Cửa sổ Johari là một mô hình có thể giúp bạn phát triển cá nhân, cải thiện kỹ năng giao tiếp, phát triển nhóm cũng như nhiều lợi ích khác… Mô hình này hiện được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động giao tiếp. Bạn hãy cùng GoalF tìm hiểu về cửa sổ Johari qua bài viết sau.
Cửa sổ Johari là gì?
Để hiểu về cửa sổ Johari, trước hết bạn hãy tìm hiểu mô hình về mặt định nghĩa, lịch sử hình thành và ứng dụng.
Định nghĩa
Cửa sổ Johari là một mô hình với thiết lập 4 góc dùng để nâng cao khả năng tự nhận thức, hiểu biết lẫn nhau giữa các cá nhân khác nhau trong một nhóm. Ngoài ra, cửa sổ Johari còn được sử dụng để giúp phát triển các năng lực, trong đó có năng lực giao tiếp của một cá nhân. Có được điều này là nhờ cửa sổ Johari có thể cung cấp cho bạn phương pháp nhìn nhận bản thân và hiểu cách người khác nhìn nhận về bạn.
Lịch sử hình thành
Mô hình cửa sổ Johari được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1995. Tác giả của mô hình là hai nhà tâm lý học người Mỹ Joseph Luft và Harry Ingham. Hai tác giả đã đặt tên mô hình bằng chính tên ghép: Hohari.
Joseph Luft và Harry Ingham thông qua nghiên cứu yếu tố động lực khi học tại Đại học California đã xây dựng cửa sổ Johari với 2 tiên đề cốt lõi:
- Một là, bạn có thể xây dựng niềm tin với người khác bằng cách tiết lộ thông tin về bản thân mình
- Hai là, bạn có thể tự học hỏi và hiểu rõ các vấn đề từ những phản hồi của các cá nhân khác trong nhóm
Mô hình Johari sau đó được Joseph Luft nghiên cứu, tìm hiểu thêm. Ngày nay, mô hình cửa sổ Johari vẫn được ứng dụng phổ biến trong thực tế với các công dụng chủ yếu như:
- Phát triển cá nhân
- Cải thiện kỹ năng giao tiếp
- Phát triển nhóm…
Ứng dụng
Mô hình cửa sổ Johari được ứng dụng cho các mục đích như:
- Phát triển cá nhân: Cửa sổ Johari có thể cung cấp cho bạn phương pháp nhìn nhận bản thân và hiểu cách người khác nhìn nhận về bạn. Từ đó, bạn có thể dần hoàn thiện bản thân cả về hình ảnh bên ngoài lẫn những giá trị nền tảng bên trong theo cách bạn mong muốn.
- Cải thiện kỹ năng giao tiếp: Hiểu về mình và hiểu cách người khác nhìn nhận về mình, cửa sổ Johari có thể giúp bạn cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình. Ứng dụng Johari có thể giúp bạn dễ dàng giao tiếp với những thành viên trong nhóm, ngay cả với những người mới gia nhập.
- Phát triển nhóm: Mô hình Johari có thể giúp tăng cường kết nối giữa các thành viên trong nhóm trên cơ sở nuôi dưỡng, hình thành sự đồng cảm, thấu cảm giữa các thành viên. Cửa sổ Johari tạo điều kiện thuận lợi để các thành viên có thể chia sẻ, trao đổi, tiến hành các cuộc trò chuyện thoải mái hơn.
Điều bạn biết | Điều bạn không biết | |
Điều người khác biết | CỞI MỞ BẢN THÂN Thông tin về bạn mà cả bạn và người khác cùng biết | ĐIỂM MÙ Thông tin về bạn mà bạn chưa biết nhưng người khác biết |
Điều người khác không biết | ẨN MÌNH Thông tin về bạn mà bạn biết nhưng người khác chưa biết | BẢN THÂN CHƯA BIẾT Thông tin về bạn mà cả bạn và người khác đều chưa biết |
Phân tích mô hình cửa sổ Johari
Bốn ô cửa sổ của Johari đều phản ánh một vùng thông tin, cụ thể như sau:
Open Area – Vùng Mở
Vùng mở là khu vực thông tin mà cả bạn biết và người khác cũng biết và thống nhất quan điểm với nhau về cả thái độ, hành vi, cảm xúc, kỹ năng… Ví dụ những người cùng am hiểu về kỹ năng, kinh nghiệm chạy bộ địa hình sẽ dễ dàng chia sẻ, trao đổi với nhau.
Vùng mở thông tin càng rộng thì khả năng giao tiếp càng hiệu quả. Và từ đó, bạn cũng mở ra được cơ hội xây dựng những mối quan hệ sâu sắc, gắn bó hơn.
