Monday, September 23, 2024

Quản trị lạc quan thời khủng hoảng


Đưa tinh thần lạc quan vào quản trị vốn đã không phải là điều đơn giản. Nó lại càng phức tạp hơn khi công ty/doanh nghiệp bước vào giai đoạn thay đổi/chuyển giao do những tác động từ cuộc suy thoái kinh tế.Có một thực tế không ai có thể phủ nhận, cuộc suy thoái kinh tế vẫn cứ diễn ra và những tác động của nó thì ngày càng rõ. Sự xáo trộn, thay đổi và chuyển giao đã, đang và sẽ còn diễn ra trong một loạt công ty/doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, ngành nghề. Càng ở thời điểm khó khăn, các công ty/doanh nghiệp lại càng cần những đầu tàu đủ tỉnh táo, đủ khôn ngoan và thật vững chắc để có thể kéo cả đoàn tàu chạy đúng đường ray. Đây cũng là lúc nhà quản trị thể hiện tầm nhìn và bản lĩnh của mình. Trên tất cả, bản lĩnh của một nhà quản trị lúc này chính là lấy lại tinh thần lạc quan, thái độ làm việc tích cực và truyền cảm hứng để mọi người tin tưởng, tiếp tục làm việc và không ngại cống hiến.

1Không che giấu sự thật

Thực tế cho thấy, khi doanh nghiệp đối diện với những khủng hoảng, thay đổi, không ít nhà quản trị tìm cách che giấu sự thật. Công bố toàn bộ những khó khăn là điều mà các nhà quản trị cần phải tránh nhưng tìm cách bưng bít, giấu giếm thực tế thì lại là một điều hết sức không nên. Bởi nhân viên họ cũng đủ nhạy cảm để biết những thay đổi và khó khăn đang diễn ra. Và như thế, vô hình chung, những cuộc “tám chuyện”, “buôn dưa lê” lại càng đẩy bầu không khí nội bộ thêm ngột ngạt bởi những thông tin không chính thống dẫn đến nhân viên bị mất phương hướng, mất niềm tin.

Thay vào đó, hãy trấn an sự “khủng hoảng” của nhân viên, loại bỏ những thông tin sai lệch bằng những thông tin được phép công bố và trong tầm kiểm soát. Hãy tạo ra những buổi nói chuyện thẳng thắn để chia sẻ những khó khăn khách quan và chủ quan của công ty, những vấn đề công ty đang gặp phải. Sự chia sẻ đúng lúc, đúng thời điểm luôn mang lại những giá trị không ngờ, ít nhất là xóa bỏ được ngăn cách giữa nhà quản trị và nhân viên. Đồng thời, trong những buổi nói chuyện thế này, hãy đặt nhân viên vào vai trò một nhà đóng góp, chứ không phải là gánh nặng của doanh nghiệp. Như thế, nhà quản trị sẽ tìm thấy sự đồng cảm và sau đó là sự chung tay để đưa công ty/doanh nghiệp bước qua giai đoạn khó khăn.

2Tạo cảm giác an toàn

Một khi công ty/doanh nghiệp lâm vào tình trạng thay đổi, khó khăn, việc trấn an để nhân viên vẫn tìm thấy cảm giác an toàn là điều mà mọi nhà quản trị cần phải làm ngay tức thì. Bởi nếu không, doanh nghiệp rất có thể sẽ phải đối mặt với cả hai tình huống, những người có năng lực thật sự sẽ đi tìm một cơ hội mới còn những người ở lại sẽ như đàn ong vỡ tổ, bấn loạn với những lo lắng cho tương lai của chính mình. Thế nên, cảm giác an toàn là điều mà nhân viên trông chờ lúc này. Hãy đưa ra những cam kết về công việc và quyền lợi đồng thời hướng đến cái nhìn tích cực. Tất nhiên, những cam kết đó cũng phải được thực hiện ngay lập tức chứ không phải nói rồi để đó.

“Càng ở thời điểm khó khăn, các công ty/doanh nghiệp lại càng cần những đầu tàu đủ tỉnh táo, đủ khôn ngoan và thật vững chắc để có thể kéo cả đoàn tàu chạy đúng đường ray. Đây cũng là lúc nhà quản trị thể hiện tầm nhìn và bản lĩnh của mình.”

