Tuesday, April 25, 2023

Góc nhìn Alan Phan

 TÔI CHỈ CÓ MỘT PHONG CÁCH LÀ SỐNG THẬT



PV: Ông có những bài viết rất sâu sắc về kinh doanh, về đồng tiền, quan niệm của riêng ông về tiền là gì?


TS. Alan Phan: Quan điểm về đồng tiền của tôi thay đổi theo từng thời điểm. Bước vào đại học, say mê với những văn phẩm nghệ thuật mang mầu sắc hiện sinh từ Kafka, Camus, Kierkegaard… tôi có thái độ rất thịnh hành ngày đó là coi thường những doanh gia (thậm chí gọi là trọc phú) và tiền bạc. Tuy nhiên, tôi khám phá rất nhanh một điều, tất cả những gì hay những người tôi yêu thương đều “cần” và “yêu” tiền. Đúng như cô đào người Mỹ gốc Hungary Zsa Zsa Gabor nói: “Khóc đâu cũng là khóc, nhưng tôi thích khóc trong chiếc xe Rolls Royce”.


Tôi bắt đầu đi vào một thái cực khác, say đắm đồng tiền như một “người vợ” mà mình đã không biết yêu khi cưới. Tôi yêu tiền như một đứa bé lần đầu bước vào tiệm kẹo. Suốt thời trung niên, tôi thấy đồng tiền là tất cả. Tôi quên mất những mặt trái của đồng tiền, chỉ còn say đắm với lợi ích. Tôi cho rằng ba lợi ích lớn nhất của đồng tiền nhìn từ góc cạnh trí thức là tự do, thời gian và nhân tính. 


Tuy nói vậy nhưng thực tế thường phức tạp và nhiều thách thức hơn lý thuyết. Trước hết, hành xử hàng ngày của một người làm kinh doanh bị giới hạn bởi trách nhiệm với cổ đông, nhân viên, khách hàng, quyền lợi và thương hiệu của doanh nghiệp, và với cả cộng đồng chung quanh. Tôi không thể nói hay làm những gì có thể gây hại đến những đối tác này. Bản thân cũng không có quyền bị bệnh. Tôi bận rộn khủng khiếp khi giàu có. May mắn lắm mới có thì giờ nhàn rỗi để đọc hết một cuốn sách trên 500 trang. Những tiệc tùng lễ hội liên tiếp không cho tôi thời gian để thư giãn với gia đình bạn bè. Bao nhiêu liên hệ thân tình sâu xa đã bị sự giàu có chia cắt. 


Đến thời điểm này, trải qua bao nhiều thăng trầm, tôi mới hiểu đồng tiền chỉ là phương tiện, đứng sau sức khỏe, sau tinh thần, sau sự thanh bình tâm hồn. Thứ hạng của đồng tiền ngày càng tụt hạng. Tôi vẫn yêu tiền. Dù nó mang đến hạnh phúc hay đau khổ, đồng tiền vẫn là “người vợ”, “người tình” và “người bạn” tuyệt vời. Tôi đã hiểu lời của triết gia Jean P. Sartre rằng, “chúng ta là nô lệ cho những gì mình sở hữu”.

PV: Trong lần đầu tiên kiếm được một số tiền lớn, ông đã xài nó thế nào? Thời điểm nào ông kiếm được nhiều tiền nhất?


TS. Alan Phan: Tôi không suy nghĩ nhiều về đồng tiền nhận được khi đi làm thuê, mà nhớ nhất 500.000 đô la từ một quỹ tài trợ cho dự án kinh doanh đầu tiên của mình, để xây dựng công ty. Chưa bao giờ tôi có được số tiền lớn như thế, nên rất hoan hỉ, và đã copy lại tờ chi ngân phiếu, đóng khung lại để ngay trên bàn làm việc của mình. Sau này, dù kiếm được nhiều tiền hơn nhưng tôi thấy mình không vui và hạnh phúc bằng lần đầu tiên ấy… 


