Thursday, October 3, 2024

Đối với người học vấn cao, nghèo đồng nghĩa với thất bại?

(tuy showcase ở đây là chuyện bên Tàu, nhưng XH đó cũng nhiều điều đáng để nhìn và ngẫm lắm, cứ đọc đi, coi mình nghĩ sao?)

----------

Bài đăng đại khái như thế này: "Tôi đã tốt nghiệp đại học Thanh Hoa được 5 năm, và đạt được mức lương 520.000 NDT/năm. Như thế đã gọi là thành công chưa?"

Có một số người hâm mộ, còn một số khác thì ghen tị. Trọng tâm bàn tán của mọi người đa phần đều nhắm vào thu nhập của anh ấy, bảo rằng bấy nhiêu đó không xứng đáng với sự dạy dỗ của đại học Thanh Hoa (Trung Quốc).

Đồng ý rằng là khả năng kiếm tiền cũng phản ánh năng lực toàn diện của một người ở một mức độ nhất định. Sự thành công đôi khi cũng đi kèm với mức thu nhập, đó là sự tiến bộ của thời đại.

Nhưng, đối với những người trí thức, nếu chúng ta chỉ dùng tiền để làm tiêu chuẩn của sự thành công thì thật sự có vấn đề. Vì vậy, bình luận được "thả like" nhiều nhất trong các bình luận, chính là:

"Tốt nghiệp đại học Thanh Hoa, tiền lương không phải là trên hết, nhưng cũng không có nghĩa là nó không quan trọng. Là những người ưu tú vượt bậc những người khác, các bạn nên xem mình đã có những đóng góp lớn lao gì cho sự tiến bộ của xã hội và loài người chưa.

Có người đã tính rằng, ở Bắc Kinh, nếu muốn độc lập, tự do tài chính thì cần tối thiểu là 1,5 tỷ NDT. Những cuốn sách bán chạy nhất trong các hiệu sách ở sân bay đều viết về tính ngoan cường, đầu tư, thành công và những thứ tương tự.

Ẩn ý đằng sau tất cả những điều này dường như đều là: định nghĩa thành công của thời đại hiện nay chính là kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền.

Một giáo sư của đại học sư phạm Bắc Kinh từng nói với các sinh viên của mình: ‘Khi 40 tuổi, nếu các bạn không có đủ 40 triệu NDT trong người thì đừng hòng đến gặp tôi và đừng nói rằng bạn là học trò của tôi... Đối với những người có học vấn cao, nghèo đói có nghĩa là xấu hổ và thất bại’.

Chỉ một lời nói làm náo động hết cả lên. Việc sử dụng tiền làm thước đo thành công duy nhất, liệu đó là sự tiến bộ của xã hội, hay sự thụt lùi của xã hội?".

Đối với người học vấn cao, nghèo đồng nghĩa với thất bại? Thực tế, tiền không phải thước đo thành công duy nhất!   - Ảnh 1.

Một vài năm trước, Tiền Lý Quần, một giáo sư cao cấp tại khoa tiếng Trung của đại học Bắc Kinh, đã nói về chủ đề "người theo chủ nghĩa vị kỷ tuyệt đối": "Vấn đề mấu chốt của những người theo chủ nghĩa ích kỷ tuyệt đối chính là họ không có niềm tin, không có sự quan tâm sâu sắc, lòng từ bi vĩ đại, tinh thần trách nhiệm, họ chỉ có tư lợi. Thỏa mãn ham muốn riêng chính là mục tiêu duy nhất mà họ theo đuổi".

Chủ tịch ủy ban chiến lược giải trí Alibaba, Cao Hiểu Tùng cũng có đồng quan điểm: "Bạn không hỏi bạn có thể làm gì để thay đổi xã hội này mà lại đi hỏi chúng tôi rằng bạn nên tìm công việc gì. Bạn có cảm thấy bản thân xứng đáng với hơn mười năm học tại Thanh Hoa của mình hay không?".

Xã hội ngày càng tiến bộ, nhưng tại sao lại tạo ra một số lượng lớn những người "vị kỷ tuyệt đối" như thế? Đó chính là mặt trái của việc dùng tiền bạc làm tiêu chí duy nhất để đo lường thành công.

