Monday, April 4, 2022

"Đói ăn" trên quy mô toàn cầu giữa thế kỷ 21

"Đói ăn" trên quy mô toàn cầu giữa thế kỷ 21: Điều không tưởng này xảy ra như thế nào?

Chiến tranh, lạm phát và thời tiết khắc nghiệt đang kết hợp với nhau tạo ra cơn khủng hoảng lương thực trên toàn cầu.

Ngay cả trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, giá lương thực đã tăng trên khắp thế giới. Chi phí vận chuyển cao hơn, lạm phát năng lượng, tình trạng thiếu lao động hậu đại dịch, kết hợp với thời tiết khắc nghiệt đã khiến giá lương thực tăng chóng mặt.

Giá lương thực toàn cầu đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Chỉ số tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc đã tăng hơn 40% trong 2 năm qua. Chiến sự nổ ra ở một trong những quốc gia là "giỏ bánh mì" lớn nhất thế giới, cộng thêm các lệnh trừng phạt đối với Nga. Một số quốc gia còn thực hiện bảo vệ nguồn cung lượng thực của chính họ, làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng đói toàn diện.

Sản xuất bị gián đoạn

Cuộc chiến ở Ukraine ban đầu đã làm trì trệ nguồn cung nông nghiệp quan trọng mà khu vực Biển Đen vận chuyển đến các thị trường trên thế giới. Từ lúa mì, dầu thực vật đến phân bón, tất cả đều bị gián đoạn do các cảng của Ukraine bị đóng cửa và tàu thuyền không thể tiếp cận.

Người nông dân Ukraine sẵn sàng lao vào trồng trọt bất cứ khi nào, nhưng giao tranh đang diễn ra có thể khiến họ không trồng hoặc thu hoạch được những loại cây trồng đã gieo.

Một nhà xuất khẩu lương thực lớn của Ukraine, MHP SE, đã xoay chuyển sang cung cấp lương thực cho quân đội và người dân Ukraine tại các thành phố xảy ra giao tranh. Mặt khác, các lô hàng lúa mì của Nga tăng trở lại, với một số chuyến hàng được xuất khẩu sang các nước thường nhập khẩu từ Ukraine.

Đói ăn trên quy mô toàn cầu giữa thế kỷ 21: Điều không tưởng này xảy ra như thế nào? - Ảnh 1.

Nga và Ukraine chiếm 1/4 lượng giao thương ngũ cốc toàn cầu

Cơn sốt năng lượng gia tăng

Giá năng lượng bắt đầu tăng cao vào năm 2021, khi nhu cầu của nền kinh tế hồi phục sau đại dịch vượt xa nguồn cung. Bên cạnh đó, năng lượng và thực phẩm có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Ở châu Âu, giá khí đốt tự nhiên tăng cao. Đây là nhiên liệu đầu vào chính để sản xuất phân đạm. Điều này đã buộc các cơ sở phải cắt giảm sản xuất. Giá nhiên liệu mà nông dân dùng để sưởi ấm chuồng trại và vận hành các thiết bị sản xuất thực phẩm cũng đang tăng chóng mặt.

Thêm vào chuỗi căng thẳng là các lệnh trừng phạt chống lại Nga, nhà cung cấp năng lượng lớn cho thế giới. Mỹ và Anh sẽ cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm năng lượng khác của Nga.

Chi phí năng lượng tăng cao do xung đột giữa Nga và Ukraine khiến Mỹ phải xả kho khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ nguồn dự trữ chiến lược trong 6 tháng. Đây được cho là một động thái chưa từng có, phản ánh mối lo ngại của chính quyền Tổng thống Biden đối với giá xăng tăng và thiếu hụt nguồn cung.

Nguồn cung phân bón bất ổn

Phân bón là yếu tố quan trọng đối với hầu hết các loại cây trồng. Giá phân bón đã tăng trên toàn thế giới trước khi chiến sự bùng nổ. Nguồn cung đứt gãy và sản xuất gặp khó khăn đã đẩy giá phân bón lên cao. Bây giờ, chiến tranh đã đặt ra những vấn đề mới.

Nga là nhà cung cấp lớn cho mọi loại phân bón thiết yếu cho cây trồng. Quốc gia này đã kêu gọi các nhà sản xuất phân bón trong nước cắt giảm xuất khẩu trong tháng 3, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào vốn rất quan trọng đối với người trồng trọt.