3Khích lệ – Tạo cơ hội phát triển

Trong một bài phát biểu tại Hàn Quốc mới đây, Jack Ma có nói: “Ở đâu có phàn nàn, ở đó có cơ hội”. Nền kinh tế phát triển chậm cũng là thời điểm vàng cho các công ty/doanh nghiệp xem xét và tái cấu trúc. Đầu tiên, hãy hướng nhân viên vào cái nhìn tích cực bằng cách nói “cốc nước đầy một nửa chứ không phải vơi một nửa”. Tiếp đó, hãy tìm đến nước cờ mang tên “khích lệ”, biến nhân viên trở thành những người đóng góp. Sẽ là một không khí hăng say làm việc nếu nhà quản trị kêu gọi nhân viên ở các bộ phận khác nhau đưa ra các ý tưởng để đổi mới và phát triển. Hãy cho họ được chứng minh năng lực và khả năng thành công của những ý tưởng. Sẽ là những đóng góp không nề hà nếu các nhà quản trị trao cho nhân viên quyền biến những ý tưởng đó thành hành động. Và như thế, nhà quản trị đã tạo được một cơ hội cho sự tái thiết và mở đường phát triển. Và rất có thể, nhờ đó, doanh nghiệp sẽ tìm thấy lời giải cho bài toán khó khăn trước mắt để có những hướng đi mới cho doanh nghiệp.

4Lạc quan về tương lai

Cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ không thể kéo dài mãi. Kinh tế rồi sẽ lại phục hồi và hưng thịnh. Khó khăn đến mấy nếu biết cách vượt qua cũng sẽ phải chịu thua bạn. Và một trong những liều thuốc tuyệt vời nhất khi đối diện với sự khó khăn chính là một tinh thần lạc quan. Một cái nhìn tích cực, lạc quan sẽ giúp nhà quản trị sớm tìm ra những đối sách để loại trừ những khó khăn. Sự tích cực và cái nhìn lạc quan của nhà cầm quân cũng sẽ truyền niềm tin và cảm hứng cho những người xung quanh. Eddie Rickenbacker, một doanh nhân trong lĩnh vực hàng không thời thế chiến thứ hai từng nói: “Suy nghĩ tích cực và bao quát, với sự tự tin và tin tưởng. Có như vậy cuộc sống mới trở nên an toàn hơn, đầy ắp những hành động, có nhiều kinh nghiệm và thành tựu hơn”. Còn Churchill, cố thủ tướng Anh thì nói một người lạc quan luôn tìm thấy cơ hội trong mọi khó khăn.

5Hành động, hành động và hành động

Giai đoạn khó khăn của nền kinh tế cũng là lúc tuyệt vời để các doanh nghiệp tái cấu trúc. Thất bại không phải là kết thúc. Thế nên, nếu bạn đã thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề doanh nghiệp đối diện, những trở ngại, khó khăn và thách thức. Thì đã đến lúc bạn sửa chữa những sai lầm đó bằng hành động để triệt tiêu những khó khăn đó và đưa doanh nghiệp bước vào giai đoạn mới.

Hãy hành động như những cục pin đầy ắp năng lượng để lan tỏa nguồn năng lượng và tạo nguồn cảm hứng cho toàn bộ nhân viên. Hãy mạnh dạn thay đổi bởi một cỗ máy đã ì ạch thì luyến tiếc làm gì, nó cần bạn làm mới, nó cần bạn tiếp thêm năng lượng. Hãy tìm đến bài học từ những sai lầm trước đó để đưa ra những quyết sách khôn khéo và dứt khoát. Hãy tận dụng những gì đang có đồng thời cũng phải bắt nhịp với những đòi hỏi mới của thị trường. Hãy gắn kết các thành viên chủ chốt trong công ty/doanh nghiệp để tạo nên những đầu tàu vững chãi để từ đó phát huy sở trường, sức mạnh của mỗi nhân viên. Một khi bạn đã có sự chung tay, đồng lòng thì không khó khăn nào là không thể vượt qua.

st