Hidden Area – Vùng Ẩn
Vùng ẩn là khu vực thông tin mà bạn đã biết nhưng người khác chưa biết. Tùy thuộc vào tình huống giao tiếp, bạn có thể chia sẻ một số thông tin ở vùng ẩn để xây dựng lòng tin với người đối diện. Sau đó, bạn chuyển sang giao tiếp ở vùng mở.
Ví dụ như khi nói chuyện với một nhóm các chân chạy địa hình lần đầu gặp nhau, bạn có thể chia sẻ về thành tích chạy địa hình của mình. Đây là thông tin mà bạn biết nhưng nhóm chưa biết. Với cách chia sẻ từ vùng ẩn như vậy, bạn sẽ “phá băng” rất tốt để cùng chia sẻ với nhóm các thông tin ở vùng mở.
Blind Spot – Điểm mù
Điểm mù là vùng thông tin bạn chưa biết nhưng những người khác đã biết. Điểm mù chính là rào cản khiến bạn khó giao tiếp với người khác. Khi rơi vào điểm mù, bạn thường sẽ có những thói quen biểu hiện ra bên ngoài, những hành vi vô thức như gãi đầu, gãi tai, tránh giao tiếp bằng mắt với người đối diện, cảm thấy lo lắng, hồi hộp…
Ví dụ như bạn yêu thích chạy bộ địa hình nhưng vì mới bắt đầu tìm hiểu nên có nhiều kỹ thuật bạn chưa rõ như: dùng gậy, đổ dốc, vượt chướng ngại vật… Giải pháp để xử lý điểm mù là bạn hãy tìm hiểu, học tập, tự trải nghiệm để dần làm thu hẹp điểm mù lại.
The Unknown Area – Vùng chưa biết
Vùng chưa biết là vùng thông tin mà cả bạn và những người khác cùng chưa biết khi nói chuyện với nhau. Với vùng chưa biết, bạn có thể cùng người đối diện khám phá, tìm hiểu. Quá trình cùng nhau khám phá này cũng sẽ giúp cuộc trò chuyện trở nên gần gũi, cởi mở và sâu sắc hơn.
Ví dụ như bạn và người đối diện cùng là những người yêu thích chạy địa hình nhưng chưa biết nên lựa chọn trang phục, giày hay phụ kiện gì cho đường chạy. Vậy hai bạn có thể cùng nhau tìm hiểu các thương hiệu đồ thể thao địa hình ví dụ như Salomon, Naked, Aonijie…
Kỹ năng dùng cửa sổ Johari
Áp dụng 4 ô cửa sổ Johari, bạn có thể vận dụng linh hoạt trong cuộc trò chuyện của mình như sau:
- Bắt đầu từ vùng mở: Bạn hãy xuất phát từ những gì mình đã biết và người khác cũng biết (vùng mở) để bắt đầu câu chuyện.
- Vùng mở chuyển sang vùng ẩn: Từ vùng mở, bạn có thể chia sẻ, tự bạch một số thông tin mà chỉ bạn mới biết còn người khác chưa biết. Điều này sẽ giúp xây dựng lòng tin với người đối diện.
- Phá vỡ điểm mù: Trong cuộc trò chuyện sẽ có những điều mà bạn chưa biết hoặc người khác chưa biết. Hai bên có thể chủ động chia sẻ, chủ động hỏi và phản hồi để hạn chế bớt điểm mù trong giao tiếp.
- Cùng khám phá vùng chưa biết: Với những thông tin mà cả bạn và đối phương cùng chưa biết, hai bên hãy cùng nhau khám phá, học tập, chia sẻ với nhau.
Hướng dẫn sử dụng cửa sổ Johari
Bạn có thể sử dụng cửa sổ Johari theo các bước như sau:
- Bước 1: Xác định một nhóm những người bạn của bạn. Nhóm này có thể bao gồm bạn đồng nghiệp, người thân hoặc thậm chí là những người bạn biết.
- Bước 2: Bạn hãy chọn mô tả về mình với 5 – 10 tính từ dựa trên một danh sách các tính từ
- Bước 3: Bạn hãy đề nghị nhóm bạn tìm 5 – 10 tính từ mô tả về bạn.
- Bước 4: Bạn phân loại các từ được cả bạn và người khác chọn vào ô mở. Còn những từ chỉ bạn chọn vào ô ẩn.
- Bước 5: Những từ người khác đã chọn mô tả về bạn mà bạn không chọn sẽ được xếp vào ô mù. Các tính từ khác sẽ được xếp vào ô đóng – những điều cả bạn và người khác cùng chưa biết.
- Bước 6: Bạn hãy rà soát và xem lại 4 cửa sổ của mình. Từ 4 cửa sổ này, bạn có thể khám phá ra được cách bạn đang nghĩ về mình và người khác đang nghĩ về mình như thế nào.
