Có lẽ những người đã từng đọc qua Tiêu diêu du của Trang Tử nhất định sẽ nhớ đến câu chuyện con cá côn biến thành chim đại bàng bay về phương nam. Trang Tử đã miêu tả quá trình bay về phương nam của đại bàng như sau: “…Khi lượng gió tích lũy không đủ mạnh thì sẽ không đủ sức để nâng được đôi cánh lớn của đại bàng. Vì vậy khi đại bàng bay được lên cao tới chín vạn dặm thì gió đã ở phía dưới nó, nó sẽ cưỡi gió mà bay liệng trên không. Lúc này trên lưng đại bàng chỉ có trời xanh, không gì có thể cản trở nó được, nó cứ nhằm thẳng phương nam mà bay tới…”
Nam Hoài Cẩn trong sách Trang Tử giảng kí đã bình giảng về đoạn này như sau: Trang Tử nói đại bàng có thể bay cao tới chín vạn dặm, nhưng phải chờ tới lúc gió lớn nổi lên mới bay được, nếu không đủ sức gió, hai cánh của đại bàng sẽ không thể dang rộng. Sức gió càng lớn thì bay càng dễ và càng cao. Cổ nhân nói: “Mượn sức nâng gió lớn, ta bay tận mây xanh”(1). Điều đó bao hàm một mệnh đề cuộc đời, đó chính là nếu muốn có được thành công của cuộc đời, ngoài việc phải có ý chí đại bàng dang cánh, còn phải có lòng kiên nhẫn chờ đợi gió tốt.
Một ngày hè nóng bức, Đức Phật cùng thị giả đi trên đường núi. Lúc đó đã là chính ngọ, Người bèn bảo thị giả: “Lúc nãy chúng ta vừa đi qua một con sông nhỏ, con hãy tới đó lấy chút nước mang về đây”.
Thị giả vâng lời, cầm đồ đựng đi lấy nước. Họ đang ở cách con sông không xa nên chẳng bao lâu sau, thị giả đã tới được bên dòng sông. Nhưng khi vừa tới đó thì liền gặp một đoàn thương nhân cưỡi ngựa đi qua sông, nước sông bị vó ngựa làm cho trở nên đục ngầu. Thị giả thấy nước sông không thể uống được, liền đi tay không về và bạch với Đức Phật: “Nước sông bị đoàn ngựa của thương nhân làm bẩn rồi, chúng ta phải tìm con sông khác thôi ạ. Con biết phía trước có một dòng sông, nước rất trong, đi khoảng hai tiếng đồng hồ là tới”.
Đức Phật xua tay nói: “Bây giờ chúng ta đang ở rất gần sông, hơn nữa cả hai chúng ta đều đã rất khát rồi, sao còn phải đi quãng đường hai tiếng đồng hồ nữa làm gì? Con hãy quay lại bờ sông kia xem sao”.
Thị giả tỏ vẻ không vui, thầm nghĩ: “Rõ ràng là nước sông đã bị đục rồi, không thể uống được, thế mà Người vẫn còn bắt ta quay lại đó, chẳng phải là uổng công sao?” Thị giả bèn bạch với Đức Phật rằng: “Lúc nãy con đã thấy nước sông bị làm bẩn rồi, vì sao Người còn bắt con phí công vô ích?”
Đức Phật không giải thích gì, chỉ nói: “Con cứ đi đến đó rồi sẽ biết, nhất định sẽ không phí công vô ích đâu.”
Thị giả đành phải miễn cưỡng cầm đồ đựng nước quay lại dòng sông. Khi tới nơi, người thị giả vô cùng ngạc nhiên khi thấy nước sông lúc nãy còn đục ngầu giờ đây đã trở nên trong vắt, bùn cát đục ngầu giờ đã hoàn toàn lắng xuống.
Thế giới mà chúng ta đang nhìn thấy trước mắt không có gì là bất biến, nhiều lúc bạn chỉ cần tĩnh tâm chờ đợi thì thời cơ tốt sẽ tới. Cuộc đời con người không thể lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, vì vậy khi trở ngại và thất vọng xuất hiện, chúng ta đừng quá lo lắng, buồn bực mà hãy kiên trì và biết chờ đợi thì sẽ có thể nhìn thấy cơ hội và hi vọng thành công.
Có chàng trai nọ, lâu nay cảm thấy bất mãn với cuộc đời. Một hôm anh tới chùa Phổ Đà, thỉnh giáo sư thầy trụ trì: “Cuộc đời của con chẳng khi nào được như ý, sống cũng chỉ là qua ngày đoạn tháng mà thôi, còn có ý nghĩa gì nữa?” Thầy trụ trì yên lặng lắng nghe lời than thở của chàng trai và căn dặn chú tiểu: “Thí chủ đây từ xa tới, con hãy đi đun một chút nước ấm mang tới đây”.