Động thái của Nga gây thêm bất ổn cho thị trường toàn cầu khi nông dân Brazil, nước nhập khẩu phân bón lớn nhất thế giới, đang gặp khó khăn trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ cung cấp phân bón cho các quốc gia có "quan hệ hữu nghị" với Nga, mặc dù trước hết Nga vẫn cần đảm bảo nguồn cung cho chính thị trường nội địa.

Đói ăn trên quy mô toàn cầu giữa thế kỷ 21: Điều không tưởng này xảy ra như thế nào? - Ảnh 2.

Giá phân bón tăng điên cuồng.

Xuất hiện chủ nghĩa dân tộc lương thực

Các chính phủ đang thực hiện các bước để giữ nguồn cung lương thực cho quốc gia mình, một động thái có khả năng kéo dài lạm phát lương thực. Hungary, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia và Ai Cập đều đã áp đặt hoặc đe dọa giới hạn đối với xuất khẩu nông sản, từ lúa mì đến dầu ăn, nhằm cố gắng giảm giá lương thực trong nước và bảo vệ nguồn cung thực phẩm nội địa.

Dòng chảy thương mại bị gián đoạn ở Biển Đen có thể sẽ gây tổn hại cho các quốc gia châu Phi và châu Á, vốn dựa vào "giỏ bánh mì" của châu Âu để nuôi sống người dân. Ví dụ, Ai Cập là nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất và 86% nguồn cung trong năm 2020 là từ Nga và Ukraine.

Đói ăn trên quy mô toàn cầu giữa thế kỷ 21: Điều không tưởng này xảy ra như thế nào? - Ảnh 3.

Xuất khẩu lúa mì của Ukraine đến các quốc gia.

Mua bán hoảng loạn

Cơn sốc lương thực đã lan đến các kệ hàng trong siêu thị. Tâm lý lo ngại giá dầu hướng dương tăng cao đã kích thích hoạt động mua bán ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay cả Indonesia là nước xuất khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới cũng cảm thấy được sự căng thẳng. Các siêu thị đã hạn chế số lượng dầu ăn mà mỗi người có thể mua. Vì thế, các gia đình đem theo trẻ nhỏ xếp hàng dài để có thể mua được nhiều dầu ăn hơn.

Nỗi lo về nguồn cung lương thực cũng đã xuất hiện ở hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang mua ngô và đậu tương của Mỹ để đảm bảo nguồn cung khi Bắc Kinh tăng cường chú trọng vào an ninh lương thực.

Nhu cầu bị phá hủy

Khi lượng mua giảm vì người tiêu dùng không đủ khả năng mua, các nhà kinh tế gọi đó là "sự phá hủy nhu cầu". Tại Ấn Độ, sự phục hồi nhanh chóng của dầu thực vật đã khiến lượng mua giảm. Quốc gia này là nhà nhập khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới. Họ không thể thiếu các món chiên nướng và các hình thức nấu ăn khác, trong khi người tiêu dùng thì cực kỳ nhạy cảm với giá cả.

Ở Mỹ, hạn chế về ngân sách có nghĩa là các ngân hàng thực phẩm và cửa hàng thức ăn sẽ phải phân phối đồ ăn để nuôi những người đói ở nước. Người Mỹ đang phải vật lộn với chi phí xăng dầu, điện nước và tiền thuê nhà đắt đỏ. Số tiền còn lại của họ để mua thực phẩm ngày càng ít hơn.

Các lựa chọn thay thế cho nguồn cung

Các nhà cung cấp toàn cầu khác có thể thực hiện các bước để lấp đầy sự thiếu hụt trong kho dự trữ. Ví dụ, Ấn Độ đã tăng các lô hàng lúa mì trong những năm gần đây và có thể thúc đẩy xuất khẩu lên mức kỷ lục 12 triệu tấn nếu xung đột kéo dài.

Nhưng nhiều quốc gia thường có thể bù đắp sự thiếu hụt thì lại phải đối mặt với các vấn đề sản xuất. Tại Brazil, nhà cung cấp ngô và đậu nành lớn, hạn hán khốc liệt đã khiến cây trồng bị khô héo. Thời tiết khô hạn cũng khiến những cánh đồng ở Canada và một số vùng của Mỹ héo rũ.

Theo một báo cáo gần đây của chính phủ Mỹ, diện tích trồng lúa mì cho năm 2022 dự kiến sẽ chỉ tăng 1% và sẽ phải mất vài tháng trước khi những cánh đồng đó được thu hoạch.

Theo Bloomberg

Khánh Ly, nguồn CafeF