Chúng ta thường lầm tưởng rằng những ý nghĩ thoáng lên trong đầu, như "mình nên ăn gì", hay "vì sao họ lại hành động như vậy", là do mình chủ động gợi ra.
Thế nhưng theo các nhà tâm lý học, chính tiềm thức của chúng ta mới đảm trách những khâu nặng nhất của quy trình suy nghĩ.
Nếu như tôi tự hỏi bản thân rằng thủ đô của Pháp là gì, câu trả lời sẽ nhanh chóng hiện ra là Paris.
Nếu tôi muốn ngọ nguậy các ngón tay, chúng sẽ di chuyển tới lui theo một trình tự phức tạp mà tôi không hề chủ động nghĩ ra.
Tất cả những điều này được thực hiện bởi tiềm thức.
Câu hỏi lớn hiện nay trong ngành tâm lý học, đó là điều gì xảy ra do sự điều khiển của tiềm thức, và điều gì xảy ra do ý thức. Hay nói như tựa của một trong các công trình nghiên cứu đáng chú ý trong chủ đề này: "Tiềm thức của chúng ta thông minh hay ngu ngốc?".
Tiềm thức của chúng ta được cho là chuẩn bị sẵn những phản ứng đơn giản, cung cấp những thông tin cơ bản, nhận biết các vật thể và thực hiện những chuyển động quen thuộc.
Những suy nghĩ phức tạp khác, bao gồm việc lên kế hoạch, lý luận, tổng hợp các ý tưởng, sáng kiến, đều yêu cầu sự tham gia của ý thức.
Một trong các thử nghiệm mới đây do một nhóm các nhà nghiên cứu người Israel thực hiện đã tìm cách chứng minh điều này.
Ông Ran Hassin và các đồng nghiệp sử dụng một thủ thuật về hình ảnh để đưa thông tin vào não bộ của các tình nguyện viên mà họ không hề ý thức được.
Não bộ của chúng ta thường xuyên tìm cách kết nối những góc nhìn khác nhau từ hai mắt để tạo thành một hình ảnh thống nhất về thế giới xung quanh.
Công nghệ của nhóm ông Hassin lại gửi các thông tin khác nhau đến mỗi mắt.
Một mắt liên tục nhận được hình ảnh những khối vuông đầy màu sắc. Các hình ảnh này gây mất tập trung đến nỗi khi những thông tin thật sự được chuyển tải vào mắt bên kia, người tham gia thử nghiệm sẽ không ý thức được.
Trên thực tế, các tình nguyện viện phải cần nhiều giây mới nhận biết được những thứ đang hiện ra ở ngay trước mắt.
Các câu hỏi về toán học sau đó được chiếu ra trước mắt những người tham gia thử nghiệm, khi mà họ không ý thức được về điều này.
Các câu hỏi có dạng như '9 - 3 - 4 = ?'.
Tiếp đó, nhóm của Hassin chiếu những con số riêng lẻ và yêu cầu người tham gia thử nghiệm đọc to.
Những con số này có thể là đáp án đúng hoặc sai của các câu hỏi vừa được nêu. Ví dụ như trong trường hợp trên, con số đúng là 2 và con số sai là 1.
Điều đáng ngạc nhiên ở đây là những người tham gia thử nghiệm thường phản ứng trước những đáp án đúng nhanh hơn là đáp án sai.
Điều này cho thấy các bài toán đã được não bộ của họ xử lý và giải đáp, ngay cả khi họ không ý thức được về điều này.
Kết quả thử nghiệm cho thấy tiềm thức của chúng ta thông minh hơn là chúng ta nghĩ.
Không giống với những thử nghiệm trước đây, thử nghiệm này yêu cầu một câu trả lời chính xác, dựa theo các quy luật của toán học - điều mà bạn nghĩ chỉ có thể được thực hiện một cách có ý thức.
Thí nghiệm này cho thấy 'tiềm thức có thể thực hiện các chức năng cơ bản giống như ý thức".
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng cần có thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn về sức mạnh của tiềm thức.
Giống như những tảng băng nổi, hầu hết những gì xảy ra bên trong não bộ của chúng ta đều không thể nhìn thấy.
Những thử nghiệm như thế này cho chúng ta cơ hội để nhận biết phần chìm dưới nước của tảng băng đó.
SOURCE: https://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2015/03/150307_how-smart-is-your-subconscious_vert_fut#_=_