Tuesday, January 7, 2025

Các cô gái, bạn chọn tính từ gì cho bản thân mình?

 

“Có rất nhiều tiêu chuẩn để trở thành một cô gái tuyệt vời. Bạn cứ search Google, những bài báo câu like kiểu đấy không thiếu.



Nhưng tôi nghi ngờ cái chữ “ tuyệt vời”. Tuyệt vời với ai? Trong bộ phim tài liệu The Cove nói về nạn thảm sát cá heo tại Taiji, Nhật Bản, người ta nói rằng việc bạn đưa cá heo vào khu vui chơi rồi huấn luyện nó là một cách giết nó. Ngoài tự nhiên, mỗi ngày cá heo có thể bơi từ 40 – 50 dặm. Cá heo sợ tiếng ồn. Trong khu vui chơi, nó chỉ bơi loanh quanh trong bề bơi và mỗi khi cá heo biểu diễn trong sự reo hò của hàng ngàn người xung quanh, nó thực sự bị tra tấn bởi tiếng ồn đó. Lâu dần nó sẽ stress và chết. Nhưng dĩ nhiên, với lợi nhuận khổng lồ từ việc kinh doanh giải trí cá heo, họ có thể mua những con cá heo mới. Chẳng ai biết, và biết thì sao, về việc những con kia đã chết thế nào.


Khi đi xem cá heo làm trò, bạn gọi nó là con cá heo tuyệt vời. Để trở thành con cá heo tuyệt vời, nó phải bơi loanh quanh trong bể, biết nghe lời, biết làm mọi người vui, đầy tính giải trí, nhưng đó là tuyệt vời với bạn – người xem, chứ không phải tuyệt vời với nó! Tôi nghĩ rằng nếu bạn đi loanh quanh trong nhà, biết nghe lời, biết làm mọi người vui, đầy tính giải trí, bạn cần những tràng pháo tay của những người xung quanh như một sự ghi nhận, thì bạn sẽ là cô gái tuyệt vời với phần lớn xã hội đấy, nhưng có tuyệt vời với chính bản thân mình không?


Khi bố vắng nhà, các mẹ và con thường ăn … mì tôm úp, thậm chí khỏi cần ăn. Khi bố ở nhà, làm gì có chuyện đó, tối giản cũng phải món cơm, món canh, món mặn (chưa nói không tối giản). Mẹ nấu cả nghìn bữa cơm ngon, chẳng ai nói một lời cảm ơn. Mẹ trót nấu một bữa cơm dở, cả bố cả con mặt nặng mày nhẹ. Bố và con ốm, mẹ chăm sóc. Mẹ ốm, mẹ tự chăm sóc mình và vẫn chăm sóc cả nhà. Mẹ đi đâu cũng lo về nhà nấu cơm đúng giờ. Nhưng đến giờ ăn cơm bố hoàn toàn có thể mặc quần áo đi ăn với bạn.


Việt Nam có câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” chứ không có câu Con hư tại bố, cháu hư tại ông. Báo chí cũng chỉ có hàng loạt bài chuyên đề Tuyệt chiêu giữ chồng chứ không hề có Tuyệt chiêu giữ vợ. Và điều buồn cười hơn chính các chị em cũng chứ chăm chăm lao vào các chiêu ấy. Bằng làm đẹp, bằng phẫu thuật, bằng nấu ăn, bằng trăm phương ngàn kế để tạo ra một trận đồ bát quái vây bắt các ông chồng. Phụ nữ trẻ giữa thanh xuân mê mải thì chạy đua sắc đẹp để giành giật những anh chàng họ khao khát. Phụ nữ không còn trẻ thì tìm mọi cách níu kéo sắc đẹp để khiến những anh chàng họ đã giành giật từ hồi trẻ vẫn tiếp tục khát khao họ, chứ không phải những cô nàng trẻ hơn! Họ có hiểu rằng ai rồi cũng sẽ già đi, ai cũng đã từng tưởng mình đã giành vương miện sắc đẹp khi cô ấy đang xuân xanh rực rỡ, và ai cũng sẽ bị thời gian tước đi vương miện ấy để mà trao cho một người khác. Cuộc đua sắc đẹp mãi mãi không có người thắng cuộc mà chỉ có những thời điểm thắng cuộc riêng cho rất rất nhiều người.


Phụ nữ phải giỏi việc nước, đảm việc nhà mới được khen tặng này nọ; vì cô ở nhà người ta nói cô ăn bám, cô giỏi giang ngoài xã hội, không chu toàn nổi việc nhà thì người ta nói cô không phải phụ nữ chân chính. Họ nói con gái chỉ cần vừa phải, không cần học nhiều cố gắng nhiều, nhưng hình như họ cố tình quên những bà mẹ sau li hôn phải nuôi con một mình vì anh chồng biến mất nhanh hơn cả bốc hơi. Đàn ông giỏi việc nước là có quyền dở việc nhà, là đủ để được khen rồi.


Có bao nhiêu người mẹ đang sống như thế?


Có bao nhiêu người mẹ đang sống như thế nhưng vẫn dạy con gái theo cái cách chính mình đã trải qua như thế?


