Thursday, October 3, 2024

SỰ NGHÈO NÀN TRONG TÌNH YÊU



Muffin yêu,


Lâu rồi anh mới lại đến nhà bà cụ Margot. Bà cụ ý có trách nhẹ anh: “Hello stranger!”… Bà cụ tám mươi ấy vẫn tình cảm hệt như thế. Ngồi nói chuyện liên miên bất tuyệt với Margot, Judy và hai người bạn, đủ chuyện trên đời. Em đã chuyển đi một năm rồi mà mọi người trong host family vẫn nhắc đến em như thể mới hôm qua, rất ấm áp.


Mỗi lần đến thăm gia đình Margot, anh thư thái hoàn toàn, mà không hiểu tại sao. Gần đây, mới nghiệm ra ra rằng Judy và Margot dường như đã master cái nghệ thuật bày tỏ tình yêu của mình, một cách rất tự nhiên. Dường như từ mỗi chi tiết nhỏ, họ lại có cách, rất kín đáo, làm sáng lên tình yêu mà họ dành cho người đối thoại. Thi thoảng lại có một lời tốt lành thoảng qua, tự nhiên như là hơi thở. Như là một bông hoa dại nhỏ xanh nhạt nhỏ xíu hiện lên giữa cỏ xanh, làm cho người ta bỗng thư thái, nhưng mà phải chú ý lắm mới nhận ra.


Anh vẫn thích lấy gia đình Margot (một gia đình trung lưu, sùng đạo vừa phải ở Mỹ), với một gia đình trung lưu ở Việt Nam. Anh, một người không thân thuộc với Tin Lành, đã khâm phục sâu sắc cách một tôn giáo bày cho con người tập cách biểu lộ tình yêu với nhau, cùng nhau trải nghiệm-trong cuộc sống. Một hiện sinh tuyệt đẹp mà anh chưa từng được biết. Có thể đây là một trong vài điều đáng giá nhất mà anh được may mắn học được từ nước Mỹ trong mấy năm qua.


Anh mới nhận ra là ít khi mình có cảm giác ấy, kể cả khi ở trong gia đình mình. Tất nhiên là có những lúc rất vui, nhưng hạnh phúc dường như không phải lúc nào cũng đầy ắp như ở nhà Margot, nhà của người xa lạ! Anh nhìn lại gia đình mình, và thấy chúng ta đã sống khắc khổ biết bao! Chúng ta đã nghèo nàn trong bày tỏ tình cảm của mình biết bao! Và có thể chúng ta đã nghèo nàn và khắc khổ ngay cả trong tình cảm. Chúng ta nghèo hơn họ nhiều thật đấy!


Có thể những người thị dân bảo thủ ở thành phố không có gì đặc biệt này đã dạy cho anh một bài học về tình yêu và hạnh phúc. Anh thấy mình cần dành nhiều thời gian hơn để mà học cách yêu thương con người từ những góc cạnh đời thường nhất. Bởi vì có ý nghĩa gì khi (và có thể nào) bắt tay xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn cho người khác, trong khi chính mình chưa được hưởng trước những hoa trái hạnh phúc của nó. Chúng ta không có ý thức nhắc mình rằng mỗi ngày là một ngày hạnh phúc.


Anh nghĩ người Việt Nam cũng thương yêu nhau, nhưng có thể chúng ta đang yêu thương nhau như bản năng. Nó không phải là tình yêu từ sự giác ngộ. Bây giờ anh mới hiểu câu nói của thầy anh nhiều năm trước: “Đến với tôn giáo, anh không mất tình yêu với đất nước anh, với vợ con anh. Anh chỉ có thêm nhiều: mỗi tình yêu ấy đều cao hơn”. Có thể tôn giáo đã không thành công với tất cả mọi người, với cùng một mức độ. Nhưng ít ra, một lời cầu nguyện hàng ngày- để nhắc nói lời yêu thương mỗi lúc- sẽ có tác dụng nâng đỡ cái tâm rất dễ cằn khô của con người. Đó cũng là phép Chính Niệm mà Phật đã dạy. Cái cách nhắc nhở ấy phải chăng góp nên nhiệm màu của tôn giáo?


Nhìn lại Việt Nam, anh cảm thấy lễ nghĩa duy lý của Khổng giáo đã chưa từng làm cho con người biết yêu hơn. Nó có thể trui rèn cho con người, nhất là người đàn ông có trách nhiệm với xã hội. Nhưng nó không đổ đầy cho con người một lối nhân sinh chan chứa tình yêu thương với chính người thân của mình. Cái Nhân trong Khổng Giáo dường như là một nghĩa vụ đạo đức (và chúng ta cũng có nghĩa vụ phải đổ đầy cho mình cái nghĩa vụ ấy!). Nó dựa trên giả định về một nghĩa vụ nào đó của người nghe với người nói (như là nghĩa vụ của Trò với Thầy). Nó hướng ra xã hội quá nhiều. Nó cố ghép con người vào một quy hoạch xã hội đã định trước.


Nhưng anh lờ mờ thấy, chính là tình yêu toát lên từ chủ thuyết hay từ tôn giáo mới làm xã hội thay đổi, tuy dần dà nhưng không cản nổi. Làm cho con người thay đổi, và mọi thứ (trong đó xã hội chỉ là một mặt) sẽ tự thay đổi. Có thể, cái tính hướng đích của tôn giáo với tư cách là một dự án xã hội sẽ ít hơn. Những thay đổi cũng chậm hơn và chịu nhiều gian khó hơn, nhưng linh hoạt hơn (để đến được với mọi mảnh đất, mọi màu da), và lâu bền hơn, vượt qua mọi đế chế, mọi dự án xã hội đã tính toán chi li.


Anh không hiểu những ý nghĩ tản mạn này sẽ đưa anh đi xa đến đâu. Nhưng trước hết anh đã tìm được một phép lành, để tưới ướt những khô hạn của mười mấy năm chiến trường của ba anh, và chừng ấy năm vật vã đấu tranh giành lấy miếng ăn cho gia đình của mẹ anh.


Anh nghĩ tới một lời cầu nguyện trước bữa ăn (hoàn toàn không nhất thiết phải là tôn giáo) của gia đình. Chúng ta sẽ nuôi dưỡng con cái mình từ tấm bé bằng những lời cầu nguyện trước bữa ăn, để những lời ngọt ngào có thể đến với chúng thật là nhẹ, thật là êm. Để những bài tập nói, tập nghe đầu tiên của chúng sẽ là những lời cảm ơn cha mẹ chúng, cảm ơn thiên nhiên đã ban tặng cho chúng con cá ngọn rau, cảm ơn tổ tiên đã cho chúng lời mà chúng tập nói hàng ngày. Con cái mình cũng có quyền được hưởng những phép lành có thật ấy, phải không em? Nhìn người ta ăn tối sau một lời cảm ơn Chúa đã đem anh và em đến với họ, anh hiểu rằng mọi cuộc cách mạng con người phải bắt đầu từ bàn ăn.


Ngày 20 tháng Tư, 2006
——


P/S: Ghi chú gần 10 năm trước. Viết cho người yêu, khi đó đang giận mình mà bỏ trường Rice sang Thuỵ Sỹ. Không biết có phải vì ghi chú này không, nhưng nàng quay về. Tròn xoe vì sô-cô-la. Bốn tháng sau, bọn mình đính hôn.


Chỉ tiếc cụ Margot không kịp nhìn thấy con bọn mình, mà cụ vẫn hằng cầu nguyện từ lúc mình còn chưa cưới.

..
.
NGUYEN AN NGUYEN