Bài: Trọng Đạt
Bí mật của Rolex, thương hiệu kiên cố theo thời gian: Trong thành công ẩn chứa cái lý nhân sinh.
Mọi người đều khao khát sở hữu một chiếc đồng hồ Rolex đắt giá được trưng bày trong những tủ kính sang trọng ngoài kia. Thế nhưng ít ai biết rằng doanh nghiệp chế tác ra những chiếc đồng hồ này lại không có người sở hữu, nó cũng không phải đóng thuế cho quốc gia và đặc biệt là chẳng ai biết được họ kiếm được bao nhiêu tiền từ việc bán đồng hồ.
Tài năng kinh doanh tạo nên một thương hiệu huyền thoại.
Hans Wilsdorf khi đã gây dựng được sự nghiệp cùng chiếc đồng hồ.
Năm 1902, Hans Wilsdorf cùng người họ hàng là Alfred Davis thành lập công ty Wilsdorf and Davis (W and D) tại London, chuyên kinh doanh các loại đồng hồ Thụy Sĩ. Thế nhưng, tên công ty ông dường như quá dài và khó phát âm, vì vậy Wilsdorf muốn chọn một cái tên dễ nhớ hơn với tất cả các quốc gia và ngôn ngữ. “Rolex” đã ra đời với lý do như thế.
Trong thời gian này, chiến tranh thế giới khiến việc kinh doanh ở Anh chẳng mấy khá khẩm, giá các loại kim loại quý tăng mạnh. Vì vậy ông quyết định chuyển hướng hoạt động của công ty sang Geneva, Thụy Sĩ. Kể từ đó, cái tên Rolex trở thành thương hiệu của một loại đồng hồ cao cấp xứ sở Bắc Âu.
Cuộc đời bất hạnh .
Wilsdorf quả thật là người biết làm ăn, ông tận dụng mọi cơ hội quảng bá và liên tục cải tiến sản phẩm, khiến cho việc kinh doanh phát đạt không ngừng. Thế nhưng, niềm vui kéo dài không lâu thì bất hạnh đã ập đến với ông. Năm 1944, người vợ thân yêu của ông qua đời, đáng tiếc hơn nữa là họ chưa kịp có với nhau một người con nào.
Vì tình yêu sâu đậm dành cho vợ, Wilsdorf quyết định không kết hôn thêm lần nào nữa. Từng là một đứa trẻ mồ côi, và giờ đây một lần nữa không có ai để sẻ chia tình cảm, thật khó mà tưởng tượng nổi Wilsdorf đã khó khăn như thế nào để vượt qua.
Kể từ đó ông quyết định xây dựng một quỹ từ thiện mang tên mình. Sử dụng toàn bộ cơ nghiệp mà mình gây dựng được để tài trợ cho những trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn như ông ngày xưa. Tất nhiên, Rolex cũng nằm trong danh sách tài sản được quyên góp.
Dù sao Rolex cũng là đứa con tinh thần đã tốn nhiều tâm sức của Wilsdorf. Ông không thể phó thác nó cho một ai khác, ông muốn cái tên Rolex trường tồn với thời gian. Vì thế, người chủ doanh nghiệp này đã chọn một cách khác để quyên tặng nó.
Trong di chúc của mình, Rolex sẽ được giao cho quỹ từ thiện kể trên. Hơn nữa sẽ có một hội đồng quản trị gồm 5 người sẽ thay ông vận hành công ty, nhưng không có ai là chủ sở hữu của nó cả.
Hội đồng quản lý Rolex với 2 mục tiêu cơ bản.
Một là duy trì và phát triển Rolex trở thành doanh nghiệp trường tồn với thời gian.
Hai là, sử dụng lợi nhuận kiếm được để tài trợ cho các hoạt động từ thiện.
Những thành công của một tổ chức phi lợi nhuận.
Giờ đây Rolex là chiếc đồng hồ đắt giá mà mọi quý ông đều muốn sở hữu.
Cách làm này đem lại một lợi thế cạnh tranh không ngờ tới cho Rolex. Kể từ khi nó được trao cho quỹ từ thiện, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trở thành hoạt động phi lợi nhuận và nghiễm nhiên không phải đóng thuế. Vì mục tiêu tài trợ cho các hoạt động từ thiện và lưu giữ cái tên Rolex như một di sản của Wilsdorf, hoạt động kinh doanh của nó không bị kiểm soát bởi chính phủ. Và gần như chẳng ai biết được doanh thu chính xác của nó là bao nhiêu.
Tuy nhiên, có nhiều đồn đoán rằng doanh thu hàng năm của Rolex rơi vào khoảng 4 tỷ USD/năm. Vì không phải chia cổ tức cho bất kỳ ai, nhiều người ước tính, dù Rolex không bán ra một chiếc đồng hồ nào, nó vẫn có đủ tiền để duy trì hoạt động trong nhiều năm sau đó. Và dĩ nhiên công ty này trở thành tổ chức phi lợi nhuận tạo ra lợi nhuận lớn nhất thế giới.
Cũng vì thế mà chính sách đãi ngộ của Rolex dành cho nhân viên cũng khiến nhiều người thèm muốn. Bên cạnh khoản lương hậu hĩnh, nhân viên ở đây cũng có nhiều kỳ nghỉ hấp dẫn quanh năm. Do đó tỷ lệ thôi việc ở Rolex chỉ là 1%, mà trong ngành kỹ nghệ đồng hồ thì những nhân viên có tay nghề cao cũng đáng giá cả một gia tài.
Mấy ai hiểu được cái lý nhân sinh, tiền bạc của cải là vật ngoài thân?
Mặc dù Wilsdorf chỉ còn là một cái tên ít người biết đến, nhưng đứa con tinh thần của ông vẫn đang tiếp tục lớn mạnh. Và giờ đây vẫn có biết bao người ao ước được một lần đeo chiếc đồng hồ thời thượng và lịch lãm như thế trên tay.
Có người đến khi chết vẫn cố nắm chặt tất cả, thế nhưng có lẽ cách tốt nhất để mọi thứ được lưu giữ lại chính là thả tay ra. Rolex ngày nay không phải là một doanh nghiệp do ai đó sở hữu, và nó cũng không phục vụ cho bất kỳ cá nhân nào. Nó phục vụ tất cả mọi người!
Ảnh: Wilsdorf người sáng lập ra Rolex
Siêu sao bóng đá Cristiano Ronaldo chủ sở hữu của chiếc đồng hồ Rolex đắt nhất trong lịch sử - Rolex GMT Master Ice với mức giá 371.000 GBP (tương đương gần 11 tỷ đồng)
Từ fb Vỹ Hoàng