM”, “địa chất đất”, “dòng hải lưu”, “sông Trường Giang” v.v.) Hay, họ dùng ngoại ngữ khi không cần dùng, khi tiếng Việt cũng có từ ngữ tương đương, thông dụng (ví dụ: ca sĩ chưa có “name”, không đủ “time” để thực hiện v.v.) Lại có lúc, họ chèn hai, ba ngoại ngữ vào một văn bản (ví dụ: “Babe! Kajima! Stay here with me! Kajima”, “Nỗi sợ I’m losing you” v.v.) Cuối cùng, họ dùng một cách không nhất quán, để lộ ra rằng mình cố tình dùng để khoe mẽ khi dùng cả hai phiên bản từ ngữ trong một câu (ví dụ: “cái long distance sẽ không còn là một cái khoảng cách, một cái trở ngại quá lớn”). Tất cả những hành động như vậy đều đáng bị chỉ trích và cần sửa đổi.
Và còn những luận điệu ngụy biện gì cần bác bỏ?
“Độn ngoại ngữ để thực hành ngoại ngữ”: Nếu muốn thực hành, hãy dùng thuần ngoại ngữ ấy trong giao tiếp, nhất là khi bạn biết đối phương đủ khả năng nghe hiểu, vì việc pha trộn lệch lạc hoàn toàn khiến từ ngữ bị hỏng nghĩa và ngữ pháp bị sai lệch, không giúp khả năng ngôn ngữ của ai tăng lên cả. Thay vì nói “Em không có time”, hãy nói “I don’t have time”. Giả dụ, bạn học thổi kèn, đi đâu bạn cũng mang theo cây kèn và thổi toe toe vào mặt người khác để thực hành, bạn nghĩ rằng điều đó có ổn không?
“Môi trường làm việc quốc tế, giao tiếp bắt buộc, dần thành thói quen”: Nếu nói về môi trường, những người sống ở nước ngoài như chúng tôi còn bị ép buộc dùng ngoại ngữ như thế nào nữa? Nhưng chúng tôi vẫn dùng tiếng Việt tối đa, hết mức có thể, và trau dồi vốn từ vựng tiếng Việt để không “mất gốc”. Thậm chí, có những con em sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, chỉ bập bẹ, lơ lớ nói được tiếng Việt, chúng vẫn dùng tiếng Việt thuần hoặc tiếng bản địa thuần, chứ không hề pha trộn. Gần hơn, chúng ta có thể thấy trên chương trình Shark Tank Vietnam - Thương Vụ Bạc Tỷ, Shark Thái Vân Linh, tuy lớn lên ở nước ngoài, làm việc trong môi trường quốc tế, nhưng cô vẫn cố gắng diễn đạt ý dù phức tạp hay đơn giản bằng tiếng Việt, bất quá mới dùng tiếng Anh - khác hẳn với một số Shark thuần Việt Nam còn lại. Nên là, dùng thì cứ dùng, nhưng nên khảng khái tự biết là mình thiếu cố gắng và yếu diễn đạt.
“Khó để diễn đạt bằng tiếng Việt cho trôi chảy, thoát ý”: Vì bạn thiếu hiểu biết, không đủ vốn để truyền tải bằng ngữ nghĩa tương đương mà chỉ biết dịch Nôm. Hãy đọc chuỗi những cuốn truyện Harry Potter để xem dịch giả Lý Lan (người gốc Tàu, giống Shark Linh) đã dịch đến cả những câu bùa chú và các từ ghép quái chiêu cho các sự vật không có thật mà tác giả J.K.Rowling đã chế ra như thế nào. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng là ngụy biện, vì có những trường hợp như vậy thật, không phải do lười hay thiếu hiểu biết về diễn đạt tiếng Việt, mà thực sự nó không thể diễn đạt được, hoặc nói ra không ai hiểu, vì khái niệm đó không có trong văn hóa và ngôn ngữ của người Việt (ví dụ: “Anhedonia”, “Sapiosexual” v.v.) Chẳng những thế, hiện tượng dùng tiếng Việt thái quá và không hiệu quả khi thông dịch tiếng nước ngoài cũng là việc có thật và cần bài trừ. Những tựa báo kiểu như “10 quả trứng phục sinh bạn không để ý thấy trong phim Avengers: Endgame” hoàn toàn vô nghĩa, vì “dịch Nôm” tiếng Anh mà không có tham chiếu tiếng Việt để giải nghĩa.
Tóm lại, nói dông dài thì cũng chỉ để chốt lại những ý này.
Độn ngoại ngữ là một hành động mang tính bản năng và bản chất. Với hiện tượng này, chúng ta không thể giải quyết bằng những phương cách nóng vội và bề mặt như lên án, thóa mạ, hay áp chế. Chúng ta cần giữ thái độ khách quan, trung hòa, không đánh đồng mọi trường hợp, mà có phân biệt theo hoàn cảnh giao tiếp để có biện pháp giáo dục hoặc khuyến khích hợp lý. Nên nhớ rằng, dùng tiếng Việt cũng là một cách yêu nước, còn hiệu quả hơn gấp ngàn lần những lời hô hào sáo rỗng.
Tôi nhắc lại, cốt lõi của việc độn ngoại ngữ không gây chướng khí vẫn là “dùng với ai, dùng ở đâu, dùng lúc nào, dùng để làm gì, dùng như thế nào”.
Người nghe hiểu thì hãy dùng. Môi trường hợp lý thì hãy dùng. Ngữ cảnh đòi hỏi thì hãy dùng. Cần thiết thì hãy dùng. Dùng thì dùng cho đúng.
Dùng sai bị chửi ráng chịu.
st