Tôi có đứa bạn đi học đại học nhưng mỗi ngày đều đi xe bus 4 tiếng về nhà chỉ vì không biết nấu cơm, rửa bát, giặt giũ ra sao để ở trọ cả! Cậu ta cũng hoàn toàn không giỏi giang xuất chúng hứa hẹn sẽ thay đổi thế giới gì hết. Những cậu con trai không thể rời vòng tay mẹ 2 tuần thì sau này rời vòng tay mẹ sẽ lại chỉ núp dưới vòng tay vợ. Người Do Thái dạy con lớn lên từ những chật vật đời thường, như cậu bé sau này thành triệu phú kim cương trong cuốn Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương ngày xưa đã đi chợ, bán hàng, phân chia việc nhà với các em cho mẹ vậy.


Tôi tính đi học nấu ăn, không phải vì tôi không biết nấu ăn mà vì tôi muốn biết nhiều hơn. Nhưng nghe cái tên khóa học thấy chối, nên tôi hủy. Nó tên là “Khóa học nấu ăn – Bí kíp giữ chồng”. Thứ nhất tôi không có chồng mà cần phải giữ. Thứ hai, nấu ăn là cách tôi giữ sức khỏe và giữ cảm xúc trong cuộc sống chứ không phải để trở thành gái ngoan đúng chuẩn. Nhân nói chuyện gái ngoan, tôi tuyệt đối không thích các bài báo đưa ra các tiêu chí phân định gái ngoan và hư, phụ nữ thông minh và ngu ngốc. Và tôi cũng ngờ rằng chính phụ nữ là người đứng sau các bài ấy, viết ra các bài ấy, vì phái nam thường không rảnh quan tâm lục lọi từng tiểu tiết. Nghĩa là chính phái nữ tự phán xét, áp đặt, dán nhãn và đeo gông cho nhau. Một cô ưa làm bánh và đam mê góc bếp với bột, lò, vani, syrup có thể hợp với một anh thích cuộc sống trầm lặng, nhưng lại trật lất khi sống với một anh thích lãng mạn tự do phiêu lưu, vì anh ta có khi lại thích một cô thích tự do bay nhảy, sẵn sàng xỏ sneaker vào, xách ba lô lên và đi đâu đó với anh ta thì sao. Thế cô nào là ngoan, cô nào là hư nào. Mọi khái niệm đều tương đối. Nó cần hoàn cảnh để được cho là phù hợp hay không phù hợp.


Nhiều cô gái độc thân và cũng nhiều chàng trai độc thân tỏ ra không cần tình yêu. Tôi không nghĩ có ai lại không cần tình yêu, chỉ là có đôi khi một vài file đính kèm của tình yêu làm cho nó thật tệ: như là trách nhiệm, ràng buộc, thậm chí bó buộc, sự chia tay không hẹn trước, đại loại thế. Do các đặc điểm tự nhiên sinh ra đã quy định khác nhau, thật khó lòng mà đòi hỏi một chàng trai phải múa đẹp, nấu ăn khéo léo, may vá thêu thùa tỉ mỉ, cũng như đòi hỏi một cô gái phải cơ bắp cuồn cuộn mà khuân vác, sửa chữa máy móc đồ dùng. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng viết:


“From time to time, sit close to the one you love, hold his or her hand, and ask, “ Darling, do I understand you enough? Or am I making you suffer? Please tell me so that I can learn to love you properly.” True love needs understanding.”


Tất cả chúng ta đều khác nhau. Vậy nên chúng ta cần cố gắng thấu hiểu. Bình quyền không có nghĩa là mẹ may rèm khâu áo khéo léo ra sao thì bố cũng phải làm y như thế cả khối lượng và chất lượng công việc. Và vì khác nhau nên mới cần nhau. Đừng ông chồng nào tự tin là cô ấy phụ thuộc vào tôi chứ tôi có thể sống mà chẳng cần cô ấy. Và dĩ nhiên các chị cũng vậy. Tôi đang mơ một giấc mơ mỏng manh dịu dàng có phần siêu thực rằng trên thế giới này sẽ dùng tình yêu để hàn gắn và nâng đỡ lẫn nhau chứ không phải để thử thách và đấu trí lẫn nhau xem trong mối quan hê này ai là kẻ thông mình hơn trong việc “sử dụng”, lợi dụng, lạm dụng người còn lại!


Dĩ nhiên trở thành kiểu người nào, muốn cuộc sống bình lặng yên ổn trong nhà hay thích sôi nổi tự do ngoài xã hội, chẳng ai sai hết. Nhưng bạn phải có lí do, và lí do đó nhất thiết phải là bạn muốn thế, chứ không phải như những con cá heo trong công viên giải trí, nhận được tràng pháo tay của đám đông đồng nghĩa với việc nó buộc phải biểu diễn và sống khác đi chính mình.


Sinh ra là con gái, điều đó thuần túy mang nghĩa giới tính, không liên quan đến việc là con gái thì phải thế này hay thế kia. Là một cô gái như thế nào, điều đó là ở bạn. Mỗi tính từ bạn thêm vào cho danh từ cô gái, là một lần bạn lớn lên, trả giá, học hỏi, lột xác và có cả đau đớn. Nhưng dù sao cũng hãy chọn lấy, cố gắng có được những tính từ mà bạn muốn, để bạn luôn có thể miêu tả về chính mình, một cách tự nhiên và tự tại.”


.


{Các cô gái, bạn chọn tính từ gì cho bản thân mình? - TRANG XTD}