Một lát sau, chú tiểu mang nước tới, thầy trụ trì lấy một nắm lá chè thả vào cốc, sau đó rót nước ấm vào rồi mỉm cười mời chàng trai uống trà. Lúc này cốc trà bốc lên làn khói mỏng và lá chè nổi trên mặt nước. Chàng trai không hiểu, liền hỏi: “Bạch thầy, vì sao thầy lại pha trà bằng nước ấm ạ?” Thầy trụ trì mỉm cười không nói.
Chàng trai đành cầm chén trà lên nhấp một ngụm rồi nhíu mày, lắc đầu nói: “Bạch thầy, chẳng có chút vị trà nào ạ!”
Thầy trụ trì cười nói: “Đây là trà thiết quan âm thượng hạng đấy”.
Chàng trai lại nhấp thêm một ngụm rồi nói rất chắc chắn: “Thật sự không có chút mùi thơm nào ạ!”
Thầy trụ trì lại quay sang nói với chú tiểu: “Con hãy đi đun một ấm nước sôi rồi mang tới đây nhé”. Một lúc sau, chú tiểu xách một ấm nước sôi tới. Thầy trụ trì lại lấy lá chè bỏ vào một cái chén, đổ nước sôi rồi đặt lên bàn. Chàng trai cúi đầu quan sát, thấy lá chè chìm nổi trong nước sôi, mùi thơm ngào ngạt tỏa ra đầy quyến rũ. Chàng trai đưa tay định bưng chén trà, nhưng thầy trụ trì ngăn lại rồi nhấc ấm nước sôi rót thêm vào đó một chút. Cứ như vậy năm sáu lần, cuối cùng chén trà đã được rót đầy, đó là một chén trà xanh sóng sánh, vị thơm ngọt lạ thường.
Thầy trụ trì mỉm cười hỏi: “Thí chủ có biết vì sao cùng là trà thiết quan âm mà hai chén trà lại có mùi vị khác nhau đến vậy không?”
Chàng trai không cần nghĩ ngợi gì mà trả lời luôn: “Một chén dùng nước ấm, một chén dùng nước sôi để pha, nhiệt độ nước khác nhau thì mùi vị cũng sẽ khác nhau ạ.”
Thầy trụ trì gật đầu: “Dùng các loại nước khác nhau thì sự chìm nổi của lá chè trong nước cũng sẽ khác nhau. Khi pha trà bằng nước ấm, lá chè nổi trên mặt nước thì sao có thể hòa quyện vào nước để tỏa ra mùi thơm được? Còn khi pha trà bằng nước sôi, hơn nữa lại thêm nước sôi vào nhiều lần thì lá chè sẽ chìm nổi hòa quyện với nước sôi mà tỏa ra ý vị của cả bốn mùa: sự thanh tịnh của mùa xuân, nóng bức của mùa hè, sung túc của mùa thu và khắc nghiệt của mùa đông. Chúng sinh cũng giống với đạo lí pha trà này, nước không đủ nóng thì lá chè không thể tỏa ra mùi thơm; con người không đủ bình tĩnh thì tự nhiên sẽ luôn bất mãn, vì vậy tuyệt đối không được nóng nảy, vội vàng”.
Cuộc đời như trà, chỉ khi có đủ thời gian, đủ nhiệt độ thì mùi hương tự khắc sẽ lan tỏa. Đời người cũng cần từ từ lắng đọng, khi đủ sức gió, thời cơ chín muồi, chắc chắn cuộc đời sẽ nở hoa.
Cuộc đời cần phải biết chờ đợi, kẻo “dục tốc bất đạt”. Trên đời này, có biết bao người vì không biết bình tĩnh chờ đợi mà làm lụi tàn đóa hoa tình yêu; bao nhiêu người vì không biết chờ đợi đúng thời điểm mà cuối cùng hai bàn tay trắng; lại có bao nhiêu người vì không thể tĩnh tâm nén lòng mà phải gánh chịu kết cục thịt nát xương tan... Chúng ta cần hiểu rằng, cuộc đời này vì trải qua bao phong ba bão táp mà ngày càng trở nên sâu sắc, rượu ngon vì được lắng đọng qua năm tháng nên mới có thể tỏa hương thơm nồng. Vì vậy, muốn có được cuộc đời hạnh phúc, viên mãn, thành công thì nhất định phải trải qua một quá trình kiên nhẫn tích lũy kinh nghiệm sống. Nếu nóng nảy vội vàng thì sẽ khó tránh khỏi việc rơi vào hố sâu của thất bại. Cuộc sống viên mãn không phải dễ dàng mà có được, do đó chỉ khi ta biết tĩnh tâm lại để tích lũy kinh nghiệm sống theo năm tháng thì cuối cùng mới có một ngày, chúng ta có thể “thừng cưa gỗ đứt, nước chảy đá mòn”.