Lưu ý khi sử dụng phương pháp cửa sổ Johari
Sử dụng cửa sổ Johari trong thực tế tuy cách thức không phức tạp nhưng vận dụng đúng không hề đơn giản. Khi sử dụng cửa sổ Johari, bạn nên lưu ý một số chi tiết sau:
- Tạo niềm tin, sự cởi mở trong giao tiếp: Bạn hãy chia sẻ phù hợp một số thông tin ở vùng ẩn sẽ giúp người đối diện tin cậy và cởi mở với bạn hơn.
- Chia sẻ thông tin vùng ẩn một cách chừng mực: Bạn chỉ nên chia sẻ thông tin vùng ẩn một cách chừng mực vì mọi người không cần biết tất cả các thông tin ẩn của bạn. Bạn nên cân nhắc nguy cơ bị tiết lộ thông tin và tôn trọng quyền riêng tư của bạn thân cũng như của những người khác.
- Học cách lắng nghe: Bạn nên chia sẻ thông tin một cách ngắn gọn, thân thiện và học cách dừng lại để lắng nghe ý kiến từ những người khác.
- Linh hoạt trong giao tiếp: Trong một cuộc trò chuyện, các ô cửa Johari sẽ mở ra, co lại tùy theo lượng thông tin chia sẻ. Bạn hãy linh hoạt trong giao tiếp giữa các ô thông tin để cả 2 bên cùng đạt được mục tiêu giao tiếp.
- Cùng nhau học tập, khám phá: Để phá vỡ những vùng thông tin chưa biết giữa hai bên, bạn có thể chủ động đề nghị người đối diện học tập, khám phá cùng bạn. Sử dụng cách này sẽ giúp quan hệ giữa hai bạn sâu sắc, gần gũi và dần có nhiều điểm chung hơn ở vùng mở.
Ví dụ về mô hình cửa sổ Johari
Một học sinh đã thử nghiệm về mô hình cửa sổ Johari với những người bạn thân và bạn xã giao. Kết quả thu nhận được giữa 2 nhóm bạn có sự khác nhau.
Câu chuyện thử nghiệm này được chia sẻ trên blog mgnt.102 với các ý chính sau:
- Người thử nghiệm đã nhờ một người bạn thân đã chơi với nhau khoảng 18 năm để điền vào mẫu trống của cửa sổ Johari. Hai người hiểu nhau và kết quả ghi nhận khá chính xác. Khá chính xác chứ không phải hoàn toàn chính xác vì vẫn có những tính từ về bản thân người thử nghiệm mà bạn thân không chỉ ra được.
- Tiếp theo, người thử nghiệm nhờ một bạn học cùng trong 1 học kỳ đầu tiên điền vào mẫu. Kết quả là hầu hết các tính từ được điền không được chính xác.
- Kết luận của người thử nghiệm: “Tôi không ngạc nhiên về kết quả với người bạn lâu năm của mình vì chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian cho nhau. Tôi khá chắc chắn rằng anh ấy sẽ biết rất rõ những đặc điểm của tôi. Tôi cũng không ngạc nhiên về kết quả của người bạn gần đây vì chúng tôi không có nhiều thời gian bên nhau nên kết quả không chính xác lắm. Những người khác nhau có nhận thức và định nghĩa khác nhau về các đặc điểm, cũng như thời gian dành cho nhau sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn trong kết quả”.
Qua ví dụ trên, bạn có thể nhận thấy: cửa sổ Johari giúp bạn có thể hiểu bản thân cũng như hiểu người khác nghĩ gì về mình. Từ hiểu biết này, bạn có thể nắm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của mình và tìm cách thay đổi tốt hơn.
Tuy nhiên, cửa sổ Johari không phải luôn chính xác. Kết quả sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nhóm người tham gia khảo sát. Nếu bạn và nhóm khảo sát đã quen thuộc, thân thiết thì kết quả sẽ chính xác hơn.
KẾT LUẬN
Cửa sổ Johari có thể ứng dụng hiệu quả và giúp bạn phát triển cá nhân, cải thiện kỹ năng giao tiếp và phát triển nhóm. Thông qua việc vận dụng cửa sổ Johari, bạn có thể làm sâu sắc, gần gũi hơn những mối quan hệ hay làm các cuộc trò chuyện trở nên cởi mở hơn.
Tuy nhiên, cửa sổ Johari có điểm hạn chế ở việc phụ thuộc vào nhóm đối tượng tham gia chia sẻ, khảo sát. Nếu mức độ thân thiết, hiểu biết càng sâu thì kết quả sẽ càng chính xác và ngược lại.
Bạn có thể xem xét sử dụng cửa sổ Johari một cách phù hợp, vận dụng linh hoạt để đạt được kết quả cao nhất. Khi sử dụng cửa sổ Johari, bạn còn có thể quản lý hiệu suất công việc, nâng cao hiệu quả và tăng kết nối với đồng nghiệp, cấp trên.
GoalF