Tôi cũng không giấu diếm là suốt 42 năm lăn lộn trên thương trường, lòng tham vô đáy bắt tôi phải đứng dậy tiếp tục cuộc chơi cho đến mức thành công. Dĩ nhiên, nó cũng dẫn đến nhiều thất bại điên rồ. Tôi sắm chiếc Lamborghini vào năm 33 tuổi, tôi bỏ vài trăm ngàn đô la để đưa một siêu mẫu Venezuela qua Paris chơi hai tuần, tôi lên báo Mỹ tuyên bố vung vít về thành quả của công ty tại Trung Quốc (tôi ví mình là người mở đường cho IT ở đây), tôi hoang phí sức khỏe trong những bữa tiệc thâu đêm hay những chuyến bay liên lục địa mỗi tuần. Tôi tạo nên những kẻ thù không cần thiết. Tất cả để “khoe” với thế giới là tôi đã “đạt”.


Đồng tiền đã cho tôi những thứ tuyệt vời như hai chiếc đồng hồ Oris Artelier của tôi và vợ, được mua trong một phút ngẫu hứng tại Monte Carlo; như chiếc du thuyền Feretti tôi chia sở hữu với 3 người bạn khác ở Miami (Mỹ); như căn hộ nhỏ bé dễ thương cạnh bờ biển Puerto Viejo của Costa Rica; như những bộ viết máy mang các tên huyền thoại như Mont Blanc, Cartier, Montegrappa, Visconti… mà tôi đã tốn công sưu tập suốt 25 năm. 


Đồng tiền cũng cho tôi những trải nghiệm khó quên như chuyến du hành lạ lùng vào Tây Tạng huyền bí vào năm 1979, khi rất ít người ngoài được phép đến đó; như chuyến leo núi ở Cerro Castor phía nam Argentina đầy mạo hiểm, mà tôi suýt bị một trận bão tuyết chôn vùi; như lần đi dã ngoại ở Kenya nóng bức với một người tình Rwanda đen hơn than đá. 


PV: Ông cũng đã từng nếm trải cảm giác bị trắng tay hoàn toàn, khi ấy, ông làm sao đứng dậy và làm lại? 


TS. Alan Phan: Đúng vậy, tôi từng trắng tay vài ba lần trong cuộc đời, dưới nhiều hình thức khác nhau. Lần đầu tiên khi còn ở Việt Nam, có rất nhiều cơ sở làm ăn với cả chục ngàn nhân viên, sở hữu nhiều tiền bạc, nhà cửa khi tuổi đời còn trẻ. Sau ngày 30/4/1975, tôi không còn đồng nào. Đi qua Mỹ với một vợ một con, gặp một người bạn móc túi cho tôi 400 đô la, suy nghĩ lớn nhất lúc ấy là làm gì để nuôi gia đình. Không băn khoăn, không than khóc.


Lần trắng tay khác là khi kinh doanh địa ốc tại Mỹ, cơn lốc khủng hoảng ập đến đã khiến tôi thua lỗ sạch, phải đứng dậy đi ra khỏi nhà, trả lại tất cả sản cho nhà băng, chỉ còn một vali quần áo, vợ con cũng bỏ đi hết… Tôi cũng chẳng buồn, chỉ nghĩ phải làm gì tiếp đây? Tính tôi thế, không cho phép mình buồn lâu hơn một tuần, mỗi lần trắng tay coi như mình thua một trận tennis, để tiếp tục trở lại với trận đấu trên thương trường. Đó là nhu cầu sinh tồn của con người, không phải nghị lực cao siêu gì cả. Tôi là con người thực tế, giữa việc ngồi than khóc và đi kiếm tiền tiếp, tôi lo suy nghĩ để kiếm tiền. 


PV: Doanh nhân Việt Nam thường giấu diếm chuyện thua lỗ, phá sản, trắng tay…  vì sao ông lại công khai những lần phá sản?


TS. Alan Phan: Cách nhìn của xã hội Việt Nam khác Mỹ. Trong môi trường kinh doanh Mỹ, chuyện phá sản khá bình thường, không bi kịch hóa như ở Việt Nam. Ngay cả khi ở Việt Nam, tôi cũng không quan tâm lắm đến chuyện người khác nghĩ về mình. Tôi luôn nói với người khác rằng những gì bạn nghĩ về tôi là vấn đề của bạn, không phải của tôi. Chuyện xấu hổ, chuyện suy sụp ít khi xảy ra vì thái độ của mình là như vậy. 