Vừa qua, lễ trao giải "Jack Ma Rural Teacher Award" lần thứ 4 đã được tổ chức tại Tam Á, Hải Nam. 100 giáo viên nông thôn trên khắp cả nước đã được trao giải, điều này một lần nữa đẩy nhóm giáo viên nông thôn đến trước mắt công chúng.

Nhiều thầy cô giáo có tài, lẽ ra phải đến những thành phố phồn hoa để mưu cầu cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng họ lại sẵn sàng ôm lấy cái nghèo, bám rễ ở vùng nông thôn heo hút để truyền ngọn lửa giáo dục, trở thành trái tim của những đứa trẻ bất hạnh ở nơi đây.

Hơn một thập kỷ trước, Lương Hồng Hà, 22 tuổi, vừa tốt nghiệp tại một trường đại học danh tiếng, cô đến Bắc Kinh và chuẩn bị "phô diễn" kỹ năng của mình. Bỗng một ngày, ở Trung Quan Thôn, cô nhìn thấy một bức ảnh quảng cáo công ích về những đứa trẻ bị bỏ rơi, đó là hình ảnh một đôi bàn tay nhỏ bị tê cóng.

Lòng cô chợt xúc động. Vì thế, cô đã đến một trường tiểu học nhỏ ở thị trấn Kỳ Sơn, huyện Lễ, thành phố Long Nam, tỉnh Cam Túc. Bắt đầu làm một giáo viên dạy thay ở nông thôn.

Trong năm tiếp theo, chất lượng giảng dạy của trường tiểu học đó ngày càng được nâng cao, nội dung chương trình giảng dạy cũng trở nên phong phú và nhiều màu sắc hơn, thành tích của trường đã tăng vọt từ trung bình lên hàng đầu trong huyện.

Đối với người học vấn cao, nghèo đồng nghĩa với thất bại? Thực tế, tiền không phải thước đo thành công duy nhất!   - Ảnh 2.

Những gì Lương Hồng Hà đã làm chắc chắn không chỉ có vậy, hầu hết trẻ em trong làng đều là trẻ em bị bỏ rơi và thiếu sự chăm sóc. Lương hồng Hà vừa làm giáo viên vừa làm phụ huynh: đối với những đứa trẻ bị ốm, cô cho chúng đến trạm y tế qua đêm để truyền dịch. Vào mùa đông, khi bàn tay của bọn trẻ bị nứt nẻ, cô bôi kem chống tê cóng cho từng đứa một.

Hết một năm, khi chuẩn bị đi, nhìn ánh mắt lưu luyến của bọn trẻ, cô mềm lòng suy nghĩ, rồi quyết định ở lại thêm một năm nữa. Kết quả là, thời gian lưu trú này đã kéo dài đến tận mười năm.

Giáo viên Lương hồng Hà cũng không phải một ví dụ duy nhất. Trong số những giáo viên từng đoạt giải thưởng Jack Ma này, ai ai cũng đều mang trong lòng loại nhiệt huyết đó để truy tìm ý nghĩa cuộc đời họ.

Khi được hỏi đến, những vị giáo viên này chia sẻ:

"Bọn trẻ vẫn cần tôi, vì thế tôi không thể rời đi!".

"Tiền không có ý nghĩa cụ thể đối với tôi, ở cùng bọn trẻ là một niềm vui sống mà tôi luôn theo đuổi".

Những người thầy này tuy nghèo nhưng liệu họ có thất bại trong cuộc sống không? Không, ngược lại họ còn là những người thành công hơn một số người có tiền nữa.

Hãy sống theo cách mình thích, hết mình với trách nhiệm và sứ mệnh của mình, đóng góp điều có ích cho xã hội. Đó mới là một cuộc sống thành công khiến vô số người ngưỡng mộ.

Chúng tôi hâm mộ những người có khả năng kiếm được nhiều tiền, và chúng tôi cũng tôn trọng những người "sẵn sàng nghèo" để cống hiến cho cuộc đời này.

Tiền là một thước đo thành công, nhưng nó không nên là thước đo thành công duy nhất.

(Sohu)

Trần Anh_Theo Tri thức Trẻ