Ngày xưa mỗi khi đi đâu, chưa có xe cộ sẵn như bây giờ, là người ta phải thuê người cáng đi – nhất là người có tuổi, người ốm. Còn đồ đạc mang theo lại phải thuê người gánh. Người cáng thuê, người ta gọi là CÁNG, còn người gánh thuê, người ta gọi là ĐỂU.
Mỗi lần gọi người đưa đi như thế, thường người ta ra đầu đường – nơi tập trung những người làm nghề đó, gọi “Cho một ĐỂU, hai CÁNG nhé!” và thế là sẽ có ba người te tái chạy vào, hai người vác theo một cái cáng, còn một người mang theo đòn gánh quang gánh.
Hầu hết Đểu và Cáng là những người lao động chân tay, ít được học hành, nên cái sự ăn chia nó thường không đều, hoặc không vừa ý với nhau, dẫn đến cãi nhau, đánh nhau, chửi nhau khi chia tiền là việc xảy ra như cơm bữa. Cứ như thế mà dân gian mới có câu “Đối xử với nhau như cái bọn ĐỂU CÁNG!”.
Do từ “đểu” theo nghĩa là người gánh thuê hoặc nghề gánh thuê là từ cổ, người ta không còn biết được cái nghĩa cổ xưa của nó nên đưa từ Đểu nghĩa là gian manh vào luôn từ ghép đểu cáng, biến ý nghĩa của hai từ này thay đổi theo như cách hiểu hiện nay.
Chú thích
(1) Ngoài đểu cáng, ta còn có thể sử dụng đểu giả hoặc chỉ dùng mỗi từ đểu cũng đã thể hiện được nghĩa gian manh, lừa lọc. Điều đó cho thấy cáng thực chất chỉ là từ ký sinh.
ẢNH KIỆU VÕNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM NĂM 1898 CỦA NHÀ NHIẾP ẢNH ANDRÉ SALLES, ẢNH ĐƯỢC XỬ LÝ MÀU.
Nguồn: Quảng Long