99% tỷ phú trên thế giới đều rót tiền vào đây không hề tiếc tay
.
Chủ đề đọc sách đã được mọi người nói đến từ hàng nghìn năm qua. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người thắc mắc tại sao muốn thành công lại "phải đọc"? Khi một đứa trẻ lớn lên, hầu hết sẽ được giáo dục rằng chúng phải học để "ấm vào thân". Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự thì không phải ai cũng tỏ tường.
Có một câu nói rất hay: "Đọc sách là một khoản đầu tư của cuộc đời, và kiểu đầu tư này chỉ kiếm được tiền chứ không hề thua lỗ". Khoản đầu tư này cần được tích lũy trong dài hạn và sẽ mang về những thành quả xứng đáng.
Đọc sách là quá trình nuôi dưỡng vô hình. Thói quen này không chỉ có lợi cho sự phát triển tương lai của bản thân mà còn có tác động rất lớn đến các thế hệ tương lai.
Khoản đầu tư tốt nhất - tự đọc
Trong thời đại ngày nay, nhiều người đã mắc phải một sai lầm, đó là suy nghĩ quá nhiều và đọc quá ít.
Nhiều người mưu tính cơ hội, làm việc lớn, kiếm tiền mà thường bỏ qua một điều kiện quan trọng, đó là học hành. Nói đến chữ "đọc", nhiều người hiện nay đang rơi vào "vòng chết" của việc đọc sách giáo khoa.
Trong cuộc sống, hầu hết mọi người đều nghĩ đến việc đọc sách như đọc những cuốn sách như toán học, tiếng Anh, lịch sử... Họ chưa bao giờ nghĩ rằng thế giới rộng lớn đến vậy, có muôn hình vạn trạng, sách cũng đủ thể loại, tại sao không mở rộng vốn kiến thức của mình ra?
Khi người bước vào xã hội, nhiều người sẽ nhận ra rằng những cuốn sách trong trường học không thể cho bạn đủ khả năng để viết nên cuốn sách của cuộc đời mình.
Bill Gates là một trong những tỷ phú tiêu biểu đề cao việc đọc sách. Cứ đến những ngày cuối năm, ông đều liệt kê danh sách "5 cuốn sách tuyệt vời mà tôi đã đọc". Để chọn lọc ra được 5 quyển sách này, Chủ tịch tập đoàn Microsoft đã phải đọc qua số lượng lớn hơn nhiều lần. Gates viết: "Đọc sách cách để khơi gợi trí tò mò".
Theo Pew Research, trung bình người Mỹ đọc khoảng 4 cuốn sách mỗi năm. Thậm chí 1/4 số người được khảo sát đã không đọc dù chỉ một cuốn sách. Ngược lại, những doanh nhân thành công trung bình đọc tới 17 cuốn sách mỗi năm. Đặc biệt hơn, Bill Gates nằm ngoài bảng xếp hạng vì ông đọc 50 cuốn sách mỗi năm. Hay nói cách khác, ông đọc 1 cuốn sách mỗi tuần.
Trong một bài phỏng vấn với tạp chí TIME, nhà sáng lập Microsoft cho biết đọc sách hơn 1 giờ mỗi ngày là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của ông. Gates nói: "Mỗi cuốn sách đều dạy tôi điều gì đó mới mẻ hoặc giúp tôi nhìn nhận mọi thứ theo cách khác. Đọc sách khơi dậy cảm giác tò mò về thế giới, và nó đã giúp tôi tiến lên trong sự nghiệp".
Số lượng sách tỷ lệ thuận với thành công
Không chỉ Bill Gates mà các tỷ phú khác như Elon Musk, Mark Cuban, Mark Zuckerberg, Warren Buffett... từ lâu đã từ rèn luyện thói quen đọc sách để trở thành một doanh nhân thành công.
Khi Elon Musk được hỏi ông đã học cách chế tạo tên lửa như thế nào, tỷ phú Tesla trả lời: "Đơn giản thôi. Tôi đọc sách". Thậm chí sự quan tâm của Musk còn vượt ra ngoài lĩnh vực khoa học tên lửa.
Khoa học viễn tưởng và giả tưởng là những cuốn sách Musk lựa chọn khi còn trẻ. Đặc biệt, tác phẩm "Chúa tể của những chiếc nhẫn" đã "định hình tầm nhìn của ông để thay đổi thế giới".
Trong một bài chia sẻ trên tờ The New Yorker, Musk tiết lộ rằng sách đã khơi dậy niềm đam mê của ông ngay từ khi còn là một đứa trẻ. Là một cậu bé khác biệt so với bạn bè đồng trang lứa, Elon Musk tự rút lui vào thế giới tưởng tượng và khoa học viễn tưởng của riêng mình. "Những người hùng trong những cuốn sách tôi đọc thôi thúc tôi rằng mình có nhiệm vụ phải giải cứu thế giới", ông nói với phóng viên.
Ajit Singh là một nhà đầu tư mạo hiểm và là giáo sư tại Trường Y của Đại học Stanford. Singh nói rằng ông đọc 50 đến 60 cuốn sách mỗi năm. Theo ông, lợi ích lớn nhất của đọc sách là giúp bản thân cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình.
Vị giáo sư bày tỏ, "một nhà lãnh đạo phải biết cách dẫn dắt câu chuyện. Kể một câu chuyện hấp dẫn và lắng nghe với sự đồng cảm đã đóng góp rất lớn vào thành công của tôi với tư cách là một nhà lãnh đạo."
Quan điểm của Ajit Singh đã được khoa học chứng minh. Vào năm 2009, các nhà khoa học của Carnegie Mellon đã phát hiện ra rằng việc đọc thực sự khiến bộ não của chúng ta có nhiều nếp nhăn hơn.
Xây dựng thói quen đọc sách cho thế hệ tương lai
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Neuron. Trong đó các nhà khoa học phát hiện ra rằng việc đọc sách làm tăng chất lượng chất trắng, mô não mang tín hiệu giữa các vùng chất xám - nơi xử lý thông tin. Nhờ cải thiện "tính toàn vẹn" của chất trắng, các đối tượng có thể giao tiếp tốt hơn và diễn đạt ý tưởng của mình chặt chẽ, thuyết phục hơn.
Các doanh nhân thành đạt và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đầu có chung một lời khuyên: Đọc nhiều sách hơn mức trung bình và bạn sẽ thành công hơn mức trung bình.
Người Trung Quốc xưa cho rằng nền tảng của một gia đình là "đọc". Đó là lý do vì sao thời xưa có có danh hiệu "gia đình khoa bảng". Lý do không chỉ bởi những người trong dòng họ này đều có dáng vẻ "nho nhã hiểu biết", mà còn bởi các thế hệ ở đây đều có phong cách "văn nhã, mực thước".
Có thể nói, hiếu học là một nét "gia phong". Nuôi dưỡng truyền thống gia đình lành mạnh là khoản đầu tư cho tương lai bền vững. Nhiều người cho rằng có tiền bạc để lại cho con cháu là quan trọng nhất nên chỉ chăm chăm kiếm tiền. Nhưng họ không bao giờ hiểu rằng rèn luyện được nề nếp, thói quen mới thực sự là khoản đầu tư lâu dài và ổn định nhất.
Có người cho rằng “Sách cũng giống như thuốc, đọc sách có thể chữa được bệnh dốt”. Dù là với cá nhân hay cả một gia đình, thì việc đọc sách đều mang lại những khoản "lợi nhuận" lâu dài. Chúng không thể định giá bằng tiền bạc nhưng có một điều có thể chắc chắn đó là tương lai nhất định vẻ vang.
Theo Aboluowang, Inc