PV: Từ khi nào ông tạo được cho mình một phong cách riêng?


TS. Alan Phan: Tôi không suy nghĩ nhiều về chuyện xây dựng phong cách cá nhân. Mình nên là mình, không cố gắng là người khác, sống rất thực với những gì mình suy nghĩ, những gì mình tin. Ai khen chê ráng chịu. Về ăn mặc, tôi thích gì mặc nấy không quan tâm tới thương hiệu, quan trọng nhất là làm sao thoải mái, không bị nóng bức, và hợp với từng hoàn cảnh. Thời trẻ thì cần hình thể phải hấp dẫn để thu hút phái yếu, giờ không quan trọng nữa, mình thấy được là được, hơi xộc xệch một chút cũng không sao, miễn là phải sạch sẽ. Tôi thường chọn chất liệu cotton, và xài nước hoa hiệu Boss như một thói quen thôi. 


Khi mình còn đang đi làm công cho người khác, phải tuân theo những quy ước, kỷ luật. Khi còn làm cho những hãng nhỏ, tôi rất khó chịu khi phải mặc những bộ đồ vest đồng phục màu xanh dương đậm, áo trắng, cà vạt đỏ. Mãi đến khi làm cho mình, tôi mới được tự do. Đương nhiên sống trong một xã hội khi chưa được tự do, có những quy ước mình phải tuân theo. Quan niệm của tôi là đồng tiền mang lại cho mình sự tự do trong lối sống và suy nghĩ riêng. Tôi chỉ có một phong cách là sống thật.

 

PV: Ông tự do nhất khi nào?


TS. Alan Phan: Khi mình có nhiều tiền nhất… nói đùa thôi. Là lúc mình bình an nhất. Lúc ấy, thấy mọi điều chỉ là thứ yếu, là chuyện nhỏ. Khi vẫn còn thôi thúc, ám ảnh kéo tới kéo lui thì chưa thể có tự do. Tự do chỉ là tương đối thôi, không có tự do tuyệt đối, luôn có những điều mình không được như ý, nhưng tôi bình yên.


Trong giáo dục con cái, làm thế nào để ông có thể hướng dẫn con tiêu xài đúng cách, tạo được một gu thẩm mỹ riêng, sành điệu nhưng không xa xỉ? 


TS. Alan Phan: Mình sinh con, trời sinh tính, ảnh hưởng của mình có khi còn kém ảnh hưởng của bạn bè quanh nó. Cách giáo dục tốt nhất mình là tấm gương, sống không giấu giếm, không đạo đức giả với con. Quan trọng nhất là để con hiểu mình luôn ở bên cạnh, ủng hộ con, lắng nghe và dành thời gian cho con, biết dung hòa giữa quan điểm của mình và con cái. Khi con đã trưởng thành, chỉ hướng dẫn, không áp đặt… Có thể đó là cách chưa chắc đã hay, tôi có hai cậu con trai, chỉ mong muốn con thành hai công dân tốt trong xã hội. 


PV: Trong không gian sống của mình, ông coi trọng điều gì nhất?


TS. Alan Phan: Sự yên tĩnh. Tôi hay làm việc đầu óc, nếu xáo trộn ồn ào quá sẽ rất khó chịu. Tôi rất sợ khi phải hít thở không khí ô nhiễm bởi bụi, khói và tiếng ồn, nên đã chọn một ngôi nhà nhỏ ở Phú Mỹ Hưng. Tôi thích xung quanh nhà có cây xanh yên ả. Điều thứ ba là càng ít đồ đạc càng tốt. Tôi cần nhiều chỗ trống thoải mái, phòng ăn, phòng làm việc, phòng ngủ, phòng thể dục… không cần xa hoa dát vàng. Thải mái là tiêu chí số một trong môi trường sống của tôi.


🎯 Trích từ sách Góc nhìn Alan – Những bài chưa xuất bản: http://bit.ly/Goc-nhin-alan-nhung-bai-chua-xuat-ban

http://bit.ly/nhung-bai-chua-xuat-ban-shopee