Monday, December 9, 2024

"Nam nữ như nhau", câu này có đúng không?

 Hiện nay, nhắc đến con gái, rất nhiều người tự nhiên nghĩ tới những lời như “thời đại khác rồi, nam nữ đều như nhau”. Nhưng nam nữ vốn không giống nhau, nếu giống thì dẹp


được rồi.


Văn hóa truyền thống chú trọng cân bằng âm dương, kỳ thực chính là chú trọng tới quy luật vạn sự vạn vật điều tiết lẫn nhau, trong đó bao gồm nam nữ. Nam là dương, nữ là âm, đặc tính của nam là cương trực, đặc tính của nữ là nhu mỳ. Hai đặc tính nhu cương bổ trợ cho nhau, cộng sinh hài hòa, chứ không phải là ỷ mạnh hiếp yếu. Luân lý đạo đức mấy nghìn năm đề xướng ân ái giữa vợ chồng là điều quan trọng, nam đối ngoại, phải gánh vác trách nhiệm gia đình, phải nuông dưỡng gia đình, yêu thương và bảo vệ vợ con mình, có trách nhiệm với vợ suốt cuộc đời; nữ đối nội, trên kính tứ thân phụ mẫu, đỡ đần chồng dạy bảo con cái, yêu thương chồng của mình.

Gia đình là tế bào cơ bản của xã hội, trong xã hội cổ đại, gia đình và gia tộc càng đóng vai trò quan trọng. Lý tưởng nhân sinh của cổ nhân là “tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ”, kỳ thực tuần tự đó cũng có cùng đạo lý, “bình thiên hạ” chỉ là mở rộng đạo “tề gia” sang một phạm vi lớn hơn. Trong mối quan hệ gia đình, quan hệ “vợ chồng” là phương diện quan trọng nhất. “Trung Dung” giảng: “Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ, cập kỳ chí dã, sát hồ thiên địa” (Đạo Trung Dung mà người quân tử gìn giữ, bắt đầu từ đạo lý nông cạn mà một người phụ nữ bình thường cũng hiểu được, khi đạt tới chỗ tinh vi ảo diệu thì có thể hiểu rõ mọi sự vật trong trời đất). Cổ vũ “nam nữ đều giống nhau” đã trực tiếp phá vỡ sự cân bằng và hài hòa của gia đình.

Trong xã hội truyền thống, nữ giới dù không có thành tựu nổi bật về những phương diện như chính trị, kinh tế, khoa học, quân sự, nhưng về phương diện dạy dỗ con cái, duy trì đạo đức và duy trì trật tự xã hội bình thường lại phát huy tác dụng không thể thay thế. Đặc biệt là mẹ sẽ gieo tình yêu vào tâm hồn non nớt của đứa trẻ, đợi sau này khi đứa trẻ lớn lên sẽ mang tình yêu này truyền ra xã hội. Giống như “Mạnh mẫu tam thiên” (Mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà), “Nhạc mẫu thích tự” (Mẹ Nhạc Phi khắc chữ “Tinh trung báo quốc” lên lưng con), hay nguyên phi Ỷ Lan dạy dỗ vua Lý Nhân Tông. Nếu không có sự bảo ban của người mẹ thấu hiểu đại nghĩa thì có lẽ cũng không có những bậc vĩ nhân đó sau này.

Những người cổ động “Nam nữ như nhau, phụ nữ làm chủ nửa vùng trời”, ép buộc nữ giới thay đổi vai trò hiền thê từ mẫu, khiến phụ nữ xung phong lâm trận giống đàn ông, đi làm những việc mình khó đảm đương nổi. Mặt khác, gánh nặng chăm sóc người già, giáo dục trẻ nhỏ không người gánh vác hoặc không thể gánh vác, việc giáo dục trẻ nhỏ hoàn toàn ỷ lại vào thế hệ trước (ông bà nội, ông bà ngoại) hoặc nhà trường và xã hội, do đó sẽ gây ra những vấn đề xã hội phức tạp khó giải quyết.

Kiểu ép buộc phụ nữ đảm đương rất nhiều công việc không phù hợp mà hoàn toàn không quan tâm tới sự khác nhau về sinh lý, dùng tiêu chuẩn của đàn ông để yêu cầu phụ nữ, thực tế chính là sự bất công bằng với phụ nữ, cũng thực sự là sự nô dịch phụ nữ.

Khổng Tử giảng: “Quân tử hòa nhi bất đồng” (Quân tử hòa đồng nhưng vẫn mang nét khác biệt), quả thực là đặc điểm khác biệt của mỗi người đã cấu thành nên một xã hội nhiều màu. Mỗi người có một sở trường riêng, tôn trọng lẫn nhau, đối đãi công bằng. Nam nữ hai giới mang những sự khác biệt bẩm sinh, cớ sao lại nhồi nhét tư tưởng “quần ngư tranh thực”, khiến phụ nữ cảm thấy nếu yếu thế hơn đàn ông thì sẽ thành vật hy sinh, hoặc bị áp bức. Khiến phụ nữ nghĩ rằng nếu muốn bảo vệ bản thân thì phải dữ dằn lên.

Phụ nữ từ bỏ sự nhu mì theo đuổi sự cương trực, cũng chính là vứt bỏ sở trường của mình, dùng sở đoản của mình đi tranh với sở trường của đàn ông, cho nên mất đi rất nhiều lợi thế riêng. Phụ nữ ngoài học tập, công tác ra còn cần phải làm một người vợ hiền, lại phải nối tiếp đời sau, còn phải giằng xé giữa việc mình có phải làm mẹ hiền hay không, lại phải chạy đua tranh giải với đàn ông, lại phải tô vẽ thêu thùa. Phụ nữ Việt Nam tự mình cũng cảm thấy áp lực này, cảm thấy làm phụ nữ thật mệt mỏi.

Quan niệm “Nam nữ như nhau” đã dẫn đến hiện tượng âm thịnh dương suy. Con gái hiện đại có nhiều người ai mắt long nhãn (long sòng sọc như hột nhãn), đi bộ hùng hổ, nói chuyện nạt nộ to tiếng, chửi bậy không ngớt loa. Phía êm ái của phụ nữ thời xưa bị cố tình vứt bỏ. Rất nhiều phụ nữ cũng đã phát hiện ra đặc điểm này của mình qua sách báo, truyền hình, phụ nữ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan xem chừng lại biết trang điểm, trông càng nữ tính hơn. Phụ nữ trong quá trình nam tính hóa dần mất đi đặc tính dịu dàng của mình, trở nên thô bạo độc ác, cường điệu hóa quan niệm về việc thực hiện giá trị nhân sinh chính là chiến thắng đàn ông, khiến cho xã hội ngày nay rất nhiều cô gái mất đi đặc trưng của phụ nữ, cũng khiến cuộc cạnh tranh giữa nam và nữ thêm ác liệt, mối quan hệ hôn nhân gia đình ngày nay càng thêm căng thẳng.

Con người với cuộc hôn nhân và trong gia đình đã bị làm cho biến dị rất khó tìm được chốn đi về bình yên trong tâm hồn. Phụ nữ phải làm chủ nửa vùng trời, làm những việc mà đàn ông muốn làm, ắt sẽ khiến phụ nữ trở nên mạnh mẽ như đàn ông. Trong nhà không ai phục ai, tranh đấu với nhau khiến gia đình mất đi sự ấm áp. Đàn ông oán trách phụ nữ không nữ tính, phụ nữ cũng hận người đàn ông của mình không cương quyết, vô dụng. Người đàn ông bị phụ nữ áp chế, không thể đội trời đạp đất, mang sự tôn nghiêm của nam tử hán, mà bị biến thành “vợ quản chặt”. Rất nhiều người đàn ông không thể thể hiện được sự tôn nghiêm của mình trong nhà, bèn ra ngoài tìm người phụ nữ biết phục tùng và tôn trọng đàn ông, kết quả tạo nên càng nhiều mâu thuẫn hơn, tinh thần trách nhiệm với hôn nhân của con người ngày càng nhạt nhòa. Tỷ lệ ly hôn cao trong xã hội hiện đại, những mối tình ngoài hôn nhân tràn lan có liên quan rất nhiều tới việc gia đình bị phá hoại.

Đương nhiên xã hội đã trở nên rất phức tạp, xuất hiện cả sự “chen lấn giới tính”, “quan điểm cá nhân” này khác. Nên bài viết này chỉ là góp 1 góc nhìn nhỏ, dành cho nam giới nữ giới bình thường, các trường hợp cụ thể khác chúng ta không bàn tới.

(Mannup)